Điều 1. Luật này được gọi là “Luật quốc tịch B.E. 2508”.

Điều 2. Luật này có hiệu lực chính thức từ ngày đăng Công báo Chính phủ.

Điều 3. Những Luật sau đây sẽ được bãi bỏ:

(1) Luật quốc tịch B.E. 2495;

(2) Luật quốc tịch (số 2), B.E. 2496;

(3) Luật quốc tịch (số 3), B.E. 2499;

(4) Luật quốc tịch (số 4), B.E. 2503).

Điều 4. Trong Luật này:

“Người nước ngoài” có nghĩa là một người không có quốc tịch Thái Lan;

“Cán bộ có thẩm quyền” nghĩa là người được Thủ tướng chỉ định để thực thi Bộ luật này;

“Bộ trưởng” nghĩa là Bộ trưởng chịu trách nhiệm quản lý và điều hành việc thực thi Bộ luật này.

Điều 5. Việc được công nhận quốc tịch Thái Lan theo Điều 9 hoặc 12, tước quốc tịch Thái Lan quy định tại Chương II, hay việc trở lại quốc tịch Thái Lan quy định tại Chương III, có hiệu lực bắt đầu từ thời điểm đăng công báo và có hiệu lực riêng.

Điều 6. Bộ trưởng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm quản lý và điều hành việc thực hiện Luật này và có quyền chỉ định những cán bộ có thẩm quyền và ban hành những qui định cấp Bộ qui định các mức phí không vượt quá hạn mức theo Phụ lục của Luật này, và miễn phí cho bất kỳ ai đáp ứng đủ yêu cầu trong những trường hợp sau:

(1) Đăng ký nhập quốc tịch Thái Lan;

(2) Chứng nhận quốc tịch Thái Lan;

(3) Đăng ký trở lại quốc tịch Thái Lan.

Những qui định của Bộ trưởng sẽ có hiệu lực từ thời điểm đăng Công báo.

.Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi:  1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

CHƯƠNG I

CÓ QUỐC TỊCH THÁI LAN

Điều 7. Những người sau đây được công nhận có quốc tịch Thái Lan do sinh ra:

(1) Trẻ em được sinh ra có cha hoặc mẹ mang quốc tịch Thái Lan, không kể được sinh ra ở trong hay ngoài lãnh thổ Thái Lan;

(2) Trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Thái Lan trừ những người được qui định tại Điều 7 bis, đoạn 1.

Điều 7. bis. Trẻ em được cha mẹ là người nước ngoài sinh ra tại Thái Lan không được công nhận là công dân Thái Lan nếu tại thời điểm sinh, người cha theo pháp luật hoặc cha đẻ mà chưa kết hôn với người mẹ, hoặc mẹ đẻ là:

(1) Người được cho phép sinh sống tạm thời tại Thái Lan như một trường hợp đặc biệt;

(2) Người được phép tạm trú ở Vương quốc Thái Lan;

(3) Người mới vào sinh sống tại Thái Lan mà không được phép theo Luật nhập cư.

Trong trường hợp Bộ trưởng xét thấy hợp lý, ông có thể xem xét và đồng ý cấp quốc tịch Thái Lan cho bất kỳ ai qui định tại đoạn 1 phù hợp với các qui định đã được Chính phủ đưa ra.

Một người được sinh ra tại Thái Lan và không có quốc tịch Thái Lan theo đoạn một được coi là đã vào sinh sống mà không được sự cho phép theo luật nhập cư trừ khi đã được cho phép theo luật về vấn đề cụ thể này.

Điều 8. Trẻ em do cha mẹ người nước ngoài sinh ra tại Thái Lan không có quốc tịch Thái Lan nếu tại thời điểm sinh, cha hoặc mẹ là:

(1) Trưởng một cơ quan ngoại giao hoặc một thành viên của tổ chức này;

(2) Trưởng một cơ quan lãnh sự quán hoặc thành viên của tổ chức này;

(3) Nhân viên hoặc chuyên gia của một tổ chức quốc tế;

(4) Thành viên của một gia đình, cho dù là thành viên bảo trợ hoặc được bảo trợ, đến từ nước ngoài để sinh sống với người quy định tại mục (1), (2) hoặc (3).

Điều 9.Phụ nữ là người nước ngoài kết hôn với một người có quốc tịch Thái Lan nếu muốn mang quốc tịch Thái Lan có thể đệ trình đơn xin nhập quốc tịch lên cán bộ có thẩm quyền theo mẫu và hướng dẫn được qui định trong “Những qui định của Bộ trưởng”.

Việc đồng ý hoặc từ chối cho phép nhập quốc tịch Thái Lan hoàn toàn phụ thuộc vào sự xem xét của Bộ trưởng.

Điều 10. Người nước ngoài đáp ứng những điều kiện sau đây có thể làm đơn xin nhập quốc tịch Thái Lan:

(1) Trở thành một thành viên tự lập (sui juris) theo qui định pháp luật Thái Lan và luật mà nhờ đó người đó có thể có quốc tịch;

(2) Có tư cách, đạo đức tốt;

(3) Có nghề nghiệp ổn định;

(4) Sinh sống ở tại Thái Lan từ 5 năm liên tục trở lên cho đến ngày nộp đơn xin nhập quốc tịch;

(5) Có khả năng sử dụng tiếng Thái Lan như qui định trong “Những quy định chung”.

Điều 11. Những khoản (4) và (5) trong Điều 10 sẽ được áp dụng nếu người đăng ký nhập quốc tịch Thái Lan;

(1) Đã hoàn thành nghĩa vụ đối với Thái Lan hoặc đã thực hiện các nhiệm vụ vì lợi ích của Nhà nước do Bộ trưởng xét thấy đã hoàn thành;

(2) Là con hoặc vợ của một người có quốc tịch Thái Lan hoặc đã được trở lại quốc tịch Thái Lan; hoặc

(3) Là người đã từng có quốc tịch Thái Lan.

Điều 12. Bất kỳ cá nhân nào mong muốn có quốc tịch Thái Lan có thể nộp đơn xin nhập quốc tịch cho cán bộ có thẩm quyền theo mẫu và hình thức được qui định tại “Những qui định của Bộ trưởng”.

Nếu người đăng ký nhập quốc tịch Thái Lan theo đoạn 1 có con chưa trưởng thành theo pháp luật Thái Lan và có chỗ ở tại Thái Lan thì đồng thời có thể xin nhập quốc tịch cho con. Trong trường hợp này, trẻ em được miễn việc đáp ứng các phẩm chất theo Điều 10 (1), (3), (4) và (5).

Việc chấp thuận hay từ chối nhập quốc tịch Thái Lan phụ thuộc vào sự xem xét của Bộ trưởng. Trong trường hợp đồng ý nhập quốc tịch, Bộ trưởng sẽ đệ trình vấn đề này để Quốc vương phê chuẩn. Sau khi được phê chuẩn, người đăng ký nhập quốc tịch phải khẳng định lòng trung thành với Vương quốc Thái Lan.

Một người đã được nhập quốc tịch Thái Lan có quyền xin giấy chứng nhận mang quốc tịch Thái Lan.

CHƯƠNG II

TƯỚC QUỐC TỊCH THÁI LAN

Điều 13. Phụ nữ mang quốc tịch Thái Lan kết hôn với người nước ngoài và có nguyện vọng mang quốc tịch của chồng có thể nộp đơn xin thôi mang quốc tịch Thái Lan (nếu muốn) cho cán bộ có thẩm quyền theo mẫu và hình thức đã qui định trong “Những qui định của Bộ trưởng”.

Điều 14. Người có quốc tịch Thái Lan có cha là người nước ngoài và đã có quốc tịch của cha theo luật pháp về quốc tịch của cha, hoặc người có quốc tịch Thái Lan theo Điều 12, đoạn 2, nếu muốn có thể giữ lại quốc tịch kia của họ bằng cách làm đơn xin thôi quốc tịch Thái Lan trong vòng 1 năm sau khi bước sang tuổi 20 theo mẫu và hình thức qui định trong “Những qui định của Bộ trưởng”.

Nếu sau khi xem xét đơn như đã nói trên, Bộ trưởng xét thấy có lý do chính đáng để người đó nhập quốc tịch của cha hoặc một quốc tịch nước ngoài, Bộ trưởng sẽ phê duyệt việc xin thôi quốc tịch. Trong trường hợp ở những nước mà Thái Lan đang có tranh chấp quân sự hay chiến tranh, Bộ trưởng có thể đề nghị trì hoãn việc thôi quốc tịch Thái Lan.

Điều 15. Trừ trường hợp như trong Điều 14, mọi cá nhân có quốc tịch Thái Lan và các quốc tịch khác, hoặc người được nhập quốc tịch Thái Lan, nếu muốn, có thể xin thôi quốc tịch Thái Lan bằng cách nộp đơn lên cán bộ có thẩm quyền theo mẫu và hình thức qui định trong “Những qui định của Bộ trưởng”.

Việc phê duyệt hay phản đối việc xin thôi quốc tịch Thái Lan phụ thuộc hoàn toàn vào sự suy xét của Bộ trưởng.

Điều 16. Đối với phụ nữ nước ngoài lấy chồng mang quốc tịch Thái Lan đã được nhập quốc tịch khi kết hôn sẽ bị tước quốc tịch Thái Lan nếu:

(1) Hôn nhân bị ảnh hưởng bởi việc che giấu sự thật hoặc gây ra bất kỳ một phát biểu nào sai trái với trong các vấn đề cụ thể;

(2) Gây ra bất kỳ một hành động nào không có lợi đến an ninh, hoặc mâu thuẫn với lợi ích của Nhà nước, hoặc xúc phạm danh dự đất nước Thái Lan;

(3) Gây ra bất kỳ một hành động nào trái với qui tắc cư xử công cộng và đạo đức.

Điều 17. Đối với người có quốc tịch Thái Lan do được sinh ra tại Thái Lan có cha là người nước ngoài sẽ bị tước quốc tịch Thái Lan nếu:

(1) Người đó đã sinh sống tại nước ngoài nơi cha có hoặc đã từng có quốc tịch trong vòng 5 năm liên tục tính từ ngày người đó trưởng thành;

(2) Có bằng chứng chứng tỏ rằng người đó sử dụng quốc tịch cha hoặc quốc tịch nước ngoài, hoặc có mong muốn tích cực được sử dụng quốc tịch của cha hoặc quốc tịch nước ngoài;

(3) Gây ra bất kỳ một hành động nào không có lợi đến an ninh, hoặc mâu thuẫn với lợi ích của Nhà nước, hoặc xúc phạm danh dự đất nước Thái Lan;

(4) Gây ra bất kỳ một hành động nào trái với qui tắc cư xử công cộng và đạo đức.

Dựa trên yêu cầu của Uỷ viên công tố, Bộ trưởng sẽ yêu cầu tước quốc tịch Thái Lan đối với người thuộc quy định tại khoản (1) và (2) Điều này và Toà án sẽ yêu cầu tước quốc tịch Thái Lan đối với người thuộc quy định tại khoản (3) và (4) Điều này.

Điều 18. Trong trường hợp cần thiết phải giữ gìn an ninh và lợi ích của quốc gia, Bộ trưởng được quyền tước quốc tịch Thái Lan của người có quốc tịch Thái Lan theo Điều 7 Bis. đoạn 2.

Điều 19. Bộ trưởng có quyền tước quốc tịch Thái Lan của những người xin nhập quốc tịch Thái Lan nếu:

(1) Việc nhập quốc tịch là do động cơ có che giấu hoặc khai báo sai trong một phần cụ thể nào đó;

(2) Có bằng chứng về việc người đó vẫn sử dụng quốc tịch trước kia của mình;

(3) Người đó gây ra bất kỳ hành động nào gây tổn hại đến an ninh hoặc mâu thuẫn với lợi ích của Nhà nước hoặc xúc phạm danh dự đất nước Thái Lan;

(4) Người đó gây ra các hành động trái với qui tắc cư xử công cộng và đạo đức;

(5) Người đó đã sinh sống ở nước ngoài mà không có chỗ ở tại Thái Lan trong vòng 5 năm trở lên;

(6) Người đó vẫn giữ quốc tịch của đất nước đang có chiến tranh với Thái Lan.

Việc tước quốc tịch Thái Lan theo đoạn này có thể mở rộng ra đối với trẻ em là con của người bị tước quốc tịch Thái Lan trong trường hợp những trẻ em này chưa đến tuổi thành niên và có quốc tịch Thái Lan theo Điều 12, đoạn 2. Bộ trưởng sau khi yêu cầu tước quốc tịch Thái Lan phải đệ trình vấn đề này lên Quốc vương.

Điều 20. Một Uỷ ban sẽ được thiết lập bao gồm Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Chủ tịch, một đại diện Bộ Ngoại giao, đại diện của cơ quan Hành chính, đại diện của cơ quan cảnh sát và một đại diện của cơ quan Dân sự làm thành viên có trách nhiệm xem xét việc tước quốc tịch Thái Lan theo Điều 16, 17(1) và 18, 19.

Đối với các trường hợp liên quan đến bất kỳ ai có thể bị tước quốc tịch Thái Lan, cán bộ có thẩm quyền đệ trình đơn xem xét lên Hội đồng. Sau khi xem xét, Hội đồng đề xuất ý kiến về cách giải quyết cho Bộ trưởng.

Điều 21. Người mang quốc tịch Thái Lan có cha là người nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài theo cha sẽ mất quốc tịch Thái Lan nếu người đó có thẻ chứng minh của người nước ngoài theo Luật đăng ký đối với người nước ngoài.

Điều 22. Công dân Thái Lan đã nhập quốc tịch nước ngoài, hoặc người đã thôi quốc tịch Thái Lan, hoặc đã bị tước quốc tịch Thái Lan sẽ mất quốc tịch Thái Lan.

CHƯƠNG III

TRỞ LẠI QUỐC TỊCH THÁI LAN

Điều 23. Phụ nữ có quốc tịch Thái Lan nhưng đã thôi quốc tịch Thái Lan khi kết hôn với một người nước ngoài như qui định tại Điều 13 có thể nộp đơn xin trở lại quốc tịch Thái Lan nếu cuộc hôn nhân đổ vỡ vì bất cứ lý do gì.

Khi nộp đơn xin nhập lại quốc tịch Thái Lan, cần viết đơn trình bày nguyện vọng cho cán bộ có thẩm quyền theo mẫu và hình thức qui định tại “Những qui định của Bộ trưởng”.

Điều 24. Trẻ em vị thành niên có quốc tịch Thái Lan sinh sống cùng với cha mẹ nếu muốn trở lại quốc tịch Thái Lan thì nộp đơn lên cán bộ có thẩm quyền theo mẫu và hình thức qui định trong “Những qui định của Bộ trưởng” trong vòng 2 năm kể từ ngày người đó trưởng thành theo pháp luật Thái Lan và pháp luật mà nhờ đó người đó có quốc tịch.

Việc chấp thuận hay từ chối xin trở lại quốc tịch Thái Lan hoàn toàn phụ thuộc vào sự xem xét của Bộ trưởng.

Mức phí.

(1) Đơn xin nhập quốc tịch Thái Lan mỗi lần 5,000 baht

(2) Đơn xin nhập quốc tịch Thái Lan mỗi lần 2,500 baht
dành cho con của người nộp đơn khi chưa thành niên

(3) Chứng nhận quốc tịch Thái Lan mỗi bản 500 baht

(4) Thay giấy chứng nhận quốc tịch Thái Lan mỗi bản 500 baht
(5) Đơn xin trở lại quốc tịch Thái Lan mỗi lần 1,000 baht
(6) Các loại đơn khác mỗi bản 5 baht.