Kính thưa quý khách hàng!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính chào công ty

Tôi muốn công ty giải đáp giúp tôi vướng mắc sau ạ: Địa phương tôi có lập một thư viện, vừa rồi trình bộ hồ sơ lên Phòng văn hóa và thông tin huyện để xin phép hoạt động. Qua tham khảo thông tin, được biết, mẫu cấp phép theo nghị định ở trên và chụp ảnh biểu mẫu (ở trang cuối của cái nghị định này) như ở trên. Và một số địa phương họ cũng đã cấp như thế. Địa phương có lập một thư viện, vừa rồi trình bộ hồ sơ lên Phòng văn hóa và thông tin huyện để xin phép hoạt động.

Qua tham khảo thông tin, được biết, mẫu cấp phép theo nghị định ở trên và chụp ảnh biểu mẫu (ở trang cuối của cái nghị định này) như ở trên. Và một số địa phương họ cũng đã cấp như thế.

Tuy nhiên, Vấn đề phát sinh là như sau:

Luật thư viện mới có hiệu lực ngày 01 tháng 07 năm 2020 vừa rồi.

Nghị định hướng dẫn cũng mới có hiệu lực sau đó, vào tháng 09.

Cho nên, lãnh đạo địa phương, bây giờ còn băn khoăn là: Liệu cái biểu mẫu cũ có còn hiệu lực hay không? Hay đã có một văn bản pháp luật mới nào đó quy định một mẫu mới khi cấp GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN.

Do vậy, nhờ Luật LVN Group tư vấn và làm rõ vấn đề này.

Trường hợp, biểu mẫu cũ vẫn còn hiệu lực thì Lãnh đạo địa phương sẽ cấp theo mẫu đó.

Trường hợp, có một văn bản mới nào đó quy định theo mẫu khác với mẫu hiện có, thì nó là văn bản nào, của cơ quan nào ban hành và hiệu lực từ ngày nào.

Có 2 lý do làm lãnh đạo địa phương lúng túng trong việc này:

01. Đây là trường hợp đầu tiên nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động thư viện;

02. Luật Thư viện vừa mới có hiệu lực, làm cho mọi thứ thay đổi, không còn theo quy cách của Pháp lệnh Thư viện trước kia nữa;

nhờ Luật LVN Group giải đáp điều này.

Mong sớm nhận được phản hồi từ phía công ty

Chân thành cảm ơn.

TRẢ LỜI:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật thư viện năm 2019;

– Nghị định 93/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật thư viện ;

– Nghị định số 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ;

– Thông tư 01/2020/TT- BVHTTDL quy định về các mẫu văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện do bộ văn hóa, thể thao và du lịch ban hành ;

NỘI DUNG TƯ VẤN

Điều 32 Nghị định 93/2020/NĐ-CP hướng dẫn luật thư viện quy định :

« Điều 32. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 10 năm 2020.

2. Nghị định số 72/2002/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Thư viện; Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; quy định của khoản 5 Điều 2 Nghị định số 01/2012/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ, hủy bỏ các quy định có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. »

Biểu mẫu số 03 được Ban hành kèm theo Nghị định số: 02/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ. Nghị định số: 02/2009/NĐ-CP hết hiệu lực từ ngày 05/10/2020.

Vì vậy, hiện tại biểu mẫu số 03 không còn được sử dụng vì nghị định số 02/2009/NĐ-CP đã hết hiệu lực.

Theo Điều 31 Nghị định 93/2020/NĐ-CP Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đăng ký hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (trước ngày 05/10/2020), nhưng chưa có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm nộp hồ sơ.

Tại thời điểm hiện tại, không quy định thủ tục đăng ký hoạt đột thư viện tư nhân.

Điều 9 Luật tư viện 2019 quy định:

Điều 9. Các loại thư viện

1. Thư viện bao gồm các loại sau đây:

a) Thư viện Quốc gia Việt Nam;

b) Thư viện công cộng;

c) Thư viện chuyên ngành;

d) Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân;

đ) Thư viện cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi là thư viện đại học);

e) Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác;

g) Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng;

h) Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

2. Thư viện được tổ chức theo các mô hình sau đây:

a) Thư viện công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và đại diện chủ sở hữu được tổ chức theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập hoặc phù hợp với mô hình của cơ quan, tổ chức chủ quản;

b) Thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.”

Điểm b Khoản 2 Điều 9 Luật thư viện 2019 quy định: Thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền thành lập thư viện khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với thư viện thành lập theo mô hình doanh nghiệp, việc thành lập thư viện thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Hiện nay, khi tổ chức, cá nhân thành lập thư viện chỉ cần thông báo theo quy định tại Điều 23 Luật thư viện 2019, cụ thể :

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện phải thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Hồ sơ thông báo bao gồm:

– Bản sao quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Các mẫu văn bản thông báo thành lập, sáp nhập, hợp nhất chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện được hướng dẫn bởi Thông tư 01/2020/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch ban hành ngày: 22/05/2020 có hiệu lực ngày 09/07/2020.

– Tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này đối với thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

3. Thời hạn thông báo được quy định như sau:

– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với thư viện công lập;

– Trước 30 ngày, tính đến ngày thư viện thực hiện việc mở cửa hoạt động, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với thư viện ngoài công lập.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ thông báo hợp lệ quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận thông báo, nếu hồ sơ thông báo không đủ tài liệu quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm gửi văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân bổ sung hoặc điều chỉnh hồ sơ.

5. Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo được quy định như sau:

– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện chuyên ngành ở trung ương, thư viện cấp tỉnh;

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện chuyên ngành ở cấp tỉnh, thư viện cấp huyện, thư viện đại học, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam có trụ sở trên địa bàn;

– Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cấp xã; thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có trụ sở trên địa bàn;

– Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.

Điều 52 Luật thư viện 2019 quy định:

“Điều 52. Điều khoản chuyển tiếp

Thư viện thành lập, đăng ký hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động mà không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động theo quy định của Luật này.”

Như vậy, Thư viện thành lập, đăng ký hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (trước ngày 1/7/2020) được tiếp tục hoạt động mà không phải thực hiện thủ tục thông báo hoạt động theo quy định của Luật này.

Kết luận: hiện nay theo Luật thư viện 2019 không còn quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thư viện mà Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có quyền thành lập thư viện khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi vềTư vấn về cấp giấy chứng nhận hoạt động thư viện”. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng cảm ơn!

Bộ phận tư vấn Pháp luật

Công ty Luật TNHH LVN Group