Sự cần thiết ban hành Luật tố tụng hành chính

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua, chẳng hạn như quy định về thẩm quyền giải quyết của Toà hành chính mới giới hạn giải quyết 22 loại việc, còn về loại việc khác phát sinh gây bức xúc trong thực tế… thì vẫn chưa được quy định trong Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Ngày 02 tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49/NQ-TW về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, trong đó một trong các nhiệm vụ được xác định là “… mở rộng thẩm quyền xét xử của Toà án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Toà án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân là cơ quan công quyền trước tòa án…”. Nghị quyết 49/NQ-TW nói trên cũng đặt ra yêu cầu “xây dựng cơ chế bảo đảm cho mọi bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Toà án phải nghiêm chỉnh chấp hành”.

Với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính mà một bên là cá nhân, tổ chức, còn bên kia là cơ quan hành chính nhà nước thì việc xây dựng và ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định về tố tụng hành chính dưới hình  thức văn bản luật nhằm tạo lập khung pháp lý cơ bản, giải quyết những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về tố tụng hành chính, bảo đảm thực hiện thể chế hóa đầy đủ và toàn diện quan điểm, chủ trương của Đảng đã nêu tại Nghị quyết số 49/NQ-TW, bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là hết sức cần thiết.

Cần quy định cụ thể hơn về cơ chế bảo đảm cho việc thi hành án

Tòa hành chính được thành lập và đi vào hoạt động đến nay đã được hơn 15 năm. Qua thực tiễn hoạt động của Toà hành chính những năm qua, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Tố tụng hành chính, Chính phủ cho rằng thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính cần được mở rộng để giải quyết các khiếu nại phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính đã được đề cập trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị. Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, Chính phủ cho rằng mọi khiếu nại sau khi đã được giải quyết bằng con đường hành chính mà cá nhân, tổ chức không đồng ý đều có thể khởi kiện ra tòa án. Việc giải quyết khiếu kiện bằng con đường tư pháp là yêu cầu thực tế của Việt Nam cũng như yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi Việt Nam đã là thành viên. Trên tinh thần đó, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Tố tụng hành chính, Chính phủ nhất trí với quan điểm thứ hai là thẩm quyền xét xử của Tòa hành chính cần được qui định theo phương pháp loại trừ để bảo đảm tính khoa học, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành về vấn đề này, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính: Theo qui định của pháp luật hiện hành, trước khi khởi kiện ra tòa, cá nhân, tổ chức phải khiếu nại; trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì cá nhân, tổ chức đó mới khởi kiện ra tòa. Điều đó chứng tỏ qui định về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính là không thật sự cần thiết và không khả thi, đồng thời sẽ kéo dài thời gian giải quyết vụ việc. Theo chúng tôi, qui định của Pháp lệnh hiện hành tại Điều 3 hợp lý hơn. Nội dung Điều này quy định rõ: trong qua trình giải quyết vụ án hành chính, tòa án tạo điều kiện để các bên có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Người khởi kiện có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung đơn kiện. Người bị kiện có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính… Việc thỏa thuận không thể coi là thủ tục bắt buộc trước khi tòa án chuẩn bị xét xử mà tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể khi người bị kiện sửa đổi quyết định hành chính bị khiếu kiện và người khởi kiện đồng ý với quyết định sửa đổi đó thì tòa án có thể xem xét chấm dứt giải quyết vụ án.

Ngoài những vấn đề còn có ý kiến khác nhau vừa nêu, tham gia ý kiến đối với Dự án Luật Tố tụng hành chính, Chính phủ cho rằng Dự thảo Luật còn một số vấn đề sau đây cần được tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc:

Chính phủ cho rằng Dự thảo 3 Luật tố tụng hành chính lần này đã bổ sung nhiều quy định về thủ tục giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, đối với Dự án Luật Tố tụng hành chính, Chính phủ nhận thấy Dự thảo Luật chưa quy định về cơ sở pháp lý để căn cứ vào đó mà Toà án ra phán quyết về quyết định hành chính, hành vi hành chính là bất hợp pháp. Chẳng hạn như, văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất về lĩnh vực hoặc vấn đề trực tiếp liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính mà tòa án xem xét giải quyết khiếu kiện là cơ sở pháp lý để Toà án căn cứ vào đó xem xét và coi quyết định hành chính là bất hợp pháp. Theo Chính phủ, đây là một trong những vấn đề quan trọng, cần được quy định trong Luật tố tụng hành chính.

Về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh trong tố tụng hành chính: khoản 1 Điều 7 của Dự thảo Luật quy định người khởi kiện phải cung cấp bản sao quyết định hành chính và cung cấp các chứng cứ khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chính phủ nhận thấy bên khởi kiện là cá nhân, tổ chức thường không có điều kiện cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, do đó, việc Dự thảo Luật quy định người khởi kiện phải cung cấp chứng cứ là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý. Theo Chính phủ, trong trường hợp này, để giải quyết đúng đắn, khách quan vụ việc, Toà án cần yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp tài liệu, chứng cứ để toà án xem xét, giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, Toà án tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ như quy định tại khoản 4 Điều 7 Dự thảo luật để giải quyết vụ việc. Theo Chính phủ, khoản 4 Điều 7 Dự thảo luật cần quy định cụ thể các trường hợp Toà án thu thập chứng cứ hoặc quy định cụ thể các trường hợp mà tòa án thu thập chứng cứ được quy định tại các điều, khoản nào của Luật.

Do vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động xét xử các vụ án hành chính, nội dung của Chương XII cần quy định cụ thể hơn về cơ chế bảo đảm cho việc thi hành án. Dự thảo Luật cũng cần bổ sung qui định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trong việc giao cho một cơ quan cụ thể thuộc Chính phủ để giúp Chính phủ trong việc quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính vì thực tế hiện nay chưa có cơ quan nào đảm nhiệm việc này khiến cho việc tổng hợp, theo dõi thi hành bản án, quyết định của Tòa hành chính bị buông lỏng. Theo Chính phủ, nếu cứ tiếp tục quy định chung chung như Dự thảo Luật (khoản 5 Điều 159) thì sẽ không khắc phục được tình trạng bất cập, hạn chế hiện nay, trong khi theo quy định tại Điều 1 Dự thảo Luật tố tụng hành chính thì vấn đề thi hành án hành chính là một trong những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật.

(Theo:ĐCSVN)

(MINH KHUE LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)