1. “Nói vậy nhưng không phải vậy”, đó là một kiểu ứng xử rất phổ biến trong đời sống xã hội của ta hiện nay. Nói là không đủ sống, nhưng vẫn sống đàng hoàng, thậm chí quá đàng hoàng. Thế là nghĩa lý làm sao? Hãy đặt ra một giả thiết là cuộc sống ấy được đảm bảo bởi những nguồn thu nhập chính đáng thì có nghĩa là, nguồn lực của xã hội đủ đáp ứng cho mức sống ấy. Vì tiền không từ trên trời rơi xuống. Theo nguyên tắc “bình thông nhau”, tiền chảy từ nguồn này đến nơi khác, phải có tiền (hoặc từ nhiều cái khác được quy ra tiền thì mới có cái để mà chảy chứ. Nhưng do tính không công khai và không minh bạch trong guồng máy vận hành của bộ máy quyền lực (Nhà nước, Đảng và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị) và guồng máy xã hội. Nói như nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc: “cứ im ỉm mà chi, tức là bí mật không công khai cho dân nên dân không thể theo dõi, giám sát”1.
Ngay cả chuyện “không công bố lương của cấp từ cấp phó Thủ tướng trở lên” khi bị chất vấn thì cũng Bộ trưởng Bộ LĐ, TBXH giải thích: “Thực ra không phải là giấu giếm nhưng quả thật có điều khó nói”2. Đến chuyện này mà cũng khó nói thì bao chuyện khác còn khó nói đến đâu? Cũng chính vì thế mà chuyện công khai thu nhập có hồi nói rất hùng hồn, quyết hệt nhưng người nói cũng như người nghe đều biết là nói cho vui chứ làm sao thực hiện được. Và chính tính không công khai, không minh bạch, cái tệ “cứ im ỉm” đó là lực kìm hãm ghê gớm sự phát triển của xã hội. Rồi đây với hội nhập quốc tế, phải có cách ứng xử phù hợp với thông lệ quốc tế thì riêng chuyện “im ỉm” ấy thôi trong đòi hỏi về sự minh banh của hệ thống tài chính, thống kê cũng đủ ngăn cản sự hội nhập vì làm sao thực hiện được kiềm toán. Mà không kiểm toán được thì làm sao có sự minh bạch trong phân tích và đánh giá về tài chính. Đấy là chưa nói đến khuyến cáo của Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên thống kê của LHQ: “Tổng cục thống kê nên nhanh chóng thay đổi phương pháp luận… để đem lại tính hiệu quả của hệ thống thống kê hiện nay” 3
Chuyện “nói vậy mà không phải vậy” chẳng những là một nghịch lý trong vấn đề lương mà còn là vấn đề đạo lý của xã hội, nó xúc phạm đến sự liêm sỉ của con người, điều mà C.Mác đã từng phân tích: “Đó là chân lý nó truyền lệnh cho ta phải hiểu rõ tình trạng bệnh hoạn…” của tệ nạn này “để lấy sỉ nhục ra mà thoa lên mặt… Biết xấu hổ mà đó là một việc cách mạng rồi” 4.
2. Tuy lương không đủ sống, thế nhưng người ta vẫn chen nhau để được vào “biên chế”. Chẳng những “chen nhau” mà người ta còn “chạy”, những cuộc chạy đáng xấu hổ song diễn ra công khai “thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi” không mấy ngượng ngùng, e ngại. Thậm chí dư luận nói nhiều về việc “mua quan, bán tước” ấy có giá biểu hẳn hoi và cứ chiếu theo đó mà người ta chung chi sòng phẳng. Điều này thì “Báo cáo của Chính phủ… ” cũng đã có dẫn ra: “Hiện tượng chạy chức, chạy dự án, chạy tội…” được nhiều nơi nói tới, nhưng rất ít bị phát hiện. Ít phát hiện là các cơ quan hữu trách không muốn làm đấy thôi chứ khó gì mà không làm được. Cho dù có chuyện ” rút dây động rừng” vẫn cần phải minh bạch và sòng phẳng trong việc gọi mặt chỉ tên của chuyện “chạy” ấy thì mới hé lộ ra được cái bí ẩn trong chuyện “lương không đủ sống, song vẫn cứ sống đoàng hoàng”.
Cũng đã từng có sự phân tích sòng phẳng đó. Cách đây 3 năm, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên thường trực thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch UB TW MTTVN đã phát biểu: “Chạy chức, chạy quyền là có thật và cũng dễ hiểu thôi vì người ta có chức có quyền thì mới có thể lạm dụng quyền chức để thu lợi bất minh. Không chỉ danh vọng, địa vị mà đi kèm theo là kiếm chác, bổng lộc. Nếu có chức quyền mà chả được cái gì cả thì có ai chạy không? Chẳng hạn như nhiều người nói, làm công tác Đảng thì rất ít người muốn làm nhưng đừng tưởng là Đảng không có tiêu cực, tham nhũng không có kiếm chác. Một số Bí thư, một số Ủy viên TW vẫn bị kỷ luật. Nhiều người làm công tác Đảng vẫn cứ muốn mà muốn là thành ủy viên cũng được nhưng là Phó Chủ tịch thì sướng hơn, oai hơn. Chẳng qua là có quyền hành nhiễu, nhiều người nhờ vả”. Nghịch lý của chuyện tiền lương phải tìm vào đây.
3/ Nghịch lý của chuyện lương còn thể hiện trong số chênh lệch giữa lương (thu nhập) của CNVC làm trong bộ máy Nhà nước của ta với những viên chức làm trong các Công ty nước ngoài hoặc những Công ty liên doanh và những Công ty tư nhân trong nước. Sự chênh lệch này rất dễ thấy, có khi cộm lên trong một gia đình: bố là một giáo sư đại học có hơn 30 năm thâm niên trong nghề nhưng lương chỉ bằng 1/6, thậm chí bằng 1/10 lương của cậu con trai hay cô con gái có trình độ kỹ sư hoặc cử nhân mới ra trường từ 5 đến 10 năm đang làm trong một Công ty liên doanh với nước ngoài. Có lẽ không phải vì “mua chuộc” mà những Công ty nọ trả lương cho nhân viên của họ như thế mà chắc hẳn là vì lao động của anh ta (chị ta) xứng đáng với đồng lương đó. Và rõ ràng là “tiền nào của ấy” với đồng lương được hưởng, người nhân viên nọ phải làm việc hết mình, năng suất cao, kỷ luật nghiêm, nếu không, sẽ bị sa thải! Tài sao họ làm được như vậy. Và rồi, có những người có cùng trình độ chuyên môn và bản lĩnh như những nhân viên này nhưng đang làm trong biên chế nhà nước đù lương của họ cũng chỉ bằng một phần sáu hay 1/10 lương của anh ta (chị ta). Chẳng trách mà người ta nói nhiều đến việc “giả vờ trả lương” cho nên đổi lại là “giả vờ làm việc”. Tất nhiên, không thể có chuyện “vơ đũa cả nắm”, trong đội ngũ CBVC Nhà nước có những người làm việc rất giỏi, năng suất cao, tận tay với chức năng và nhiệm vụ. Nhưng cũng không thiếu những người mà lâu nay có một từ dùng đề gọi họ rất nhã nhặn và lịch sự là ‘đuối tầm”. Người ta đã không ngần ngại nói rằng đó là sư đuối tầm không chỉ về năng lực chuyên môn mà chủ yếu về phẩm chất.
Đồng chí Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã nghiêm khắc cảnh báo: “Nhiều người có chức có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa biến chất, chạy theo chức quyền, tiền, danh và lợi những người ấy đang làm cho một bộ phận không nhỏ trong nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng ta, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường”6. Ấy vậy mà đưa những người như vậy ra khỏi hệ thống biên chế ngày càng phình rộng ra để dân phải đóng thuế để có ngân sách mà chi xem ra còn khó hơn chuyện “Ngu công dời núi”!
Cho nên, nghịch lý này chỉ có thể được khắc phục khi thực hiện được một nguyên lý thật giản dị “người được làm việc, làm việc được, người làm việc được, được làm việc”. Giản dị, chân lý thường giản dị. Song đạt tới chân lý không hề là chuyện giản đơn. Trong hệ thống tiền lương của ta hiện nay, điều này chưa thực hiện được. Còn quá nhiều những người được làm việc nhưng không làm việc được và cũng không ít người làm việc được lại đang không được làm việc như mình mong muốn. Đương nhiên để làm việc được còn phải nhiều gian truân. Ngay như ở Quốc hội kỳ này bàn chuyện xem xét việc phân bổ thu chi ngân sách, ấy vậy mà, theo nguyên Bộ trưởng Bộ tư pháp Nguyễn Đình Lộc thì “Vì đây là lần đầu tiên Quốc hội làm việc này, thậm chí còn phải nhờ bộ trưởng Bộ tài chính giải thích mới hiểu”7.
Ở nơi cơ quan quyền lực cao nhất bàn và quyết định những chuyện “quốc gia đại sự” mà còn phải thế thì cũng chẳng nên quá khắt khe với những người được làm việc nhưng không làm việc ở chỗ nọ chỗ kia! Dự án tiền lương đã được trình xem ra cũng chưa khơi thông được ách tắc của dòng chảy nhằm thực hiện nguyên lý giản dị đó.
Ách tắc đó, phải chăng cần phải tìm về trong công tác cán bộ và sâu xa hơn nữa, trong những rào cản tư duy chưa đổi mới về lao động và sự cống hiến của thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời đại của nền kinh tế tri thức đang tác động quyết liệt đến đời sống toàn cầu, trong đó có nước ta.
————
Chú thích:
1. và 7., Báo tuổi trẻ ngày 24/10/2003.
2. Báo thanh niên ngày 25/10/2003
3. Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 23/10/2003
4. Dẫn lại theo Nguyễn Tuân “Nguyễn Tuân bàn về văn học nghệ thuật”, Nxb Hội nhà văn Hà Nội, 1999.
5. Báo tuổi trẻ ngày 19/8/2000
6. Báo Nhân dân 15/5/1999
GS. Tương Lai
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;