>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
1 – Những kết quả đạt được
Việt Nam là một nước đang phát triển nên nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế rất cao. Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm qua đã tăng lên đáng kể và có đóng góp nhất định cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Tính đến nay đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tổng số dự án FDI được cấp phép từ năm 1988 đến năm 2008 đã lên tới 10.981 dự án, đạt tổng số vốn đăng ký là hơn 163,607 tỉ USD. Riêng năm 2007, Việt Nam thu hút được 21,347 tỉ USD, trong đó giải ngân được 8,030 tỉ USD; trong các năm 2008 và 2009 kết quả đạt được trong lĩnh vực này thứ tự là 64 tỉ USD (vốn thực hiện gần 12 tỉ USD) và 21,482 tỉ USD (thực hiện được 10 tỉ USD); còn 4 tháng đầu năm 2010 thu hút được 5,92 tỉ USD (thực hiện được 3,4 tỉ USD), tăng 36% so với cùng kỳ năm 2009.
Có thể nói, trong bối cảnh khủng khoảng kinh tế toàn cầu và cạnh tranh gay gắt thì kết quả đạt được trong việc thu hút FDI của năm 2009 là một cố gắng nỗ lực lớn của Việt Nam trong vận động xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư (chỉ tiêu dự kiến trong năm 2009 là 20 tỉ USD vốn cam kết và 8 tỉ USD vốn thực hiện), bởi tuy vốn cam kết đạt được của năm 2009 giảm sút so với năm 2008, nhưng chỉ tiêu quan trọng là vốn thực hiện thì chỉ bị giảm 13% (ở nhiều nước trong khu vực vốn này bị giảm tới 20% – 30%).
Không chỉ đạt được kết quả đáng ghi nhận về tốc độ giải ngân trong bối cảnh vốn thu hút mới và vốn tăng thêm sụt giảm mà chúng ta còn tăng được số dự án, quy mô vốn của dự án. Nếu quy mô vốn bình quân của 1 dự án FDI năm 2007 chỉ là 12,12 triệu USD, thì đến năm 2008 quy mô đó đạt 51,47 triệu USD, năm 2009 đạt 19,43 triệu USD.
Các đối tác đầu tư cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực từ những quốc gia và vùng lãnh thổ châu á sang các nước thuộc châu Âu, Mỹ. Hiện nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là Mỹ với tổng số vốn đăng ký là 9,8 tỉ USD (chiếm 45,6% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam); tiếp theo là Quần đảo Cay-man: 2,02 tỉ USD (chiếm 9,4%); Samoa: 1,7 tỉ USD (chiếm 7,9%); Hàn Quốc: 1,66 tỉ USD (chiếm 7,7%). Ngoài ra đã có một số tập đoàn xuyên quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam với những dự án quy mô lớn có tổng vốn đăng ký trên 1 tỉ USD.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua đáy suy giảm, duy trì tốc độ tăng trưởng dương với mức tăng 5,32%. Xuất khẩu của khu vực này trong năm 2009 (kể cả dầu khí) đạt 29,9 tỉ USD, bằng 86,6% so với năm 2008 và chiếm 52,7% tổng xuất khẩu của cả nước. Nếu không tính dầu thô, khu vực có vốn FDI xuất khẩu được 23,6 tỉ USD, chiếm 41,7% tổng xuất khẩu và bằng 98% so với năm 2008. Về nhập khẩu, năm 2009 khu vực FDI đạt 24,8 tỉ USD, bằng 89,2% so với năm 2008 và chiếm 36,1% tổng nhập khẩu cả nước. Các doanh nghiệp có vốn FDI còn đóng góp rất lớn trong việc giải quyết vấn đề công ăn việc làm tại Việt Nam, thu hút được 1,7 triệu lao động, tạo ra 17,5% GDP, 43,4% giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2009.
2 – Các hạn chế của nguồn vốn FDI
Cơ cấu phân bổ vốn FDI vào Việt Nam hiện nay còn chưa hợp lý. Hiện tại lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vốn FDI nhất (với 8,8 tỉ USD vốn cấp mới và tăng thêm). Trong đó, có 32 dự án cấp mới (tổng vốn đầu tư là 4,9 tỉ USD) và 8 dự án tăng vốn (với số vốn tăng thêm là 3,8 tỉ USD). Đứng thứ 2 là lĩnh vực bất động sản (7,6 tỉ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm), với nhiều dự án quy mô lớn được cấp phép như khu du lịch sinh thái bãi biển rồng tại Quảng Nam, dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Galileo Investment Group Việt Nam… Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô vốn đăng ký đứng thứ 3 trong năm 2009 (với 2,97 tỉ USD vốn đăng ký, trong đó có 2,22 tỉ USD đăng ký mới và 749 triệu USD vốn tăng thêm). Với cơ cấu vốn FDI như thế thì rõ ràng FDI vào lĩnh vực công nghệ chế tạo và chế biến đã bị giảm liên tục từ năm 2005 (70,4% năm 2005 xuống 68,9% năm 2006, 51% năm 2007, 36% năm 2008 và còn 13,6% năm 2009). Không những thế, trong lĩnh vực này, vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào công nghiệp lắp ráp nhằm tận dụng lao động rẻ, có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, đầu tư vào khai thác tài nguyên và bất động sản tăng lên. Vốn FDI đầu tư vào khai thác mỏ đã tăng từ 0,8% năm 2005 lên 1,2% năm 2006 và lên tới 18,5% năm 2008; đầu tư vào khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cũng tăng từ 0,9% năm 2005 lên tới 15,1% năm 2008. Song, đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn dĩ đã ít lại đang có xu hướng giảm (năm 2006 chiếm khoảng 6% tổng vốn đăng ký, nhưng đến tháng 11-2008 chưa đạt tới 1%). Một cơ cấu đầu tư như vậy hoàn toàn khó có thể bảo đảm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước theo hướng bền vững.
Ngoài ra, một hạn chế khác của nguồn vốn FDI vào Việt Nam là, loại trừ năm 2009, trong các năm khác, tỷ lệ vốn thực hiện đạt được của nước ta còn rất thấp (năm 2007 đạt 38%, năm 2008 chỉ đạt 17% so với vốn đăng ký), phản ánh khả năng tiếp nhận nguồn vốn này của Việt Nam còn thấp.
Về địa bàn đầu tư, mặc dù nguồn vốn FDI đã phân bổ ở nhiều địa phương mới và có sự dịch chuyển từ các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sang các tỉnh thuộc Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung,… song những ưu đãi đối với các dự án ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa dường như vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Chẳng hạn, năm 2008 toàn vùng Tây Bắc chỉ có 4 dự án (tổng số vốn 10,3 triệu USD), nhưng sang năm 2009 không có dự án FDI nào được đăng ký mới hay bổ sung vốn.
Về hiệu quả đầu tư, khu vực FDI vốn được kỳ vọng là lực lượng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, tạo vốn và kích thích quá trình chuyển giao, đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, hiệu quả cho nền kinh tế, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế hiện đang lo ngại về hiệu quả thực của khu vực này. Bởi, thứ nhất, chỉ số ICOR (tỷ số gia tăng vốn và đầu vào) của khu vực có vốn FDI hiện nay trong nền kinh tế đang là cao nhất (7,91 so với 7,76 và 3,54 của khu vực nhà nước và khu vực tư nhân). Thứ hai, chỉ số TFP (hệ số năng suất các nhân tố tổng hợp) lại là thấp nhất (-17,6 so với 8,6 và 3,1 của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực tư nhân) mà lẽ ra 2 con số đó cần phải ngược lại(1). Từ đó cho thấy sự tăng trưởng của khu vực có vốn FDI chủ yếu dựa vào yếu tố lao động rẻ, chứ không phải do công nghệ tiên tiến tạo ra. Trên thực tế ở nhiều doanh nghiệp FDI máy móc và công nghệ được đối tác nhập vào Việt Nam phần nhiều là cũ và lạc hậu. Thứ ba, nhiều doanh nghiệp có vốn FDI đang gây nhiều thất thoát về nguồn thu thuế của Nhà nước qua hiện tượng chuyển giá trong hoạt động thương mại giữa nội bộ công ty nhằm chuyển thu nhập và lợi nhuận về nước. Cụ thể bằng việc định giá quá cao các nguyên liệu, máy móc nhập khẩu đầu vào từ công ty mẹ, trong khi lại bán hàng hóa sản xuất ra cho công ty mẹ với giá quá thấp, nên các doanh nghiệp này đã luôn ở tình trạng “thua lỗ”, không những không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, mà còn được hoàn thuế giá trị gia tăng. Chẳng hạn, theo số liệu thống kê của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả kinh doanh năm 2009 của doanh nghiệp FDI trên địa bàn, gần 60% số doanh nghiệp báo cáo thua lỗ (một kết quả không phải là bất thường so với những năm trước nên không thể đổ lỗi cho hậu quả của khủng khoảng kinh tế thế giới). Hay, theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt, những năm trước, hầu như doanh nghiệp thép trong nước nào cũng có lãi, thậm chí lãi khá lớn, nhưng một công ty nước ngoài hoạt động ở Bình Dương, suốt mười mấy năm hoạt động ngành thuế hầu như không thu được một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Vì vậy có hiện tượng các doanh nghiệp có vốn FDI “lỗ” nhưng vẫn bung ra về quy mô và số lượng, còn phần đóng góp của doanh nghiệp FDI cho ngân sách nhà nước lại giảm (năm 2009 giảm 11,2% so với kế hoạch, trong khi khu vực tư nhân trong nước chỉ giảm 4,4%, doanh nghiệp nhà nước tăng 6,2%). Và, điều này không chỉ gây tình trạng tăng nhập siêu của Việt Nam, mà nguy hiểm hơn là nếu tình trạng này kéo dài sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh, cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước.
Còn nói về việc sử dụng lao động, tạo công ăn việc làm thì hiện nay khu vực có vốn FDI tuy đã sử dụng tới 1,7 triệu lao động, nhưng điều đáng chú ý là có tới 1,1 triệu người trong số đó lại là lao động nữ, không được đào tạo hoặc chỉ đào tạo ngắn ngày, nên có người đã ví doanh nghiệp có vốn FDI chẳng khác gì một phân xưởng của công ty mẹ ở nước ngoài. Đây chính là điều mà chúng ta cần tiếp tục suy nghĩ để làm sao cho vốn FDI vào Việt Nam thật sự đem lại hiệu quả kinh tế.
3 – Nguyên nhân những hạn chế của nguồn vốn FDI
Có thể khẳng định nguyên nhân chủ yếu là do những yếu kém trong nội tại nền kinh tế của nước ta. Trước hết, quy mô nền kinh tế của Việt Nam còn nhỏ bé, sức hấp thụ vốn hạn chế nên thực tế này là rào cản lớn cho việc giải ngân để chuyển số vốn đăng ký thành vốn thực hiện như mong muốn của chúng ta.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư vẫn thiếu sự đồng bộ, nhất quán. Chính sách đầu tư, cũng như các thủ tục đầu tư của chúng ta còn bị các nhà đầu tư coi là rườm rà, chi phí cao, thiếu tính minh bạch, trong khi đó, hệ thống tòa án, thực thi pháp luật cũng còn nhiều hạn chế.
Hạn chế về kết cấu hạ tầng là một trong những nguyên nhân chính làm chậm các dự án đầu tư, nhất là sự yếu kém của hạ tầng giao thông làm các nhà đầu tư rất quan ngại bởi sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc làm ăn và làm giảm lợi nhuận kỳ vọng của họ khi đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ, song nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao lại rất thiếu. Theo thống kê chỉ có gần 30% lực lượng lao động đã qua đào tạo. Chất lượng lao động lao động không chỉ thấp mà còn chưa đồng đều chính là những khó khăn khi nhà đầu tư muốn quan tâm tới các dự án công nghệ cao tại Việt Nam.
Các thủ tục hành chính, hệ thống thuế, hải quan… còn bất cập, không đồng bộ cũng là những yếu tố góp phần làm nản lòng nhà đầu tư khi hoạt động tại Việt Nam.
Nói về hiệu quả đầu tư, Báo cáo nghiên cứu đánh giá giữa kỳ dựa trên kết quả kế hoạch phát triển kinh tê – xã hội 5 năm 2006- 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định: Để có thể chọn lọc được các dự án FDI phù hợp với lợi ích dài hạn của quốc gia cần phải có bộ máy thẩm định, đánh giá có năng lực. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có đủ năng lực đánh giá dự án. Trách nhiệm về việc ra quyết định phê duyệt dự án sai cũng ít bị truy cứu và có biện pháp xử lý thích đáng. Công tác giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước còn những bất cập. Do đó, việc phân cấp quản lý đầu tư và xây dựng cho các bộ, ngành, địa phương hiện nay mặc dù được coi là rất đúng đắn, nhưng lại đang tiềm ẩn những rủi ro, hạn chế hiệu quả của dòng vốn FDI.
4 – Làm gì để vốn FDI đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế đất nước?
Nguồn vốn FDI từng được coi là an toàn hơn so với vốn đầu tư gián tiếp bởi cùng với những bảo đảm pháp luật có tính quốc tế, các nước chủ nhà có thể sử dụng những chiếc “van” như thuế, tài chính… để hướng luồng vốn này vào những nơi, những lĩnh vực theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước một cách đúng lúc, lại tránh được những khó khăn ban đầu về thị trường, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh quốc tế… Tuy nhiên, nếu thu hút và sử dụng nguồn vốn này không hợp lý, hiệu quả thì chẳng những không đem lại những lợi ích như mong muốn, mà còn gây ra những hậu quả bất lợi như có hại cho các nguồn lực tăng trưởng kinh tế (vì nước chủ nhà bị mất đi chi phí về tài chính, nhân lực), tăng nhập siêu, làm mất cân đối tài khoản vãng lai của nước tiếp nhận, đó là còn chưa nói tới những tác hại lâu dài về môi trường sống. Bởi vậy, mặc dù tiến triển về tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI gần đây đang diễn ra tốt đẹp, song một số chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo cần thận trọng với những nguy cơ đang tiềm ẩn quanh khu vực này, bao gồm: sự “thổi phồng” về vốn và lợi nhuận; việc sử dụng quá nhiều nguồn lực khan hiếm hoặc đang thiếu trầm trọng như đất đai, năng lượng, tài nguyên thiên nhiên; hủy hoại và gây ô nhiễm môi trường; nguy cơ không phù hợp với quy hoạch phát triển dài hạn, hoặc gây mất cân đối về cơ cấu trong quá trình phát triển dài hạn; sử dụng công nghệ lạc hậu, thải loại; khả năng “cướp vốn” của khu vực kinh tế tư nhân trong nước; và cuối cùng là nguy cơ gây thiếu hụt ngoại tệ và rủi ro tỷ giá.
Nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2010 và những năm tiếp theo sẽ phụ thuộc nhiều vào việc các nước giải quyết tốt những vấn đề kinh tế – xã hội sau khủng khoảng. Nhiều nhà kinh tế vẫn đánh giá rất lạc quan về triển vọng thu hút FDI vào Việt Nam đi cùng với sự phục hồi và tăng trưởng cao hơn các năm trước, chất lượng của các dự án FDI cũng được nâng lên. Có những lý do cho sự lạc quan này. Đó là, triển vọng tăng trưởng kinh tế của năm 2010 có thể đạt tới 6,5%, cao hơn năm 2009; Việt Nam nằm trong 15 nước được đánh giá cao về môi trường đầu tư có sự ổn định chính trị, xã hội, với một thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng; các chính sách của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi hoạt động của các tổng công ty, tập đoàn nhất là thông qua việc bán một số doanh nghiệp cho các nhà đầu tư nước ngoài… sẽ tạo điều kiện để dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam; thế và lực của Việt Nam được nâng lên trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới do thực hiện các cam kết quốc tế trong khung khổ WTO, AFTA và hướng tới cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Tuy vậy, trong thời gian tới, để thu hút và nâng cao hiệu quả của dòng vốn FDI tại Việt Nam chúng ta vẫn cần tập trung giải quyết những hạn chế đang tồn tại hiện nay như sau:
Thứ nhất, thể chế kinh tế của nước ta phải được hoàn chỉnh nhanh và đồng bộ. Cần công khai, minh bạch mọi cơ chế, chính sách quản lý đầu tư, trong đó có rà soát lại những văn bản pháp quy liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế để sửa đổi các văn bản cho phù hợp với quy định của WTO.
Thứ hai, nâng cấp kết cấu hạ tầng, nhất là các cảng biển, nhà máy điện, hệ thống đường bộ cao tốc, chất lượng dịch vụ đường sắt, cơ sở y tế, trường học… Khuyến khích áp dụng những hình thức đầu tư như BOT, BTO, BT, PPP trong đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Sớm mở cửa một số lĩnh vực dịch vụ mà nước ta có nhu cầu như bưu chính viễn thông, hàng hải, hàng không… để nhà đầu tư có thể được sử dụng kết cấu hạ tầng tốt và đồng bộ phục vụ sản xuất, kinh doanh của họ có hiệu quả.
Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa cuộc cải cách hành chính, xóa bỏ những giấy phép và thủ tục không cần thiết trong đầu tư.
Thứ tư, từng bước đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, tăng được nguồn lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của hội nhập và phát triển đất nước. Muốn vậy, cần tránh việc đào tạo tràn lan nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của thực tế như hiện nay. Cần có kế hoạch đào tạo lâu dài, bài bản, tiên lượng được trước nhu cầu nhằm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, đạt được chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế.
Thứ năm, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài như cập nhật, bổ sung nội dung thông tin mới về môi trường, chính sách đầu tư, danh mục dự án gọi vốn FDI trên các trang thông tin điện tử, sách, đĩa CDROM hay tổ chức các cuộc xúc tiến tại các nước đang và có triển vọng trở thành nhà đầu tư lớn vào Việt Nam, thường xuyên tổ chức các cuộc hỏi đáp và đối thoại với các nhà đầu tư…
Thứ sáu, đối với lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực mà hiện nay vốn FDI đang bị giảm sút nhiều, thì rất cần xây dựng một chiến lược tổng thể phát triển ngành cũng như định hướng đầu tư của vốn FDI vào ngành để các nhà đầu tư có thể xác định được phương hướng phát triển lâu dài và có những quyết định hợp lý. Ngoài ra phải có chính sách ưu đãi đối với những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này như miễn thuế nhập khẩu đối với công nghệ, miễn thuế giá trị gia tăng, ưu đãi tín dụng nhà nước, thuế sử dụng đất và các hỗ trợ đầu tư khác.
Thứ bảy, đối với vấn đề “lỗ giả, lãi thật” hiện nay của các doanh nghiệp FDI, thì các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhiều hơn. Gấp rút xây dựng một hệ thống theo dõi giá cả thị trường thế giới và ngành thuế cần kiểm tra những báo cáo tài chính, kiểm toán chặt chẽ hơn để tránh tình trạng “lách luật” của các doanh nghiệp FDI.
___________________________________________________
(1) Theo Cảnh báo hiệu quả của FDI, đưa trên ATP Việt Nam, ngày 4-3-2010
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 17 (209) NĂM 2010 – ĐỖ MAI THÀNH