Hiến pháp năm 1959 có 5/10 chương, 66/112 điều; Hiến pháp năm 1980 có 5/12 chương, 60 /147 điều; Hiến pháp năm 1992 sau khi đã được sửa đổi, bổ sung một số điều có 5/12 chương, 58/147 điều). Bởi vậy khi bàn về hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước chúng ta không thể không xem xét những quy định trong Hiến pháp về vấn đề này.
Qua nghiên cứu thực tiễn hoạt động lập pháp của Quốc hội các khóa IX, X và XI, các nghị quyết của Đảng được thông qua trong thời gian gần đây (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương (BCHTW) Đảng khóa IX đều thấy có nhiều vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước được đặt ra nhưng chưa giải quyết do “đụng trần” Hiến pháp đã quy định. Đó là tổ chức chính quyền địa phương; tổ chức Tòa án, Viện kiểm sát và mới đây nhất là tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ. Công cuộc cải cách hành chính với mục đích “ nâng cao hiệu lực quản lý, tăng cường pháp quyền… xây dựng một hệ thống hành chính và quản lý hành chính nhà nước thông suốt từ trung ương đến cơ sở “ và “đổi mới và tăng cường hệ thống hành pháp cả về tổ chức cán bộ, cơ chế hoạt động. Phát huy vai trò điều hành của bộ máy hành pháp” đã được đặt ra từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (năm 1991).
Từ đó đến nay, nhà nước ta đã ban hành được một số văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước nhưng vẫn phải trong khuôn khổ của Hiến pháp năm 1992. Tuy vậy cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, có luật do Quốc hội ban hành đã có dấu hiệu “vượt rào” như Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14 tháng 6 năm 2005. Đây là một cơ quan có địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ quan trọng và có quyền hạn rất lớn được quy định tại các điều 13, 14, 15 và 16 Luật Kiểm toán nhà nước; người đứng đầu cơ quan này là Tổng Kiểm toán nhà nước mà Điều 17 Luật Kiểm toán nhà nước quy định do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Nếu đối chiếu với điểm 7 Điều 84 Hiến pháp năm 1992 quy định các chức danh do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thì không có chức danh Tổng Kiểm toán nhà nước. Vì vậy, khi trình Quốc hội khóa XI thảo luận, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại kỳ họp thứ 11 (cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 2007) đã có ý kiến đề nghị bổ sung việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh này vào điểm 7, Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội. Nhưng thấy rằng Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành ghi lại nguyên văn Điều 84 Hiến pháp năm 1992 nên không thể đơn thuần chỉ bổ sung nội dung này vào điểm 7, Điều 2 Luật Tổ chức Quốc hội. Vậy là có sự không thống nhất giữa Luật Kiểm toán nhà nước với Luật Tổ chức Quốc hội và có việc “ vượt rào” Hiến pháp. Cũng trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội lần này, có ý kiến đề nghị bỏ quy định Quốc hội bầu thành viên Hội đồng dân tộc (Điều 24) bầu thành viên Uỷ ban của Quốc hội (Điều 25) vì nếu để các quy định này thì phải thực hiện việc “bỏ phiếu tín nhiệm” vừa được bổ sung vào điểm 7 Điều 84 Hiến pháp năm 1992 đối với thành viên Hội đồng dân tộc, thành viên Uỷ ban của Quốc hội bởi họ cũng là những người được Quốc hội bầu; mặt khác, trong thực tế có trường hợp cần thay đổi ủy viên Hội đồng dân tộc hay ủy viên một Uỷ ban nào đó của Quốc hội cũng phải thực hiện theo quy định của Hiến pháp thì thực sự là không cần thiết, nhưng nếu thực hiện khác đi sẽ không đúng Hiến pháp đã quy định là Quốc hội bầu các ủy viên của Hội đồng dân tộc (Điều 94), bầu thành viên Uỷ ban của Quốc hội (Điều 95). Chúng ta không tán thành cách làm “vượt rào” vì nó trái với chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Những vấn đề sau đây (xin nêu một số làm dẫn chứng) tuy nhiều cán bộ nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tế đã thấy rất bức xúc, song chỉ có thể được giải quyết khi đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp:
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191
1, Thành lập cơ quan Bảo hiến (Hội đồng Bảo hiến hay Tòa án Hiến pháp) để thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ như:
a. Kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp của các luật và việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp;
b. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và quyền của công dân, quyền con người nhằm bảo đảm giá trị nhân văn của Hiến pháp, chủ quyền của nhân dân và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân;
c. Phát hiện và giải quyết các xung đột pháp luật có biểu hiện vi hiến, các khiếu nại của công dân đối với cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức nhà nước và các quyết định, hành vi có biểu hiện vi hiến;
d. Kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm bảo đảm hoạt động của những cơ quan này theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm do Hiến pháp quy định;
đ. Giải thích Hiến pháp để bảo đảm các quy định của Hiến pháp được hiểu đúng và thống nhất;
Và v.v..
Như vậy, muốn thành lập cơ quan bảo hiến thì phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992.
2, Tổ chức lại cơ quan chính quyền ở địa phương
Đây là vấn đề đã được nêu ra ngay từ khi sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân để phục vụ cho cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994 -1999. Nhiều ý kiến đã kiến nghị nghiên cứu tổ chức lại chính quyền các cấp và đặt vấn đề có nhất thiết phải tổ chức Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp là tỉnh, huyện, xã hay không? Có nhất thiết phải tổ chức các cơ quan chính quyền ở địa phương theo một mô hình thống nhất cho tỉnh, huyện, xã với thành phố trực thuộc trung ương, quận, phường hay không? Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn cùng với việc tham khảo kinh nghiệm của một số nước thì thấy rằng, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay có điểm chưa hợp lý, không nên tổ chức các cấp chính quyền ở các tỉnh cũng giống như ở thành phố trực thuộc trung ương đều có ba cấp chính quyền hoàn chỉnh là Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn theo Điều 118 và Điều 123 Hiến pháp năm 1992. Nhưng nếu muốn tổ chức theo mô hình khác thì phải sửa hai điều trên đây.
3, Tổ chức lại hệ thống Tòa án nhân dân
Đã có ý kiến đề nghị không thành lập Tòa án nhân dân theo cấp hành chính là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, thị xã, quận, thành phố trực thuộc tỉnh mà thành lập Tòa án nhân dân theo cấp xét xử là Tòa án khu vực trên địa bàn một số huyện, quận, thị xã để xét xử sơ thẩm; Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ việc lớn, phức tạp; Tòa thượng thẩm hay Tòa phúc thẩm trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kháng cáo hay kháng nghị; không thành lập các Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) như hiện nay để TANDTC tập trung vào thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm và hướng dẫn hoạt động xét xử thống nhất trong toàn quốc. Nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn tán thành kiến nghị trên đây. Trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị BCHTW Đảng khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng đã ghi rõ: “Tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, gồm Tòa án sơ thẩm khu vực được tổ chức ở một hoặc một số đơn vị hành chính cấp huyện; Tòa phúc thẩm có nhiệm vụ chủ yếu là xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án; Tòa thượng thẩm được tổ chức theo khu vực có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm; Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”. Như vậy, nếu tổ chức lại hệ thống tòa án theo mô hình này thì phải sửa đổi quy định tại Điều 127 và Điều 135 Hiến pháp năm 1992 về các Tòa án nhân dân địa phương, về Chánh án Tòa án nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân.
Tóm lại, từ những vấn đề đã phân tích trên đây, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng, để hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân không thể không nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Chắc rằng trong lĩnh vực khác cũng có vấn đề vướng “trần” Hiến pháp. Vì vậy Quốc hội khóa XII nên sớm đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 hay mạnh dạn hơn nữa là sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định. Có như vậy mới giữ vững đúng một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền là bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp; các cơ quan nhà nước, cán bộ viên chức nhà nước chỉ được làm những việc mà Hiến pháp, luật cho phép chứ không được làm những việc mà Hiến pháp chưa hoặc không quy định.
SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP SỐ 6 NĂM 2007 – TS. VŨ ĐỨC KHIỂN – Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội khoá XI