1. Quy định miễn chấp hành hình phạt theo luật hình sự trước đây

Căn cứ của việc miễn chấp hành hình phạt là tính không hợp lí, không cần thiết hoặc không có khả năng chấp hành hình phạt do người bị kết án đã hết nguy hiểm cho xã hội hoặc do tính chất nguy hiểm cho xã hội của nhân thân người phạm tội, do trạng thái sức khoẻ của người phạm tội hoặc có tình tiết khác. Có hai loại miễn chấp hành hình phạt: miễn chấp hành toàn bộ hình phạt và miễn chấp hành hình phạt còn lại. Điều 57 khoản 5 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định:

“Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của chính quyền địa phương nơi người đó chấp hành hình phạt, Toà án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại”.

Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự năm 1999 được ghi nhận tại các Điều 19, 25, 69, 80, 289, 290, 314, theo đó quy định về miễn trách nhiệm hình sự bao gồm hai loại quy định có tính chất bắt buộc và quy định có tính chất tùy nghi. Với những quy định có tính chất bắt buộc khi gặp những trường hợp phù hợp với nội dung điều luật quy định, cơ quan có thẩm quyền miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, với những quy định có tính tùy nghi thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào từng trường hợp cụ thể đánh giá tính chất, mức độ của sự việc để quyết định miễn hay không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

 

2. Miễn chấp hành hình phạt là gì ?

Miễn chấp hành hĩnh phạt là không buộc người bị kết án phải chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt đã tuyên.

Người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do toà án tuyên trong bản án.

Điều 29 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 mở rộng phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, quy định như sau:

Điều 29. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự

1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi có quyết định đại xá.

Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

2. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

BLHS năm 2015 đã quy định đầy đủ các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, tuy nhiên quá trình áp dụng vào thực tiễn vẫn còn những quan điểm, cách hiểu khác nhau. Trong bài viết này tác giả nghiên cứu nội dung và điều kiện áp dụng miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Chế định miễn chấp hành hình phạt thể hiện chính sách nhân đạo đối với người bị kết án có hoàn cảnh đặc biệt và khuyến khích người bị kết án cố gắng lập công chuộc tội để được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước.

 

3. Phân tích quy định luật hình sự hiện nay về miễn hình phạt

Chế định miễn chấp hành hình phạt tại Điều 62 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định điều kiện “được miễn” hoặc “có thể” được miễn chấp hành hình phạt; miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc là miễn chấp hành phần còn lại của hình phạt đã tuyên.

 

3.1. Miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá

(khoản 1 Điều 62 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)

Đặc xá là biện pháp khoan hồng của Nhà nước có nội dung là miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt tù cho đích danh một phạm nhân nào đó hoặc cho những phạm nhân đã thoả mãn những điều kiện nhất định nào đó.

Đặc xá thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước và lệnh này thường được ban hành nhân dịp kỉ niệm những ngày lễ lớn hàng năm (Xem: Điều 88 Hiến pháp).

Đại xá là biện pháp khoan hồng của Nhà nước có nội dung tha tội, thường là hoàn toàn và triệt để cho hàng loạt những người phạm những tội nhất định nào đó.

Từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho đến nay, Nhà nước ta mới quyết định hai lần đại xá vào năm 1945 (theo sắc lệnh số 52-SL ngày 20/10/1945 xá miễn cho một số tội phạm trước ngày 19/8/1945) và năm 1954 (theo Thông tư của Thủ tướng Chính phủ số 413-TTg ngày 19/11/1954 về đại xá nhân dịp giải phóng Thủ đô). Hiện nay, theo Hiến pháp, quyết định đại xá thuộc thẩm quyền của Quốc hội (Xem: Điều 70 Hiến pháp).

Tuỳ ở giai đoạn nào của quá trình thi hành án mà người bị kết án được đặc xá hoặc đại xá được miễn chấp hành toàn bộ hay phần hình phạt còn lại.

 

3.2. Miễn chấp hành toàn bộ hình phạt với người bị phạt cải tạo không giam giữ và người bị phạt tù có thời hạn

(khoản 2, 3 Điều 62 BLHS)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 BLHS, trường hợp người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát, toà án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị kết án đã lập công;

b) Mắc bệnh hiểm nghèo;

c) Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 BLHS, trường họp người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đỏ không còn nguy hiểm cho xã hội thì theo đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát, toà án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Lập công lớn là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản (có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) của Nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận. Đặc điểm này chứng tỏ người bị kết án đã trở nên có ích cho xã hội nên dù không buộc họ phải chấp hành hình phạt thì cũng không có nguy cơ tái phạm.

Người mắc bệnh hiểm nghèo là đang bị một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị như: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3, suy thận độ 4 trở lên; HIV giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội không có khậ năng chăm sóc bản thân và có nguy cơ tử vong cao (Xem: Thông tư liên tịch số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012).

Người bị kết án không còn nguy hiểm cho xã hội được hiểu là người bị kết án đã hoàn lương, chấp hành đúng quy định pháp luật, chăm chỉ lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như các phong trào địa phương, tự giác thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quyết định của toà án (Xem: Thông tư liên tịch số 09/2012HTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012; Thông tư liên tịch số 09/2012HTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/8/2012. Tên của Điều 63 BLHS (Giảm mức hình phạt đã tuyên) không thống nhất với tên của Điều 64 BLHS cũng nhu với nội dung trong chính Điều 63).

Thẩm quyền xét và quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt thuộc về toà án khi có đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát.

 

3.3. Miễn chấp hành phần hình phạt còn lại trong trường hợp đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt

(khoản 4 Điều 62 BLHS)

Toà án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại trong trường hợp thoả mãn các điều kiện sau:

– Người bị kết án phạt tù đến 03 năm;

– Được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù;

– Trong thời gian được tạm đình chỉ đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội.

Đây là trường hợp người phải chấp hành án có nhiều nỗ lực, cố gắng và đạt nhiều thành tích trong học tập, công tác, chiến đấu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc xác nhận. Điều kiện này thể hiện sự tự giác quyết tâm hoàn lương của người bị án nên được coi là một trong những căn cứ để miễn chấp hành hình phạt cho họ.

Thẩm quyền xét và quyết định miễn chấp hành hình phạt trong các trường họp này thuộc toà án khi có đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát.

 

3.4. Miễn chấp hành phần hình phạt tiền còn lại (khoản 5 Điều 62 BLHS)

Người bị kết án phạt tiền cũng có thể được toà án miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại khi thuộc một trong hai trường họp sau:

– Đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt và không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài vì thiên tai, hoả hoạn, tai nạn hoặc ốm đau;

– Đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt và đã lập công lớn.

Cả hai trường hợp trên đều đòi hỏi phải có đề nghị của viện trưởng viện kiểm sát về việc miễn chấp hành phần hình phạt tiền còn lại.

 

3.5. Miễn chấp hành hình phạt bổ sung cấm cư trú hoặc quản chế (khoản 6 Điều 62 BLHS)

Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu thoả mãn các điều kiện sau thì có thể được toà án ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại:

– Đã chấp hành được 1/2 thời hạn hình phạt;

– Đã cải tạo tốt và

– Có đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt, tổng hợp hình phạt, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể. Trân trọng./.