Bạn hãy nhắm mắt lại thử tưởng tượng xem khi đó cái gì sẽ xảy ra, liệu có còn trao đổi thông tin nữa hay không và xã hội có còn tồn tại nữa hay không? Khi đó ngay ca con người cũng không tồn tại trong một xã hội không còn lòng tin. Quả thật là may mắn điều đó đã không xảy ra. Cả nhân loại đang phấn đấu cho một xã hội minh bạch, vì có minh bạch thì dân mới biết được bản chất các sự kiện. Chúng ta đang xây dựng một xã hội của dân do dân và vì dân, tức là công việc của quốc gia dân phải biết, phải bàn,phải làm,phải kiểm tra.

Thông tin luôn chứa trong mình nó những giá trị vĩ đại. Thông tin tạo nên thời cơ chiến thắng cho ai có đầy đủ thông tin, chính xác và biết phân tích xử lý thông tin nhanh chóng và ra quyết định kịp thời.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191

Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội dầy ắp thông tin toàn cầu. Trên sách báo, trên truyền hình và internet có cơ man nào là thông tin. Có lẽ sự tiến bộ của công nghệ thông tin đã làm cho nhân loại tiến nhanh đến một xã hội minh bạch. Có lẽ sẽ là ngây thơ nếu ai đó có ý định ngăn chặn, kiểm soát thông tin trên internet. Một cuốn sách bị cấm in ở nơi này thì nơi khác, nước khác đã có thể in ngay. Một cuộn băng ghi âm có thể được phát tán ngay trên toàn cầu, cho dù có quy định cấm phát tán cuốn băng đó.

Hình như thông tin ngày nay đã trở thành không khí, nước, đã thành một thực thể của tự nhiên, giống như một cơn bão, như một con mưa, một cơn gió, động đất, núi lửa, sóng thần rất khó chế ngự, nếu không muốn nói là không thể. Khi đó mọi biện pháp cấm đoán sẽ trở nên hình thức. Vấn đề là định hướng cho con người sử dụng thông tin sao cho có lợi nhất cho loài người. Do có sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin nên sẽ đến lúc cần xem lại các quy định về bí mật. Đành rằng quốc gia nào cũng có những bí mật gọi là bí mật quốc gia, con người nào cũng chứa đựng một nội dung bí mật gọi là bí mật nhân thân. Trong một xã hội có đấu tranh giai cấp thì bí mật giữa các bên là tất yếu. Trong chiến tranh, bí mật trở thành một vũ khí lợi hại “tri bỉ, tri kỷ bách chiến bất bại”. Ngày nay trong thời kỳ xây dựng kinh tế thì các doanh nghiệp cũng có những bí quyết làm ăn gọi là bí mật kinh doanh. Nhưng nếu không có những quy định pháp luật cụ thể thì việc lạm dụng bí mật sẽ làm tổn hại đến lợi ích chung của toàn xã hội.

Do vậy, cần phải có quy trình quy định về bí mật phù hợp với thực tế. Xét về tiêu chí thì phải lấy lợi ích quốc gia làm chuẩn mực. Xét một tin được coi là mật, tối mật, tuyệt mật là rất cẩn trọng, phải trả lời hàng loạt câu hỏi: Khi nào thì quy định mật? Cái gì cần quy định mật? Mật đến bao giờ? Quy định mật thì thì ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia ra sao? Ai được lợi ích, ai bị thiệt hại, ai được biết, ai không được biết gì từ việc này? Có nghĩa là phải cân bằng lợi ích toàn xã hội khi quyết định một tin, một sự kiện nào là thông tin, sự kiện mật.

Một thông tin bị coi là lộ bí mật, một hành vi bị coi là chiếm đoạt tài liệu mật Nhà nước như quy định tại Điều 263 Bộ Luật Hình sự cần được xem xét cụ thể. Không thể quy kết cho bất kỳ ai chứa chấp bản copy của một tài liệu có dấu mật là chiếm đoạt tài liệu mật của Nhà nước. Xem ra cái tư duy của ta còn quá nhiều cảm tính. Có khi người giữ con dấu Mật dễ dàng đóng dấu vào văn bản và thế là văn bản đó trở thành một tài liệu mật. Có lần tôi vô tình đọc được một tài liệu có dấu mật, hoá ra đó chỉ là một cái lịch làm việc của ngài Bộ trưởng, ngày nao tiếp ai, làm gì, ở đâu. Có lễ nên xem xét một tài liệu photocopy có còn là mật nữa hay không. Vấn đề mật hay không mật là nội dung có dúng mật hay không chứ không phải là có đóng dấu mật là tài liệu mật. Nếu muốn bỏ chữ mật trên tài liệu photo thì quá đơn giản, chỉ việc lấy giây che chữ mật đi là xong. Tài liệu có thể dễ dàng bị đánh máy và gửi vào các hòm thư điện tử, các website, tức là phát tán trên internet một cách đơn giản và nhanh chóng. Khi công nghệ thông tin tiến tới hoàn hảo thì các quy định về bí mật càng trở nên kém tác dụng. Khi đã biểu diễn thông tin dưới dạng chữ viết có thể truyền tin được thì khi muốn bảo mật thông tin có lẽ phải sử dụng mật mã.

Ở ta, khái niệm mật đang bị lạm dụng một cách tuỳ tiện. Có khi Nghị quyết bị coi là mật hoặc in vào sách nhưng là sách không bán, lưu hành nội bộ. Có lần tôi trình bày một nội dung về Cổ phần hoá theo tinh thần Nghị quyết số 34/NQ/TƯ ngày 3/2/2004 ở một tỉnh nhưng cán bộ tỉnh không có tài liệu. Hoá ra nghị quyết nay được in trong trong tập văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX của nhà xuất bản Chính trị quốc gia nhưng góc sau bìa đóng chữ “sách không bán”. Có một số tài liệu của ta trong tình trạng này, có những thứ cần tuyên truyền ra toàn Đảng, toàn dân thì không được tuyên truyền rộng.

Rõ ràng ở ta có quá nhiều cái tù mù, không minh bạch. Những cái tù mù này thường lợi dụng chữ mật để che đậy sự thiếu minh bạch.

Thử hỏi các hành vi mờ ám, tham nhũng thì cần gì đến minh bạch. Cái vụ ăn trộm sắt xây nhà cao tầng ở Hà Nội đã bị công an phát hiện đã phơi bày thực trạng xây dựng ở nước ta thất thoát đến bao nhiêu %? Có lẽ khó có vị bộ trưởng nào phản biện được cái kết luận của xã hội đối với xây dựng dùng vốn ngân sách thất thoát là 30% như công luận đã nêu.

Xây dựng một xã hội minh bạch là nhu cầu tất yếu của nhân loại. Vậy tiêu chí của một xã hội minh bạch là gì? Trước hết phải là một xã hội có hệ thống pháp luật minh bạch, hệ thống pháp luật phải thực sự là một cán cân công lý, cân bằng lợi ích của mọi chủ thể trong xã hội, mọi tài sản đều có chủ đích thực, quyền và nghĩa vụ phải tương xứng và minh bạch, người dân được lựa chọn người đại diện của mình một cách công khai, minh bạch qua thẩm vấn tranh luận với dân để dân lựa chọn nhân tài. Xem ra con đường đi tới cái đích trên của Việt Nam ta còn xa vời quá.

Ngày nay ta đang cố gắng xây dựng một hệ thống pháp luật để hội nhập nền kinh tế thế giới, để gia nhập WTO .Với mục đích này, trước hết pháp luật phải áp dụng cho việc cân bằng lợi ích của các doanh nghiệp không phân biệt quốc tịch và sở hữu.

– Điều cốt lõi của tính minh bạch là phải minh bạch về sở hữu. Ở ta, những vấn đề này đang cần làm rõ, khái niêm sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước, sở hữu toàn dân trong sở hữu đất đai, sở hữu nguồn thu nhập từng cá nhân, đang là những vấn đề rất mơ hồ.

– Lộ trình cải cách doanh nghiệp nhà nước đã 13 năm nhưng xem ra rất khó thực hiện đứng tiến độ, thực chất của sự cải cách doanh nghiệp nhà nước là phải bán sở hữu nhà nước cho các ông chủ thực, những nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược, những người có ý tưởng kinh doanh, có năng lực quản lý và có khả năng tài chính. Nhưng cho đến nay những ý tưởng này chưa thực hiện được! Việc cổ phần hóa khép kín theo kiểu chia phần hoá, nhà nước giữ cổ phần chi phối, hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần đang là những rào cản những nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước tham gia mua cổ phần.

 – Đất đai đang có nhiều sự kiện khiến ta phải quan tâm. Ông chủ thực của đất đai là ai? Ở ta mọi người đều làm nhà của mình trên đất của người khác! Cái nghịch lý giữa quyền sở hữu nhà  với quyền sử dụng đất tại sao không được gỡ bỏ. Nông dân và đất đai là 2 vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, Khoán 10 mối cho nông dân quyền sở hữu hạt lúa sau thu hoạch, nông dân không có quyền sở hữu ruộng đất, nên họ phải cấy trên đất của nhà nước. Làm thế nào để đổi đời cho nông dân, nếu không có sự minh bạch về quyền sở hữu ruộng đất. Nông dân không có gì ngoài ruộng. Nay ruộng cũng không có quyền sở hữu thì nông dân trở thành người vô sản. Sự kiện nông dân trả đất cho chính quyền ở Thái Bình chắc đã trở thành vấn đề cần suy nghĩ để tìm ra câu trả lời! Tại sao nông dân không thực hiện được quyên góp vốn bằng đất! Vì chỉ có quyền sử dụng đất thì làm sao góp vốn được, góp vốn phải góp vốn bằng tài sản của mình, không thể góp vốn bằng tài sản của người khác, lỡ ra hết hạn sử dụng đất thì xử lý ra sao, định giá thế nào khi không phải là tài sản của mình! Tại sao thu hồi đất chỉ đền cho nông dân vài chục ngàn/ 1 mét vuông, nhưng sau đó biến thành nhà ở, đất đó có giá vài triệu hoặc vài chục triệu/1 mét vuông! Nông dân giữ đất ngàn đời nay được lợi gì từ cái chênh lệch giá đó!

Tất cả cái vô lý trên đều xuất phát từ sự không minh bạch về sở hữu đất đai. Ai có lợi từ sự tù mù về sở hữu đất đai. Xin thưa ngay là hệ thống quan chức và người có liên quan của họ. Thử hỏi các vụ đất đai đang được công luận phanh phui như vụ Đồ Sơn, Phú Quốc, Bạc Liêu, Sóc Sơn, Hồ Trị An thì ai được lợi, ai được phân đất, chia đất, ai được mua rẻ? Đất các trang trại về tay ai? Có thể nói sự rối bời về đất đai trên toàn quốc không địa phương nào không có. Phải tìm ra cái nguyên nhân cơ bản của sự việc để xử lý tận gốc. Đó là vấn đề minh bạch về quyền sở hữu đất đai.

Sự minh bạch trên thị trường chứng khoán: Pháp luật về chứng khoán đều yêu cầu bắt buộc các công ty phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán phải có bản cáo bạch về tài chính để công khai hoá với nhà đầu tư, nếu thông tin không chính xác thì nhà đầu tư sẽ bị lừa.

Sự minh bạch trong quản trị công ty: nếu thiếu cơ chế minh bạch thì không thể kiểm soát được các quyết định của người quản lý, thực tế cho thấy mọi sự đổ vỡ của các công ty đều bắt nguồn từ sự không minh bạch về tài chính.

– Sự minh bạch về thu nhập cá nhân cũng có nhiều điều cần bàn. Với một xã hội tiêu tiền mặt tràn lan thì làm sao kiểm soát nổi đường đi của đồng tiền. Với cơ chế lương nửa thị trường, nửa bao cấp thì làm gì có minh bạch. Người được đi ô tô có thu nhập cao hơn người không được đi ô tô tới cả chục lần. Các vụ dùng xe công đi chùa mà báo chí nêu là một phần rất nhỏ của tảng băng chìm. Hãy thử khoán ô tô xem sao? Khoán để thấy rõ cái bất hợp lý bao nhiêu năm nay ai cũng thấy nhưng vẫn cứ cho qua, khoán để tìm ra cái hợp lý cho dù có làm cho ai đó đau đớn. Ấy là chưa kể đến các khoản bao cấp khác như chi phí điện thoại, nhà ở, phục vụ, ưu tiên cấp đất, mua rẻ dất, cái chênh lệch giá từ đất đã mang lại lợi ích không cùng cho cho đội ngũ cán bộ có liên quan đến quyền quản lý đất đai. Ai công khai được cán bộ các cấp và gia đình họ được sử dụng bao nhiêu đất?

Vừa rồi nghe một quan chức cao cấp nói trên tivi là sẽ minh bạch về quyền sở hữu tài sản. Nghe thấy vui lắm vì đó là chìa khoá cho sự phát triển, là hồng phúc cho quốc gia. Nhưng lại lo đến bao giờ thì thành hiện thực vì giữa nói và làm ở ta là xa nhau lắm, giữa nghe và thấy là cả một thời gian dài. Việc đàm phán vào WTO của ta cũng được các đối tác rút kinh nghiệm giữa các cam kết và thực hiện.

Mong sao lời hứa trên sớm thành hiện thực! Nhưng dù sao cũng đã có một lời hứa trước dân!

Luật gia: Cao Bá Khoát

(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

———————————————-

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

1. Tư vấn xin cấp phép đầu tư;

2. Tư vấn cấp giấy chứng nhận đầu tư;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp liên doanh;

4. Các dịch vụ cung cấp cho nhà đầu tư trong nước;

5. Tư vấn thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam;

6. Dịch vụ tư vấn Cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài;