Nhớ lại 10 năm trước năm 1994 tăng trưởng 8,83% để năm 1995 tăng trưởng 9,54%. Vậy, năm 2004 đạt mức tăng trưởng 7,7%, có thể nội suy năm 2005 đạt mức 8.5% hay không (tăng 0,8% so với tỷ lệ tăng trưởng của năm 2004)?
Tuy nhiên, thực tiễn năm 1994 và 2004 là hoàn toàn khác nhau, nên những mối lo của các chuyên gia không phải là vô cớ. Nhìn vào các giải pháp mà chuyên gia khuyến cáo và Chính phủ đã chỉ đạo phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng tăng trưởng để đảm bảo tăng trưởng bền vữngvới tới tầm nhìn 2010 và 2020. bên cạnh đó phảI khắc phục triệt để việc đầu tư phân tán, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, xây dựng công trình kém chất lượng… Nghiên cứu tổng thể các nhóm giải pháp có thể rút ra rằng mọi giải pháp đều hướng tới sự minh bạch và cân bằng lợi ích toàn xã hội.
Ở nước ta, hình như sự minh bạch về các quyền sở hữu còn chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng, còn rất nhiều điều phải làm cho minh bạch đó là quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu quyền lực, và quyền sở hữu tài sản
Nổi cộm là sự thiếu minh bạch về sở hữu trong doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đã hơn 10 năm nay chúng ta tốn nhiều công sức tiền bạc và thời gian cho việc sắp xếp DNNN trong đó có giải pháp cơ bản là cổ phần hoá (CPH) các DNNN. Nhưng thực chất CPH chưa động chạm gì tới tiềm lực của DNNN. Cho đến hết 2004, đã cổ phần hoá 2060 doanh nghiệp và bộ phận của DNNN, chiếm 30% số lượng doanh nghiệp nhưng thực ra số vốn Nhà nước bán cho người lao động và nhân dân chỉ chiếm 4% (khoảng 8.000 tỷ/210.000 tỷ đồng). Trong khi đó, sự thất thoát, lãng phí, tham nhũng lại tập trung vào khu vực này. Hết ngàn tỷ này đến đến ngàn tỷ khác, bao nhiêu vụ án, bao nhiêu con số đã nêu ra, ai cũng thấy nhưng hình như chưa muốn sửa. Hãy thử điều tra xem lượng vốn ODA được thực thi như thế nào vì đây là “ Bố vay con trả”.
Hãy thử so sánh hiệu quả đầu tư giữa doanh nghiệp dân doanh và Nhà nước. Dân doanh đầu tư một nhà máy cùng công suất, cùng công nghệ nhưng chỉ bỏ ra số vốn bằng 50% so với Nhà nước. Dân làm gì có thất thoát bởi vì không ai ăn cắp cái của chính mình. Lời giải đã rõ, nhưng hình như chúng tai cứ lờ đi!
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Đã đến lúc phải thực tâm cải cách DNNN theo tinh thần Nghị quyết 34/NQ-TƯ ngày 03/02/2004 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Đã đến lúc phải tìm mọi cách để nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước, của xã hội chứ không phải chỉ là nâng cao hiệu quả của DNNN, phải chuyển đầu tư của Nhà nước cho toàn xã hội, xã hội hoá đầu tư, Nhà nước chỉ còn làm những gì dân không làm được. Đó là giải pháp phát triển bền vững cần làm ngay.
Để giải quyết được việc làm cho 1,6 triệu lao động trong năm 2005 cần phải tạo ra ít nhất 70 nghìn doanh nghiệp dân doanh. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang phấn đấu để có 500 nghìn doanh nghiệp vào năm 2010 như mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra. Nhưng với tốc độ hiện nay, mỗi năm chỉ có khoảng 3 vạn doanh nghiệp dân doanh được thành lập mới thì để đạt được chỉ tiêu này quả không đơn giản, ấy là chưa kể số doanh nghiệp cũ bị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động. Phải tạo ra một môi trường đầu tư như thế nào để xã hội hoá đầu tư, để giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động như chỉ tiêu đã đề ra?
Thiết nghĩ sự minh bạch và cân bằng lợi ích toàn xã hội đang đặt ra những công việc hết sức to lớn cho cho cẩ hệ thống pháp luật. Một trong các nhóm giải pháp do các chuyên gia nước ngoài đưa ra là phải xem lại vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế thị trường. Giải pháp này thực tế là việc giải quyết vấn đề cải cách nền hành chính, chuyển từ Nhà nước hành chính cai trị thành Nhà nước hành chính dịch vụ. Thực tế này là sự minh bạch về quyền lực giữa Nhà nước và nhân dân. Cơ chế một cửa để rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi của người dân đang được triển khai để phục vụ dân tốt hơn, đồng thời phải xoá ngay cơ chế “xin – cho” lâu nay ngự trị trong đầu công chức.
Muốn thực hiện được công cuộc cải cách này, phải chăm lo đến đội ngũ công chức bằng cả công cụ pháp luật và vật chất, phải làm cho công chức thực sự sống được bằng lương. Bài toán cải cách tiền lương quả là nan giải. Vậy có dám công khai minh bạch về thu nhập và lương cùng các chế độ bao cấp như xe cộ, nhà của hệ thống người hưởng lương ngân sách để quy hết ra tiền xem nó chênh lệch ra sao! Có lẽ đã có ý kiến về việc này nhưng chưa giám làm. Vì sao vậy?
Ngay việc công khai, minh bạch thu nhập cá nhân còn chưa làm được thì làm thế nào để cân bằng lợi ích xã hội?
Vấn đề cân bằng lợi ích giữa các nhóm dân cư cần phải được quan tâm, phải có chiến lược để hạn chế quả bom dân số có chiều hướng bùng nổ trở lại. Chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh xuống dưới 0,4% nếu không có biện pháp kiên quyết thì cũng khó thực hiện được.
Vấn đề ruộng đất và vấn đề dân cư ở các vùng có đông đồng bào thiểu số sinh sống cần được đặc biệt quan tâm, nhất là Tây Nguyên, Tây Nam và Tây Bắc. Một chính sách dân tộc và ruộng đất có tính đến sự cân bằng lợi ích giữa các nhóm dân tộc sẽ bảo đảm cho an ninh chính trị để thự hiện các chính sách phát triển kinh tế.
Về đất đai, chúng ta đã có Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn trong năm 2004. Tuy nhiên, sẽ xuất hiện những vấn đề mới nảy sinh vì Luật Đất đai 2003 chưa nêu bật quyền sở hữu toàn dân về đất đai. Nhiều vụ lộn xộn về đất đai như ở đảo Phú Quốc, hồ Trị An đang gây nên những cú sốc. Giá đất mới ban hành có tác dụng tốt với nông dan bị thu hồi đất nhưng có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong nước trongviệc tìm kiếm mặt bằng sản xuất. Doanh nghiệp phải tăng chi phí đầu vào nhất là các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng nhiều lao động. Điều này có nguy cơ dẫn đến mất cân bằng lợi ích. Một số chính sách giá cả có thể liên quan đến cân bằng lợi ích toàn xã hội nhất là đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong lộ trình hội nhập nền kinh tế thế giới. Năm 2005, chúng ta phải đối mặt với những tác động khách quan có thể ảnh hưởng tới sự phát triển đó là: Thiên tai; Cúm gia cầm; Giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than, điện, đất đai đều tăng, tác động mạnh đến giá thành sản phẩm của doanh nghiệp; Các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới công nghệ và tái cơ cấu lại doanh nghiệp sẽ tạo nên chi phí đầu tư mới. Do vậy, giá sinh hoạt sẽ tăng, rất khó kìm hãm tốc độ tăng giá tiêu dùng ở mức 6,5%. Những yếu tố này gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam trong lộ trình hội nhập. Tuy nhiên, năm 2005 sẽ có những cơ hội mới xuất hiện, thị trường du lịch Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển mạnh vào đầu năm 2005 và các năm sau nếu doanh nghiệp và Nhà nước biết tạo thời cơ, chớp thời cơ hành động ngay từ quý I năm 2005.
Việc gia nhập WTO đang là một nhu cầu đối với sự phát triển bền vững. Liệu Việt Nam có đủ điều kiện để gia nhập WTO trong năm 2005 hay không? Câu trả lời thuộc về chúng ta. Theo các tổ chức quốc tế đang quan sát nền kinh tế Việt Nam , các chỉ số phát triển của ta đều thấp, có chỉ số thụt lùi so với trước. Muốn đạt chi tiêu vào WTO chúng ta phải sửa đổi rất nhiều luật và văn bản dưới luật. Thực chất đó là một cuộc cách mạng về tư duy. Hệ thống luật pháp là sản phẩm của tư duy, thay đổi luật pháp là thay đổi tư duy. Luật pháp phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch và cân bằng các lợi ích xã hội. Mọi thứ chúng ta đang làm đều hướng tới nguyên tắc này. Hoá ra cái chìa khoá của sự phát triển bền vững lại rất đời thường: Minh bạch và cân bằng lợi ích.
Nghiệm lại xưa nay khi nào ta vi phạm các nguyên tắc này đều tạo ra những sự kiện nghiêm trọng. Bài học Khoán 10 trong nông nghiệp là sự minh bạch về sở hữu về tài sản của nông dân, cân bằng lợi ích giữa nông dân với Nhà nước nên đã thành công. Muốn chống tham nhũng, lãng phí vũ khí tốt nhất là minh bạch về thu nhập cá nhân, chi tiêu công quỹ. Còn sự tù mù là còn nguồn nước đục, nước càng đục cò càng béo!
Để năm 2005 đạt được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8,5% phải có giải pháp toàn diện nhưng đều phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch và cân bằng lợi ích. Đó là giải pháp để phát triển bền vững.
LUẬT GIA CAO BÁ KHOÁT (NĂM 2005)
(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
————————————————————-
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
2.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
3. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
4. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;