Việc xây dựng hệ thống tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ở đây vừa tạo điều kiện cho tác giả, chủ sở hữu quyền hưởng lợi ích hợp pháp, vừa giúp người tiêu dùng có thể khai thác, sử dụng tác phẩm thuận lợi đã sớm được quan tâm và không ngừng củng cố. Từ chỗ chỉ có một Tổ chức quản lý tập thể về quyền biểu diễn, một trong những tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan đầu tiên trên thế giới, đến nay Thuỵ Điển đã có một hệ thống tổ chức tập thể quản lý các loại hình quyền khác nhau từ lĩnh vực âm nhạc và công nghiệp ghi âm, in ấn và xuất bản, đến điện ảnh và truyền hình, cũng như tạo hình và sân khấu. Mỗi tổ chức hoạt động độc lập trong từng lĩnh vực nhưng có quan hệ mật thiết với các tổ chức khác, đồng thời có thể uỷ quyền và hỗ trợ nhau khi cần thiết, lại có tổ chức có thể đại diện cho tất cả các tác giả và chủ sở hữu quyền. Dưới đây là vài nét sơ lược về hệ thống Tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan của Thuỵ Điển.
>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191
Tổ chức quản lý tập thể quyền đối với tác phẩm âm nhạc:
Âm nhạc là lĩnh vực quản lý tập thể được ưa chuộng nhất và phát huy hiệu quả cao nhất. Đặc điểm của quản lý tập thể quyền đối với tác phẩm âm nhạc là dựa trên nguyên tắc cấp phép tự nguyện. Tại Thuỵ Điển, các quy đinh pháp luật đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc hoạt động từ rất sớm.
Tổ chức quyền biểu diễn (STIM – the Sweden Performing Society )
Đây là tổ chức quản lý tập thể đầu tiên của Thuỵ Điển, thành lập năm 1923, nhằm bảo vệ quyền lợi của các tác giả âm nhạc và các nhà xuất bản. STIM đại diện cho tác giả, chủ sở hữu quyền để quản lý và cấp phép quyền đối với cả phần nhạc và phần lời. Thông qua mạng lưới quốc tế của mình, STIM đại diện quyền cho các tác giả quốc tế có tác phẩm được sử dụng ở Thuỵ Điển và đồng thời góp phần thúc đẩy sáng tạo và phổ biến các tác phẩm âm nhạc mới của Thuỵ Điển ra nước ngoài. STIM là thành viên của Hiệp hội các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC). Có thể truy cập các thông tin về STIM qua website: www.stim.se
Cục Bản quyền Bắc Âu (NCB- Nordic Copyright Bureau)
Về nguyên tắc, các nhạc sỹ và chủ sở hữu quyền được hưởng một phần thù lao từ việc bán các bản ghi âm, và tổ chức quản lý quyền sao chép cơ khí đối với tác phẩm âm nhạc thường đại diện thực hiện quyền này. Tuy nhiên, do vấn đề lịch sử, quyền sao chép cơ khí đối với tác phẩm âm nhạc của Thuỵ Điển do Cục Bản quyền Bắc Âu quản lý. Tổ chức này có địa chỉ website: www.ncb.dk, trụ sở đặt tại Copenhagen (Đan Mạch) và hoạt động trên vùng lãnh thổ bao gồm Thuỵ Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Nauy, Aixơlen, Estonia, Latvia và Lítva. Nhưng trên thực tế, NCB đã ký thoả thuận hợp tác với STIM, quyền sao chép cơ khí của các tác giả Thuỵ Điển được chuyển giao cho STIM.
Tổ chức quản lý tập thể quyền trong lĩnh vực in ấn và xuất bản:
Các tác giả tác phẩm viết thường ký kết hợp đồng in ấn, xuất bản và nhận thù lao trực tiếp từ các nhà in, nhà xuất bản. Do đó, các tổ chức quản lý tập thể trong lĩnh vực này chỉ đóng vai trò đàm phán tạo ra mẫu thoả thuận chung cho các bên áp dụng trong từng trường hợp cụ thể.
Tổ chức quản lý tập thể quyền đối với tác phẩm văn học của Thuỵ Điển (ALIS – the Administration of Literary Rights in Sweden)
ALIS được thành lập năm 1995, là đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các tác giả văn học tại Thuỵ Điển. Tổ chức này có mối quan hệ chặt chẽ với các hiệp hội nghề nghiệp của các tác giả và các nhà xuất bản như: Hội nhà văn, Hội nhà báo, Hiệp hội các nhà xuất bản sách, Hiệp hội các nhà xuất bản báo chí. ALIS là thành viên của Liên đoàn quốc tế các tổ chức về quyền sao chép (IFRRO). Thông tin về Tổ chức quản lý tập thể quyền đối với tác phẩm văn học của Thuỵ Điển có ở website: www.alis.org
Quỹ các tác giả Thuỵ Điển (Swedish Authors’ Fund)
Với chính sách hỗ trợ tối đa cho người sáng tạo, Chính phủ đã thành lập quỹ các tác giả Thuỵ Điển để quản lý tiền thù lao văn học cho các tác giả. Đến năm 1999, quỹ này mở rộng cho các tác giả âm nhạc. Địa chỉ website của Quỹ là: www.svff.se
BONUS PRESSKOPIA
Là tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép ở Thuỵ Điển, thành lập năm 1973 với mục đích ban đầu là đàm phán về quyền thù lao cho việc sao chép ở trường học và các cơ sở giáo dục, sau đó mở rộng ra các doanh nghiệp và chính phủ. Mọi thông tin về tổ chức có ở website: www.b-pk.se
Tổ chức quản lý tập thể quyền trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình:
TROMB
Liên đoàn các nhà hát, nghệ sỹ và truyền thông Thuỵ Điển (the Swedish Union for Theatre, Artists and Media) là một liên đoàn lao động đại diện cho tất cả các chuyên gia, người biểu diễn, kỹ thuật viên trong các nhà hát, hãng phim, đài phát thanh và truyền hình, rạp chiếu phim tại Thuỵ Điển. Được sự thống nhất của các thành viên, Liên đoàn đã giao cho công ty TROMB quyền phân phối phí bản quyền và lợi nhuận trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình.
Các Công ty truyền hình ở Thuỵ Điển đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan. Lượng lớn các tác phẩm, đăc biệt các tác phẩm nghe nhìn, được khai thác, sử dụng bởi các công ty này. Một kênh truyền hình có thể bao gồm nhiều loại hình quyền của các thể loại tác phẩm khác nhau, tuy nhiên các công ty thường cố gắng ký kết hợp đồng trực tiếp với từng dạng chủ thể quyền.
Tổ chức quản lý tập thể quyền đối với tác phẩm tạo hình, sân khấu:
Tổ chức quản lý tập thể quyền đối với tranh ảnh nghệ thuật (BUS-Pictorial Art, Copyright in Sweden)
BUS có trách nhiệm thực hiện mọi hoạt động quản lý tập thể liên quan đến tranh ảnh nghệ thuật tại Thuỵ Điển. Tổ chức này giúp các tác giả phần phối thù lao từ quyền bán lại (resale right, droit de suit), được Luật bản quyền Thuỵ Điển quy định là 5% giá bán không bao gồm VAT. Địa chỉ website của BUS là www.bus.se
Giống như trong lĩnh vực xuất bản, các tổ chức nghề nghiệp như: Hiệp hội nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Tổ chức các nghệ sỹ Thuỵ Điển đã hỗ trợ rất nhiều để các tác giả nhiếp ảnh và sân khấu có thể thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp.
Đối với các tác phẩm sân khấu, không có tổ chức quản lý tập thể quyền ở Thuỵ Điển. Các vấn đề liền quan sẽ được Hiệp hội các tác giả sân khấu hoặc Liên đoàn các nhà hát, nghệ sỹ và truyền thông đại diện đàm phán.
Tổ chức quản lý tập thể quyền liên quan:
Tổ chức quản lý tập thể có vai trò rất quan trọng đối với người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm, ở Thuỵ Điển có hai tổ chức riêng biệt cho từng đối tượng
Tổ chức vì quyền lợi của nhạc công và nghệ sỹ biểu diễn Thuỵ Điển (SAMI-the Swedish Artists and Musicians Interest Organization).
SAMI được thành lập năm 1963 theo sáng kiến của Hiệp hội các nhạc công và Hiệp hội các diễn viên Thuỵ Điển, nhằm tăng cường bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các nghệ sỹ và nhạc công theo quy định của pháp luật. SAMI hoạt động rất hiệu quả và có quan hệ với nhiều tổ chức khác. Website của SAMI: www.sami.se
Hiệp hội công nghiệp ghi âm quốc tế (IFPI- International Federation of the Phonographic Industry) tại Thuỵ Điển.
IFPI là tổ chức đại diện toàn cầu của ngành công nghiệp ghi âm với 1400 công ty thành viên tại 75 quốc gia, liên kết với hàng chục hiệp hội công nghiệp tại 49 nước, IFPI tại Thuỵ Điển thành lập năm 1970, có địa chỉ website là: www.ifpi.se. IFPI tại Thuỵ Điển đại diện cho người biểu diễn thu phí phát sóng, đồng thời hợp tác với SAMI thu và phân phối khoản thù lao được trả cho quyền biểu diễn công cộng đối với bản ghi âm tới các nhà sản xuất bản ghi âm.
COPYSWEDE- the umbrella collecting society
Năm 1982, thực hiện chính sách “một cửa” trong quản lý và cấp phép sử dụng quyền tác giả và quyền liên quan (one-stop-shops), Thuỵ Điển đã thành lập COPYSWEDE, đại diện cho tất cả tác giả và chủ sở hữu quyền của Thuỵ Điển, có địa chỉ website: www.copyswede.se. Thông qua 14 tổ chức thành viên và các đối tác, COPYSWEDE có thể là đại diện duy nhất đàm phán với bên sử dụng, khai thác tác phẩm, đồng thời kiểm soát việc sử dụng, thu và phân phối phí cho các tác giả, chủ sở hữu quyền một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất. Mọi vấn đề về quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan đối với bất kỳ đối tác nào ở Thuỵ Điển cũng chỉ cần đàm phán với COPYSWEDE. Đây cũng chính điểm tiến bộ và ưu thế riêng có của hệ thống tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan của quốc gia này.
Hệ thống tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan của Thuỵ Điển với lịch sử lâu đời và những nét đặc thù độc đáo là mô hình lý tưởng để các nước, trong đó có Việt Nam, tham khảo và học tập kinh nghiệm./.
Hoàng Hoa (COV)
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)