Điều này được thể hiện thông qua bốn nội dung cơ bản, bao gồm: một là, xây dựng Bộ luật Thi hành án điều chỉnh tất cả các lĩnh vực về thi hành án; hai là, xác định Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước thống nhất công tác thi hành án; ba là, chuẩn bị các điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để thực hiện việc chuyển giao tổ chức và công tác thi hành án từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp; bốn là, từng bước xã hội hoá các hoạt động thi hành án.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là những nội dung đổi mới này được xây dựng và thực hiện dựa trên một mô hình tổ chức thi hành án như thế nào, hệ thống các cơ quan quản lý thi hành án của Việt Nam được sắp xếp và tổ chức lại như thế nào để đáp ứng yêu cầu của các nội dung cải cách đó, kinh nghiệm về mô hình tổ chức thi hành án của các nước trong khu vực và trên thế giới ra sao,…? Có thể nói, về mặt thực tiễn, đây là những vấn đề còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên việc nghiên cứu, khảo cứu kinh nghiệm pháp luật, thực tiễn thi hành án của các nước trên thế giới, đặc biệt về các mô hình thi hành án là rất cần thiết hiện nay. Từ đó tổng kết, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quốc tế quý báu để lựa chọn cho Việt Nam một mô hình tổ chức thi hành án thích hợp, qua đó từng bước nâng cao hiệu quả công tác thi hành án trong thời gian tới. Phạm vi bài viết này đề cập đến mô hình tổ chức thi hành án của một số nước trên thế giới:

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

1. Tại Cộng hoà Pháp

Cả thi hành án dân sự và thi hành án hình sự đều tập trung ở Bộ Tư pháp, do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý.

Thi hành các bản án, quyết định về dân sự do các văn phòng hoặc công ty Thừa phát lại thực hiện mà trực tiếp là các Thừa phát lại. Các văn phòng, công ty Thừa phát lại được tổ chức và hoạt động theo mô hình của các công ty thương mại. Tư cách Thừa phát lại rất linh hoạt, họ vừa là viên chức tư pháp, viên chức công quyền, bổ trợ viên tư pháp vừa là một nghề tự do, có tư cách hoạt động độc lập. Điều đáng lưu ý là họ hoạt động bằng nguồn kinh phí, thù lao do các bên yêu cầu thi hành án trả mà Nhà nước không phải mất một khoản tài chính nào chi trả lương cho họ, thậm chí nhờ hoạt động của các văn phòng, công ty Thừa phát lại mà nhà nước thu được một khoản tài chính thông qua việc đánh thuế. Điều đáng lưu ý nữa là Thừa phát lại là lực lượng duy nhất ở Pháp có quyền yêu cầu hỗ trợ của các lực lượng vũ trang công quyền trong trường hợp cần thiết.

Về quản lý thi hành án hình sự. ở Pháp, công tác quản lý thi hành án hình sự thuộc về Bộ Tư pháp, hệ thống các cơ quan quản lý trại giam bao gồm Cục Quản lý trại giam là một trong sáu Cục thuộc Bộ Tư pháp, là cơ quan quản lý cấp Trung ương đặt ở Paris. Đứng đầu Cục Quản lý trại giam là Cục trưởng do Tổng thống bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Cục Quản lý trại giam gồm: hai phòng là Phòng Thanh tra trại giam, Phòng Truyền thông và Quan hệ quốc tế; bốn Ban gồm Ban Tham mưu, Ban Quản lý những người đang chấp hình phạt tù và các hình phạt khác, Ban Quản lý tổ chức và hoạt động của các cơ quan quản lý trại giam địa phương, Ban Quản lý nguồn nhân lực và các cơ quan hệ xã hội.

Các cơ quan quản lý trại giam cấp địa phương bao gồm: chín Phòng quản lý cấp vùng; một Phòng quản lý trại giam tại các tỉnh và vùng hải ngoại. Các phòng quản lý trại giam cấp vùng gồm: các cơ sở giam giữ và các cơ quan tái hoà nhập xã hội và thử thách. Các cơ sở giam giữ gồm: nhà trại giam, các cơ sở thi hành án phạt tù và các cơ sở giam giữ đặc biệt.

Cán bộ trại giam bao gồm quản giáo là lực lượng chính, quản giáo không thuộc lực lượng vũ trang nhưng có hưởng cấp bậc giống như công chức trong lực lượng cảnh sát quốc gia, các viên chức khác tham gia công tác thi hành án hình sự còn có: giám thị; nhân viên hỗ trợ xã hội và kỹ thuật viên, nhân viên hành chính.

2. Tại Trung Quốc

Hiện nay, cả thi hành án dân sự và thi hành án hình sự ở Trung Quốc đều do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý. Theo GS-TS. Cheng Chunming – Đại học Luật và Khoa học Chính trị Trung Quốc, ĐH Mont Pellier I* thì công tác thi hành án dân sự ở Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động, 75% bản án, quyết định hiện vẫn còn chưa được thi hành. Để có một bản án, quyết định phải qua nhiu thủ tục phức tạp và mất thời gian; hiệu quả pháp chế của bản án, quyết định của Toà án không thực sự được bảo đảm. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau như: chưa có sự tách biệt rõ ràng giữa cơ quan xét xử với cơ quan thi hành án, tức là việc thi hành án dân sự vẫn do Toà án thực hiện, chồng chéo về thẩm quyền, thiếu sự phân biệt rõ ràng giữa thi hành án hình sự với thi hành án hành chính,…

Về thi hành án hình sự ở Trung Quốc được phân chia thẩm quyền cho các cơ quan như: Toà án, Bộ Tư pháp và cơ quan công an. Trong đó, Toà án thi hành án tử hình, án phạt tiền và sung công tài sản; Bộ Tư pháp thông qua Văn phòng quản lý trại giam của mình, là cơ quan Trung ương có thẩm quyền kiểm tra tất cả các nhà tù, trại giam của Trung Quốc. Ngoài ra, các Văn phòng quản lý trại giam của địa phương chịu trách nhiệm thi hành án phạt tù với các khung hình phạt từ giam giữ có thời hạn (từ trên một năm) tới chung thân (trong đó có án chung thân do tội phạm tử hình được hoãn thi hành án tử hình hai năm).

Các cơ quan công an chịu trách nhiệm thi hành án phạt tù ngắn hạn, gồm giam giữ có thời hạn ngắn hạn (từ sáu tháng tới dưới một năm) và giam giữ từ một tháng tới sáu tháng; các bản án cho phép tại ngoại tạm thời, hoãn án phạt tù, tạm tha có điều kiện, quản thúc (bản án không giam giữ có thời hạn từ ba tháng tới hai năm) và tước các quyền chính trị.

Cán bộ quản lý trại giam ở Trung Quốc được coi là cán bộ cảnh sát theo quy định của Luật về tù giam, họ được hưởng các quyền lợi như cảnh sát thông thường khác. Phần lớn cán bộ quản giáo là người tốt nghiệp cao đẳng cảnh sát quản lý trại giam hoặc các khoa tư pháp thuộc các trường đại học luật.

3. Tại Indonesia

Thi hành án hình sự ở Indonesia được thực hiện bởi Công tố viên. Công tố viên là người thi hành bản án. Đầu tiên, thư ký Toà án phải soạn và ký một tài liệu trong đó xác nhận rằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và sau đó Công tố viên phải ra một lệnh thi hành án gửi cho nhà tù. Hình phạt tử hình được thi hành bằng việc xử bắn, trừ trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quy định khác. Hình phạt tử hình được thi hành tại nơi có Toà án đã ra bản án sơ thẩm về vụ án. Đối với bản án về bồi thường thiệt hại được tiến hành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, do Thừa phát lại thi hành.

Việc giám sát, theo dõi thi hành án hình sự do Thẩm phán thực hiện. Thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sau khi nghe ý kiến của các Thẩm phán cao cấp của Toà án tối cao.

Về Thi hành án dân sự ở Indonesia được thực hiện bởi Thẩm phán. Thẩm quyền thi hành bản án của Thẩm phán thể hiện ngay ở tiêu đề của bản án ọvì công lý dựa vào Thượng đế toàn năngú, tức là Thẩm phán được sử dụng sức mạnh cưỡng chế của bộ máy nhà nước để thi hành bản án.

Nếu người phải thi hành án không có hoặc không đủ tài sản để thi hành, thì theo yêu cầu của bên thắng kiện, Chánh án Toà án cấp quận, huyện có thể trao lệnh cho Thừa phát lại để bắt người phải thi hành án để tạm giam. Người bị bắt có thể bị giam giữ trong thời hạn 3 năm.

4. Tại Hungari

Từ năm 1963, hệ thống các cơ sở giam giữ thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp. Cục Quốc gia về quản lý trại giam là một đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, tuy nhiên nó không thuộc quân đội và cũng không thuộc lực lượng cảnh sát. Người đảm bảo cho hoạt động của Cục Quốc gia về quản lý trại giam là Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Cục trưởng Cục Quốc gia về quản lý trại giam là người lãnh đạo cơ quan quản lý trại giam trong phạm vi thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cục Quốc gia về quản lý trại giam có 10 Phòng và 12 Ban. Giúp việc cho Cục trưởng Cục Quốc gia về quản lý trại giam có Văn phòng Cục và 2 Phó Cục trưởng, trong đó một người phụ trách các vấn đề về kinh tế.

Người làm việc tại Cục Quốc gia về quản lý trại giam là công chức nhưng được hưởng quy chế riêng trong khi đó những người làm việc tại các cơ quan ở địa phương là công chức theo quy chế chung về công chức nhà nước. Việc theo dõi thi hành án hình sự thuộc nhiệm vụ của Thẩm phán. Đây là cầu nối giữa Bộ Tư pháp và Cục Quốc gia về quản lý trại giam vì Thẩm phán theo dõi thi hành án hình sự không chỉ chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành án phạt tù mà còn giám sát việc thi hành các biện pháp thử thách hoặc hình phạt lao động công ích.

Qua phân tích sơ bộ pháp luật về mô hình tổ chức quản lý thi hành án của Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Hungari, chúng ta thấy rằng giữa chúng có một số điểm chung như: công tác quản lý thi hành án hình sự đều do Bộ Tư pháp thực hiện; xã hội hoá hoạt động thi hành án phát triển khá mạnh đặc biệt là thi hành án dân sự thông qua Thừa phát lại; hệ thống cơ quan hỗ trợ cộng đồng và tái hoà nhập xã hội đóng một vai trò tích cực và quan trọng trong hoạt động thi hành án; cơ chế giám sát công tác thi hành án hoạt động hiệu quả,… Đây là những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Bộ luật Thi hành án, thực hiện thành công những quan điểm và nội dung đổi mới về công tác thi hành án do Đảng đề ra. Hy vọng rằng, qua tham khảo pháp luật về mô hình tổ chức thi hành án của Pháp, Trung Quốc, Indonesia, Hungari cũng như mô hình tổ chức thi hành án của các nước khác và trên cơ sở thực tiễn thi hành án ở Việt Nam, chúng ta có thể lựa chọn ra cho mình một mô hình tổ chức thi hành án khoa học, tiên tiến, hiệu quả đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công tác thi hành án trong tình hình mới, góp phần xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

SOURCE: TẠP CHÍ NGHỀ LUẬT SỐ 1 NĂM 2007 – THS. NGUYỄN VĂN NGHĨA

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)