Nhiều ý kiến cho rằng nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính mà không cần khiếu nại trước. Tuy nhiên, ý kiến này chưa được sự thống nhất cao.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành tòa án, có khá nhiều vấn đề vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Tăng thẩm quyền, lo quá tải

Vấn đề mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính đã có nhiều quan điểm khác nhau về “tăng đến mức độ nào” là phù hợp.

Dự thảo quy định theo phương án loại trừ, tức là tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng nên quy định theo phương án liệt kê như quy định tại pháp lệnh hiện hành, có bổ sung những khiếu kiện mới theo quy định của pháp luật (pháp lệnh hiện hành liệt kê 22 loại việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án). Những người theo quan điểm này cho rằng việc tăng thẩm quyền cần phải có lộ trình. Nếu thực hiện theo phương án loại trừ thì tòa án sẽ quá tải, chất lượng giải quyết sẽ không bảo đảm.

.>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:  1900.0191

Mở rộng thẩm quyền của tòa hành chính: Thấy sai vẫn chưa thể kiện thẳng ra tòa

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết phương án thể hiện trong dự thảo được đa số thành viên ban soạn thảo và cơ quan chủ trì soạn thảo đồng tình. “Vấn đề có ảnh hưởng lớn tới việc làm tăng số lượng các khiếu kiện hành chính tại tòa là quy định về điều kiện khởi kiện vụ án chứ không phải là việc liệt kê hay loại trừ các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa” – ông Bình nói.

Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba góp ý, đối với danh mục các quyết định hành chính, hành vi hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án do Chính phủ quy định chỉ nên loại trừ một số quyết định, hành vi hành chính liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao thật sự đặc biệt. Ủy ban Tư pháp cũng kiến nghị cần làm rõ hơn và thể hiện ngay trong dự thảo luật “các hành vi mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước” không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa là những hành vi nào để tránh cách hiểu không thống nhất và khó áp dụng khi dự thảo luật được Quốc hội ban hành.

Kiện thẳng ra tòa hay phải khiếu nại?

Về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, có ý kiến cho rằng tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính. Không nên đặt ra yêu cầu về việc cá nhân, tổ chức đó phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai. Những người theo quan điểm này cho rằng việc đơn giản hóa điều kiện khởi kiện vụ án hành chính là một trong những yếu tố để tăng thẩm quyền cho tòa hành chính, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân trong việc khởi kiện vụ án hành chính, giúp họ kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Bà Lê Thị Thu Ba nêu ý kiến của đa số thành viên Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định trong dự thảo theo hướng dành quyền lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính hay khởi kiện vụ án tại tòa cho người dân mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện.

“Đây được coi là bước đổi mới căn bản về điều kiện, cơ chế giải quyết khiếu kiện hành chính ở nước ta theo tinh thần Nghị quyết 49” – bà Thu Ba nhấn mạnh.

Bà Thu Ba phân tích thêm, nếu quy định như dự thảo thì mặc dù có phân biệt hai loại việc để xác định điều kiện khởi kiện nhưng trong thực tế, hầu hết các khiếu kiện quyết định hành chính đều bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại tòa.

Chánh án Trương Hòa Bình nói: “Đa số thành viên ban soạn thảo theo quan điểm nới lỏng điều kiện khởi kiện vụ án hành chính phải có lộ trình phù hợp với điều kiện và khả năng giải quyết các loại vụ việc của tòa án”.

“Đối với một số loại việc có tính chuyên môn cao như các quyết định hành chính trong lĩnh vực về thuế, sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai và các lĩnh vực khác được luật chuyên ngành quy định thì nên để cơ quan hành chính giải quyết khiếu nại trước khi cho phép khởi kiện ra tòa án” – người đứng đầu ngành tòa án nêu quan điểm thể hiện trong dự thảo.

Ông Bình nói thêm, khiếu kiện đối với hành vi hành chính ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần qua thủ tục khiếu nại trước. Việc thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nên để cơ quan hành chính đó xem xét trước, tránh việc khiếu kiện tràn lan…

Chây ì thi hành án: thiếu chế tài xử lý

Dự thảo luật dành một chương quy định về thủ tục thi hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ ra chương này vẫn chưa có quy định về thời hiệu thi hành án đối với bản án, quyết định trong vụ án hành chính; cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có thẩm quyền thi hành án hành chính và đặc biệt là chưa quy định cơ chế thi hành bản án, quyết định hành chính…

Thực tiễn 14 năm thi hành Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cho đến nay chưa có một cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính nên chưa có cơ quan theo dõi, thống kê, báo cáo. Mặt khác, do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các trường hợp không chấp hành bản án, quyết định hành chính nên không thể xử lý được sai phạm.

Ủy ban Tư pháp đề nghị giao Bộ Tư pháp nghiên cứu giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính – bà Thu Ba cho biết.

Pháp lệnh bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

Các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã bộc lộ những hạn chế và bất cập: Có những quy định mâu thuẫn với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đất đai…; có những quy định chưa phù hợp (hoặc không còn phù hợp); chưa đầy đủ, thiếu rõ ràng và còn có những cách hiểu khác nhau, đặc biệt là các quy định về thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của TAND, điều kiện khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, nghĩa vụ chứng minh và cung cấp chứng cứ…

Bên cạnh đó, pháp lệnh cũng chưa có quy định cụ thể về thi hành bản án, quyết định hành chính của tòa án và cho đến nay cũng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này, dẫn đến thực trạng là bản án, quyết định hành chính của tòa án không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ.

Chánh án TAND Tối caoTrương Hòa Bình

Chế tài cá nhân, cơ quan chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ

Ủy ban Tư pháp đề nghị cần nghiên cứu quy định chế tài đối với việc cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình không thực hiện hoặc chậm thực hiện yêu cầu của tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không có lý do chính đáng để nâng cao trách nhiệm xã hội và bảo đảm hiệu quả trong giải quyết các vụ án hành chính tại tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư phápLê ThỊ Thu Ba

ĐỨC MINH – Theo Phapluattp.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)