Tiệm làm móng hay tiệm nail là một cơ sở cung cấp dịch vụ làm đẹp chuyên về hoạt động chăm sóc thẩm mỹ và cung cấp dịch vụ chăm sóc móng tay và móng chân như sơn sửa móng tay, móng chân, nuôi, cắt móng tay. Những người làm việc tại các tiệm nail thường được gọi là nhân viên làm móng hoặc nghệ nhân làm móng.

– Căn cứ pháp lý

  • Luật giáo dục nghề nghiệp;
  • Nghị định 143/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Nghị định 140/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và  thủ tục hành  chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh  và Xã hội;
  • Nghị định 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành  Luật Giáo dục nghề nghiệp;
  • Thông tư số 29/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội quy định về đăng ký hoạt động dạy nghề thì Doanh nghiệp xin cấp Giấy chứng nhận hoạt động dạy nghề.

1. Mở tiệm nail có cần đăng ký kinh doanh hay không?

Câu hỏi: Thưa Luật sư của LVN Group, tôi làm công việc nội trợ và chăm sóc con cái. Hiện tại, con cái của tôi đã lớn, tôi có nhiều thời gian rảnh và muốn mở dịch vụ gội đầu và làm móng tại nhà với quy mô nhỏ để phục vụ nhóm nhỏ người dân quanh khu vực sinh sống và không thuê nhân viên. Vậy, tôi có phải đăng ký kinh doanh hay không?

Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh nói chung và giấy phép kinh doanh tiệm nail nói riêng:

Căn cứ Khoản 2 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp có quy định:

– Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương

Như vậy căn cứ quy định của pháp luật hiện hành thì nếu mở tiệm tóc và làm móng tay móng chân tại nhà, có thu nhập thấp thì không cần phải đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, với việc mở cơ sở kinh doanh dịch vụ lớn để hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi, chủ tiệm nail cần đăng ký, xin giấy phép kinh doanh ngay từ trước khi cửa tiệm chính thức hoạt động.

2. Thủ tục thành lập cơ sở kinh doanh chăm sóc móng

Kinh doanh tiệm nail có thể đăng ký dưới hai hình thức:

– Hộ kinh doanh.

– Thành lập doanh nghiệp.

2.1. Đăng ký kinh doanh một tiệm Nail duy nhất

Một trong những mô hình kinh doanh được nhiều người lựa chọn nhất hiện nay cho việc kinh doanh tiệm nail đó là mô hình hộ kinh doanh cá thể. Mô hình này phù hợp cho những cửa tiệm nail độc lập, nhỏ và có một chủ sở hữu duy nhất.

Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau để làm hồ sơ đăng ký kinh doanh:

  1. Bản sao chứng minh thư hoặc căn cước công dân của chủ sở hữu cửa hàng, có công chứng của địa phương.
  2. Bản sao sổ đỏ, quyền sử dụng đất (nếu bạn kinh doanh tại nhà, mặt bằng của bạn) hoặc hợp đồng thuê mặt bằng (nếu bạn đi thuê mặt bằng để kinh doanh).
  3. Giấy đề nghị cấp giấy phép kinh doanh hộ cá thể, với các nội dung như sau:
  4. Thông tin đầy đủ của chủ sở hữu cửa tiệm nail

Cần điền đầy đủ theo biểu mẫu các thông tin như tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, ngày cấp chứng minh thư và một số thông tin liên lạc khác.

  • Thông tin tiệm nail: tên, địa chỉ thực tế trên giấy tờ của tiệm nail.

Lưu ý: tên tiệm nail không được trùng lặp với các cơ sở đã đăng ký giấy phép kinh doanh khác và tên phải được đặt theo cấu trúc Nhà nước quy định. Bên cạnh đó, tên cửa tiệm không được viết tắt và từ ngữ thiếu văn hóa. Bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đi đăng ký kinh doanh nhé!

  • Số vốn:

Nhà nước sẽ xem xét số vốn, khả năng kinh doanh của cơ sở của bạn có thỏa mãn với các quy định hiện hành không, từ đó xét duyệt và cấp giấy phép.

  • Ngành nghề kinh doanh

Đăng ký mã ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, dịch vụ cung cấp, mục tiêu kinh doanh,…

Sau khi hoàn tất toàn bộ thủ tục xong, bạn nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền trực thuộc tại Ủy ban nhân dân cấp xã/quận/huyện/thành phố nơi tiệm nail đăng ký hoạt động. Sau đó chờ Nhà nước xét duyệt. Sau khi hồ sơ được duyệt, trung bình từ 4 – 5 ngày, cửa tiệm của bạn sẽ được cấp giấy phép kinh doanh.

2.2. Đăng ký kinh doanh chuỗi tiệm Nail

Còn với những người muốn kinh doanh chuỗi tiệm nail, mở tiệm nail có cần giấy phép kinh doanh và phải đăng ký thành lập công ty, doanh nghiệp lớn để có thể hoạt động.

Khi đăng ký công ty để hoạt động chuỗi tiệm nail, thủ tục sẽ rắc rối hơn khi đăng ký kinh doanh hộ cá thể rất nhiều, cụ thể như sau:

  1. Đơn đề nghị thành lập doanh nghiệp với các thông tin ngành nghề kinh doanh cụ thể, hình thức công ty, doanh nghiệp muốn thành lập (công ty trách nhiệm hữu hạn hay doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần,…)
  2. Danh sách cổ đông, các thành viên cùng hợp tác kinh doanh đăng ký (nếu là mô hình công ty một thành viên thì không cần danh sách này).
  3. Bản sao giấy tờ có công chứng của chủ sở hữu và các cá nhân hợp tác kinh doanh.
  4. Bản sao chứng minh thư hoặc căn cước công dân của người nộp hồ sơ xin giấy phép đăng ký kinh doanh.
  5. Điều lệ, nội quy công ty.
  6. Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán hoặc thuê mặt bằng có công chứng.

3. Trình độ ngành nghề đăng ký cần có khi xin giấy phép kinh doanh tiệm nail

Thường được đăng ký là ngành cấp 3:

Mã ngành , nghề kinh doanh 963: Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác chưa được phân vào đâu. Cụ thể:

Cấp 5: Mã ngành nghề kinh doanh 96310: Cắt tóc, làm đầu, gội đầu :

Chi tiết: Cắt tóc, làm đầu, gội đầu. Cắt, tỉa và cạo râu. Massage mặt, làm móng chân, móng tay, trang

Cấp 5: Mã ngành nghề kinh doanh 96390: Hoạt động dịch vụ phục vụ cá nhân khác còn lại chưa được phân vào đâu

Cấp 4: Mã ngành nghề kinh doanh 7490: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu

4. Kinh doanh nghề nail và dạy nghề nail cần lưu ý những gì?

  • Kinh doanh nghề nail là kinh doanh ngành nghề có điều kiện, nên khi bạn muốn kinh doanh nghề này bạn cần đăng ký kinh doanh theo thủ tục của Sở kế hoạch đầu tư (hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc công ty) kèm theo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện kinh doanh như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân sự; Chứng chỉ đào tạo về quản lý kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ; Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn theo quy định của Sở Y tế, …. Bởi “nghề nail” là hoạt động chăm sóc móng tay móng chân cho con người, là dịch vụ chăm sóc cá nhân ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và thân thể của con người.
  • Kinh doanh dịch vụ nail dạy nghề cũng là loại hình kinh doanh có điều kiện, thuộc nghề đào tạo trình độ sơ cấp, nên bạn cần có những giấy tờ chứng minh đủ điều kiện kinh doanh, cụ thể là Giấy phép dạy nghề nail do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp.
  • Điều kiện kinh doanh nail dạy nghề:
  • Có cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp nghề; tiện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học;
  • Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
  • Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; đảm bảo tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo;
  • Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thời gian hoạt động không quá 50 năm tính từ ngày quyết định cho phép thành lập. Trường hợp có thời gian hoạt động dài hơn 50 năm thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
  • Doanh nghiệp cũng cần phải có kế hoạch cho việc tổ chức dạy nghề: Đối tượng học viên (độ tuổi theo quy định pháp luật); Thời gian đào tạo và phân bổ thời gian cho một khóa học; tổ chức lớp học (lớp lý thuyết, lớp thực hành), địa điểm đào tạo chứng chỉ hoặc chứng nhận cho học viên khi kết thúc một khóa học theo quy định pháp luật.
  • Doanh nghiệp cũng cần đăng ký, bổ sung ngành nghề về việc mở nail dạy nghề tại Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư, sau đó đăng ký mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh  là trung tâm dạy nghề (tùy theo quy mô kinh doanh của công ty). Thủ tục đăng ký theo quy định của Luật doanh nghiệp và các nghị định, thông tư liên quan.

– Thủ tục xin giấy phép dạy nghề spa

Cơ quan có thẩm quyền, thực hiện: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có trụ sở chính của đơn vị. Trường hợp đăng ký hoạt động dạy nghề tại phân hiệu/cơ sở đào tạo khác có địa điểm không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với trụ sở chính thì nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động dạy nghề tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi có phân hiệu/cơ sở đào tạo khác của đơn vị;

5. Thành phần hồ sơ:

  • Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (Phụ lục 3 Nghị định 143/2016/NĐ-CP);
  • Bản sao điều lệ hoặc quy chế tổ chức hoạt động;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
  • Bản sao Quyết định thành lập cơ sở dạy nghề;
  • Báo cáo các điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục nghề nghiệp kèm theo giấy tờ chứng minh (theo mẫu Phụ lục 5b Nghị định 143/2016/NĐ-CP)
  • Cách thức nộp: Nộp trực tiếp, nộp qua đường bưu điện, nộp qua trực tuyến dịch vụ công.
  • Thời hạn giải quyết: Trong  vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
  • Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trường hợp không cấp giấy chứng nhận thì trong vòng 05 ngày làm việc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Thời hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp: hiệu lực kể từ ngày ký và không giới hạn thời gian hết hiệu lực trừ khi thuộc các trường hợp bị thu hồi giấy phép theo quy định.