1. Tổng quan các loại quy hoạch ở Việt Nam hiện nay
Hiện nay, hệ thống quy hoạch ở Việt Nam có thể phân thành 04 nhóm lớn sau:
– Nhóm thứ nhất gồm các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội.
– Nhóm thứ hai gồm các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu.
– Nhóm thứ ba gồm các quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng: quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới,…
– Nhóm thứ tư gồm các quy hoạch thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường như: quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch khoáng sản; quy hoạch sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo,…
Có thể thấy hiện nay quy hoạch nước ta tồn tại 04 nhóm lớn, mỗi nhóm còn tồn tại nhiều loại quy hoạch khác nhau.
2. Khái niệm một vài loại quy hoạch phổ biến
Quy hoạch sử dụng đất “là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định” – Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2013.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội là tổng hợp những hoạt động nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các vùng lãnh thổ nhằm xác định một cơ cấu ngành không gian của quá trình tái sản xuất xã hội thông qua việc xác định các cơ sở sản xuất phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống nhằm không ngừng nâng cao mức sống dân cư, hợp lý hóa lãnh thổ và phát triển kinh tế bền vững.
Quy hoạch đô thị “là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị” – Khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
3. Sự giống nhau và khác nhau giữa quy hoạch sử dụng đất với các loại quy hoạch trên
3.1. Giống nhau
Thứ nhất, về các biện pháp và hoạt động cụ thể. Để hướng tới một mục tiêu chung là phát triển kinh tế – xã hội một cách hiệu quả đem lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, thì các biện pháp và hoạt động cụ thể trong các loại quy hoạch đều do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng, phê duyệt.
Thứ hai, về trình tự lập quy hoạch. Các loại quy hoạch này đều có những bước cơ bản là: Điều tra, thu thập, phân tích, đánh giá các thông tin về điều kiện tự nhiên, thực trạng dân cư, xã hội, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật để tiến hành lập quy hoạch; lấy ý kiến công khai; trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt quy hoạch. Ngoài ra, các nguyên tắc của các quy hoạch này đều phải thống nhất, phù hợp với các quan điểm, phương hướng chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật.
Thứ ba, về kinh phí. Kinh phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện các loại quy hoạch này đều được cấp từ ngân sách nhà nước hoặc các nguồn kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích.
Thứ tư, không chỉ có quy hoạch sử dụng đất mới hướng tới đối tượng là tài nguyên đất mà cả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch đô thị cũng hướng đến nguồn tài nguyên đặc biệt này. Cụ thể, một trong những nội dung quan trọng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội là nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố thuộc điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có tài nguyên đất. Còn đối với quy hoạch đô thị, đất đai chính là nguồn lực để phát triển đô thị, là cơ sở để phát triển các hạ tầng kỹ thuật (như hệ thống giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải,…), các công trình hạ tầng xã hội (như nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước,…).
Ngoài ra, về thời hạn công bố công khai quy hoạch thì ba loại quy hoạch kể trên đều có thời hạn là 30 ngày, kể từ ngày quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
3.2. Khác nhau
3.2.1. Quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội
Về đối tượng của quy hoạch: Đối tượng của quy hoạch sử dụng đất là tài nguyên đất. Nhiệm vụ chủ yếu của quy hoạch này là căn cứ vào yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội và các điều kiện tự nhiên để điều chỉnh cơ cấu và phương hướng sử dụng đất, xây dựng phương án quy hoạch, phân phối sử dụng đất đai thống nhất, hợp lý. Còn đối tượng của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội là các vấn đề về kinh tế xã hội với mục đích là định hướng phát triển kinh tế – xã hội trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh….. và tập trung phát triển kinh tế xã hội trên cả nước hoặc một vùng nào đó. Trong đó tài nguyên đất chỉ là một đối tượng được quy hoạch này tác động.
Về nội dung của quy hoạch: Quy hoạch sử dụng đất đưa ra các giải pháp, các kế hoạch sử dụng đất một cách cụ thể, hiệu quả, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Trong khi đó, nội dung của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội chỉ mang tính định hướng cho sự phát triển kinh tế xã hội, đưa ra các chính sách đường lối trên mọi mặt của xã hội để phát triển toàn diện đất nước, vùng hoặc địa phương nào đó.
Về thời gian của kỳ quy hoạch: Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – xã hội lập cho thời kì 10 năm, có tầm nhìn từ 15-20 năm và thể hiện cho từng thời kỳ 5 năm. Nó được rà soát, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội ở từng giai đoạn khác nhau. Còn kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm.
3.2.2. Quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch đô thị
Về đối tượng quy hoạch: Đối tượng của quy hoạch đô thị là không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở, để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, hướng tới phát triển đô thị. Trong khi đó, đối tượng của quy hoạch sử dụng đất hẹp hơn chỉ là tài nguyên đất.
Về phạm vi quy hoạch: Quy hoạch đô thị chỉ áp dụng đối với những khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương,… Trong khi đó, quy hoạch sử dụng đất vì có đối tượng quy hoạch là đất đai nên phạm vi quy hoạch sẽ rộng hơn bảo gồm tất cả các vùng, lãnh thổ trên cả nước, áp dụng cho cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn.
Ngoài ra, về kỳ quy hoạch thì hai loại quy hoạch này có sự khác nhau về mặt thời gian. Kỳ quy hoạch đô thị là từ 20 – 30 năm và phát triển theo từng giai đoạn, 5 năm 1 giai đoạn tương ứng với 1 nhiệm kỳ. Kỳ quy hoạch sử dụng đất có thời hạn là 10 năm phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
4. Sự cần thiết phải tìm hiểu mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với các loại quy hoạch trên
Vì quy hoạch sử dụng đất bản chất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định cho nên cần thiết phải đặt trong mối quan hệ với các loại quy hoạch khác
5. Mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất với các loại quy hoạch trên
5.1. Quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội là một trong những tài liệu cung cấp căn cứ khoa học cho việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó có đề cập đến phương hướng sử dụng đất đai. Còn đối tượng của quy hoạch sử dụng đất đai là tài nguyên đất. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là căn cứ vào yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội và các điều kiện tự nhiên để điều chỉnh cơ cấu và phương hướng sử dụng đất, xây dựng phương án quy hoạch phân phối sử dụng đất đai thống nhất và hợp lý.
Như vậy, quy hoạch sử dụng đất đai cụ thể hoá quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, nhưng nội dung của nó cũng phải được điếu hoà thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
5.2. Quy hoạch sử dụng đất đai với quy hoạch đô thị
Căn cứ vào yêu cầu của kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế xã hội và phát triển của đô thị, quy hoạch đô thị sẽ định ra tính chất, quy mô, phương châm để xây dựng đô thị bảo đảm cho sự phát triển của đô thị được hài hoà và có trật tự, tạo những điều kiện có lợi cho cuộc sống và sản xuất.
Quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất công nghiệp có mối quan hệ diện và điểm, cục bộ và toàn bộ. Sự bố cục, quy mô sử dụng đất, các chỉ tiêu chiếm đất xây dựng… trong quy hoạch đô thị sẽ được điều hoà với quy hoạch sử dụng đất đai. Quy hoạch sử dụng đất đai sẽ tạo điều kiện tốt cho xây dựng và phát triển đô thị.
5.3. Quy hoạch sử dụng đất đai với quy hoạch các ngành
Quy hoạch theo ngành là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất đai với quy hoạch các ngành là quan hệ tương hỗ vừa phát triển vừa hạn chế lẫn nhau. Quy hoạch các ngành là cơ sở và bộ phận hợp thành của quy hoạch sử dụng đất đai, nhưng lại chịu sự chỉ đạo và khống chế của quy hoạch sử dụng đất đai. Tuy nhiên chúng lại có sự khác nhau rất rõ về tư tưởng chỉ đạo và nội dung: một bên là sự sắp xếp chiến thuật một cách cụ thể (quy hoạch ngành); một bên là sự định hướng chiến lược có tính toàn diện (quy hoạch sử dụng đất).
5.4. Quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch phát triển nông nghiệp
Quy hoạch phát triển nông nghiệp là quy hoạch tổng thể trên một vùng nông thôn rộng lớn có động vật, sinh vật và con người cùng sinh sống. Mục tiêu của quy hoạch là tăng trưởng không ngừng mức sống của con người và đảm bảo phát triển bền vững.
Quy hoạch phát triển nông nghiệp là một trong những căn cứ chủ yếu của quy hoạch sử dụng đất đai. Quy hoạch sử dụng đất đai có tác dụng chỉ đạo vĩ mô, khống chế và điều hoà quy hoạch phát triển nông nghiệp. Hai loại quy hoạch này có mối quan hệ qua lại vô cùng cần thiết và không thể thay thế lẫn nhau.
5.5. Quy hoạch sử dụng đất đai cả nước với quy hoạch sử dụng đất đai của điạ phương
Quy hoạch sử dụng đất đai ở địa phương là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một địa phương nhất định.
Quy hoạch sử dụng đất đai cả nước với quy hoạch sử dụng đất đai của điạ phương cùng hợp thành hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai hoàn chỉnh. Quy hoạch sử dụng đất đai cả nước là căn cứ của quy hoạch sử dụng đất đai các địa phương (tỉnh, huyện, xã). Quy hoạch sử dụng đất đai cả nước chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch cấp tỉnh lại chỉ đạo quy hoạch cấp huyện. Mặt khác, quy hoạch sử dụng đất đai của các địa phương chính là căn cứ để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đai của cả nước.