Kiểm sát viên khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là một hoạt động nhằm thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB ở giai đoạn khởi tố, điều tra…
1. Khái quát
Kiểm sát viên khi kiểm sát khám nghiệm hiện trường các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ là một hoạt động nhằm thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB ở giai đoạn khởi tố, điều tra, VKSND các cấp thực hiện việc kiểm sát KNHT thông qua hoạt động nghiệp vụ của KSV được phân công. Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 42 BLTTHS hiện hành, khi được phân công nhiệm vụ, KSV phải “trực tiếp kiểm sát khám nghiệm hiện trường”. Quy định này được hiểu là, KSV nào được sự phân công của lãnh đạo VKS thì phải tự mình thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật mà không được ủy quyền cho người khác làm thay. Để đảm bảo hành lang pháp lý đảm bảo sự tôn trọng của các chủ thế khác đối với hoạt động kiểm sát KNHT của KSV, đồng thời đảm bảo trách nhiệm của KSV trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo hoạt động KNHT được tiến hành một cách kịp thời, khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật, pháp luật quy định KSV có những nhiệm vụ, quyền hạn nhất định trong KNHT nói chung và trong KNHT các vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB nói riêng. Những nhiệm vụ, quyền hạn này được xác định trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND các cấp khi giải quyết vụ án hình sự theo thẩm quyền.
Căn cứ quy định tại Điều 166 BLTTHS và Điều 4, Điều 15 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự, khi được phân công kiểm sát KNHT các vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB, KSV có những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc KNHT về thẩm quyền, trình tự, thủ tục KNHT. Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng trong quá trình KNHT; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người chứng kiến khi có vi phạm pháp luật trong hoạt động KNHT. Trong quá trình tiến hành hoạt động KNHT, ngoài các chủ thể là Điều tra viên chủ trì khám nghiệm, lực lượng tham gia khám nghiệm thì hoạt động KNHT còn có sự tham gia bắt buộc của người chứng kiến và có thể có sự tham gia của bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng, người có chuyên môn. Theo đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, KSV kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các chủ thể này trong quá trình khám nghiệm đảm bảo tư cách pháp lý và việc thực hiện quyền và nhiệm vụ của họ tương ứng với quy định pháp luật. Trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động KNHT của những người này thì KSV có quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những người tham gia tố tụng có vi phạm trong hoạt động KNHT. Yêu cầu CQĐT cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc cần KNHT để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc KNHT khi cần thiết. Khi phát hiện việc KNHT có vi phạm pháp luật thì yêu cầu Cơ quan điều tra, thực hiện các hoạt động: Tiến hành hoạt động KNHT đúng pháp luật; Kiểm tra việc điều tra và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; Cung cấp tài liệu liên quan đến hành vi, quyết định tố tụng có vi phạm pháp luật trong việc KNHT. Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong KNHT. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra, xử lý nghiêm minh Điều tra viên, Cán bộ điều tra vi phạm pháp luật trong hoạt động KNHT. Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động KNHT. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo quy định của BLTTHS.
Để đảm bảo việc thực hiện vai trò của VKSND trong việc giải quyết đối với từng vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB cụ thể, ngoài việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn thuộc về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nêu trên, trong quá trình kiểm sát KNHT nếu KSV phát hiện những sai, sót của các thành viên tham gia KNHT hoặc những dấu vết, vật chứng quan trọng chưa được phát hiện, thu thập trong quá trình kiểm sát KNHT, KSV căn cứ quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra theo quy định tại Điều 165 BLTTHS hiện hành để thực hiện các hoạt động: Yêu cầu ĐTV, cán bộ Điều tra thu giữ, niêm phong, bảo quản vật chứng, tài liệu, đồ vật hoặc dữ liệu điện tử có liên quan đến vụ việc khám nghiệm; lập biên bản KNHT, vẽ sơ đồ hiện trường theo quy định của pháp luật; Đề ra các yêu cầu cho ĐTV, cán bộ Điều tra, người có chuyên môn, Giám định viên kỹ thuật hình sự, Giám định viên pháp y thu thập, làm rõ các dấu vết thương tích, giải phẫu tử thi để xác định nguyên nhân chết, sơ bộ kết luận về nguyên nhân chết của nạn nhân (nếu có thể) để phục vụ công tác truy nguyên hình sự và truy tìm người phạm tội đối với những vụ án không quả tang; Yêu cầu ĐTV, cán bộ điều tra, người có chuyên môn, Giám định viên kỹ thuật hình sự, Giám định viên pháp y xác định chính xác phạm vi hiện trường, hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị thay đổi; mở rộng hiện trường để truy tìm dấu vết và công cụ, phương tiện phạm tội. Phát hiện, mô tả, thu thập đầy đủ, trung thực, khách quan mọi dấu vết liên quan đến tội phạm và người phạm tội tại hiện trường. Trong trường hợp cần thiết, KSV có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc KNHT.
2. Mối quan hệ phối hợp trong hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện vụ án vi phạm quy định về tham gia GTĐB
2.1 Quy định chung
Quá trình trao đổi thông tin và tiến hành các công việc thuộc chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án hình sự nói chung và trong KNHT vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB nói riêng luôn làm phát sinh mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có thẩm quyền và có liên quan. Việc ban hành quy định cụ thể làm hành lang pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ này là cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả cho hoạt động KNHT cũng như hoạt động kiểm sát KNHT.
Trong ngành Kiểm sát nhân dân, để thống nhất trách nhiệm cũng như mối quan hệ phối hợp giữa các đơn vị, cá nhân khi kiểm sát việc KNHT nói chung và KNHT các vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB nói riêng, Điều 10 Quy chế nghiệp vụ ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02 tháng 5 năm 2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định rõ: Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, khi có yêu cầu thì Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, Viện kiểm sát quân sự khu vực nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi có dấu vết tội phạm có trách nhiệm phân công KSV phối hợp, tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Theo đó, đối với các vụ TNGT có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hoặc vụ TNGT phức tạp, người gây tai nạn là nhân sỹ trí thức, các chức sắc tôn giáo, người có uy tín cao thuộc các dân tộc ít người, các vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm hoặc các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết thì lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo VKS phải trực tiếp cùng KSV thực hành quyền công tố, kiểm sát việc KNHT. Trường hợp cần thiết, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS cấp dưới đề nghị VKS cấp trên phân công KSV cùng tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát việc KNHT.
Đối với ngành Công an, căn cứ vào quy định của BLTTHS, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 76/TT-BCA ngày 22/11/2011 quy định trách nhiệm của từng lực lượng đối với hoạt động giải quyết các vụ TNGT trong đó quy định Cảnh sát giao thông, Cơ quan điều tra có trách nhiệm phối hợp với VKS trong việc giải quyết các vụ TNGT đường bộ nói chung và các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm Vi phạm quy định về TGGTĐB nói riêng, cụ thể:
2.2 Đối với vụ việc có người chết tại hiện trường
CQĐT cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cảnh sát giao thông có mặt ngay tại hiện trường để tiến hành điều tra, giải quyết vụ TNGT có người chết tại hiện trường; các vụ TNGT gây hậu quả từ nghiêm trọng trở lên; thông báo cho VKSND cùng cấp để kiểm sát việc điều tra theo quy định của pháp luật, trong đó có hoạt động kiểm sát KNHT. Quy định này được áp dụng trong giai đoạn giải quyết ban đầu với các vụ TNGTcó người chết, trong đó có những vụ, việc có thể có hoặc không có dấu hiệu tội phạm Vi phạm quy định về TGGTĐB.
2.3 Đối với vụ việc không có người chết
Lực lượng CSGT địa bàn nơi xảy ra vụviệc có trách nhiệm tiến hành KNHT, khám nghiệm phương tiện, lấy lời khai người điều khiển phương tiện, người làm chứng, thu thập tài liệu có liên quan về vụ tai nạn giao thông. Trong quá trình giải quyết nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì lực lượng Cảnh sát giao thông chuyển ngay hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện thụ lý điều tra theo thẩm quyền.
Như vậy, có thể thấy rằng trách nhiệm của các lực lượng trong Công an nhân dân đối với việc giải quyết ban đầu đối với các vụ TNGTnói chung và các vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB nói riêng là rất quan trọng. Trong đó, ở những phạm vi, mức độ nhất định, lực lượng Cảnh sát giao thông, CQĐT cấp huyện với VKSND cùng cấp có mối quan hệ phối hợp nhất định trong KNHT các vụ TNGTnói chung và trong KNHT các vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB nói riêng. Mối quan hệ phối hợp đó được thể hiện qua các hoạt động cụ thể như: Lực lượng cảnh sát giao thông bảo vệ hiện trường không để xảy ra xáo trộn cho đến khi việc KNHT, kiểm sát KNHT được tiến hành; CQĐT Công an cấp huyện thực hiện việc “thông báo cho VKSND cùng cấp biết” để VKS cấp huyện kịp thời có mặt để kiểm sát KNHT…
Ngoài ra, giữa liên ngành các cơ quan Bộ Công an, VKSND tối cao… cũng thống nhất ban hành quy định về mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các vụ án hình sự nói chung và các vụ án Vi phạm quy định về TGGTĐB nói riêng, trong đó Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nêu rõ: “1… Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường,. 2. Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên; nếu thấy cần thiết, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có thể trao đổi với Kiểm sát viên để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra. Trường hợp có nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí, thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát để thống nhất về nội dung yêu cầu điều tra. Trường hợp CQĐT không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì CQĐT phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra.”
Theo các quy định trên thì trong quá trình kiểm sát KNHT, KSV có quyền đề ra yêu cầu đối với ĐTV trong việc thu thập các dấu vết, vật chứng hoặc yêu cầu ĐTV yêu cầu các thành viên tham gia KNHT khắc phục ngay những sai sót xảy ra trong quá trình khám nghiệm.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty Luật LVN Group