Báo điện tử baodatviet.vn hôm nay (7-8-2009) đưa tin một bệnh nhân hơn 70 tuổi, Việt kiều Mỹ, ở quận 3, TP HCM, đã làm đơn gửi chính quyền địa phương nơi ông đang sinh sống để xin được chết đúng ngày giờ tốt.

Bệnh nhân trình bày mình đang mang căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, không thể chữa trị. Bác sĩ riêng dự đoán ông chỉ còn sống chừng ba tháng. Nay ông quay trở về quê cha đất tổ để sống cuối đời. và thầy tử vi đã chọn được cho ông giờ và ngày đẹp để … ra đi. Theo lời thầy bói, nếu vĩnh biệt thế gian vào đúng ngày giờ này, con cháu ông sẽ có được phúc đức lâu dài về sau. Vì vậy, ông muốn được chết êm ái vào đúng giờ ngày tốt đó … vì con cháu !?

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Việc lời thầy bói nói có đúng hay không, chúng tôi không bình luận ( dù thực tình không tin). Nhưng về yêu cầu được chết của bệnh nhân thực chất là một vấn đề pháp lý mà nhiều người đang quan tâm.

Cũng theo bài báo, dự định cuối đời của người bệnh đang gặp nhiều khó khăn. Do sợ chết đau đớn, ông “nhức đầu” phân vân là nên lựa cách tiêm thuốc hay uống thuốc độc để ra đi được nhẹ nhàng. Đồng thời, ông còn phải sắp xếp làm sao cho việc chết tự nguyện không gây phiền phức cho bất kỳ ai. Trong khi đó, bác sĩ của ông từ chối tiêm thuốc, còn những người thấu hiểu tâm tình ông lại không chịu giúp ông mua thuốc độc. Quá bức bách, ông đành phải làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận để bác sĩ có điều kiện hợp pháp giúp đỡ ông chết.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã từ chối ngay đơn xin được chết của ông. Đơn giản là bởi hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa quy định về vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết dưới đây (đã đăng trên website haimat.vn) để Quí vị có thêm thông tin.

——————————————–
Quyền được chết – tại sao không ?

HOÀNG PHÚC
(Haimat.vn) Cuộc sống đối với mỗi người có lẽ là “tài sản” quí nhất mà không ai muốn rời bỏ. Trong Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945, chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại một câu nói trong tuyên ngôn về nhân quyền của nước Mỹ : “ Người ta sinh ra ai cũng có quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc”. Tuy nhiên, đối diện với sự sống là cái chết. Ai cũng biết rằng rồi sẽ đến ngày mình chết. Đối với một con người, được chết có phải là quyền hay không ?

Ra đi trong cô đơn
Chỉ vài ngày sau khi tòa án Dijon (Pháp) bác bỏ thỉnh nguyện xin được “ra đi xứng đáng” bằng cách được chích thuốc độc chết (mà người ta vẫn hay gọi là “cái chết êm ái” hay “an tử’), hôm 20-3-2008, người ta đã phát hiện thi thể của bà Sebire tại một căn hộ ở Plombières-les-Dijon, miền đông nước Pháp. Mặc dù nguyên nhân cái chết của bà chưa được xác định, nhưng đã gây nên sự thổn thức trên toàn thế giới. Bởi trước đó, bà nói : “Tôi biết cách xoay những thứ cần thiết để tự chết”.

Giữa tháng 3, bà Sebire làm đơn gửi tòa án xin được chết, sau khi đã thỉnh cầu Tổng thống Sarkozy can thiệp để bác sĩ điều trị được kê toa độc dược “giúp” bà được chết trong tỉnh táo, nhanh và trong vòng tay thân quyến, bạn bè.

Sau khi tòa Dijon bác bỏ thỉnh nguyện của bà Sebire, với lý do luật hiện hành không cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân được chết, thủ tướng Pháp đã chỉ thị lập một ủy ban xem xét có thể điều chỉnh luật hay không.Tuy nhiên, trong khi cả nước Pháp còn đang bàn cãi về “cái chết êm ái” dưới lăng kính đạo đức thì bà Sebire ra đi trong sự cô đơn.

Cùng lúc với cái chết của bà Sebire, tại Bỉ – một nước không xa Pháp là bao, người ta cũng đưa tin cái chết của nhà văn Bỉ Hugo Claus, 78 tuổi. Bị mắc chứng Alzheimer, ông đã sử dụng “quyền an tử” theo luật pháp Bỉ và đã “được” chết tại Bệnh viện Middelheim. Với “quyền an tử”, ông đã “chọn giờ chết cho chính mình, vì không muốn kéo dài đau đớn”.

Như vậy, cùng là bệnh nhân bị bệnh nan y, cùng là chết – nhưng một người thì bị từ chối và đã ra phải ra đi trong đau đớn và cô đơn, còn một người khác thì được chọn và ra đi trong trong êm ái giữa những người thân. Sự khác biệt ở đây chính là pháp luật. Đó là vấn đề : quyền được chết !

“Giúp” người hay “giết” người ?
Cho đến nay, mới chỉ có Hà Lan (năm 2001) và Bỉ (năm 2002) cho phép an tử. Mới đây, tháng 2-2008, Quốc hội Luxembourg cũng đã thông qua dự luật cho người dân “quyền được chết”. Ở Mỹ, bang Oregon là địa phương duy nhất cho phép an tử. Còn lại hầu hết các nước trên thế giới, không hoặc chưa cho phép điều này.

Vấn đề gây tranh cãi gay gắt trong dư luận xã hội ở hầu hết các nước đã chính thức nêu lên vấn đề này là: việc cho phép an tử là nhân đạo hay bất nhân? Là giúp người hay giết người? Trong khi ai cũng hiểu rằng sự sống là điều quí giá và tuyệt vời nhất của một con người thì tại sao lại chúng ta lại nhẫn tâm cướp đi điều ấy của người bệnh.

Tuy vậy, ở một số nước trên thế giới, nhất là tại các nước Tây Âu, đang tồn tại thực tế là các bác sĩ “giúp” bệnh nhân chấm dứt cuộc sống đớn đau vì những căn bệnh nan y. Chẳng hạn như tại Ý, theo một báo cáo của Hiệp hội Bác sĩ quốc gia, có khoảng 0,7% bác sĩ Ý thừa nhận đã tiến hành an tử cho bệnh nhân.

Cuối năm 2006, ở Ý có một sự kiện làm dấy lên sự tranh cãi và ồn ào trên cả nước liên quan đến một cái chết được thực hiện theo kiểu “an tử” nhưng … trái pháp luật. Bệnh nhân 60 tuổi là nhà thơ Welby, bị teo cơ làm liệt các ngón tay, đau đớn và hạn chế nhiều trong giao tiếp. Ông đã gửi thư lên Tổng thống Giorgio Napotalino xin được chết. Lá thư đã gây xúc động sâu sắc, khiến Tổng thống Napotalino mời các chính khách, chuyên gia cùng bàn bạc. Sau đó, một tòa án được yêu cầu ra phán quyết. Nhưng họ lại chuyển hồ sơ về quốc hội với lý do không tìm ra luật nào giải quyết trường hợp này. Ngày 20-12-2006, bác sĩ điều trị của Welby là Mario Riccio khẳng định nguyện vọng xin được chết của Welby không bị một cản trở pháp lý nào. Và ông đã tắt máy trợ thở, “giúp” an tử.

Tuy vậy, cái chết của Welby không giải quyết được vấn đề đạo đức nói trên mà thậm chí còn gây chia rẽ ngay trong nước Ý nhiều hơn. Trong khi một số người khẳng định cái chết là sự giải thoát cho Welby, thì những người khác gọi bác sĩ Riccio là kẻ sát nhân. Nhà thờ đã từ chối phục vụ các nghi thức tôn giáo cho lễ tang Welby.

Năm 1999, tại Mỹ có trường hợp “bác sĩ tử thần” Jack Kevorkian (bang Michigan) bị truy tố về tội giết người do đã “giúp” tới 130 bệnh nhân được “ra đi”. Jack Kevorkian bị kết án tới 25 năm tù. Tuy nhiên, ông được giảm án, trả tự do trước thời hạn sau 8 năm ngồi tù.

Ngay ở Hà Lan, dù đã thông qua luật an tử từ năm 2001 cho đối tượng là người trưởng thành, nhưng năm 2006, khi mở rộng việc cho phép “an tử” đối với trẻ sơ sinh mắc bệnh nặng không thể cứu chữa. Nhiều người đã cho rằng điều này sẽ làm suy đồi đạo đức xã hội, dẫn đến nguy cơ bác sĩ và những bậc cha mẹ lợi dụng luật để quyết định sự sống của một cá nhân không thể nói lên mong muốn của mình.

Vì sao người bệnh muốn chết ?
Vì sao một người muốn chết ? – Đó là một câu hỏi thoạt nghe có vẻ ngớ ngẩn. Tuy nhiên, đối với những người đang mắc phải những bạo bệnh, đang bị hành hạ về thể xác từng ngày, từng giờ và y học chịu thua không thể chữa trị thì việc họ muốn chết không có gì là vô lý.

Bà Sebire mắc chứng bệnh esthesioneuroblastoma, một loại khối u ác tính tấn công cơ thể từ khoang mũi. Căn bệnh đã cướp đi gần hết ngũ giác của bà và gây cho bà những cơn đau khủng khiếp, mỗi cơn có thể kéo dài tới bốn giờ. Chỉ có hai nhà phẫu thuật thần kinh nhận điều trị cho bà và đều kết luận đây là căn bệnh … bất trị. Trong lời thỉnh cầu của mình, bà nói: “Ngay cả thú vật, người ta cũng không để phải chịu đựng như tôi đang chịu đựng”.

Chúng ta phải thừa nhận rằng trên thực tế, còn rất nhiều căn bệnh mà y học bất lực, không thể chữa trị. Chẳng hạn như bệnh Aids, bệnh ung thư… Trong những trường hợp như vậy, tác dụng của y học họa chăng chỉ là trì hoãn cái chết. Tuy nhiên, khi đã tới giai đoạn cuối của những căn bệnh nan y này, hoặc bất kỳ bệnh tật nào – mà việc phát hiện hoặc chữa trị quá trễ thì hầu như các bác sỹ – dù giỏi nhất cũng đành bó tay bất lực.

Tại Việt Nam, chúng ta vẫn luôn chứng kiến hàng ngày, không ít những bệnh nhân bị bệnh viện trả về vì … không thể giúp gì hơn. Mà người ta vẫn hay gọi là bị “bác sỹ chê”. Đối với những trường hợp này, biết chắc là bệnh nhân sẽ chết, người thân chỉ còn biết khóc, mà bất lực, mà chứng kiến người bệnh nhiều khi phải lịm đi vì sự đau đớn.

Cái chết an tử đã tồn tại ở Việt Nam trên thực tế
Tuy nhiên, cũng tại Việt Nam có một thực tế vẫn luôn tồn tại từ lâu, mà hầu như nhiều người biết mà … không nói ra. Đó là việc thân nhân của người bệnh thường tạo ra “cái chết êm ái” cho họ khi họ quá đau đớn, quá già nua hoặc đã được … thầy cúng xem “ngày chết tốt”! Khi đó, cái chết sẽ đến với người bệnh – do thân nhân của họ không cho uống thêm sâm – vốn chỉ có tác dụng duy trì sự sống thêm trong vòng một vài giờ hoặc chủ động không cho uống thêm thuốc nữa. Với cách tạo ra sự “an tử” như vậy, liệu có gì không hợp đạo đức chăng?

Chúng ta cũng biết rằng, sự sống và cái chết là một chuỗi tuần hoàn, một qui luật của tạo hóa. Không có gì là tồn tại vĩnh cửu và bất biến. Cái chết tất yếu rồi sẽ đến với bất kỳ ai – dù muốn hay không. Dù người đó là ai : một ông vua hay một kẻ ăn mày.

Đạo đức là một khái niệm mang tính trừu tượng và thay đổi theo nhận thức, thời gian. Nếu kể từ khi loài người còn ăn lông ở lỗ, người ta “trừng trị” nhau bằng chém giết. Mạng người nhiều khi còn rẻ hơn con thú. Ngày nay, quan niệm đạo đức đúng – sai cũng khác biệt đáng kể từng nơi, từng lúc. Ngay như việc kết án tử hình – đối với những phạm nhân phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, trong khi nhiều nước đã bãi bỏ vì cho rằng dã man, vô đạo đức thì vẫn không ít nước vẫn duy trì vì cho rằng cần thiết.

Chính vì do cuộc sống là quí giá nhất, nên hơn ai hết, chính những người bị bệnh muốn chết hẳn hiểu rõ vì sao mình lại muốn chết. Suy cho cùng, quyền được sống cũng chính là quyền được chết. Vì xét về mặt pháp lý, nếu “sống” được xem là quyền – chứ không phải là nghĩa vụ. Thì một người cũng có quyền từ chối quyền đó – của chính mình – mà không làm ảnh hưởng tới ai.

Tôi cho rằng, việc chúng ta từ chối cái chết an tử chính là tiếp tay dung dưỡng và duy trì nỗi đau thể xác và có lẽ là cả tinh thần đối với người bệnh. Tại sao chúng ta đã biết chắc người đó sắp chết, đang chịu đau đớn và có nguyện vọng được chết một cách nhẹ nhàng, trong sự tỉnh táo giữa những người thân yêu nhất – mà vẫn đang tâm đứng nhìn và chờ đợi cái kết cục tất yếu và đau lòng ấy.

Do vậy, tôi ủng hộ quyền được an tử. Và cho rằng đã đến lúc cần chính thức nêu lên vấn đề này trên diễn đàn pháp luật.

———————————————————–

Giáo hoàng John Paul II ra đi do “cái chết êm ái”?

Tòa thánh Vatican cũng từng gặp rắc rối liên quan tới cái chết của giáo hoàng John Paul II năm 2006. Tiến sĩ Lina Pavanelli, một nữ chuyên gia hồi sức cấp cứu đã tố cáo Vatican đã thực hiện “cái chết êm ái” đối với giáo hoàng. Dựa trên kiến thức chuyên môn của mình cùng sự quan sát về tình hình sức khỏe của giáo hoàng trong những ngày cuối đời, bà cho rằng Vatican đã để giáo hoàng John Paul II được dùng ống truyền thức ăn quá muộn và điều này là nguyên nhân gây nên cái chết. Renato Buzzonetti, bác sĩ riêng của giáo hoàng John Paul II và nay là của Giáo hoàng Benedict XVI, đã trả lời trên nhật báo La Repubblica là “việc điều trị đã được làm đến cùng”. Tuy nhiên, ông không bình luận gì về cáo buộc của bà Pavanelli.

Không có luật “an tử” người bệnh vẫn chết được theo nguyện vọng?
Luật sư của bà Sebire là ông Giles Antonovic cho rằng có thể “an tử” bằng cách đề nghị được áp dụng “luật về quyền bệnh nhân” ở Pháp. Theo luật này, người mắc bệnh nan y có quyền khước từ các biện pháp kỹ thuật kéo dài cuộc sống của họ. Bằng cách đó, họ có thể rơi vào hôn mê và qua đời chỉ sau 10-15 ngày. Cái chết này, theo ông, về kỹ thuật không phải là an tử, nên hợp pháp. Tuy nhiên, điều này trên thực tế đã không xảy ra. Nên cũng không thể kết luận là cách tư vấn như vậy có đúng luật hay không.

 ———————————–

Ý kiến :

Anh Lê Hoàng Vũ ( Bình Định)
Con người có quyền được sống không lẽ không có quyền được chết ? Tuy nhiên vấn đề đặt ra là ai sẽ “giúp” làm cho bệnh nhân chết : bác sỹ hay người thân? Nếu là bác sỹ thì vấn đề đạo đức nghề nghiệp có được đặt ra hay không , và liệu có bác sỹ nào chuyên làm việc này không. Còn người thân khi giúp thân nhân mình đạt được ý nguyện thì có bị truy tố hình sự hay không? Tôi nghĩ tất cả những vấn đề trên phải được thể hiện bằng luật. Chính luật là cơ sở để tạo yên tâm cho người “ muốn chết “ và những người giúp họ đạt được ý nguyện này.

Chị Phan Thị Thu Hiền ( Daklak)
Tôi nghĩ rằng con người có quyền được chết. Hãy đặt mình trong hoàn cảnh của những bệnh nhân và suy nghĩ. Khi họ cảm thấy rằng sự sống không bằng cái chết, và ra đi sẽ là cách giúp họ giải thoát được cho chính mình. Con người sống ở đời sinh, lão, bệnh, tử là điều tất nhiên. Bất cứ ai cũng vậy, ít nhất một lần cũng đã bị cảm, sốt… Những lúc đó có những cơn sốt, những cơn đau đầu đã khiến bản thân mình khó chịu lắm rồi thì huống chi một người đang bị bệnh ung thư bị cơn đau hành hạ. Họ sẽ phải chịu đau đớn đến cỡ nào – nhất là khi phải chịu cho đến cuối đời. Giải pháp ra đi lúc đó là biện pháp nhân đạo nhất mà tôi nghĩ rằng pháp luật nên cho phép.

(Nguồn: Ecolaw.vn)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)