Thừa quy định, thiếu thông tin
Theo Bộ Tư pháp, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có nhiều văn bản quy định về quyền được tiếp cận thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước đang nắm giữ (thông tin về môi trường, về quy hoạch, xây dựng, đất đai, về các dự án, về vệ sinh, an toàn thực phẩm, chi tiêu ngân sách…).
Tuy nhiên, hệ thống văn bản này còn chưa bao quát đầy đủ các lĩnh vực của cuộc sống; chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể, đơn giản để bảo đảm thực hiện quyền này một cách có hiệu quả, nên việc thực hiện quyền được thông tin của công dân còn hạn chế.
Hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc xác định trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước cũng như quyền tự do thông tin mang tính nguyên tắc, tính khái quát hơn là tính thực tiễn.
>> Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Gọi: 1900.0191
Các quy định về tiếp cận thông tin chủ yếu giao quyền tự quyết định việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thông tin thuộc lĩnh vực mà cơ quan đó phụ trách và kết quả là mỗi cơ quan, mỗi lĩnh vực lại có những quy định khác nhau về cách thức, quy trình cung cấp thông tin.
Trong tờ trình dự luật lên Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng trách nhiệm cung cấp thông tin hiện chưa được quy định cụ thể, ví dụ như loại thông tin nào bắt buộc phải công bố rộng rãi, thông tin nào được cung cấp khi có yêu cầu, thông tin nào cơ quan nhà nước không có trách nhiệm cung cấp. Điều này dẫn đến tình trạng một số cán bộ, công chức có thói quen giữ bí mật thông tin do không biết mình có trách nhiệm cung cấp thông tin hay không, hoặc nhằm đảm bảo “an toàn” cho chính bản thân, hoặc dùng để trục lợi.
Pháp luật hiện hành cũng đã có quy định về chức danh người phát ngôn của các cơ quan nhà nước song nhiệm vụ phát ngôn chỉ mang tính định kỳ hoặc hình thức, và chủ yếu là phát ngôn với báo chí.
Chính vì thế, việc tiếp cận thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ vẫn khó khăn, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai… Việc thiếu các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc công khai thông tin là nguy cơ phát sinh tình trạng lợi dụng điều kiện, vị trí công tác dễ dàng tiếp cận thông tin để trục lợi, gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư. Việc thiếu minh bạch, công khai trong hoạt động quản lý nhà nước và thiếu cơ chế tiếp cận thông tin chưa tạo cơ chế hữu hiệu để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; phần nào hạn chế sự tham gia của tổ chức, công dân vào hoạt động quản lý nhà nước với tính chất là người giám sát, phản biện.
Nhiều kỳ vọng
Quyền được thông tin đã được xác định trong Hiến pháp năm 1992. Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu ban hành Luật bảo đảm quyền được thông tin của công dân và coi đây là một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Về phương diện quốc tế, quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người. Tính đến năm 2009, đã có 86 nước ban hành Luật về quyền tiếp cận thông tin.
Dự thảo lần thứ nhất của Luật Tiếp cận thông tin nhận được nhiều sự cổ vũ do nó đưa ra được các luận điểm cơ bản về yêu cầu được thông tin của các doanh nghiệp, tổ chức, công dân.
Về quyền tiếp cận thông tin, điều 7 dự thảo Luật khẳng định mọi công dân, tổ chức được thành lập hợp pháp theo pháp luật Việt Nam, người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam, các tổ chức nước ngoài được hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều có quyền tiếp cận đối với các thông tin liên quan đến họ hoặc lĩnh vực hoạt động của họ.
Dự thảo Luật cũng xác định nội hàm của việc tiếp cận thông tin là xem, nghe, đọc, ghi chép, trích dẫn, sao chép, chụp hồ sơ, tài liệu; được trả lời trực tiếp, được nhận bản sao chép, bản chụp hồ sơ, tài liệu (trừ hồ sơ, tài liệu có chứa thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh). Để thực hiện quyền này, điều 9 dự thảo Luật quy định hai phương thức tiếp cận thông tin, đó là: tiếp cận thông tin được công bố rộng rãi và tiếp cận thông tin theo yêu cầu.
Dự thảo Luật cũng xác định rõ các thông tin được tiếp cận và thông tin không được tiếp cận hoặc chưa được tiếp cận. Theo đó, thông tin được tiếp cận là thông tin được công bố công khai rộng rãi và thông tin tiếp cận theo yêu cầu (điều 5).
Thông tin không được tiếp cận gồm các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh. Còn thông tin chưa được tiếp cận gồm thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; thông tin đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát; thông tin có trong hồ sơ, tài liệu đang trong quá trình soạn thảo (điều 6).
Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Luật so với các quy định hiện hành về công bố thông tin là đề cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chủ động công bố thông tin do mình nắm giữ. Theo đó, dự thảo Luật khuyến khích các cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin công bố rộng rãi các thông tin do mình nắm giữ, trừ các thông tin không được tiếp cận và chưa được tiếp cận, trên trang thông tin điện tử và ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc lập, cập nhật và công bố danh mục thông tin do mình nắm giữ (khoản 3 điều 13).
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm lợi ích cộng đồng thông qua việc tạo điều kiện cho mọi người đều được tiếp cận thông tin, dự thảo Luật quy định việc công bố rộng rãi thông tin vì lợi ích cộng đồng (điều 16). Theo đó, đối với các thông tin không thuộc trường hợp phải công bố rộng rãi song lại cần thiết công bố nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người, bảo vệ môi trường, bảo vệ lợi ích cộng đồng thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin có trách nhiệm phải công bố.
Một nội dung đáng chú ý khác là dự thảo Luật cũng quy định rõ thông tin được tiếp cận theo yêu cầu, các hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu (điều 17, 18).
Khi nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu có trách nhiệm thông báo cho người yêu cầu về quyết định chấp nhận, quyết định từ chối yêu cầu cung cấp thông tin hoặc cần gia hạn thời gian để xem xét việc giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin. Trong trường hợp từ chối yêu cầu cung cấp thông tin phải ra quyết định bằng văn bản và nêu rõ lý do của việc từ chối. Các cơ quan nắm giữ thông tin cũng phải chỉ định, bố trí tổi thiểu một cán bộ làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin, vận hành trang thông tin điện tử, lập, cập nhật và công bố rộng rãi danh mục thông tin do mình nắm giữ.
Để hạn chế việc các cơ quan, tổ chức nắm giữ thông tin lạm dụng quyền hạn của mình từ chối hoặc trì hoãn cung cấp thông tin, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với Nhà nước, Bộ Tư pháp, cơ quan soạn thảo luật này, cho rằng nếu không có ủy ban độc lập giám sát việc thực hiện quyền này thì vẫn phải có một cơ quan của Quốc hội đảm nhận chức năng giám sát việc thực thi quyền tiếp cận thông tin. Cơ quan này có thể là một trong số các ủy ban của Quốc hội hiện nay hoặc nâng cấp Ban Dân nguyện của Quốc hội lên thành một Ủy ban của Quốc hội và giao cho cơ quan này chức năng giám sát việc thực thi quyền tiếp cận thông tin.
Điều kiện để thực thi là quan trọng nhất
Trong lời đề dẫn để lấy ý kiến về dự luật, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng đã nói rằng điều quan trọng hơn trong dự luật này là nó phải góp phần thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin của người dân, chứ không phải việc tiếp cận thông tin đơn thuần (mà cách thiết kế dự luật rất dễ kéo số đông đi theo hướng này).
Ông Dũng cho rằng: “Nếu tiếp cận thông tin là một quyền thì các điều kiện để người dân thực thi quyền đó là quan trọng nhất”. Tức, trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong việc tổ chức và cung cấp thông tin phải được quy định rõ. Các quyết định đều không chỉ được thông báo mà còn được giải trình (đặc biệt là giải trình cho các cơ quan báo chí). Thủ tục để người dân kiện ra tòa án khi quyền này của mình bị xâm phạm phải được quy định rõ ràng và dễ thực hiện. Hệ thống cơ quan xét xử cũng phải được tăng cường năng lực để làm chỗ dựa cho người dân trong việc bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, ngăn chặn công chức áp dụng cách hiểu cứng nhắc để từ chối yêu cầu tiếp cận thông tin.
Theo kế hoạch, dự án Luật Tiếp cận thông tin sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp vào tháng 10 tới. Dự kiến dự thảo Luật sẽ được biểu quyết thông qua vào năm 2010 và có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2012.
SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – HỒNG PHÚC
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn