Sau đây sẽ là một số ví dụ về kinh nghiệm áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại của một số quốc gia đã từng áp dụng nhiều biện pháp tự vệ thương mại, sau đó rút ra một số bài học có thể áp dụng cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại như sau:

1. Kinh nghiệm của Thái Lan

Trong giai đoạn từ 2011 cho đến 2018, Thái Lan đã áp dụng 04 biện pháp tự vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường này.

Mặc dù với số lượng các quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại không nhiều, nhưng ngay từ năm 2007, Thái Lan đã xây dựng và ban hành Luật Tự vệ thương mại đối với sự gia tăng hàng hoá nhập khẩu. Luật gồm 07 chương, 42 điều, trong đó điều chỉnh mọi lĩnh vực liên quan đến tự vệ thương mại của Thái Lan.

Trên cơ sở đó, Thái Lan đã thành lập Uỷ ban Tự vệ thương mại, bao gồm Bộ trưởng Bộ Thương mại làm Chủ tịch, Thư ký Thường trực của Bộ Thương mại là Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ Công nghiệp, Bộ Lao động, Văn phòng Uỷ Ban Bảo vệ người tiêu dùng và 07 chuyên gia được Thủ tướng bổ nhiệm làm thành viên. Uỷ ban có chức năng và nhiệm vụ quyết định áp dụng biện pháp tự vệ theo luật; mức bồi thường thiệt hại; tư vấn chính sách và ra Thông báo; thành lập các tiểu ban và thực thi các chức năng khác theo luật và của Chính phủ.

Thái Lan đã xây dựng qui trình chi tiết, làm cơ sở cho cơ quan quản lý nhà nước tiến hành khởi xướng điều tra tự vệ thương mại . Cụ thể:

Nhà sản xuất sản phẩm tương tự hoặc nhà sản xuất từ các linh kiện, bộ phận của các nhà sản xuất khác đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ Thương mại có quyền yêu cầu Uỷ ban tự vệ thương mại khởi xướng điều tra biện pháp tự vệ khi họ cho rằng có sự gia tăng nhập khẩu các sản phẩm nhập khẩu tương tự và gây tổn thất cho ngành công nghiệp trong nước. Yêu cầu này được gửi đến Vụ Ngoại thương cùng với bằng chứng và thông tin cho thấy rằng có sự gia tăng nhập khẩu và gây tổn thất cho ngành công nghiệp trong nước. Yêu cầu khởi xướng điều tra phải được làm theo mẫu của Bộ Thương mại.

– Khi Vụ Ngoại thương xét thấy có bằng chứng về nhập khẩu gia tăng và gây tổn thất cho ngành công nghiệp trong nước, Vụ đề xuất Uỷ ban tự vệ thương mại để ra quyết định khơi xướng điều tra. Cơ sở để ra quyết định dựa trên các yếu tố sau: Gia tăng tỷ lệ và số lượng hàng nhập khẩu; Gia tăng thị phần của hàng nhập khẩu; Thay đổi về doanh số bán hàng; Thay đổi về khối lượng sản xuất; Thay đổi năng suất lao động; Thay đổi công suất hoạt động sản xuất; Thay đổi mức lợi nhuận và thua lỗ.

Việc xác định liệu hàng hoá nhập khẩu có thực sự gây tổn thất cho ngành công nghiệp trong nước hay từ nguyên nhân khác phải dựa trên những sự kiện, chứng cứ rõ ràng, thực tế và không được dựa trên cáo buộc, phỏng đoán hoặc từ dự báo khả năng xảy ra tổn thất. Sau khi xác định có sự tổn thất cho ngành công nghiệp trong nước, Vụ Ngoại thương là đơn vị có thẩm quyền điều tra thông tin về gia tăng hàng nhập khẩu và mức độ thiệt hại sẽ ra Thông báo điều tra, được đăng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và bên nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại .

Các tiêu chí điều tra trong thông báo ít nhất bao gồm: Xác định sản phẩm nhập khẩu được điều tra; Ngày bắt đầu điều tra; Thông tin sơ bộ về việc tăng nhập khấu và mức độ thiệt hại.

Trong quá trình điều tra, Vụ Ngoại thương phải mời các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và các bên liên quan cung cấp bằng chứng, tài liệu và quan điểm để hỗ trợ hoặc phản đối yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại. Sau khi hoàn thành điều tra, Vụ Ngoại thương lập một bản tóm tắt kết quả điều tra và đưa ra quan điểm, đề xuất với Uỷ ban tự vệ thương mại để ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại. Nếu thấy cần phải áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, Uỷ ban tự vệ thương mại sẽ áp thuế tạm thời theo tỷ lệ phù hợp. Thuế tự vệ thương mại tạm thời là một hình thức thuế nhập khẩu bổ sung theo tỷ lệ thông thường được quy định trong biểu thuế hoặc trong theo luật thuế hiện hành.

Các quy định của luật hải quan và luật thuế quan sẽ được áp dụng đối với việc áp dụng thuế tạm thời như nhiệm vụ đó là thuế nhập khẩu theo các luật đó. Việc áp dụng thuế tạm thời không quá 200 ngày kể từ ngày được công bố trong Công báo.

Trong trường hợp Uỷ ban xác định không có sự gia tăng hàng nhập khẩu hay không gây tổn hại cho sản xuất trong nước, Vụ Ngoại thương sẽ thông báo cho bên yêu cầu và ra quyết định chấm dứt xử lý vụ việc. Các khoản thuế tạm thời đã thu phải được hoàn trả ngay theo qui định của pháp luật hiện hành. Thời gian từ khi khởi xướng điều tra đến khi ra quyết định cuối cùng để xác định rằng biện pháp tự vệ có được áp dụng hay không phải được hoàn thành trong vòng 270 ngày kể từ ngày thông báo điều tra và được gia hạn không quá 90 ngày.

Trong trường hợp Uỷ ban kết luận rằng có sự gia tăng nhập khẩu và tổn hại cho sản xuất trong nước, biện pháp tự vệ chính thức sẽ được áp dụng đồng thời hoặc riêng lẻ như sau: Áp thuế theo một tỷ lệ quy định; Hạn chế định lượng nhập khẩu;

Bất kỳ biện pháp nào khác ngoài những điều trên có tác dụng giảm hoặc hạn chế nhập khẩu để cho phép các nhà sản xuất các sản phẩm tương tự hoặc ngành công nghiệp trong nước có cơ hội thực hiện kế hoạch điều chỉnh phù hợp.

Biện pháp tự vệ được áp dụng với sự gia tăng hàng nhập khẩu bất kể nguồn gốc xuất xứ và chỉ được sử dụng ở mức độ cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục những tổn thất và dành thời gian cho các nhà sản xuất điều chỉnh sản phẩm hoặc ngành công nghiệp trong nước.

2. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Mặc dù là quốc gia khởi xướng nhiều vụ điều tra tự vệ thương mại, nhưng trong khoảng thời gian từ 2011 cho đến 2018, Hoa Kỳ mới chỉ áp dụng 02 biện pháp tự vệ thương mại đối với thép (25%) và nhôm (10%) nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường này.

Không giống như nhiều nước trên thế giới thường ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh các quan hệ liên quan đến phòng vệ thương mại, trong đó có tự vệ thương mại, cơ sở để ra quyết định khởi xướng vụ việc hay áp dụng biện pháp tự vệ thương mại dựa trên một số điều khoản nằm trong các đạo luật riêng rẽ, dưới đây chúng ta sẽ cùng đi tìm hiểu các đạo luật đó.

a. Đạo luật Thương mại năm 1974 – Mục 201

Qui định Tổng thống Hoa Kỳ có thẩm quyền xem xét để áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xác định mặt hàng nào đó nhập khẩu ồ ạt với số lượng đáng kể, gây tổn hại nghiêm trọng hay đe doạ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp sản xuất trong nước. Qui định này phù hợp với Điều XIX của GATT và Hiệp định Tự vệ trong WT0.

Theo Mục 201, các ngành công nghiệp trong nước bị thiệt hại có thể kiến nghị ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ƯSITC) đưa ra biện pháp nhằm giảm hàng nhập khẩu. USITC xác định liệu hàng hoá đó có được nhập khẩu với số lượng đến mức độ là nguyên nhân gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ đến ngành công nghiệp sản xuất Hoa Kỳ và có cạnh tranh trực tiếp với hàng nhập khẩu hay không. Nếu xác định là có cơ sở, Uỷ ban sẽ đề xuất lên Tổng thống để ra quyết định xử lý cuối cùng, trong đó có cả biện pháp cứu trợ hoặc hỗ trợ tài chính.

Các tiêu chí giúp làm giảm lượng hàng nhập khẩu theo mục 201 dựa trên các qui định trong Điều XIX của GATT cũng như trong Hiệp định về Tự vệ của WTO. Điều XIX của GATT đôi khi được gọi là điều khoản miễn trừ trách nhiệm khi cho phép một quốc gia tạm thời tránh khỏi các nghĩa vụ của mình theo GATT đổi với một sản phẩm cụ thể khi việc gia tăng nhập khẩu đang gây ra hoặc đe doạ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước.

b. Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 (19 u.s.c 1862)

Cụ thể ở đạo luật này là Mục 232 nhằm xác định sản phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng lớn hoặc làm suy yếu an ninh quốc gia .

Mục 232 Đạo luật mở rộng thương mại năm 1962 của Hoa Kỳ quy định về việc Tổng thống Hoa Kỳ có thể áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia. Mặc dù có một số điểm tương đồng, nhưng khác với vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ thương mại, ngoài việc đánh giá, xem xét các yếu tố về lượng nhập khẩu, tác động tới ngành sản xuất nội địa, đặc biệt là thiệt hại của ngành sản xuất nội địa, cơ quan điều tra còn cần xem xét, đánh giá tác động ảnh hưởng của hàng nhập khẩu đó tới an ninh quốc gia. Mục 232 là một công cụ pháp lý ít được sử dụng và hầu hết các vụ việc điều tra theo quy định tại Mục 232 đều có kết luận là không áp dụng biện pháp tự vệ thương mại. Gần đây nhất vào tháng 4/2017, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra tự vệ thương mại đối với sản phẩm thép nhập khẩu theo Mục 232. Ngoài nguyên nhân liên quan đến an ninh quốc gia, việc khởi xướng điều tra còn tập trung vào các hành động không công bằng khác gây ra sự giảm giá mạnh trên thị trường thép…

Như vậy, thông qua kinh nghiệm của hai quốc gia trên, Việt nam sẽ rít ra một số bài học sau.

3. Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện các qui định pháp lý, chiến lược phù hợp

Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện các qui định pháp lý, chiến lược phù hợp với các cam kết quốc tế về tự vệ thương mại

Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, đặc biệc là tham gia và thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA – là những Hiệp định có mức độ tự do hoá rất cao nên việc xây dựng một chiến lược tổng thể về nâng cao năng lực tự vệ thương mại là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giúp các doanh nghiệp chủ động phát hiện, yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại kịp thời, đúng đắn nhằm bảo vệ nền sản xuất và thị trường trong nước trước áp lực nhập khẩu trong ngắn hạn.

4. Việt Nam cần xây dựng các công cụ tự vệ thương mại phù hợp với qui định quốc tế

Theo Điều khoản Miễn trừ, cần thiết phải xác định, xây dựng và thực thi các công cụ tự vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, các ngành sản xuất và thị trường trong nước trước sự cạnh tranh bất bình đẳng và gay gắt của hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài.

Tăng cường nhận thức về sử dụng công cụ tự vệ thương mại cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp

Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, mỗi khi có sự biến động về thị trường, hàng hoá nhập khẩu, các hiệp hội và doanh nghiệp đã sớm phát hiện kiến nghị, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thực hiện điều tra khởi xướng vụ việc và ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thương mại.

Đối với các vụ việc áp dụng biện pháp tự vệ thương mại, vai trò của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp rất quan trọng, tiên quyết trong xử lý vụ việc. Vì vậy, việc phát hiện, khởi xướng và yêu cầu cơ quan chức năng giảỉ quyết phụ thuộc vào nhận thức và năng lực của hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp về sử dụng công cụ tự vệ thương mạitrong cạnh tranh và bảo vệ lợi ích của mình trong hội nhập quốc tế. Từ thực tiễn đó, yêu cầu về tăng cường nhận thức về các biện pháp tự vệ thương mại và sử dụng công cụ tự vệ thương mại đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam trở nên cần thiết và cấp bách.

5. Đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc tự vệ thương mại đối với hàng hoá nước ngoài nhập khẩu

Thông tin cảnh báo sớm về tình hình nhập khẩu hàng hoá, đặc biệt là nhập khẩu hàng hoá đến mức phải áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại là hết sức cần thiết. Nhờ đó sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chủ động hơn trong việc vận dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình và của các ngành sản xuất trong nước.

Bên cạnh các bài học trên, Việt Nam cần tăng cường cơ chế phổi hợp giữa cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp. Việc thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu, tìm hiểu về thực trạng hoạt động của thị trường, ngành sản xuất trong hước nhằm phục vụ công tác điều tra tự vệ thương mại của các nước hiện nay rất thuận tiện, dễ truy cập. Hầu như không có sự hạn chế nào về thông tin và sự phối họp giữa các bên liên quan. Do đó, xây dựng và thực thi cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các tổ chức, cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện điều tra, áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại là một trong những bài học cần vận dụng để nâng cao năng lực áp dụng biện pháp tự vệ thương mại trong nhập khẩu hàng hoá ở nước ta.

Trân trọng!