Theo quy định điều 36, khoản 3 và 9 thì anh A được nhận trợ cấp thôi việc. Tuy nhiên tôi có 1 số thắc mắc như sau:
1. Sau khi nhận trợ cấp thôi việc theo khoản 3 hoặc 9 thì công ty có được tiếp tục ký hợp đồng lao động không?
2. Nếu áp dụng điều 36 khoản 3 thì phía công ty và anh A cần làm các thủ tục gì với cơ quan bảo hiểm? Nếu chấm dứt hợp đồng lao động theo điều 36 khoản 3 và 9, công ty sẽ làm thủ tục dừng đóng bảo hiểm hay người lao động phải trực tiếp đi làm?
3. Anh A có được nhận trợ cấp lương hưu như bình thường là tháng 11 sẽ bắt đầu được nhận không?
4. Hai bên nên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm nào thì hợp lý? Hoặc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thời điểm nào thì hợp lý?
Xin cảm ơn !
Người gửi: N.L.V
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật lao động của công ty Luật LVN Group
Luật sư tư vấn về pháp luật lao động, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Xin chào bạn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luật LVN Group. Về trường hợp của bạn, Luật LVN Group xin tư vấn như sau:
CĂN CỨ PHÁP LÝ
Bộ luật Lao động 2012
Luật Bảo hiểm Xã hội 2006
NỘI DUNG TRẢ LỜI
Về câu hỏi đầu tiên, sau khi anh A nhận trợ cấp thôi việc, công ty hoàn toàn có thể tiếp tục ký kết hợp đồng lao động mới với anh A. Việc ký kết này do hai bên thỏa thuận, theo quy định tại điều 167 Bộ luật Lao động 2012. Anh A sẽ tiếp tục làm việc dù đã nhận được trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian làm việc từ lúc bắt đầu làm tại công ty cho đến khi nghỉ hưu, được tính theo khoản 2 điều 48 Bộ Luật Lao động 2012. Sau 1 năm làm việc, hợp đồng mới sẽ hết hiệu lực, và anh A tiếp tục nhận được trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian tương tự như trên.
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. “
“ Điều 167. Sử dụng người lao động cao tuổi
1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.
2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.
3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc sức khoẻ của người lao động cao tuổi tại nơi làm việc. “
Thứ hai, sau khi áp dụng khoản 3 điều 36, công ty cần thực hiện các thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động, theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 47 Bộ luật Lao động 2012. Điều đó có nghĩa là, để công ty thực hiện nghĩa vụ này, cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ lao động giữa hai bên và gửi tới cơ quan bảo hiểm để xin xác nhận, sau đó gửi trả lại cho người lao động. Nói cách khác, công ty sẽ phải trực tiếp làm thủ tục này, bao gồm cả thủ tục xin dừng đóng bảo hiểm cho người lao động.
“ Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động. “
Thứ ba, theo khoản 2 điều 167, điều 187 Bộ luật Lao động 2012 và điều 70 Luật Bảo hiểm Xã hội 2006, anh A sẽ được nhận tiền lương hưu trí nếu đáp ứng đủ điều kiện hưởng lương hưu
“ Điều 187. Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này. “
“ Điều 70. Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;
b) Đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2. Trường hợp nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá năm năm so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì được đóng tiếp cho đến khi đủ hai mươi năm. “
Do anh A nhất quyết muốn nhận trợ cấp thôi việc, nên công ty nên chấm dứt hợp đồng lao động cũ vào thời điểm anh A đến tuổi về hưu (10/10/2015). Vì trợ cấp thôi việc chỉ được trả cho người lao động khi thuộc trường hợp quy định ở khoản 1 điều 48 Bộ luật Lao động 2012.
“Điều 48. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email hoặc qua Tổng đài tư vấn: 1900.0191.
Trân trọng!
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG