1. Khái niệm tranh tụng

Khái niệm tranh tụng được biết đến ngay từ những thời đại xa xưa của xã hội loài người. Loại tố tụng này đã được áp dụng từ thời kỳ Hy lạp cổ đại. Ở thời đấy, nguyên cáo bị cáo đã được nhờ người thân của mình bào chữa trước tòa án. Sau đó nó được đưa vào La Mã với tên gọi “thủ tục hỏi đáp liên tục”.Cùng với thời gian, tranh tụng tiếp tục được kế thừa, phát triển và từng bước được khẳng định và đến nay nó được áp dụng hầu hết ở các nước thuộc hệ thống luật lục địa cũng như hệ thống luật án lệ.

Ở Việt nam, có thể nhận xét tranh tụng trên các bình diện dưới đây:

Về mặt lập pháp: khái niệm tranh tụng chưa được chính thức ghi nhận hoặc giải thích trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta được ban hành từ năm 1945 đến nay.

Về mặt ngôn ngữ: theo Đại từ điển tiếng Việt năm 1998 thì tranh tụng có nghĩa là “kiện tụng”; còn theo Hán-Việt tự điển thì tranh tụng có nghĩa là “cãi lẽ, cãi nhau để tranh lấy phải”.

Theo cách giải thích này, thì tranh tụng chính là quá trình giải quyết vụ kiện dân sự theo đó các đương sự được tranh luận về các yêu cầu, các chứng cứ và chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Đặc thù của tố tụng dân sự là các chủ thể tham gia tố tụng và chủ thể tiến hành tố tụng cùng nhau xác định sự thật khách quan trên cơ sở xem xét đánh giá khách quan, toàn diện và đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết khác nhau của vụ án và đối chiếu với các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Để có thể tìm ra chân lý, xác định sự thật khách quan về vụ án thì các chủ thể tham gia vào quá trình tố tụng dân sự phải phát huy tính chủ động, tích cực trong việc cung cấp, thu thập, nghiên cứu và đánh giá các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết liên quan một cách chính xác, khách quan và đầy đủ; đưa ra các lý lẽ, các quan điểm khác nhau, viện dẫn các quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Tất cả các hoạt động như cung.

cấp chứng cứ, đưa ra các yêu cầu và phản yêu cầu, đối chất giữa các bên…trong giai đoạn trước khi xét xử cũng như tại phiên tòa đều có thể hiểu là quá trình tranh tụng. Như vậy, tranh tụng được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa rộng và nghĩa hẹp.

Theo nghĩa rộng, tranh tụng là một quá trình được bắt đầu từ khi các đương sự thực hiện quyền khởi kiện và kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án. Như vậy, hiểu theo nghĩa rộng thì quá trình tranh tụng này sẽ bao gồm toàn bộ các giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử,xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.

Theo nghĩa hẹp: tranh tụng là sự đối đáp, đấu tranh giữa các bên đương sự với nhau về chứng cứ, yêu cầu và phản đối yêu cầu của mỗi bên để từ đó nhằm chứng minh cho đối phương và Tòa án rằng yêu cầu và phản đối yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

2. Tranh tụng xuất hiện từ thời điểm nào:

Về bản chất, tranh tụng trong TTHS là quá trình cọ sát các quan điểm, lập luận về vụ án giữa các chủ thể của bên buộc tội và bên bào chữa tham gia vào quá trình TTHS nhằm xác định sự thật khách quan của vụ án, nhưng quá trình tranh tụng không đồng nhất với quá trình TTHS.

Có ý kiến cho rằng quá trình tranh tụng bắt đầu không chỉ từ giai đoạn khởi tố vụ án mà cả các giai đoạn trước khởi tố và quá trình này sẽ kết thúc khi vụ án được xét xử xong (xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), thậm chí quá trình này lại còn được tiếp tục trong một số trường hợp khi bản án bị Tòa án cấp trên hủy để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử lại. Những người đồng tình với ý kiến này cho rằng: “Tranh tụng là một quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án đồng thời cũng là phương tiện để đạt được mục đích và nhiệm vụ đặt ra của TTHS”. Chúng tôi cho rằng quan điểm này chưa có đầy đủ cơ sở để thuyết phục. Bởi lẽ việc tranh tụng trong điều kiện mà ở đó chỉ có chủ thể của hai bên buộc tội và bào chữa tham gia, các chức năng buộc tội và bào chữa mới chỉ được hai bên thực hiện một cách đơn phương theo ý chí chủ quan của mình là phiến diện, không chính thức… Quá trình tranh tụng ở đây còn thiếu một chủ thể giữ vai trò quyết định đó là Tòa án với chức năng xét xử. Theo chúng tôi quá trình tranh tụng chỉ thực sự được tiến hành khi có sự hiện diện đầy đủ các bên buộc tội, bên bào chữa dưới sự kiểm tra, giám sát của Tòa án… Chính vì vậy mà quá trình này chỉ có thể được bắt đầu từ giai đoạn xét xử, đặc biệt là xét xử sơ thẩm tại phiên tòa.

Tại đây, với sự có mặt đầy đủ các chủ thể, quá trình tranh tụng được tiến hành thông qua hoạt động của các chủ thể thuộc bên buộc tội, bên bào chữa và Tòa án với ba chức năng tương ứng: buộc tội, bào chữa và xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm, quá trình tranh tụng vẫn còn tồn tại song bị hạn chế hơn cả về nội dung, chủ thể tham gia và các chức năng được thực hiện. Phạm vi tranh tụng bị giới hạn bởi nội dung kháng cáo, kháng nghị. Do đó, các chức năng buộc tội, bào chữa, xét xử cũng không được thực hiện đầy đủ như ở phiên tòa sơ thẩm. Như vậy, có thể khẳng định rằng tranh tụng chỉ tồn tại ở giai đoạn mà ở đó có sự hiện diện đầy đủ các bên buộc tội, bào chữa và xét xử.. Tuy nhiên ở đây cần chú ý rằng để tiến hành được việc tranh tụng và tranh tụng có hiệu quả các bên cần phải có thời gian và các điều kiện cần thiết để thu thập các chứng cứ, tài liệu và các tình tiết của vụ án trước khi bước vào cuộc tranh tụng.

2. Chủ thể tham gia tranh tụng:

Tham gia vào quá trình tranh tụng có nhiều chủ thể khác nhau, và do vị trí, vai trò khác nhau nên mỗi chủ thể tham gia thực hiện một chức năng hoặc một phần chức năng tố tụng.

Xuất phát từ quan điểm cho rằng tranh tụng bắt đầu từ khi khởi tố vụ án…. những người theo quan điểm này cho rằng chủ thể tham gia vào quá trình tranh tụng bao gồm tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình TTHS. Cụ thể là: CQĐT- ĐTV; VKS- KSV; người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ, bị can, bị cáo, người bị kết án, người bào chữa, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân. Chúng tôi cho rằng tranh tụng chỉ thực sự bắt đầu từ giai đoạn xét xử tại phiên tòa, chính vì vậy mà chủ thể tham gia tranh tụng chỉ bao gồm: bị cáo và người bào chữa; kiểm sát viên – đại diện cho VKS và người bị hại ( trong trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại ); Hội đồng xét xử tương ứng với ba chức năng cơ bản trong TTHS đó là buộc tội, bào chữa và xét xử. Các chủ thể khác như : CQĐT – ĐTV[4], bị can ..v…v.. không phải là chủ thể của tranh tụng mà họ chỉ tham gia vào việc chuẩn bị cho quá trình tranh tụng mà thôi.

3. Các chức năng cơ bản trong tranh tụng:

Vấn đề chức năng cơ bản trong TTHS, đặc biệt là trong quá trình tranh tụng là vấn đề chưa được đề cập một cách thỏa đáng và có hệ thống trong sách báo và các tài liệu pháp lý ở Việt Nam. Trong khoa học luật TTHS hiện nay vẫn còn có những ý kiến khác nhau.

Có ý kiến cho rằng trong TTHS bao gồm bốn chức năng cơ bản đó là: buộc tội, bào chữa, xét xử và kiểm sát việc tuân theo pháp luật. Thực hành quyền công tố không phải là một chức năng tố tụng độc lập mà chỉ là một bộ phận, hình thức thể hiện của chức năng buộc tội. Ý kiến khác lại cho rằng chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật và chức năng công tố là hai chức năng cơ bản và độc lập với nhau và với các chức năng khác của tố tụng hình sự. Lại có ý kiến cho rằng kiểm sát việc tuân theo pháp luật không phải là chức năng độc lập mà chỉ là một bộ phận cấu thành của chức năng công tố. Ngoài ra có ý kiến cho rằng trong TTHS chỉ có ba chức năng cơ bản là: điều tra, truy tố và xét xử.

Chúng tôi cho rằng mỗi loại ý kiến đều có những lý lẽ riêng và trong chừng mực nhất định đều chứa đựng những hạt nhân hợp lý. Tuy nhiên theo chúng tôi trong TTHS có nhiều chức năng khác nhau. Nhưng: “những chức năng mà khi được thực hiện sẽ giải quyết được nhiệm vụ chung của TTHS thì được gọi là chức năng cơ bản[6]. Vì vậy trong TTHS chỉ bao gồm ba chức năng cơ bản đó là: chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử.

Chức năng cơ bản trong TTHS cũng chính là các chức năng cơ bản trong tranh tụng. Điểm khác nhau cơ bản giữa chúng chính là thời điểm xuất hiện các chức năng, nếu trong tranh tụng hình sự thì cả ba chức năng cơ bản đều luôn cùng tồn tại, nếu thiếu một trong ba chức năng thì điều đó cũng có nghĩa là chưa xuất hiện tranh tụng. Nhưng trong TTHS, so với chức năng xét xử thì chức năng buộc tội và bào chữa xuất hiện sớm hơn và song song tồn tại với nhau. Quan điểm rất đúng đắn khi cho rằng: “Có chức năng buộc tội mà không có chức năng bào chữa thì hoạt động tố tụng sẽ mang tính chất một chiều và kết buộc chứ không phải là tranh tụng. Tố tụng hình sự không thể được thừa nhận là dân chủ khi chức năng buộc tội không có đối tượng là chức năng bào chữa”[7]. Chỉ có sự song song tồn tại hai chức năng trên mới có thể tạo ra sự tranh tụng giữa các bên – điều kiện cần thiết để xác định chân lý khách quan của vụ án.

4. Các điều kiện để thực hiện tranh tụng:

Để việc tranh tụng được thực hiện và thực hiện có hiệu quả, cần phải có các điều kiện khác nhau, một trong các điều kiện quan trọng là bên buộc tội và bên bào chữa phải thực sự bình đẳng với nhau và Tòa án phải độc lập, khách quan đảm bảo cho hai bên có các điều kiện như nhau để thực hiện chức năng của mình. Lê-nin đã từng nói: sự thật chỉ được tìm ra thông qua tranh luận và bút chiến. Trong TTHS điều đó có nghĩa là sự thật chỉ được tìm thấy qua tranh luận tự do và công bằng. Tranh tụng đòi hỏi PLTTHS phải đảm bảo cho các bên đầy đủ các phương tiện cần thiết để có thể thực hiện được chức năng của mình. Phương tiện của các bên phải tương xứng với nhau và phải phù hợp với chức năng của chúng. Sẽ bất bình đẳng khi pháp luật dành cho một bên quá nhiều phương tiện còn bên kia lại quá ít. Không nên quan niệm rằng vì bên buộc tội (công tố) là đại diện cho Nhà nước còn bên bào chữa chỉ đại diện cho quyền lợi của đương sự nên không thể bình đẳng được. Quan điểm này cần phải được xem xét lại. Tư tưởng bình đẳng này không chỉ thể hiện ở tại phiên tòa mà còn phải được đảm bảo từ trước khi mở phiên tòa, ở đó các bên phải được đảm bảo các điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn bị các điều kiện cho cuộc tranh tụng tại phiên tòa. Chúng tôi cho rằng nếu bên buộc tội và bên bào chữa không thực sự bình đẳng và Tòa án không độc lập trong quá trình xét xử thì sẽ không có tranh tụng hoặc tranh tụng nửa vời. Nội dung NQ 08 của BCT đã thể hiện tư tưởng chỉ đạo này. Bên cạnh sự bình đẳng giữa bên buộc tội, bên bào chữa và sự độc lập của Tòa án về phương diện pháp lý, yêu cầu và hiệu quả của tranh tụng còn đòi hỏi sự bình đẳng và độc lập trên phương diện thực tiễn. Những biểu hiện vi phạm các quy định pháp luật TTHS vốn đã có và sẽ có trong thực tiễn tranh tụng phải được khắc phục bằng những hình thức như công tác tổ chức, đào tạo, tuyển chọn thẩm phán và những chủ thể tham gia tranh tụng, nâng cao nhận thức, nhất là lương tâm trách nhiệm, trình độ chuyên môn, kiến thức văn hóa pháp lý… cho họ.

Bài viết tham khảo: Một số vấn đề về tranh tụng trong tố tụng hình sự – ThS. Lê Tiến Châu – Tạp chí Khoa học pháp lý số 01 (2003)