1. Ban hành án lệ

Trong thực tế án lệ đã có từ lâu, Án lệ có những ưu điểm sau:

Thứ nhất, án lệ có tính thực tiễn. Nội dung của án lệ là kết quả của việc nghiên cứu hồ sơ vụ án tiêu biểu, đặc thù vì vậy sẽ mang tính thực tiễn hơn các văn bản luật, khắc phục những hạn chế của các văn bản luật. Có thể cho rằng án lệ sinh ra từ thực tiễn và giải quyết những vụ án thực tiễn. Giải pháp này không thiên về lý thuyết, không thiên về lý luận mà thiên về thực tiễn. Trái ngược với pháp luật thành văn, khi áp dụng pháp luật án lệ dễ hiểu, dễ tìm kiếm, dễ giải thích hơn, bởi ngôn ngữ pháp lý còn có những thuật ngữ mơ hồ, khó giải thích.

Thứ hai, với những quan hệ xã hội mới phát sinh thì án lệ là nguồn bổ trợ quan trọng. Thực tế thì các văn bản pháp luật thường có tính ổn định trong khi các quan hệ xã hội luôn vận động và thay đổi. Cho nên các văn bản pháp luật thường bị lạc hậu, kém cập nhật dẫn đến nhiều loại tội phạm mới không bị xử lý. Tình trạng này dẫn đến việc áp dụng pháp luật của những người áp dụng pháp luật khó khăn vì áp dụng pháp luật bất hợp lý thì sẽ thiếu công bằng. Mặt khác để khắc phục tình trạng này thì cần phải sửa đổi, bổ sung luật thông qua một quy trình rất “hành chính” tốn nhiều thời gian và công sức của các nhà làm luật cũng như của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên có khi vừa sửa đổi, bổ sung luật xong thì lại có quan hệ xã hội mới phát sinh lại cần sửa đổi, bổ sung.

Thứ ba, quy trình để tạo thành án lệ rất khắt khe chặt chẽ vậy nên án lệ rất công bằng và khách quan. Một quy tắc án lệ không phải hình thành từ một vụ án mà nó được hình thành từ nhiều vụ án tiêu biểu và nó là kết quả của quá trình tranh luận rất dài.

Vậy nên cần phát triển án lệ để tránh sự tùy nghi của cơ quan tiến hành tố tụng. Hiện nay Tòa án nhân dân tối cao đang triển khai đề án ban hành án lệ. Án lệ là các vụ án được lựa chọn để ban hành giúp cho các thẩm phán áp dụng tránh việc mỗi người có một quan điểm khác nhau. Từ đó giúp Tòa án xét xử công bằng, bình đẳng đúng pháp luật.

2. Cần quy định niềm tin nội tâm là căn cứ để quyết định hình phạt

Bộ luật hình sự hiện hành quy định 4 căn cứ để quyết định hình phạt, gồm: Căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Hình sự; căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; căn cứ vào nhân thân người phạm tội; căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Nguyên tắc khi xét xử: Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được quy định trong các bản hiến pháp của Việt Nam và các văn bản pháp luật khác ban hành như Bộ Luật tố tụng Hình sự, Bộ Luật tố tụng Dân sự.

Hiện nay ngành Tòa án đang triển khai quy định về công khai bản án, lựa chọn, nghiên cứu ban hành án lên trang điện tử. Đó là quy luật tất yếu của quá trình hội nhập quốc tế, minh bạch, hiện đại hóa. Muốn pháp luật luôn được áp dụng công bằng trong xã hội, Thẩm phán có vai trò đưa ra những bản án, quyết định hình phạt đúng người, đúng tội, không oan sai, các nhà làm luật cần nghiên cứu thêm một căn cứ để quyết định hình phạt đó là “niềm tin nội tâm” vào làm căn cứ quyết định hình phạt

3. Bổ sung khái niệm tội phạm về ma túy

Hiện nay Bộ Luật Hình sự mới vẫn chưa đưa ra khái niệm về tội phạm ma túy. Do đó, đề nghị cần phải có điều luật quy định rõ khái niệm tội phạm về ma túy. Theo đó, cần bổ sung thêm điều 247a khái niệm tội phạm về ma túy: “Tội phạm về ma túy là những hành vi xâm phạm chế độ thống nhất quản lý của nhà nước về chất gây nghiện và chất hướng thần cũng như trong việc trồng, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các chất ma túy và các hành vi khác”.

4. Bỏ hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy

Hiện nay vẫn còn án tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy, việc vấn để án tử hình chưa thể hiện được tính nhân đạo của chính sách hình sự trong xu thế hội nhập toàn cầu hóa. Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều người do điều kiện, hoàn cảnh quá khó khăn nên đã chấp nhận “giao” ma túy thuê để kiếm một số tiền công rất thấp so với lợi nhuận mà các đối tượng “chủ” mua bán ma túy thu về, song pháp luật vẫn quy định dựa trên khối lượng ma túy mà họ mua bán để tuyên án tử hình đối với họ là chưa công bằng, dẫn đến việc tuyên án tử hình quá nhiều chưa thể hiện được tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra chi phí tử hình tiêm thuốc độc chi phí khoảng từ 200.000.000 – 300.000.000 đồng, hiện nước ta mới có 05 nhà thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc 6 nhà thi hành án tử hình tại Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Sơn La, Đắk Lắk, Bắc Giang gây khó khăn cho công tác thi hành án.

Chính vì vậy, nên bỏ án tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy thể hiện sự nhân đạo của chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời cũng khuyến khích các đối tượng “giao” ma túy thuê khai ra kẻ chủ mưu trong các đường dây mua bán ma túy lớn, góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.

5. Hoàn thiện quy định về định tội danh

Thứ nhất: Tại mục 1.4 Phần I Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTCBTP quy định: “1.4. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiềnchất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụthể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tạikhoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”.

Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy, nhưng đối tượng tưởng rằng đó là ma túy nên mang đi bán thì vẫn phạm vào khoản 1, Điều 251 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), của tội Mua bán trái phép chất ma túy. Nói cách khác, về chủ quan, người phạm tội lầm tưởng đó là ma túy nên đã mang đi bán cho người khác. Tuy nhiên, mặc dù bị nhầm lẫn về khách thể, nhưng do người phạm tội vẫn mong muốn thực hiện việc bán chất ma túy đó nên vẫn phải chịu trách nhiệm về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Điều này sẽ xảy ra sự bất cập là: Một người “nhầm” mang 2 bánh heroin (tương đương 750gam) đi bán và một người “nhầm” mang 6 gam heroin đi bán đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 251 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là không hợp lý vì số lượng bị “nhầm” ở đây là chênh lệch nhau rấtlớn. Nếu đối tượng phạm tội khai thác vào lỗ hổng này thì sẽ là rất nguy hiểm cho công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm về mua bán ma túy. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn khắc phục tình trạng này.

Trước đây Điều 194 Bộ Luật Hình sự 1999, quy định ghép bốn tội trong một điều luật. Do vậy, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTCBTP ngày 24/12/2007 thì “Trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội theo quy định tại Điều 194 (hoặc Điều 195 hoặc Điều 196) của Bộ Luật Hình sự mà các hành vi đó có liên quan chặt chẽ với nhau (hành vi phạm tội này là điều kiện để thực hiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi phạm tội kia), thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh đầy đủ đối với tất cả các hành vi đã được thực hiện theo điều luật tương ứng và chỉ phải chịu một hình phạt”.

Ví dụ: Một người mua ma túy từ tỉnh A rồi vận chuyển về tỉnh B tàng trữ, sau đó mang ra bán lẻ thì bị bắt thì sẽ xử bằng một tội danh đầy đủ là “mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy” và chỉ áp dụng bằng một hình phạt.

Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã tách bốn hành vi trước đây quy định tại Điều 194 thành bốn tội danh độc lập quy định từ Điều 249 đến 252. Nếu xảy ra trường hợp như ví dụ trên thì nay sẽ xử lý thế nào? Nhận định rằng không thể xử theo một tội danh đầy đủ như hướng dẫn tại Thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTCBTP được mà phải xử theo từng tội danh độc lập.

Ví dụ: Một người bị bắt quả tang đang bán trái phép chất ma túy thì bị bắt, tiến hành khám xét nhà người đó tiếp tục thu được một lượng ma túy khác. Trong trường hợp này phải xử người đó hai tội độc lập là “tàng trữ trái phép chất ma túy” theo Điều 249 và “mua bán trái phép chất ma túy” theo Điều 251 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), sau đó áp dụng Điều 55 tổng hợp hình phạt buộc họ phải chịu hình phạt chung cho cả hai tội. Nhận định rằng cần phải xử theo hai tội độc lập mới thể hiện sự nghiêm khắc và phù hợp với nhu cầu đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, đây là vấn đề sẽ gây bất lợi cho người phạm tội và cũng sẽ có nhiều quan điểm cho rằng cần nghiên cứu về mặt chủ quan của tội phạm để xác định việc tàng trữ trái phép chất ma túy thực chất là điều kiện hoặc là hệ quả tất yếu của hành vi mua bán trái phép chất ma túy để hút vào tội mua bán trái phép chất ma túy. Do vậy, Tòa án nhân dân tối cao cũng cần kết hợp với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng pháp luật được thống nhất trong toàn quốc.

6. Hoàn thiện quy định về giám định hàm lượng các chất ma túy

Hiện nay, vấn đề giám định hàm lượng chất ma túy cũng đang là vấn đề có nhiều bàn cãi. Do đó, Thông tư số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/12/2015 (sau đây gọi tắt là Thông tư số 08), sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTCBTP ra đời.

Qua nghiên cứu và thực tiễn áp dụng cho thấy nội dung của Thông tư liên tịch số 08 có những vướng mắc như sau:

Thứ nhất: Thông tư liên tịch số 08 sửa đổi, bổ sung tiết 1.4 mục 1 Phần I như sau: “1.4. Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại và trọng lượng chất ma túy, tiền chất thu giữ được. Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy trong các trường hợp sau:

a. Chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch;

b. Chất ma túy, tiến chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng;

c. Xái thuốc phiện;

d. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Tòa án trực tiếp trưng cầu giám định để bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật….

7. Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành

Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã tách các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép và chiếm đoạt chất ma túy Điều 194 BLHS năm 1999 thành 04 Điều: Điều 249, Điều 250, Điều 251, Điều 252. Bên cạnh những điểm tiến bộ từ việc tách thành những tội danh riêng biệt, thì việc thay đổi kỹ thuật lập pháp này cũng khiến đường lối xử lý các vụ án về tội phạm ma túy gặp phải sự không thống nhất. Nhưng các văn bản hướng dẫn còn chưa được cập nhật tức thời dẫn đến khi xảy ra các vụ án đã được nên bên trên, các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng trong việc áp dụng pháp luật, vì vậy cần sớm hành văn bản hướng dẫn về định tội danh trong một số trường hợp đối với tội mua bán trái phép chất ma túy.

8. Sửa đổi, thay thế một số văn bản đã phát sinh hạn chế, bất cập

Khẩn trương thay thế thông tư 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP và Thông tư 08/2015/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP cho phù hợp với BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài ra cần sớm sửa đổi lại Nghị quyêt số 01/2001 ngày 15/3/2001 theo hướng, hướng dẫn việc quyết định hình phạt căn cứ vào khối lượng các chất ma túy ở tất cả các khung hình phạt chứ không chỉ khoản 4 ở một số tội như hiện nay.

Việc thay thế sửa đổi các văn bản pháp luật trên cần xem xét tính phù hợp hay hạn chế của tội mua bán trái phép chất ma túy trong thực tiễn thi hành của BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) trong thời gian tới.

9. Một số giải pháp khác

Giải pháp nâng cao năng lực của cán bộ áp dụng pháp luật hình sự đối với tội mua bán trái phép chất ma túy

– Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, nâng cao ý thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ năng lực chuyên môn của thẩm phán.

Hoạt động ADPL là lĩnh vực hoạt động đặc thù chỉ do cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền thực hiện. Dù là cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền thì cũng đều phải thông qua những cá nhân con người cụ thể. Vì vậy để bảo đảm chất lượng của hoạt động ADPL hình sự của Tòa án, việc đổi mới công tác tổ chức cán bộ có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Chủ thể chủ yếu và trực tiếp ADPL hình sự của Tòa án nhân dân là Hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử sơ thẩm là 01 thẩm phán và 02 hội thẩm hoặc 02 thẩm phán và 03 hội thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm là 03 thẩm phán. Dù là xử sơ thẩm hay phúc thẩm thì thẩm phán đều là chủ tọa phiên tòa, trực tiếp xét xử và điều hành phiên tòa, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm chất lượng ADPL hình sự của Tòa án.

+ Trình độ tri thức, hiểu biết pháp luật và kĩ năng nghiệp vụ của thẩm phán là yếu tố trực tiếp quyết định đến chất lượng ADPL hình sự của Tòa án. Vì vậy cần phải tập trung xây dựng đội ngũ thẩm phán xét xử án hình sự có chuyên môn hóa cao, là những chuyên gia giỏi cả về lý luận và thực tiễn (có thể chuyên môn hóa theo nhóm tội danh của BLHS). Quá trình tuyển chọn này phải được sàng lọc và chứng minh từ thực tế xét xử, từ chất lượng các bản án hình sự đã xét xử, được sự đánh giá cao của đồng nghiệp, cấp trên và kể cả cơ quan tố tụng khác, Luật sư của LVN Group, hội thẩm…, kịp thời phát hiện những công chức, thẩm phán có năng khiếu, năng lực sở trường về xét xử án hình sự để giúp đỡ, bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu họ xét xử án hình sự.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng pháp luật cho đội ngũ thẩm phán và công chức Tòa án những tri thức hiểu biết về các vấn đề pháp luật nói chung, những pháp luật cụ thể liên quan đến hoạt động ADPL nói riêng, trang bị cho họ những kĩ năng ADPL, nhằm làm hình thành ở đội ngũ này tri thức pháp luật, tình cảm pháp chế và hành vi ADPL phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Tổ chức phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời đối với những vụ án bị hủy, cải sửa lớn do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử. Tìm ra nguyên nhân dẫn đến bị hủy án để không vướng phải những lỗi ấy ở các vụ án tiếp theo.

Nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ thẩm phán. Có chính sách khuyến khích thẩm phán tích cực học tập để nâng cao trình độ của mình, đáp ứng với nhiệm vụ được giao. Kịp thời cập nhật các văn bản pháp luật chuyên ngành, văn bản pháp luật liên quan lên website của ngành để thẩm phán, công chức thuận lợi tra cứu, cập nhật văn bản mới. Thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo các chuyên đề về luật hình sự, luật tố tụng hình sự, kỹ năng nghiệp vụ xét xử án hình sự. Tổ chức các phiên tòa mẫu, yêu cầu các thẩm phán khác dự và đóng góp ý kiến.

Sớm hoàn thiện các quy định về tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán phán. Ngoài tiêu chuẩn theo quy định hiện hành cần phải kết hợp với đánh giá hiệu quả công tác, năng lực thực tiễn. Trước khi bổ nhiệm hoặc tái nhiệm cần tổ chức thi tuyển nghiệp vụ xét xử hoặc 05 năm 01 lần tổ chức thi sát hạch với toàn thể đội ngũ thẩm phán để sàng lọc những thẩm phán trình độ chuyên môn nghiệp vụ kém. Việc tuyển chọn và bổ nhiệm Thẩm phán cần phải công khai, minh bạch, nghiêm ngặt, khắt khe và cạnh tranh. Cho phép tất cả mọi người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, tự do nộp hồ sơ tham gia tuyển chọn, để đảm bảo tuyển chọn được Thẩm phán có tri thức, bản lĩnh, theo tiêu chí “thà ít mà chất lượng”.

Việc tạo nguồn thẩm phán nên nghiên cứu theo hướng mở, không chỉ là thư ký, công chức Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao nên tổ chức thi tuyển đào tạo chức danh thẩm phán đối với những người có bằng tốt nghiệp Đại học luật trở lên, có nguyện vọng làm thẩm phán. Sau thời gian đào tạo xét xử chuyên sâu một lĩnh vực, sát hạch nghiêm túc, khách quan, công bằng (công khai các bài thi của người trúng tuyển lên mạng internet để nhiều chủ thể có thể giám sát). Nếu họ vượt qua được thì tuyển dụng họ vào làm thư ký Tòa án các cấp và là nguồn bổ nhiệm thẩm phán. Điều này sẽ nâng cao chất lượng nguồn bổ nhiệm thẩm phán, tạo điều kiện cho những người có năng lực và tâm huyết với nghề thẩm phán có cơ hội được làm thẩm phán, mặt khác giảm được gánh nặng ngân sách của nhà nước cho việc đào tạo nghiệp vụ xét xử cũng như những tiêu cực trong việc xét duyệt cử đi học lớp nghiệp vụ xét xử.

+ Đãi ngộ thỏa đáng và sử dụng hợp lý đội ngũ thẩm phán. Lao động của thẩm phán là lao động đặc thù, chịu nhiều áp lực, đòi hỏi phải có trí tuệ, bản lĩnh, chuyên môn nghiệp vụ cao. Cần phải có mức lương tương xứng với lao động đặc thù của thẩm phán. Chỉ khi mức lương của thẩm phán đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của bản thân và gia đình thì họ mới yên tâm công tác, đầu tư thời gian nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu hồ sơ vụ án, hạn chế bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tiêu cực, vô tư, khách quan trong việc ADPL.

Thực hiện chế độ khen thưởng bằng vật chất tương xứng với hiệu quả công tác, chất lượng, số lượng các vụ án đã xét xử hàng năm. Xây dựng các danh hiệu, như thẩm phán nhân dân, thẩm phán ưu tú…để xã hội tôn vinh những thẩm phán mẫu mực.

Phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ và năng lực thực tế của từng thẩm phán. Việc sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với thẩm phán phải căn cứ vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm xét xử, sở trường công tác của mỗi thẩm phán. Đồng thời có cơ chế tạo áp lực để thẩm phán phải luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thay thế những thẩm phán không đáp ứng được yêu cầu như: Xử oan người vô tội, xử sai tội danh, bỏ lọt tội phạm…Kỷ luật nghiêm những thẩm phán thiếu tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, dọa nạt, vòi vĩnh, đòi hối lộ…

Việc luân chuyển thẩm phán chỉ nên đặt ra đối với thẩm phán là nguồn bổ nhiệm chánh án Tòa án, vì chánh án là người lãnh đạo cơ quan Tòa án, chịu trách nhiệm phân công tổ chức hoạt động xét xử của Tòa án, đòi hỏi phải có năng lực chuyên môn vượt trội, toàn diện và kinh nghiệm quản lý, điều hành hoạt động xét xử các loại án thuộc thẩm quyền của Tòa án, như: Hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính.

Việc thuyên chuyển và đề bạt cán bộ phải có sự đồng ý của chính người được thuyên chuyển hoặc đề bạt, trừ trường hợp việc thuyên chuyển và đề bạt là cần thiết. Việc thuyên chuyển và đề bạt cần phải có một quy trình minh bạch, công khai và khách quan. Nếu không, việc thuyên chuyển và đề bạt có thể được coi là một hành vi “trừng phạt” tiềm ẩn áp dụng đối với cán bộ.

Bảo đảm sự ổn định nhiệm kỳ của Thẩm phán, quy định đương nhiên tái nhiệm trừ khi Thẩm phán bị kỷ luật ở mức cách chức, không nên dựa vào số án hủy, sửa làm căn cứ để xem xét tái nhiệm Thẩm phán. Đề xuất này nhằm hạn chế thông lệ xin đường lối xét xử, xin “thỉnh thị” trước khi xét xử.

+ Đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức đối với thẩm phán và công chức Tòa án.

Phát động toàn thể thẩm phán, công chức Tòa án tích cực học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”. Không chỉ có đủ năng lực trình độ mà mỗi Thẩm phán cần phải tự ý thức được rằng: Quyền lực Nhà nước là của nhân dân, nhân dân trao cho mình là để phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân. Không được sử dụng tùy tiện quyền lực ấy hoặc để tư lợi cho mình. Người Thẩm phán phải biết vượt qua các cám dỗ, để tận tụy phục vụ nhân dân, trung thành với Tổ quốc, với chế độ, dũng cảm bảo vệ công lý, công bằng xã hội, quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của công dân.

Tăng cường và đổi mới công tác giám sát hoạt động ADPL hình sự của Tòa án. Kịp thời thông báo công khai thông tin về kết quả ADPL trên các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng khích lệ, cổ vũ các chủ thể pháp luật tích cực hơn nữa trong việc phát hiện các hành vi phạm pháp, phạm tội vì nó mang lại những kết quả cụ thể thiết thực. Nó cũng có tác dụng củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hiệu lực của bộ máy nhà nước và hiệu quả của các cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật, góp phần gia tăng niềm tin của nhân dân đối với pháp luật nói chung.

Nâng cao chất lượng hoạt động, chế độ đãi ngộ, trách nhiệm và đảm bảo sự độc lập của Hội thẩm nhân dân.

Hội thẩm nhân dân là những thành viên của hội đồng xét xử, là những người có uy tín trong nhân dân được Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra để thay mặt nhân dân trực tiếp tham gia xét xử các vụ án, là chủ thể quan trọng trong việc ADPL hình sự tại Tòa án, đặc biệt là xét xử sơ thẩm án hình sự thì quyết định của bản án chính là quyết định của các hội thẩm vì số Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử đông hơn thẩm phán mà lại biểu quyết theo đa số, thẩm phán ngang quyền với Hội thẩm. Các phán quyết sơ thẩm này không bao giờ có hiệu lực pháp luật ngay mà phải sau một thời gian nhất định, các chủ thể bị ADPL cảm thấy quyết định là phù hợp và Viện kiểm sát thấy phán quyết đã đúng pháp luật, họ không có kháng cáo, kháng nghị thì phán quyết này mới có hiệu lực pháp luật.

Sau khi được bầu làm hội thẩm thì Tòa án cần tổ chức tập huấn nghiệp vụ xét xử, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho các hội thẩm nhân dân. Vì là đại diện cho nhân dân không chỉ căn cứ vào pháp luật mà còn căn cứ vào lẽ công bằng, lẽ phải ở đời, dưới góc nhìn của những người dân để phán quyết đối với bị cáo có tội hay không có tội, tội danh gì và mức hình phạt tương xứng. Vì vậy không thể yêu cầu Hội thẩm phải có trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp như thẩm phán. Không chỉ Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới, thành viên bồi thẩm đoàn đều là những công dân có uy tín đại diện cho các bộ phận dân cư trực tiếp tham gia xét xử, không yêu cầu cao về tiêu chuẩn trình độ pháp lý. Tuy nhiên các Hội thẩm nhân dân cần chủ động tìm hiểu pháp luật, nâng cao trách nhiệm của mình đối với công tác xét xử, để có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ Hội thẩm của mình. Đoàn Hội thẩm nhân dân cần độc lập về tài chính và việc bố trí Hội thẩm tham gia phiên tòa. Để khuyến khích Hội thẩm nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu hồ sơ, tham gia xét xử có hiệu quả cần có chế độ đãi ngộ tương xứng. Kinh phí hoạt động của Đoàn Hội thẩm nhân dân cần phải độc lập không phụ thuộc vào Tòa án như hiện nay, để đoàn hội thẩm chủ động chi trực tiếp cho các hội thẩm tham gia nghiên cứu hồ sơ và xét xử.

Mặt khác cũng là để tạo điều kiện cho Hội thẩm nhân dân độc lập khi xét xử, giao việc bố trí Hội thẩm tham gia phiên tòa cho Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm cần có quy chế bố trí Hội thẩm lần lượt tham gia phiên tòa, nếu vì lý do không tham gia xét xử được khi đến lượt phải có văn bản báo cáo và được bố trí tham gia vào lần tiếp theo. Tránh tình trạng Hội thẩm không theo định hướng của thẩm phán khi nghị án thì ít được mời tham gia xét xử hoặc để tiết kiệm kinh phí, thời gian Tòa án bố trí cho Hội thẩm nghiên cứu hồ sơ quá ít so với yêu cầu.

Bảo đảm nguyên tắc khi xét xử thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm”.

Nguyên tắc này được đảm bảo dưới các khía cạnh sau:

Thứ nhất, tòa án phải độc lập với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, không bị giám sát, kiểm soát, lệ thuộc về mặt nhận định, tổ chức, nhân sự, kinh phí….

Thứ hai, độc lập từ các yếu tố khách quan tác động từ bên trong các mối quan hệ nội bộ của Tòa án. Độc lập giữa Tòa án cấp dưới với Tòa án cấp trên, độc lập trong nội bộ một Tòa án, giữa thẩm phán chủ tọa với chánh án, chánh tòa. Cần phải tách bạch giữa quan hệ hành chính với quan hệ tố tụng. Đề cao trách nhiệm của Hội đồng xét xử đối với phán quyết của mình.

Thứ ba, độc lập giữa các thành viên trong Hội đồng xét xử, mỗi thành viên độc lập và ngang quyền với nhau trong việc đánh giá chứng cứ và đưa ra kết luận. Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là hai nội dung có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chỉ khi nào bảo đảm cho Thẩm phán và Hội thẩm độc lập, thì họ mới chỉ tuân theo pháp luật và ngược lại. Thẩm phán và Hội thẩm độc lập mới nâng cao được chất lượng xét xử, nâng cao trách nhiệm cá nhân của các thành viên Hội đồng xét xử, đúng với tính chất của hoạt động xét xử, bảo đảm khách quan đúng với diễn biến phiên tòa.

Độc lập xét xử là nguyên tắc hiến định, là cốt lõi của quyền tư pháp trong nhà nước pháp quyền, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm tính tối cao của pháp luật, đảm bảo sự cân bằng và kiểm soát các quyền lực nhà nước và bảo vệ quyền con người. Việc tăng cường cơ chế giám sát của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, của Thẩm phán thông qua việc công khai rộng rãi các phán quyết của Tòa án là nhu cầu thiết thực. Điều đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam là phải nhận thức một cách toàn diện về quyền tư pháp, nâng cao vị thế của quyền tư pháp, của Tòa án, của Thẩm phán. Có như vậy, thì nguyên tắc “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” mới có ý nghĩa và được bảo đảm một cách đích thực.