1. Khái niệm

Chính sách tôn giáo là một hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước tác động vào đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo nhằm phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đoàn kết đồng bào tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo, thúc đẩy sự phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng.

2. Bản chất, nguồn gốc tôn giáo và các hình thức tôn giáo

2.1. Bản chất tôn giáo

Trong phần này, giảng viên cần phân tích, làm rõ được khái niệm, bản chất, hình thức biểu hiện của tôn giáo.

Tôn giáo là hệ thống những quan niệm tín ngưỡng, sùng bái một hay nhiều vị thần linh và những hình thức lễ nghi thể hiện sự sùng bái ấy.

Về bản chất, tôn giáo là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội.

Về mặt hình thức biểu hiện, mõi tôn giáo bao gồm hệ thống các quan niệm tín ngưỡng (giáo lý), các quy định về kiêng cữ, cấm kỵ (giáo luật), các hình thức về thờ cúng, lễ bái (giáo lễ) và những cơ sở vật chất để thực hiện các nghi lễ tôn giáo (giáo đường – cơ sở thờ tự).

2.2. Nguồn gốc tôn giáo

Trong phần này, giảng viên cần phân tích, làm rõ được 03 nguồn gốc ra đời và tồn tại của tôn giáo:

– Nguồn gốc nhận thức

– Nguồn gốc kinh tế – xã hội

– Nguồn gốc tâm lý

2.3. Các hình thức tôn giáo trong lịch sử

Trong phần này, giảng viên cần phân tích, làm rõ được:

– Tôn giáo trong xã hội chưa có giai cấp. Hình thức nguyên thủy của tôn giáo phổ biến là: Tô-tem giáo; Ma thuật giáo; Bái vật giáo; Vật linh giáo

– Tôn giáo trong xã hội có giai cấp. Tôn giáo trong xã hội có giai cấp thường gắn với chính trị, xuất hiện tôn giáo thế giới và tôn giáo dân tộc.

3. Vị trí và vai trò của chính sách tôn giáo

Với tư cách là thực thể xã hội, tôn giáo luôn có vai trò và đóng góp nhất định trong các mặt đời sống xã hội, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong nền văn hóa của dân tộc, góp phần hình thành những giá trị đạo đức cho quần chúng nhân dân trong những giai đoạn lịch sử. Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một chính sách nhất quán của Đảng từ trước đến nay. Điều 5, Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo khẳng định: Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; Tôn trọng, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo; Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên; Tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh và đời sống tinh thần của nhân dân.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; Động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tổt đời đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” . Những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo đã góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ xã hội giữa con người với con người và quan hệ giữa con người với tự nhiên, góp phần xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay trong một chừng mực nhất định. Những giá trị đó cũng góp phần không nhỏ trong việc khắc phục những hạn chế của sự suy thoái đạo đức do tác động tiêu cực của cơ chế thị trường hiện nay. Thực tế cho thấy, “ở những nơi tôn giáo ổn định, có đông tín đồ thì các tệ nạn xã hội ít hơn, trật tự ổn định và lối sống đạo đức nền nếp hơn.

4. Nội dung của chính sách tôn giáo

4.1. Một số chính sách tôn giáo

Xuất phát từ những quan điểm chỉ đạo trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo dưới chủ nghĩa xã hội và tình hình tôn giáo ở nước ta, Đảng ta đã khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo với đồng bào không theo tôn giáo. Chăm lo phát triển kinh tế, văn hoá, nâng cao đời sống của đồng bào. Nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 128.)

Nghị quyết Trung ương 7 khoá IX chỉ rõ: 5 quan điểm

– Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đoàn kết toàn dân tộc.

– Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

– Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.

– Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

– Vấn đề theo đạo và truyền đạo phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật.

Phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, chấp hành tót chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế – xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tốt cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Các đoàn thể đẩy mạng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đồng bào tôn giáo, tích cực phát triển đoàn viên, hội viên, tăng cường xây dựng lực lượng nòng cốt cho phong trào quần chúng ở địa phương.

Sự phối kết hợp giữa các bộ, ban, ngành và địa phương đã tạo được sự thống nhất trong việc thực hiện quản lý Nhà nước đối với tôn giáo, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà. Các bộ, ban, ngành chủ động cùng với Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ triển khai chủ trương công tác đối với đạo Tin lành, đề xuất chủ trương công tác đối với những vấn đề tôn giáo. Hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo Đại hội nhiệm kỳ theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Chính phủ và các địa phương đã giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật về nhu cầu hoạt động tôn giáo và một số nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo, như phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển chức sắc các tôn giáo; cho xây mới và cải tạo nhiều cơ sở thờ tự. Nhiều tỉnh, thành đã tích cực giải quyết việc lập hồ sơ, xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo sinh hoạt bình thường, đúng theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) về Công tác tôn giáo đã nêu.

4.2. Định hướng hoàn thiện chính sách tôn giáo

Theo tinh thần Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo và công tác tôn giáo, đó là:

– Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận cùa khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

– Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ củng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

– Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác vận động quần chúng các tôn giáo phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế — xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo.

– Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo có trách nhiệm trục tiếp, cần được củng cố và kiện toàn. Công tác quản lý nhà nước đối với các tôn giáo và đấu tranh chống việc lợi dụng tôn giáo để chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng.

– Vấn đề theo đạo và truyền đạo.

Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

5. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo của các cấp chính quyền

Một là, các cấp uỷ, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục quán triệt, triển khai trong cán bộ, Nhân dân nói chung, đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo nói riêng về việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về công tác tôn giáo. Các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trong vùng giáo nắm và thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hai là, tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội các địa phương đối với công tác tôn giáo. Để làm tốt vấn đề này đòi hỏi các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần thực sự quan tâm, lãnh đạo việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với các tôn giáo một cách đồng bộ, có tính thống nhất cao; cần phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước của chính quyền và không ngừng phát huy vai trò vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc động viên đồng bào có đạo tham gia thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Cần nhận thức một cách sâu sắc về nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, thông qua công tác vận động nhằm giúp đồng bào các tôn giáo phát huy những ưu điểm, khắc phục tồn tại, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc, tôn vinh những người có công với Tổ quốc, với Nhân dân, đồng thời chủ động đấu tranh chống lại các hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, lợi dụng, kích động chia rẽ Nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ lương- giáo, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

Ba là, tiếp tục quan tâm phát triển đời sống của vùng đồng bào có đạo, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kêu gọi đầu tư và tăng cường thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nâng cao dân trí; tăng cường củng cố hệ thống chính trị, động viên quần chúng tôn giáo sống “tốt đời đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào cách mạng, các hoạt động từ thiện nhân đạo. Giải quyết kịp thời những đề nghị chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tín đồ các tôn giáo, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo.