Trên thực tế, hợp đồng tồn tại vô cùng đa dạng và phong phú. Về mặt khoa học pháp lý, dựa vào các tiêu chí khác nhau, cách tiếp cận khác nhau mà hợp đồng được phân thành các nhóm khác nhau. Theo Điều 402 Bộ luật dân sự 2015 thì có các loại hợp đồng chủ yếu sau đây:
Điều 402. Các loại hợp đồng chủ yếu
Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:
1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.
2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.
3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.
5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.
6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.
1. Hợp đồng đơn vụ và hợp đồng song vụ
– Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau, hay nói cách khác mỗi bên chủ thể tham gia hợp đồng vừa là người có quyền lại vừa có nghĩa vụ. Do vậy, trong nội dung của hợp đồng này, quyền dân sự của chủ thể tham gia này đối lập tương ứng với nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán tài sản là hợp đồng song vụ vì trong hợp đồng mua bán, bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.
– Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ. Điều này có nghĩa là trong hợp đồng đơn vụ, chỉ có một hay nhiều chủ thể có nghĩa vụ mà không có quyền gì đối với chủ thể kia, còn một hay nhiều chủ thể kia là người có quyền nhưng không phải thực hiện nghĩa vụ nào
Ví dụ: Hợp đồng tặng cho tài sản. A lập hợp đồng tặng cho B một chiếc xe. A có nghĩa vụ giao xe cho B, còn B không có nghĩa vụ gì.
Do đó, nếu hợp đồng được giao kết dưới hình thức viết thì chỉ cần lập thành bản và giao cho bên có quyền giữ hợp đồng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng như đã thỏa thuận; chỉ được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý.
Hợp đồng đơn vụ là khái niệm để phân loại với hợp đồng song vụ. Trong cách phân loại hợp đồng này, cơ sở để xác định một hợp đồng là song vụ hay hợp đồng đơn vụ chính là mối liên hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực.
2. Hợp đồng chính và hợp đồng phụ
– Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Theo đó, khi hợp đồng chính đã tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định, thì đương nhiên phát sinh hiệu lực.
– Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Ngoài các điều kiện có hiệu lực đối với hợp đồng thông thường, trong nhiều trường hợp, hợp đồng phụ bị chấm dứt do hợp đồng chính không phát sinh hiệu lực. Ví dụ: Theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm nếu hợp đồng chính (mua bán, vay…) vô hiệu mà hợp đồng chưa được thực hiện thì hợp đồng phụ (cầm cố, thế chấp, bảo lãnh…) thì hợp đồng phụ sẽ chấm dứt, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo Điều 407 Bộ luật dân sự 2015:
2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.
Ảnh hưởng về hiệu lực của hợp đồng chính – hợp đồng phụ chỉ là sự ảnh hưởng một chiều tức là chỉ có hợp đồng phụ bị phụ thuộc vào hợp đồng chính còn hiệu lực của hợp đồng chính được xác định một cách độc lập, không bị ảnh hưởng bởi hợp đồng phụ. Chính vì vậy, khi hợp đồng phụ bị vô hiệu thì hợp đồng chính vẫn có hiệu lực một cách bình thường nếu nó tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Ví dụ: A cho B vay 2 tỷ đồng. B có thế chấp cho A một căn nhà mang tên B. Sau đó, xác định được ngôi nhà thuộc sở hữu chung của vợ chồng B chứ không phải thuộc sở hữu riêng của B. Lúc này, do không có sự đồng ý của vợ B nên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Tuy nhiên, hợp đồng vay giữa A và B là hợp đồng chính nên vẫn có hiệu lực bình thường, trừ trường hợp A và B cỏ thỏa thuận nếu hợp đồng thế chấp vô hiệu thì hợp đồng vay cũng chấm dứt.
3 Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thử ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, ngoài hai bên tham gia quan hệ hợp đồng thì trong hợp đồng này có thêm mối quan hệ pháp lý với người thứ ba. Chính vì vậy, pháp luật có một số quy định riêng về thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, quyền từ chối của người thứ ba, không được sửa đổi hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba…
Ví dụ như Theo Điều 415 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 415. Thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên trong hợp đồng có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết.
Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.
4. Hợp đồng có điều kiện
Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Sự kiện được coi là điều kiện để hợp đồng được thực hiện hay chấm dứt khi đáp ứng ba yêu cầu sau:
+ Sự kiện thỏa thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
+ Sự kiện phải mang tính khách quan, xuất hiện trong tương lai sau khi hợp đồng được giao kết. Việc xuất hiện sự kiện hay không xuất hiện sự kiện hoàn toàn nằm ngoài ý chí chủ quan của các chủ thể tham gia hợp đồng.
+ Trong trường hợp điều kiện là một công việc phải thực hiện thì đó phải là những công việc có thể thực hiện được.
5. Hợp đồng theo mẫu
Thông thường, khi tiến hành giao kết hợp đồng các bên phải cùng nhau thỏa thuận những nội dung của hợp đồng để đi đến thống nhất hình thành nên hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp do tính chuyên nghiệp hoặc do đặc trưng riêng của chủ thể hoặc đối tượng của hợp đồng… mà hợp đồng có thể do một bên soạn thảo sẵn theo mẫu nhất định. Trường hợp này, để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của các bên tham gia giao kết hợp đồng, pháp luật quy định riêng về hợp đồng theo mẫu.
Hợp đồng theo mẫu được quy định tại Điều 405 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 405. Hợp đồng theo mẫu
1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.
Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng.
Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.
3. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, khác với các hợp đồng thông thường khác, hợp đồng theo mẫu có những đặc trưng riêng biệt sau:
+ Các nội dung của hợp đồng phải được công khai hoá theo trình tự, thể thức do pháp luật quy định: điều này thể hiện sự kiểm soát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nội dung các hợp đồng theo mẫu và cũng là để phân biệt hợp đồng theo mẫu với những hợp đồng thông thường khác do bên đề nghị đưa ra và bên được đề nghị chấp nhận toàn bộ ngay lần đầu tiên.
+ Bên được đề nghị chỉ có thể trả lời chấp nhận toàn bộ nội dung của hợp đồng hoặc trả lời không chấp nhận mà không có quyền đàm phán, thỏa thuận sửa đổi về nội dung của hợp đồng.
Hợp đồng theo mẫu khác với điều khoản mẫu trong hợp đồng. Nếu toàn bộ nội dung của hợp đồng được bên đề nghị đưa ra và bên được đề nghị chỉ có có quyền chấp nhận toàn bộ hợp đồng hoặc không thì đó là hợp đồng mẫu. Bên được đề nghị chỉ được đưa ra các thông tin về nhân thân. Ví dụ: Hợp đồng mua bán điện, nước, vệ sinh, dịch vụ viễn thông…
Điều khoản mẫu được hiểu là trong hợp đồng có một số điều khoản mẫu do bên đề nghị đưa ra không thể thỏa thuận còn các bên vẫn có quyền đàm phán một số điều khoản khác. Ví dụ: Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ đưa ra một số điều khoản mẫu còn một số nội dung khác vẫn thuộc quyền quyết định và đưa ra của bên mua bảo hiểm như số tiền bảo hiểm, thời hạn bảo hiểm, người thụ hưởng…
Mặc dù là một dạng hợp đồng đặc thù, hợp đồng theo mẫu vẫn phải đảm bảo nguyên tắc tự do, tự nguyện của các bên khi giao kết họp đồng. Điều này thể hiện ở chỗ bên được đề nghị có quyền thể hiện ý chí của mình bằng cách tự định đoạt có chấp nhận đề nghị hay không. Nếu hợp đồng bị cưỡng ép hoặc đe doạ thì hợp đồng cũng bị coi là vô hiệu theo quy định của pháp luật.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.