1. Mở rộng đối tượng kiều bào được mua nhà ở Việt Nam
Năm 2008, đã có gần 400.000 kiều bào được miễn thị thực vào VN. Đây là con số được Ủy ban Nhà nước Về người VN ở nước ngoài (ủy ban) thông tin tại cuộc họp báo ngày 6-1- 2009, tại Hà Nội. Số liệu nêu trên được đánh giá là còn khiêm tốn, vì số lượng Việt kiều truy cập vào trang web của cơ quan đại diện ngoại giao VN ở nước ngoài hay cơ quan xuất nhập cảnh để làm thủ tục nhập cảnh về nước thời gian qua chưa nhiều.
Điều này cho thấy một số kiều bào còn chưa quen với việc vào internet để lấy thông tin hoặc đơn đăng ký miễn thị thực. Khúc mắc nữa là do có những rắc rối trong cách thức kê khai chi tiết về nơi sinh, nơi cư trú trước đây, đặc biệt với những trường hợp xuất thân tại những địa phương nay đã chia tách tỉnh.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài – Ảnh minh họa
Thủ tục xuất nhập cảnh sẽ thuận lợi hơn
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước Về người VN ở nước ngoài, ủy ban đang xem xét, thu nhận các ý kiến đóng góp của kiều bào để làm việc với các cơ quan quản lý chức năng trong nước, cải tiến thủ tục để công tác miễn thị thực được thuận lợi hơn.
Mới đây, ủy ban đã đưa mẫu đơn đăng ký miễn thị thực bằng tiếng Anh lên trang web của Bộ Ngoại giao để giúp cho thế hệ kiều bào thứ ba có thể làm thủ tục xin xuất nhập cảnh nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và ủy ban cũng cho biết nhân dịp đón Xuân Kỷ Sửu, Bộ Ngoại giao và ủy ban sẽ phối hợp với Đài Truyền hình VN tổ chức một chương trình giao lưu mừng Xuân dành cho kiều bào. Chương trình mang tên Xuân quê hương 2009, được truyền hình trực tiếp từ 4 đầu cầu Hà Nội, Vientiane, San Francisco, Moscow vào tối 18-1 – 2009. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ phát biểu lời chào mừng bà con kiều bào từ khắp nơi trên thế giới. Ủy ban cũng khẳng định lượng kiều bào về quê ăn Tết Kỷ Sửu chắc chắn sẽ đông hơn con số nửa triệu người của năm ngoái.
Năm 2009, Bộ Ngoại giao và ủy ban sẽ triển khai hàng loạt hoạt động tích cực thúc đẩy phát triển cộng đồng người VN ở nước ngoài. Đầu tiên là Bộ Xây dựng sẽ trình Quốc hội thông qua dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở năm 2005, cho phép và mở rộng đối tượng người VN ở nước ngoài được sở hữu nhà tại VN.
Bên cạnh đó, bộ sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, dự thảo các văn bản dưới luật hướng dẫn thực thi một số điều có liên quan đến người VN ở nước ngoài của Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2008. Đồng thời, hoàn tất thủ tục thành lập Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, tổ chức đại hội lần thứ nhất của hiệp hội.
Cuối năm nay, ủy ban sẽ tổ chức hội nghị về người VN ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ nhất. Hội nghị dự kiến mời đại diện kiều bào ưu tú các thế hệ trên khắp thế giới đóng góp sáng kiến, trí tuệ của mình cho công cuộc phát triển đất nước.
2. Việt kiều sở hữu nhà tại VN: Rối rắm do… từ ngữ!
Các đại biểu Quốc hội đang tranh luận về vấn đề sở hữu nhà ở trong nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (sau đây xin gọi tắt là Việt kiều). Trên thực tế, tại nhiều diễn đàn nhà đất thời gian qua, chúng tôi không ghi nhận được sự lo lắng thái quá nào nếu mở rộng chính sách bán nhà cho Việt kiều như một số đại biểu Quốc hội đang lo ngại.
Trước đây, chỉ riêng việc xác định đối tượng Việt kiều để cho phép sở hữu nhà cũng đã có nhiều ý kiến trái ngược. Nhiều người cho rằng Luật Nhà ở quy định hạn hẹp đối tượng dẫn đến tình trạng sau tám năm triển khai chủ trương cho Việt kiều mua nhà ở, chỉ có khoảng hơn 140 Việt kiều được mua nhà, chiếm chưa tới 0,2% so với nhu cầu, theo Bộ Xây dựng.
Tại điều 126 Luật Nhà ở, đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở trong nước chỉ được nêu gói gọn trong hai khoản: Khoản 1 bao gồm người về nước đầu tư, người có công với đất nước, người hoạt động văn hóa, khoa học thường xuyên tại Việt Nam, người hồi hương và các đối tượng khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định; Khoản 2 bao gồm các đối tượng khác đã về Việt Nam cư trú với thời hạn được cấp phép từ sáu tháng trở lên.
Đến lượt Nghị định 90/2006 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, điều 65 nêu định nghĩa người Việt Nam định cư ở nước ngoài là “công dân Việt Nam” hoặc “người gốc Việt Nam” cư trú, làm ăn sinh sống lâu dài ở nước ngoài theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi nêu định nghĩa, ở các nội dung sau đó, nghị định này không có sự phân biệt nào giữa “công dân Việt Nam” hay “người gốc Việt Nam” bằng cách chỉ dùng chung một khái niệm theo Luật Nhà ở là “người Việt Nam định cư ở nước ngoài”, và đương nhiên người tham khảo luật tự hiểu luật không phân biệt giữa “công dân Việt Nam” và “người gốc Việt Nam”.
Sự phân biệt xuất hiện trong Nghị định 90 đó là giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài “không bị hạn chế về số lượng nhà ở được sở hữu” (khoản 4 điều 65) với người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ “được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ” (khoản 5 điều 65).
Theo đó, đối tượng thứ nhất gồm những người được quy định tại khoản 1 điều 126 của Luật Nhà ở và đối tượng thứ hai là những người còn lại, được quy định tại khoản 2 điều 126 Luật Nhà ở.Với cách diễn đạt này của nghị định, Bộ Tư pháp hiểu là chỉ những đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở mới được sở hữu nhà ở tại Việt Nam giống như công dân trong nước.
Trong khi Bộ Xây dựng thì cho rằng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở chỉ áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài gốc Việt Nam, còn những người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì đương nhiên được hưởng những quyền lợi và nghĩa vụ như công dân trong nước, vì Hiến pháp không phân biệt công dân sống trong nước với công dân sống ở nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, việc này không được nêu rõ ràng, cụ thể trong luật khiến các địa phương thiếu cơ sở thực hiện, làm hạn chế số lượng nhà bán ra cho Việt kiều.
Do đó, tại Tờ trình về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90 trình Chính phủ hồi tháng 3-2008, Bộ Xây dựng đã kiến nghị sửa đổi điều 65 theo hướng phân biệt rõ ba trường hợp: (1) người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (có quốc tịch Việt Nam, theo Luật Quốc tịch Việt Nam) thì được sở hữu nhà ở như người Việt ở trong nước, tức không hạn chế về số lượng nhà ở; (2) người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt (không có quốc tịch Việt Nam nhưng chứng minh được là đã từng có quốc tịch Việt Nam, hoặc có cha mẹ đẻ, ông bà nội, ngoại đang có hoặc từng có quốc tịch Việt Nam, theo Luật Quốc tịch Việt Nam) thuộc nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở thì được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như người Việt ở trong nước; (3) người Việt Nam định cư ở nước ngoài là người gốc Việt không thuộc các nhóm đối tượng quy định tại khoản 1 điều 126 Luật Nhà ở thì chỉ được sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ.
Bản dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung do Bộ Xây dựng soạn thảo cũng đã mất khá nhiều thời gian tham khảo ý kiến đóng góp và nhận được sự đồng tình cao của các bộ ngành liên quan, bao gồm ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ hồi năm ngoái, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong các phiên họp vào trung tuần tháng trước và đang được các đại biểu Quốc hội họp bàn tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra.
Thực ra, những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung trong bản dự thảo không phải sự đột phá gì to tát mà chủ yếu chỉ góp phần làm rõ ràng, cụ thể hơn những nội dung của Nghị định 90/2006 với mong muốn cải thiện hiệu quả việc thực thi luật pháp trong thực tế, đồng thời tìm kiếm một sự thống nhất khả dĩ giữa luật và nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Thông tin gần đây nhất được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cho thấy có hai đối tượng được mở rộng nhưng theo giới quan sát, các đối tượng này không “quá rộng” như một số người e ngại và cũng không tạo ra sự thay đổi lớn về số lượng Việt kiều được sở hữu nhà ở so với các quy định trước đó.
Bên cạnh đó, chuyện cần bàn về hai đối tượng mới xem ra cũng khá đơn giản.(1) “Người gốc Việt Nam có chuyên môn kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu”. Đối tượng này có điều kiện tương đồng với nhóm đối tượng là “nhà văn hóa, nhà khoa học về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam” để được xếp vào diện ưu đãi, không hạn chế số lượng nhà được sở hữu; (2) “Người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước”.
Thực ra, nếu gọi đây là diện mở rộng thì chỉ là mở rộng cho những người gốc Việt không có điều kiện chứng minh mình là gốc Việt. Nếu chiếu theo tinh thần của Luật Nhà ở là nhằm tạo điều kiện về chỗ ở cho Việt kiều khi về nước thì đối tượng này nhiều khả năng thuộc nhóm chỉ được sở hữu một căn nhà riêng lẻ hoặc căn hộ.
Xét cả câu chuyện về việc cần điều chỉnh đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở trong nước có vẻ như chỉ là vấn đề giải quyết sự rối rắm của từ ngữ, của sự thiếu rõ ràng trong các văn bản pháp quy vốn là nhược điểm cố hữu của các bộ luật. Nhược điểm này không chỉ tạo ra cách hiểu thiếu thống nhất mà còn gây lãng phí thời gian, công sức của nhiều người bàn thảo, họp hành, chỉnh sửa.
Chứ nếu ngay từ đầu, luật diễn đạt rõ ràng như quan điểm và lập luận của Bộ Xây dựng trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung thì có thể đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà đã không bị giới hạn như thực tế thời gian qua.
Tại kỳ họp Quốc hội lần này, người dân còn hướng sự quan tâm vào hai vấn đề: (1) Mức độ đồng thuận của các đại biểu về “độ mở” đối với quyền sở hữu nhiều nhà ở dành cho Việt kiều và “độ hạn chế” các quyền sử dụng đất của họ như quyền chuyển nhượng, bảo lãnh bằng tài sản, góp vốn, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất… Một số đại biểu nêu quan điểm không cho phép bất kỳ diện Việt kiều nào được mua hai căn nhà, sợ phát sinh tệ nạn đầu cơ, sợ thị trường bất động sản sẽ bị náo loạn.
Tuy nhiên, hãy cứ thử nhìn vào giá nhà đất trong nước và cách tiêu xài của phần lớn kiều bào so với số đông người thu nhập cao ở trong nước, chắc nhiều người cũng đồng tình là nên tìm cách ngăn chặn nạn đầu cơ ở trong nước trước đã! Mặt khác, có ý kiến cho rằng việc hạn chế một số quyền của Việt kiều liên quan đến đất đai là điều không nên, nó thể hiện sự phân biệt không cần thiết. (2) Luật pháp dù có được chỉnh sửa, hoàn thiện đến đâu mà không cải thiện khâu thực thi pháp luật thì cũng bằng không!
Một ví dụ: Dự thảo điều chỉnh luật lần này đã rút ngắn thời gian cư trú được cấp phép của Việt kiều (một điều kiện để được phép sở hữu nhà) từ sáu tháng xuống còn ba tháng.
Theo Nghị định 90, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an được giao phối hợp hướng dẫn cụ thể việc xác minh thời hạn cư trú nhưng đã hơn hai năm, nghe đâu hai bộ này vẫn còn lúng túng việc xác minh theo giấy phép hay theo thực tế, thời hạn cư trú liên tục hay có thể ngắt quãng… Nếu cứ đà này thì dẫu thời hạn là sáu tháng hay ba tháng, ách tắc vẫn hoàn ách tắc!
3. Thêm quyền cho Việt kiều mua nhà tại VN
Ngày 22-5 – 2009, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai. Hầu hết các đại biểu (ĐB) đồng tình với chủ trương “mở cửa” đối với người VN định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại VN nhưng nhiều ĐB cho rằng nên mở rộng quyền của kiều bào đối với việc sở hữu nhà ở.
Theo tờ trình của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, hiện nay có khoảng hơn 3 triệu người VN định cư ở nước ngoài. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở, nay mới có hơn 140 Việt kiều được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại VN. Nguyên nhân chính là tại điều 126 của Luật Nhà ở có quy định hạn chế đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại VN. Theo đó, Việt kiều phải thuộc 5 nhóm đối tượng (người về đầu tư lâu dài; người có công với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại VN; người có nhu cầu về sống ổn định tại VN và người được phép cư trú tại VN từ 6 tháng trở lên) mới được sở hữu nhà ở tại VN. Sự bó hẹp này đã không khuyến khích kiều bào về VN làm việc, sinh sống nên việc sửa đổi là cần thiết.
Đối với điều 121 Luật Đất đai, Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi lại theo hướng bổ sung hai quyền đối với Việt kiều mua nhà ở VN, đó là quyền cho thuê và ủy quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không sử dụng nhà ở.
Theo báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai, đa số các ý kiến của Ủy ban Kinh tế của QH nhất trí với các nhóm đối tượng được sở hữu nhà ở tại VN theo quy định của dự thảo luật và thống nhất việc bổ sung ba nhóm đối tượng so với quy định, đó là: người có gốc VN; người có gốc VN có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt và người gốc VN có vợ hoặc chồng là công dân VN đang sinh sống trong nước.
Tại phiên thảo luận, hầu hết ĐB đều đồng thuận với tờ trình của Chính phủ. Hai ĐB Nguyễn Đăng Trừng và Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng QH nên xem xét việc sửa đổi mở rộng diện được mua nhà của kiều bào nhưng hạn chế quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi là chưa đúng. “Việt kiều mua nhà ở hợp pháp mà không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là vô lý, do vậy cần phải bổ sung quyền này” — ĐB Trần Du Lịch đề xuất.
Cùng ngày, QH cũng nghe tờ trình về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.
Giảm quy định cư trú còn 3 tháng
Dự thảo dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai đề xuất sửa đổi như sau: Người VN định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của VN cho phép cư trú từ 3 tháng trở lên (trước đó là 6 tháng) thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và thành viên trong gia đình sinh sống tại VN: Người có quốc tịch VN; người gốc VN thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại VN; người có công đóng góp cho đất nước; nhà văn hóa, khoa học, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà VN có nhu cầu và đang làm việc tại VN; người có vợ hoặc chồng là công dân VN sinh sống trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng.
Người gốc VN không thuộc các đối tượng quy định trên nhưng được cơ quan có thẩm quyền của VN cấp giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại VN từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư.
4. Việt kiều sẽ được mua nhiều nhà?
Việt kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam cư trú trong nước từ ba tháng trở lên được mua nhà như công dân trong nước.
Chờ văn bản hướng dẫn Luật Quốc tịch để xác định rõ đối tượng Việt kiều được mua nhà.
Sắp tới, nếu dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật Đất đai được thông qua thì cánh cửa mua nhà cho Việt kiều sẽ mở ra rất rộng. Tại hội nghị góp ý dự luật này do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hôm qua (7-4 – 2009), hầu hết các đại biểu đều đồng tình với sự sửa đổi này.
Mua nhiều nhà: Điều tiết bằng thuế
“Việc mở rộng đối tượng Việt kiều mua nhà trong nước là phù hợp với Luật Quốc tịch mới. Ước tính có khoảng 70% trong ba triệu kiều bào ở nước ngoài được giữ quốc tịch Việt Nam nếu có yêu cầu”. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết.
Để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Việt kiều phải được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên. Liệu việc mở rộng đối tượng Việt kiều mua nhà có làm thị trường bất động sản xáo trộn hay không? Các đại biểu đều cho rằng khả năng này khó xảy ra. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân – Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Tài nguyên và Môi trường TP): “Nếu đầu tư nhà ở tại Việt Nam thì Việt kiều cũng phải lời ăn lỗ chịu vì có phải lúc nào thị trường cũng lên đâu”. Ông Trần Hòa Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP, đồng tình: “Đối với người có khả năng mua được nhiều nhà, pháp luật có thể điều chỉnh bằng thuế, bằng chính sách”.
Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP, phân tích: “Giá nhà ở Việt Nam còn mắc hơn ở Mỹ và không phải người Việt Nam ở nước ngoài nào cũng đủ điều kiện để mua nhà trong nước. Do đó, đừng sợ xáo trộn thị trường”. Bà Loan dẫn chứng ở các nước như Mỹ, Singapore, Malaysia…, người trong nước hay người ngoại quốc đều dễ dàng mua được nhà và được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Việc thu hút đồng vốn đổ vào bất động sản cũng là liều thuốc kích thích nền kinh tế phát triển. Bà Loan đề nghị bất kỳ ai có nhu cầu mua nhà thì nên mở cửa cho họ mua. Trong tương lai, nếu thị trường bất động sản có phát sinh “sốt” do đối tượng Việt kiều hay người nước ngoài đầu cơ gây nên thì nhà nước có thể xem xét điều chỉnh lại luật.
Cần sớm hướng dẫn Luật Quốc tịch mới (Luật Quốc tịch mới đã được ban hành – CIVILLAWINFOR)
“Bà con kiều bào rất mừng trước khả năng được mua nhà trong nước. Dù đi đâu tâm lý ai cũng muốn cuối đời được trở về quê cha đất tổ. Tuy nhiên, việc mua nhà của Việt kiều có liên quan đến Luật Quốc tịch (theo dự luật trên, người có quốc tịch Việt Nam được mua nhà trong nước – PV). Do đó, nếu không có văn bản hướng dẫn Luật Quốc tịch thì sẽ có nhiều vướng mắc” – ông Trần Hòa Phương nói. Theo ông Phương, dù dự luật có nêu ra ba nhóm đối tượng được mua nhà nhưng có nhiều trường hợp không rõ sẽ được xử lý ra sao.
Ông Phương dẫn chứng: Một người gốc gác ở Lạng Sơn được sinh ra ở nước ngoài, cha mẹ đã chết. Vậy những trường hợp không có giấy tờ gì chứng minh mình là người Việt Nam như vậy có được xem là “người có gốc Việt Nam” như dự luật không? Ngoài ra, đến ngày 1-7 tiến hành đăng ký lại quốc tịch cho kiều bào ở nước ngoài, nếu kiều bào về nước thì đăng ký ở đâu? Để điều luật đi vào cuộc sống còn cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hơn nữa. Ông Phương kể: “Vừa rồi một bà cụ trên 80 tuổi đến chỗ tôi cứ ngồi khóc. Bà cụ sinh sống ở Pháp đã mấy chục năm nhưng vẫn đang mang quốc tịch Việt Nam. Cụ bảo cụ mua một căn hộ của Hoàng Anh Gia Lai, tiền đã đóng rồi nhưng không được đứng tên vì thủ tục khó khăn quá”. Ông Phương kết luận: “Có giảm các thủ tục hành chính thì kiều bào hồi hương mới yên tâm mua nhà”.
Ông Phương cũng cho rằng dự luật nêu điều kiện Việt kiều phải được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên là hơi khắt khe. “Ít ai đáp ứng được điều kiện này, trừ người già về định cư hẳn tại Việt Nam. Đối tượng có khả năng đặc biệt (nhà khoa học, nhà văn hóa…) mỗi lần đi về công tác họ chỉ ở được khoảng một, hai tuần. Theo tôi, cần xem xét lại thời hạn này” – ông nói.
Có cho Việt kiều mua đất ở?
Để phù hợp sự sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở thì Điều 121 Luật Đất đai về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của Việt kiều được sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng phải được sửa đổi cho tương thích. Tuy nhiên, dự luật ghi “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định (…) có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam”. Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch (Sở Tài nguyên và Môi trường TP), như vậy có thể hiểu Việt kiều chỉ được mua nhà ở chứ không được mua đất ở. Trong khi đó, có nhiều trường hợp muốn mua đất của các dự án nhà ở rồi sau đó mới tự xây nhà. Vậy trường hợp này có được cho phép không?
Cũng để tương thích cho việc sửa đổi Điều 126 Luật Nhà ở, bà Võ Thị Kim Hoàng – Phó phòng Cấp chủ quyền nhà (Sở Xây dựng TP) cho rằng phải sửa đổi cả Điều 12 Luật Nhà ở vì có liên quan với nhau. Điều 12 Luật Nhà ở quy định: “Trường hợp có vợ hoặc chồng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thì chỉ ghi tên người có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam”. Bà Hoàng kiến nghị hiện có rất nhiều Việt kiều đang có nhà ở tại Việt Nam nhưng họ không đứng tên trên giấy chủ quyền. Trong đó có nhiều trường hợp nhà xây cất từ trước năm 1975 chưa có giấy tờ. Do đó, ngoài việc mở rộng đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, dự luật cũng nên mở rộng luôn hình thức sở hữu.
(Trích dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật Đất đai)
5. Việt kiều sở hữu nhà tại Việt Nam: Không nên “mở” trước, “thắt” sau
Mặc dù đã qua nhiều lần bàn thảo, lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng mở rộng đối tượng cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, song “mở” đến đâu, “ thắt” thế nào vẫn là vấn đề gây nhiều tranh cãi xung quanh dự án luật sửa đổi bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở.
“Mở” đến mức nào?
So với quy định hiện hành, dự thảo luật mở rộng hơn về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối tượng được sở hữu nhiều nhà ở cũng tăng lên.
Theo đó, người được quyền sở hữu nhà ở như công dân trong nước (tức là không hạn chế số lượng) là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam thuộc 5 diện: về đầu tư lâu dài tại Việt Nam; có công đóng góp với đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học mà Việt Nam có nhu cầu; người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; người kết hôn với công dân ở trong nước.
Tại cuộc họp của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội sáng 10/3, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thông tin: nếu theo quy định của dự thảo thì sẽ có khoảng 2 triệu trong số hơn 3 triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài có thể sở hữu nhiều nhà ở như người trong nước.
Tuy nhiên, nếu “khuôn” lại đối tượng là những người được cấp hộ chiếu thì sẽ giảm xuống khoảng 750 ngàn người, ông Nam nói.
Giải trình này chưa làm các vị đại biểu Quốc hội yên tâm.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Ngô Quang Xuân, thì việc xin hộ chiếu rất dễ, nhất là khi gần đây quy định đã thông thoáng hơn. Vậy nên việc sở hữu nhà phải có sự phân biệt, nhưng phân biệt công bằng, có “khóa” nhưng mà “lỏng”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, phạm vi sửa đổi của luật như vậy hơi quá rộng so với điều kiện thực tế của nước ta. Việc quy định phải có hộ chiếu cũng không chặt chẽ, không hợp lý, vì hộ chiếu có thời hạn. Nhiều nước trên thế giới cũng có hạn chế về số lượng nhà được sở hữu chứ không phải nước nào cũng sở hữu thoải mái.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phát biểu: mục đích sửa luật để làm gì? Nếu là để tập hợp kiều bào tham gia đóng góp xây dựng đất nước thì mỗi người chỉ cần sở hữu một nhà là đủ. Không nên “mở” trước “thắt” sau, ông Thuyết góp ý.
Không sợ dài, chỉ sợ không minh bạch
Tuy chỉ đặt vấn đề sửa một điều của Luật Nhà ở, song hầu hết ý kiến thảo luận cho rằng dự thảo luật hơi “ tiết kiệm” câu chữ nên còn nhiều điều chưa rõ ràng, chưa minh bạch, gây nên những băn khoăn, thắc mắc.
Nhiều đại biểu đặt câu hỏi: luật quy định người gốc Việt Nam cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam, vậy một lần ở liền ba tháng hay tổng cộng nhiều lần đủ ba tháng?
Hay “người có kỹ năng đặc biệt” là thế nào?
Hay người gốc Việt Nam kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước có quyền sở hữu nhà tại Việt Nam, thế kết hôn xong sang Mỹ ở thì có được mua nhà không?
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhắc nhở: đừng sợ luật dài, nếu sửa điều 126 mà không chứa đựng nổi hết các vấn đề thì có thể thêm điều 126a; đừng tiết kiệm từ, luật càng rành mạch càng tốt.
Cái gì đưa được vào trong luật thì đưa đến mức tối đa, nghị định chỉ hướng dẫn cái gì luật bảo hướng dẫn thôi, Phó chủ tịch nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1/9/2009 thay vì 1/7/2009 như đề nghị.
6. Việt kiều sở hữu nhà ở tại VN: Cho sở hữu mà hạn chế quyền là phi lý
Chiều qua (22-5 – 2009), đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai về nội dung quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho Việt kiều.
Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cho rằng dự luật quy định Việt kiều khi sở hữu nhà không được hưởng một số quyền như cho thuê lại, góp vốn, đem bảo lãnh, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất… là phi lý. “Tôi đề nghị đã cho sở hữu thì phải công nhận mọi quyền lợi cho người ta” – ông Trừng nói.
Tuy nhiên, theo quan điểm của TS Trần Du Lịch (TP.HCM), mục đích của luật này là tạo điều kiện cho bà con có nhà ở khi về Việt Nam chứ không khuyến khích kinh doanh. “Vì vậy, có thể quy định họ không có một số quyền như cho thuê lại, góp vốn… vì nó liên quan đến mục đích kinh doanh. Nhưng không thể từ chối quyền được bồi thường khi nhà nước thu hồi. Năm nay người ta bỏ tiền ra mua nhà, đất, có khi cái nhà đó chỉ là nhà cấp bốn, còn đất mới có giá trị lớn, năm sau nhà nước giải tỏa thì người ta mất trắng à?” – ông Lịch thắc mắc.
Về việc kiều bào được sở hữu một hay nhiều nhà, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ngô Minh Hồng nêu quan điểm: “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta dè dặt thì nên quy định tất cả đối tượng chỉ được sử dụng một nhà để ở chứ không nên chia ra các loại đối tượng khác nhau và quy định có loại thì chỉ được mua một nhà, còn loại đối tượng khác thì để mở. Sau này, pháp luật về kinh doanh bất động sản, thuế nhà đất, thuế thu nhập cá nhân… hoàn thiện hơn thì chúng ta sẽ mở ra. Quy định chỉ được sở hữu một nhà cũng phù hợp với chính sách “dùng để ở” như dự luật nêu”.
7. Việt kiều chỉ được mua nhà tại Việt Nam để ở?
Ngày 22/5/2009, sau khi nghe Chính phủ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này.
Trước khi trình Quốc hội, dự án luật chỉ gồm hai điều và có độ dài chưa đến hai trang này đã được “mổ xẻ” kỹ lưỡng ở nhiều diễn đàn. Thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 4 vừa qua, một số ý kiến vẫn lo ngại về sự “ mở toang” của dự luật này.
Theo dự luật đã được chỉnh sửa để trình Quốc hội lần này có thêm ba nhóm đối tượng được bổ sung so với quy định hiện hành, đó là:người có quốc tịch Việt Nam; người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt; người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước.
Về số lượng nhà ở, theo Chính phủ, để tránh hiện tượng đầu cơ, mua nhiều nhà nhằm mục đích kinh doanh, dự án luật đã quy định rõ người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, so với quy định hiện hành thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có thêm hai quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở (quyền cho thuê và uỷ quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở trong thời gian tạm thời không sử dụng nhà ở).
Nhưng so với công dân Việt Nam ở trong nước thì các đối tượng này bị hạn chế hơn ở một số quyền, đó là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì các đối tượng này cũng không được quyền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất.
Đồng tình với sự cần thiết sửa luật, song nhiều đại biểu còn băn khoăn về độ “thắt, mở” của các quy định cụ thể. Bên cạnh các ý kiến đề nghị người Việt định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam cũng có đầy đủ quyền về nhà ở như công dân trong nước vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) thì luật này chưa sửa đổi đến cùng của vấn đề, cứ “mở ra rồi lại trói vào”.Vị đại biểu này nhận định, cứ bỏ mọi hạn chế thì may ra vài năm nữa mới có nhiều người mua nhà, vì “đất đắt đến mức độ không tưởng tượng được”.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng nhất trí khi đã cho mua nhà thì phải có đầy đủ quyền, đặc biệt là quyền bồi thường khi nhà nước thu hồi, nếu không có cái quyền đó thì “cực kỳ nguy hiểm”. Một số ý kiến thuộc đoàn Tp.HCM cũng cho rằng không được quyền bồi thường thì “kỳ quá”.
Tuy nhiên, cũng có vị đại biểu tâm tư: “Tôi nhận điện thoại của cử tri có lúc đến 1 tiếng đồng hồ, họ không đồng ý việc Quốc hội tới đây thông qua việc cho Việt kiều mua nhà”.
SOURCE: TUỔI TRẺ, PHÁP LUẬT TPHCM, THỜI BÁO KINH TẾ VIỆT NAM, NGƯỜI LAO ĐỘNG – CIVILLAWINFOR (Tổng hợp)