Các hành vi cấu thành tội phạm về sở hữu trí tuệ đã được quy định trong Bộ luật Hình s năm 1999 tại các Chương XIII “Các tội xâm phạm quyền tự do dân chủ của Công dân”, Điều 131 (Tội xâm phạm quyền tác giả) và Chương XVI “Các tội xâm phạm về trật tự quản lý kinh tế”, Điều 171 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Hơn 10 năm qua, cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật về sở hữu trí tuệ đã tiến một bước dài, đánh dấu bằng việc ban hành Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 với nội dung phù hợp với những cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ, chủ yếu là Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). Để đồng bộ hóa những những quy định về nội dung này, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có một số điều liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Xung quanh việc sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 1999, đã có một số quan điểm khác nhau về tội phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:
Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ Gọi: 1900.0191
1.Về bố cục:
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 vẫn giữ bố cục các phần, chương, điều như Bộ luật Hình sự năm 1999, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để Bộ luật Hình sự của Việt Nam thực sự phù hợp với cam kết quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, nên đưa vào Bộ luật Hình sự một nhóm các quy định về các tội phạm liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Các quy định này có thể được thiết kế trong một chương riêng.
Ý kiến khác cho rằng, lần này sửa đổi một số điều chứ không sửa đổi toàn bộ Bộ luật Hình sự nên vấn đề này sẽ được xem xét khi xây dựng Bộ luật Hình sự mới thay thế Bộ luật Hình sự năm 1999.
2.Về hành vi ăn cắp bản quyền:
Hành vi này quy định trong các Dự thảo trước đây về “tội xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan” (Điều 170a) là “chiếm đoạt quyền tác giả…”, “mạo danh tác giả”, “sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm” được giữ cơ bản như Bộ luật Hình sự năm 1999 nhằm bảo vệ “quyền tự do, dân chủ của công dân” (Điều 131 Chương XVI). Tuy nhiên trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng, đây không phải là các hành vi mà theo thông lệ quốc tế bị coi là “ăn cắp bản quyền” và cần phải được xử lý hình sự. Quy định như vậy không thể hiện được các cam kết quốc tế (chủ yếu bao gồm trong Hiệp định TRIPs và Hiệp định thương mại) và nên tập trung làm rõ các hành vi bị coi là “ăn cắp bản quyền” theo cách hiểu và tiêu chuẩn chung của quốc tế. Theo thông lệ quốc tế, các nước thành viên được đưa ra quy định chi tiết để thực thi tại quốc gia của mình về những hành vi cần xử lý hình sự trên cơ sở yêu cầu chung, trong trường hợp này là yêu cầu của Điều 61 TRIPs.
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi các quy định về quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ rất khó có thể được sử dụng để xác định thế nào là “ăn cắp bản quyền” Bộ luật Hình sự nên liệt kê rõ các hành vi phải bị xử lý hình sự theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng đồng thời phản ánh các hành vi, định nghĩa hiện hành của Luật Sở hữu trí tuệ. Và nên quy định các hành vi sau đây:
a)sao chép tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả và bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan;
b) phân phối bằng bất cứ loại phương tiện nào các bản sao đã được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan cho việc sản xuất đó;
c)nhập khẩu hoặc xuất khẩu bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan cho việc sản xuất đó.
Dự thảo cuối đã tiếp thu theo hướng liệt kê cụ thể hơn những hành vi cấu thành tội xâm phạm quyền tác giả và các quyền liên quan.
3.Về hành vi làm giả nhãn mác:
Các hành vi bị coi là “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và quyền với giống cây trồng” được quy định trong điều 171 Dự thảo bao gồm cả các hành vi xâm phạm có thể xảy ra và có thể được xử lý bằng các biện pháp dân sự như các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, và giống cây trồng. Quy định
như vậy là rộng hơn nhiều so với yêu cầu phải xử lý hình sự các hành vi “làm giả nhãn mác” theo yêu cầu của TRIPs.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc xử lý hình sự gần như tất cả các loại vi phạm về sở hữu công nghiệp. Dự thảo chỉ nên quy định xử lý hình sự với người nào cố ý thực hiện với quy mô thương mại một trong các hành vi sau đây:
a) Gắn nhãn hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa cùng loại với hàng hoá mang nhãn hiệu được bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu;
b) Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho hàng hóa cùng loại mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
c) Nhập khẩu hàng hóa¸ mang nhãn hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ cho hµng ho¸ cùng loại mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
d) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán vật mang nhãn hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
4.Về khái niệm quy mô thương mại:
Hiện nay khái niệm này chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự, vì vậy, một số chuyên gia đề nghị đưa khái niệm này vào và giải thích rõ ràng để dễ thực hiện. Khái niệm xâm phạm với “quy mô thương mại” là một khái niệm được TRIPs và HĐTM sử dụng.
“Quy mô thương mại” (commercial scale) là cụm từ được Điều 61 của TRIPs sử dụng. “Quy mô thương mại” có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau và được diễn giải bởi các quốc gia để bao gồm các hành vi khác nhau. Nhìn chung xâm phạm với “quy mô thương mại” nên được hiểu là:
a)các hành vi được thực hiện một các có chủ ý nhằm mục đích sinh lợi, không kể giá trị của vi phạm;
b)hoặc những hành vi tuy không nhằm mục tiêu sinh lợi nhưng gây ảnh hưởng lớn đến quyền khai thác tài sản trí tuệ của chủ thể quyền.
Cho đến nay, khái niệm này chưa được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Trên đây là tóm lược một số quan điểm về các quy định về tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5 năm 2009.
Nguyễn Viết Thịnh – Vụ Pháp luật – VPCP
Nguồn: Trang tin Xây dựng pháp luật, Cổng thôn tin điện tử Chính phủ