các công ty đưa người lao động sang nước ngoài như thế nào và làm sao để xác nhận đó không phải là công ty lừa đảo?

Cơ sở pháp lý:

Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động;

Nghị định số 38/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nội dung tư vấn:

1. Xuất khẩu lao động là gì ?

Xuất khẩu lao động Việt Nam ra nước ngoài (gọi tắt là Xuất khẩu lao động hoặc Xuất khẩu lao động Việt Nam) là hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở các doanh nghiệp nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn theo nhu cầu của các doanh nghiệp đó. 

Các hình thức xuất khẩu lao động hiện nay:

Theo quy định tại Điều 6 Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, hiện nay có 04 hình thức xuất khẩu lao động hay nói cách khác là có 04 hình thức để người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể gồm:

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đây là trường hợp Doanh nghiệp Việt Nam/tổ chức sự nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký hợp đồng với các công ty nước ngoài để nắm bắt nhu cầu tìm kiếm lao động của họ. Sau đó doanh nghiệp Việt Nam bố trí tuyển dụng, đào tạo, sát hạch để lựa chọn người lao động đưa đi làm việc ở những công ty nước ngoài đang có nhu cầu.

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đây là trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, dự án ở nước ngoài dưới hình thức liên doanh, liên kết, phân chia sản phẩm hoặc các đầu tư khác ra nước ngoài. Và doanh nghiệp Việt Nam sẽ trực tiếp chọn người lao động có trình độ học vấn, ngoại ngữ tốt, đưa sang nước ngoài làm việc và sẽ đảm bảo, nghĩa vụ lao động tại nước ngoài. Hoặc cá nhân có đầu tư các dự án ở nước ngoài ví dụ như thành lập doanh nghiệp ở nước  ngoài/ chi nhánh ở nước ngoài và cử người lao động Việt Nam sang làm việc tại các doanh nghiệp, chi nhánh đó.

– Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

Hiểu đơn giản thì đây là hình thức các doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động được sang nước ngoài để được thực tập nâng cao tay nghề. 

– Xuất khẩu lao động theo hợp đồng cá nhân

Đây là hình thức người lao động Việt Nam trực tiếp ký hợp động lao động với người sử dụng lao động nước ngoài để sang nước đó làm việc. Trên thực tế, loại hợp đồng này rất ít vì các quy định điều chỉnh hoạt động này đòi hỏi cá nhân muốn ký hợp đồng lao động trực tiếp với doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ khá nhiều điều kiện như họ phải có những hiểu biết thông tin, ngôn ngữ, văn hóa, pháp luật,.. Và phải đến trực tiếp cục lao động ở ngoài nước đăng ký hợp đồng cá nhân và khi đi làm việc ở nước ngoài thì đăng ký quốc tịch với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam tại nước sở tại. Thủ tục này khá phức đạp nên hình thức xuất khẩu lao động này thường không phổ biến với đa số người lao động đang có  nhu cầu muốn xuất khẩu lao động hiẹn nay

2. Các chi phí cần chi trả để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Theo quy định tại Điều 21 và Điều 23 Luật đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, người lao động cần thực hiện nộp các khoản tiền sau để xuất khẩu lao động theo hình thức ký hợp đồng với doanh nghiệp/đơn vị sự nghiệp được cấp phép – vì đây là hình thức phổ biến nhất:

– Tiền môi giới: đây là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định pháp luật.

Mức tiền môi giới: Mức trần tiền môi giới cho các thị trường không vượt quá một tháng lương/ người lao động cho một năm hợp đồng. Trường hợp trên thị trường đòi hỏi mức tiền cao hơn thì doanh nghiệp buộc phải báo cáo cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để trao đổi và thống nhất với Bộ Tài chính nhằm quyết định cụ thể mức tiền môi giới cho phù hợp.

– Tiền dịch vụ: là khoản chi phí mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nưc ngoài. 

Mức tiền dịch vụ: Mức trần tiền dịch vụ mà người lao động nộp cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá một tháng rưỡi tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.

– Tiền ký quỹ: đây là khoản tiền người lao động phải ký quỹ để đề phòng trường hợp người lao động vi phạm Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra cho doanh nghiệp; khi sử dụng tiền ký quỹ để bù đắp thiệt hại, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung, nếu còn thừa thì phải trả lại cho người lao động.

Mức trần tiền kỹ quỹ phụ thuộc vào từng thị trường mà người lao động Việt Nam sang làm việc. Ví dụ: Tại Nhật Bản, mức trần với thực tập sinh là 3000 usd, Thuyền viên là 1.500 usd,… (Theo thông tư số 21/2013/TTBLĐTBXH).

Ngoài ra còn các chi phí như khám sức khoẻ, học tập tiếng, văn hoá nước ngoài, làm visa, hộ chiếu,… người lao động trước khi ký hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam cần đọc kỹ các điều khoản về các khoản phí cần đóng gồm những khoản nào để tránh trường hợp doanh nghiệp đưa ra các khoản phí không theo quy định.

3. Quy trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức ký hợp đồng với doanh nghiệp.

Bước 1: Người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần nộp hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư ra nước ngoài được phép hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bước 2: Doanh nghiệp, tổ chức tuyển chọn lao động từ hồ sơ lao động nộp.

Bước 3: Tiến hành khám sức khoẻ, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Bước 4: Giao kết hợp đồng dịch vụ với doanh nghiệp đưa người lao động sang nước ngoài và Hợp đồng lao động với doanh nghiệp nước ngoài

Bước 5: Thực hiện nộp các khoản phí theo quy định.

Bước 6: Xin visa và xuất cảnh sang nước ngoài làm việc.

4. Quyền và nghĩa vụ của người lao động đi làm việc theo hình thức ký hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các quyền sau đây:

Thứ nhất, người lao động có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài;

Thứ hai, người lao động được hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định.

Thứ ba. được doanh nghiệp, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập;

Thứ tư, được quyền chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Thứ năm được hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;

Thứ sau, thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, người lao động còn có các quyền sau đây:

– Được ký kết hợp đồng với doanh nghiệp dịch vụ làm cơ sở giải quyết tranh chấp và quyền lợi sau này;

– Được bổ túc nghề và ngoại ngữ phù hợp.

– Được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài.

– Được gia hạn hợp đồng hoặc ký kết hợp đồng lao động mới phù hợp với quy định của nước ngoài.

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

Thứ nhất, phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; tôn trọng phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; đoàn kết với người lao động của nước tiếp nhận người lao động và người lao động của các nước khác;

Thứ hai, phải chủ động học nghề, học ngoại ngữ, tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan;

Thứ ba, phải tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

Thứ tư, tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Thứ 5, làm việc đúng nơi quy định; tuân thủ nội quy nơi làm việc và về nước sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thực tập theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;

Thứ 6, chịu trách nhiệm về những thiệt hại do vi phạm hợp đồng đã ký theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Thứ 7, tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định của nước tiếp nhận người lao động;

Thứ 8, phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

Thứ chín, đóng góp vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này.

Ngoài ra còn thực hiện các nghĩa vụ sau: 

– Trả các khoản tiền dịch vụ, ký quỹ theo quy định.

– Thanh lý hợp đồng với doanh nghiệp theo quy định pháp luật.

5. Làm thế nào để biết doanh nghiệp có lừa đảo hay không ?

Một doanh nghiệp hoạt động đủ điều kiện và hợp pháp trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao giờ cũng minh bạch trong việc công khai thông tin doanh nghiệp, tin tức tuyển dụng, hồ sơ, giấy tờ và các điều khoản hợp đồng cũng như phân tích và tư vấn chi tiết cho người lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của họ. 

Để lựa chọn công ty xuất khẩu lao động Nhật Bản uy tín bạn có thể tham khảo 3 cách dưới đây:

Cách 1: Qua website của Bộ LĐTB&XH, tại đây có danh sách các công ty được Bộ cấp giấy phép và bị thu hồi giấy phép.

Cách 2:  Trực tiếp đến các trung tâm giới thiệu việc làm để tìm hiểu.

Cách 3: Qua người thân, bạn bè giới thiệu.

Sau khi tìm được công ty, bạn cần lên trực tiếp trụ sở của họ để tìm hiểu thật kỹ quy trình hồ sơ thủ tục, điều kiện, chi phí, đơn hàng,…

Hoặc bạn cũng có thể lên website, fanpage của công ty XKLĐ đó để xem thông tin. Các công ty xuất khẩu lao động uy tín sẽ có đầy đủ các thông tin hữu ích trên các kênh truyền thông này chứ không sơ sài như các công ty kém chất lượng hay lừa đảo.

Một số dấu hiệu để nhận biết công ty có dấu hiệu lừa đảo cần tránh:

– Cảm giác ban đầu khi đến trụ sở làm việc khá sơ sài, thiếu thốn, tồi tàn hoặc quá ít nhân sự và đồ dùng, thiết bị làm việc, biển hiệu,…

– Công ty không có hồ sơ pháp lý rõ ràng và không tìm thấy thông tin công ty trên các website của cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc Bộ lao động TBXH.

– Nội dung tư vấn không rõ ràng, đặt ra nhiều lợi ích hơn thực tế và đưa ra chi phí rất thấp  để mê hoặc người lao động.

– Không ký hợp đồng hoặc hợp đồng sơ sài, yêu cầu chuyển tiền ngay mà không ký kết biên nhận hoặc không tư vấn quy trình làm việc.

– Không có quy trình đào tạo cụ thể.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN Group