Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015
– Luật thương mại năm 2005
2. Nghĩa vụ hợp đồng là gì?
Nghĩa vụ hợp đồng được hiểu là việc một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền) dựa trên căn cứ giao kết hợp đồng của các bên.
3. Vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là gì?
Vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ (Khoản 1 Điều 351 BLDS). Cũng theo quy định này, bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
Như vậy, BLDS Việt Nam đã có một tuyên bố rất rõ ràng như thế nào là vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng để từ đó làm căn cứ áp dụng các biện pháp chế tài cho việc vi phạm. Trong khi đó, theo pháp luật Nhật Bản, khi nói về vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, Minpo không chứa bất kỳ quy định nào nêu lên khái niệm của vấn đề này, mà chỉ đề cập đến các biện pháp chế tài cho việc vi phạm (Điều 414, 415, 541 và 543 Minpo). Nói cách khác, Minpo chỉ nêu lên quyền áp dụng các biện pháp buộc thực hiện nghĩa vụ nhất định, bồi thường thiệt hại hay chấm dứt hợp đồng cho bên có quyền khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đó; còn như thế nào là không thực hiện nghĩa vụ thì Minpo không đề cập đến. Về vấn đề này, có thể thấy pháp luật Việt Nam rõ ràng hơn pháp luật Nhật Bản trong việc đánh giá có hay không việc vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hợp đồng, để từ đó có đủ cơ sở để áp dụng biện pháp chế tài.
Bên cạnh việc đưa ra khái niệm vi phạm nghĩa vụ, BLDS Việt Nam cũng đưa ra khái niệm như thế nào là vi phạm nghiêm trọng nhằm áp dụng các biện pháp chế tài mang tính chất cứng rắn hơn. Theo Khoản 2 Điều 423 BLDS, vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Đây là cơ sở để bên có quyền áp dụng các biện pháp như hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại các Điều 424 và 428 BLDS. Về phần luật Nhật Bản, cũng liên quan đến khái niệm này, Minpo không có bất kỳ điều khoản nào để miêu tả về vi phạm nghiêm trọng trong hợp đồng nhằm làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc. Tuy nhiên, trong một phán quyết của Tòa án tối cao Nhật Bản, Tòa án đã cho rằng những vi phạm nhỏ về nghĩa vụ trong hợp đồng không phải là lý do để dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng. Cụ thể bản án cho rằng, vi phạm nghĩa vụ phụ trong hợp đồng được xem là vi phạm không nghiêm trọng, bởi vì mục đích của hợp đồng về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều. Nói cách khác, mặc dù không có luật thành văn để xác định như thế nào là vi phạm nghiêm trọng để áp dụng biện pháp chế tài về chấm dứt hợp đồng, nhưng thực tiễn xét xử của Nhật Bản đã công nhận rằng vi phạm nhỏ là những vi phạm không gây ảnh hưởng nhiều đến việc đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng và do vậy không được áp dụng biện pháp chế tài chấm dứt hợp đồng trong trường hợp đó.
Liên quan đến trách nhiệm thông báo do vi phạm hợp đồng, theo pháp luật Việt Nam, việc thông báo về sự không phù hợp với hợp đồng được BLDS quy định đối với hợp đồng mua bán hàng hóa tại Khoản 1 Điều 445 về bảo đảm chất lượng vật mua bán và được Luật thương mại (LTM) quy định tại Khoản 4 Điều 44 và Khoản 1 Điều 237. Theo đó, người mua phải thông báo cho bên bán biết về sự khiếm khuyết của hàng hóa ngay khi phát hiện khuyết tật của hàng hóa (theo BLDS) hoặc trong khoảng thời gian hợp lý đối với hợp đồng thương mại hoặc trong khoảng thời gian 14 ngày đối với dịch vụ logistic (theo LTM). Tuy nhiên, BLDS không có quy định nào liên quan đến việc nếu bên thực hiện hợp đồng không nhận được thông báo về sự khiếm khuyết trong thời gian hợp lý thì xem như việc thực hiện hợp đồng đã hoàn thành (ngoại trừ dịch vụ logistic được LTM quy định tại Khoản 1 Điều 237 như đã đề cập ở trên).
Về phần luật Nhật Bản, trách nhiệm thông báo sự không phù hợp với hợp đồng được quy định trong trách nhiệm bảo hành của người bán ghi nhận tại Điều 526 Bộ luật Thương mại Nhật Bản. Theo đó, khi mua hàng, người mua có trách nhiệm kiểm tra hàng hóa và nếu phát hiện khiếm khuyết thì phải thông báo ngay cho người bán biết trong thời hạn dài nhất là 6 tháng. Nếu người mua không thông báo như quy định trên thì xem như người bán đã hoàn thành nghĩa vụ của mình và người mua sẽ mất quyền áp dụng các biện pháp chế tài cho việc vi phạm nghĩa vụ đó của người bán. Trong khi đó, Minpo không có bất kỳ điều khoản nào quy định về nghĩa vụ thông báo của người có quyền cho người có nghĩa vụ về việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
4. Một số biện pháp chế tài chủ yếu cho việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng
4.1. Bồi thường thiệt hại
Theo Điều 360 BLDS và Điều 302, 303 LTM, khi có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, ngoại trừ có quy định hoặc thỏa thuận khác. Tương ứng với quy định này, Minpo đã nói rằng, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ như quy định trong hợp đồng thì bên có quyền có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh từ việc không thực hiện nghĩa vụ đó (Điều 415 Minpo). Như vậy, dù nói bằng cách nói khác nhau, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng nội dung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do luật Việt Nam và luật Nhật Bản quy định là giống nhau, đều xuất phát từ việc vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của một bên làm phát sinh thiệt hại cho bên kia thì bên gây thiệt hại có trách nhiệm phải bồi thường.
Cũng theo luật Việt Nam, thiệt hại được bồi thường là toàn bộ thiệt hại, bao gồm thiệt hại thực tế và trực tiếp về vật chất và về tinh thần mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do bên vi phạm gây ra (Điều 419, 360 BLDS, Điều 302 LTM). Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 302 LTM cũng quy định thêm rằng giá trị bồi thường thiệt hại cũng có thể bao gồm các khoản lợi trực tiếp mà bên vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. So với luật Việt Nam, luật Nhật Bản quy định rằng việc yêu cầu bồi thường được căn cứ trên thiệt hại phát sinh một cách bình thường từ việc vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng (Khoản 1 Điều 416 Minpo). Ngoài ra, bên có quyền cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại phát sinh trong bất kỳ trường hợp tổn thất đặc biệt nào nếu bên có nghĩa vụ có thể thấy trước được hoặc đáng lẽ phải thấy trước được (Khoản 2 Điều 416 Minpo).
Như vậy, luật Nhật Bản không kể ra các dạng thiệt hại (vật chất và tinh thần, thực tế và trực tiếp) như trong luật Việt Nam, thay vào đó việc đánh giá thiệt hại được quy định một cách chung nhất và tùy thuộc vào cách chứng minh thiệt hại của người yêu cầu. Thực tế xét xử tại Nhật Bản cho thấy rằng, thiệt hại được xác định theo giá trị, do vậy bên bị thiệt hại ngoài việc phải chứng minh sự kiện gây ra thiệt hại, thiệt hại phát sinh còn phải chứng minh giá trị thiệt hại là bao nhiêu. Nếu không chứng minh được giá trị thiệt hại, Tòa án sẽ từ chối yêu cầu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Ngoại lệ đầu tiên liên quan đến việc không thực hiện nghĩa vụ giao tiền, số tiền lãi cụ thể sẽ được xác định theo quy định của pháp luật, do vậy bên yêu cầu không cần phải chứng minh thiệt hại liên quan đến tiền lãi do chậm trả (Điều 419 Minpo). Ngoại lệ thứ hai liên quan đến thiệt hại phi vật chất. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ tính toán thiệt hại dựa trên phán xét chủ quan của thẩm phán mà không cần sự chứng minh giá trị thiệt hại của người yêu cầu (Điều 248 Bộ luật Tố tụng dân sự Nhật Bản).
Vấn đề tiếp theo liên quan đến bồi thường thiệt hại là trách nhiệm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Nội dung này được quy định tại Điều 362 BLDS. Theo đó, bên có quyền phải áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để thiệt hại không xảy ra hoặc hạn chế thiệt hại cho mình. Tuy nhiên, BLDS lại không có bất kỳ điều khoản nào quy định về trách nhiệm của bên bị thiệt hại do không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Vấn đề này chỉ thật sự được giải quyết trong LTM, tại Điều 305. Theo đó, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Liên quan đến trách nhiệm ngăn chặn và hạn chế tổn thất này, luật Nhật Bản vẫn còn “im lặng”, do không có quy định nào đề cập đến vấn đề này.
4.2. Phạt vi phạm hợp đồng
Vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng được pháp luật Việt Nam đề cập đến tại Điều 418 BLDS và Điều 300 LTM. Căn cứ vào các quy định này, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, trong khi BLDS không quy định một giới hạn tối đa cho số tiền phạt vi phạm (Điều 418 BLDS) thì LTM lại quy định hạn mức cho số tiền này là không quá 8% trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm (Điều 301 LTM). Nói cách khác, trong khi BLDS cho phép các bên tự do thỏa thuận một số tiền phạt vi phạm không phụ thuộc vào mức độ tổn thất, thì LTM lại khống chế mức trần nhằm không cho phép số tiền phạt vi phạm tăng quá cao so với thiệt hại thực tế xảy ra.
Về vấn đề này, pháp luật dân sự về hợp đồng của Nhật Bản có quy định tương đồng với BLDS Việt Nam. Cụ thể, Điều 420 Minpo nói rằng, các bên trong hợp đồng được quyền thỏa thuận về số tiền phạt vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp này, Tòa án không được quyền tăng lên hoặc hạ xuống số tiền phạt đã thỏa thuận. Với quy định này, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt cao hơn thiệt hại thực tế xảy ra. Và khi yêu cầu về nộp tiền phạt do vi phạm hợp đồng, bên bị vi phạm không có nghĩa vụ phải chứng minh mình phải hứng chịu bất kỳ tổn thất nào. Có thể thấy rằng, quy định này thể hiện rõ nguyên tắc tự do thỏa thuận trong giao kết hợp đồng, một nguyên tắc cơ bản trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, theo pháp luật Nhật Bản, nếu điều khoản về phạt vi phạm này không công bằng thì điều khoản này có thể bị tuyên bố vô hiệu. Thực tế xét xử tại Nhật Bản cho thấy rằng, nếu số tiền phạt quá cao hoặc quá thấp thì điều khoản về phạt vi phạm bị xem là trái với trật tự công (Điều 90 Minpo). Bên cạnh đó, quy định về hạn chế hiệu lực của điều khoản về phạt vi phạm cũng được tìm thấy ở một số quy định trong văn bản luật chuyên ngành khác như Điều 9 và Điều 10 Luật Hợp đồng tiêu dùng của Nhật Bản. Những điều khoản này đều hạn chế việc quy định tiền phạt vi phạm quá cao so với thiệt hại thực tế do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng, BLDS Việt Nam còn quy định rằng các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại, hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm vừa phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nếu các bên chỉ có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm. Điều này trái hẳn hoàn toàn với quy định tại Điều 307 LTM. Cụ thể, theo quy định này, nếu các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; còn nếu các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Nói cách khác, nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không có tuyên bố nào thêm về việc bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, thì theo BLDS bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu trả tiền phạt vi phạm (mà không được yêu cầu thêm tiền bồi thường thiệt hại); nhưng theo LTM thì bên bị vi phạm được quyền yêu cầu cả tiền phạt vi phạm lẫn tiền bồi thường thiệt hại. Về nội dung này, pháp luật Nhật Bản không có quy định nào tương tự như pháp luật Việt Nam.
4.3. Chấm dứt hợp đồng
Việc chấm dứt hợp đồng như là chế tài cho việc vi phạm hợp đồng được BLDS Việt Nam quy định tại Điều 422 cùng với các hình thức chấm dứt hợp đồng khác mà không là kết quả của việc vi phạm hợp đồng. Nói cách khác, theo điều luật này, hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp như hợp đồng đã được hoàn thành; theo thỏa thuận của các bên; bên giao kết hợp đồng chết hoặc chấm dứt tồn tại; hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt hợp đồng; hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn; hợp đồng bị chấm dứt theo quyết định của Tòa án do hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Điều 420 BLDS.
Như vậy, việc hủy bỏ hợp đồng và đơn phương chấm dứt hợp đồng (hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng theo Điều 310 LTM) chỉ xảy ra khi có vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng. Hai biện pháp chấm dứt hợp đồng này được áp dụng trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau và dẫn tới hậu quả pháp lý cũng hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể, hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong trường hợp bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận; bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng; hoặc trường hợp khác do pháp luật quy định (Điều 423 BLDS).
Việc hủy bỏ hợp đồng này dẫn tới việc hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng, trừ những thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp và do vậy các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận từ việc thực hiện hợp đồng (Điều 427 BLDS).
Trong khi đó, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng xảy ra khi một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng; theo sự thỏa thuận của các bên; hoặc theo quy định của pháp luật. Và khi xảy ra trường hợp này, bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thì hợp đồng chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt (Điều 428 BLDS). Nói cách khác, các giao dịch trước thời điểm này vẫn phát sinh hiệu lực, khác hoàn toàn với trường hợp hủy bỏ hợp đồng.
Đối với pháp luật Nhật Bản, luật Minpo của Nhật Bản không có cách thiết kế điều luật về chấm dứt hợp đồng giống Việt Nam. Do không có điều luật với khái niệm rõ ràng về vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng nên Nhật Bản đã quy định việc chấm dứt hợp đồng theo cách đưa ra thông báo về sự vi phạm nghãi vụ trong trường hợp thực hiện hợp đồng trễ hạn. Nói cách khác, bên bị vi phạm có thể hủy bỏ hợp đồng bằng cách đưa ra thông báo yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ trong một thời hạn hợp lý, nếu hết thời hạn này mà vẫn không thực hiện thì sẽ hủy bỏ hợp đồng (Điều 541 Minpo). Tuy nhiên, bên bị vi phạm sẽ có quyền hủy bỏ hợp đồng ngay mà không cần đưa ra thông báo, khi việc vi phạm hợp đồng về thời gian là vi phạm cơ bản (Điều 542 Minpo). Điều này có nghĩa rằng nếu nghĩa vụ phải được thực hiện tại một thời điểm cụ thể hoặc trong một khoảng thời gian xác định mục đích hợp đồng mới đạt được, thì việc không thực hiện nghĩa vụ vào đúng thời gian này làm việc giao kết hợp đồng không còn ý nghĩa, do đó bên bị vi phạm được quyền huỷ bỏ hợp đồng mà không cần đưa ra thông báo gia hạn. Luật Nhật Bản cũng quy định thêm trong trường hợp hợp đồng không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ thì bên bị vi phạm cũng có thể hủy bỏ hợp đồng (Điều 543 Minpo).
Khi hợp đồng bị hủy bỏ theo những điều khoản trên của pháp luật Nhật Bản, các bên có nghĩa vụ phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận (Điều 545 Minpo). Trong trường hợp không hoàn trả lại được bằng hiện vật, họ phải hoàn trả lại bằng giá trị tương ứng với vật đó. Những quy định này rất tương đồng với hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ hợp đồng theo pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng trong luật Nhật Bản với hậu quả pháp lý tương ứng với pháp luật Việt Nam. Điều này có nghĩa rằng, theo pháp luật Nhật Bản nghĩa vụ bị vi phạm dẫn đến chấm dứt hợp đồng thì chỉ có thể dẫn đến một trường hợp duy nhất là hủy bỏ hợp đồng và do đó hợp đồng được xem như không có hiệu lực ngay từ thời điểm giao kết, ngoại trừ các điều khoản về chế tài và giải quyết tranh chấp.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập