Câu hỏi về tội nhận hối lộ và đồng phạm trong luật hình sự ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Em có tình huống đang cần công ty tư vấn để làm bài tốt hơn, mong sớm nhận được câu trả lời của công ty. Tình huống: H là cán bộ hải quan làm việc tại cửa khẩu tỉnh Q. Một lần H kiểm tra hàng nhập khẩu vào Việt Nam thì phát hiện số lượng hàng vượt quá rất nhiều so với số lượng theo hóa đơn (số hàng vượt quá trị giá khoảng 150 triệu đồng, có thể bị xử lý theo khoản 1 Điều 153 BLHS). Chủ hàng là Y đã gọi H ra một chỗ trao đổi riêng. Y đưa cho H một chiếc phong bì trong có chứa 10 triệu đồng và đề nghị H bỏ qua cho số hàng vượt quá so với hoá đơn. H nhận tiền và đồng ý cho Y mang hàng đi. Câu hỏi: 1. Y phạm tội buôn lậu nêu trên thuộc loại tội phạm gì theo khoản 3 Điều 8 BLHS? 2. Nếu trong hàng hóa của Y buôn lậu có 1 kg thuốc phiện, Y bị truy tố về 2 tội buôn lậu và mua bán trái phép chất ma túy thì H có bị coi là đồng phạm với Y về 2 tội đó hay không? 3. Giả thiết Y không đưa tiền mà gọi H ra chỗ vắng và dọa sẽ tố cáo hành vi đánh bạc của H trước đây, H vì sợ bị xử lý kỷ luật nên đã phải bỏ qua cho hành vi buôn lậu của Y thì H có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu không? Tại sao? 4. Giả định nếu Y đang có án tích về tội buôn bán hàng cấm ( bị xét xử theo khoản 2 Điều 155 BLHS) nay lại phạm tội buôn lậu với số hàng hóa vượt quá như tình huống nêu trên thì Y bị coi là có tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?
-Phan Thùy Dương

Trả lời:

Chào bạn. Công ty chúng tôi rất vui lòng giải đáp thắc mắc của bạn. Tuy nhiên, vì đây là bài tập trong trường nên chúng tôi sẽ chỉ đưa ra những gợi ý nhất định nhằm giúp cho các bạn giải quyết vấn đề dễ dàng hơn.

1. Y phạm tội buôn lậu nêu trên thuộc loại tội phạm gì theo khoản 3 Điều 8 BLHS?

Với câu hỏi này, bạn hãy xác định số hàng hóa có giá trị là bao nhiêu; hàng hóa đó có phải là hàng hóa bị cấm hay không; số lượng hàng hóa nhiều hay ít; đây có phải là lần phạm tội đầu tiên của Y hay là đã nhiều lần rồi… Từ đó có thể xác định được tội phạm của Y được quy định tại khoản nào của Điều 153 Bộ luật Hình sự. Từ đó đối chiếu với khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự để xác định loại tội phạm:

Điều 8. Khái niệm tội phạm

3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Nếu trong hàng hóa của Y buôn lậu có 1kg thuốc phiện, Y bị truy tố về hai tội buôn lậu và mua bán trái phép chất ma túy thì H có bị coi là đồng phạm hay không?

Theo Điều 20 Bộ luật Hình sự:

Điều 20. Đồng phạm 

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Như vậy, tội phạm đó phải được thực hiện bởi hai người trở lên và cùng cố ý thì mới được coi là đồng phạm. Hành vi phạm tội của của mỗi người là cố ý, có sự liên quan mật thiết và không thể tách rời nhau. Nếu có nhiều người cùng thực hiện tội phạm nhưng không cố ý cùng thực hiện thì không phải là đồng phạm. Ví dụ: A trộm tiệm vàng, khi đang trộm bị phát hiện nên bỏ chạy. B đi qua thấy tiệm vàng vừa bị trộm, chủ tiệm đang đuổi theo kẻ trộm nên đã thừa cơ lấy vàng. Mặc dù A và B cũng thực hiện hành vi trộm tài sản nhưng A và B không phải đồng phạm với nhau vì họ không cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

Ở đây ta có thể thấy rằng, H tuy đã giúp cho Y buôn lậu và vận chuyển ma túy thành công nhưng lại không có sự cố ý thực hiện tội phạm đó. Hành vi nhận tiền và bỏ qua cho Y của H chỉ cấu thành tội Nhận hối lộ quy định tại điều 279 Bộ luật Hình sự 1999 mà thôi.

Điều 279. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

3. Giả thiết Y không đưa tiền mà gọi H ra chỗ vắng và dọa sẽ tố cáo hành vi đánh bạc của H trước đây, H vì sợ bị xử lý kỷ luật nên đã phải bỏ qua cho hành vi buôn lậu của Y thì H có phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu không?

Theo pháp luật, H chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu trong tình huống này nếu H được coi là đồng phạm với Y. Mà như đã phân tích bên trên, H không được coi là động phạm với Y nên sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.

Tuy nhiên với hành vi cố ý không thực hiện công vụ của mình, H đã phạm một tội trong các tội phạm về thành nhũng. Các bạn hãy tự tìm hiểu và giải quyết nhé.

4. Giả định nếu Y đang có án tích về tội buôn bán hàng cấm (đã bị xét xử theo khoản 2 Điều 155 BLHS) nay lại phạm tội buôn lậu với số hàng hóa vượt quá như tình huống nêu trên thì Y bị coi là có tình tiết tái phạm hay tái phạm nguy hiểm?

Điều 49 Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định:

Điều 49. Tái phạm, tái phạm nguy hiểm

1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý.

Như vậy, tùy thuộc vào việc Y đã tái phạm lần nào chưa mà chúng ta có thể đưa ra kết luận:

Thứ nhất, nếu như Y đã tái phạm và chưa được xóa án tích thì đương nhiên sẽ là tái phạm nguy hiểm.

Thứ hai, nết như đây là lần tái phạm đầu tiên của Y, nhưng tội của Y lại là tội rất nghiêm trọng hay tội bặc biệt nghiêm trọng thì sẽ là tái phạm nguy hiểm.

Cuối cùng, Y tái phạm lần đầu, tội của Y chỉ là tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng thì sẽ là tái phạm.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

Lời khai của người đại diện theo pháp luật ?

Chào Luật sư của LVN Group. Mong Luật sư của LVN Group giải đáp thắc mắc giúp em. Cám ơn ạ. Lời khai của người đại diện theo pháp luật của bị cáo là phương tiện chứng minh trong vụ án hình sự. Nhận định trên là đúng hay sai? Và tại sao?
-Lê Thị Thu Hằng

Trả lời:

Chào bạn! Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Tại thời điểm giao thời của hai Bộ luật Hình sự – Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Bộ luật Hình sự 2015, vấn đề người phạm tội đang có sự khác biệt. Trong Bộ luật Hình sự 1999, pháp nhân không thể là tội phạm. Tuy nhiên trong Bộ luật Hình sự 2015 thì pháp nhân lại có thể là chủ thể của hành vi phạm tội.

Vì vậy nên chúng tôi sẽ phân tích câu hỏi trên theo hai hướng tương ứng với quy định của hai Bộ luật:

Theo Bộ luật Hình sự 1999, người phạm tội chỉ có thể là cá nhân.

Điều 8. Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Khi này, người đại diện theo pháp luật của bị can, bị cáo chỉ có quyền hỗ trợ, thay mặt bị can, bị cáo thực hiện những quyền, nghĩa vụ trong các giai đoạn tố tụng mà không thể thay mặt bị can, bị cáo trình bày lời khai. Vì vậy, khi này, lời khai của người đại diện theo pháp luật không có ý nghĩa trong tố tụng hình sự.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, chủ thể thực hiện hành vi phạm tội có thể là pháp nhân.

Điều 8. Khái niệm tội phạm

1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Vậy nên, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân sẽ phải bị lấy lời khai bởi các cơ quan tiến hành tố tụng và lời khai đó sẽ trở thành phương tiện chứng minh trong vụ án hình sự.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

Hành chính hay hình sự ?

Chào Luật sư, cho tôi hỏi hành hung người khác có phạm tội không?

-Lequyetut2

Trả lời:

Chào bạn! Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Vì câu hỏi của bạn còn thiếu nhiều thông tin nên chúng tôi xin đưa ra hai trường hợp chính:

– Thứ nhất, nếu người hành hung bị mất năng lực trách nhiệm hình sự – người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

– Thứ hai, nếu người hành hung có năng lực trách nhiệm hình sự:

 

Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 quy định:

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Như vậy, tùy thuộc vào tỷ lệ thương tật của người bị hành hung và những yếu tố được quy định tại khoản 1 Điều này mà hành vi “hành hung” người khác có phạm tội hay không. Nếu như tỷ lệ thương tật là trên 11% hoặc dưới 11% nhưng lại thuộc vào các trường hợp đã được quy định tại khoản 1 thì người hành hung sẽ phạm tội Cố ý gây thương tích. Tương ứng với từng mức tỷ lệ thương tật mà người hành hung sẽ phải chịu hình phạt tương ứng với các khoản 1, 2, 3, 4 của Điều luật.

Lưu ý: Nếu người phạm tội là người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) thì Tòa án sẽ phải tuân theo nguyên tắc quy định tại Điều 69 và Điều 74 Bộ luật Hình sự 1999:

Điều 69. Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội

2. Người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.

5. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng.

Điều 74. Tù có thời hạn

 Người chưa thành niên phạm tội chỉ bị phạt tù có thời hạn theo quy định sau đây:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười tám năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá mười hai năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

Căn cứ áp dụng bộ luật hình sự theo quy định của pháp luật ?

Năm 2013 anh Bình bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý bị TAND huyện X tuyên phạt 3 năm. Đến năm 2015 a Bình chấp hành xong án phạt tù. Nếu theo bộ luật hình sự 1999 ( bổ sung 2009) thì thời gian được xoá án tích là 3 năm. Nếu như theo bộ luật hình sự 2015 là 2 năm. Vậy trường hợp của anh Bình được xoá án tích theo Bộ luật hình sự năm nào?

-Huy Nguyễn

Trả lời:

Chào bạn! Chúng tôi xin tư vấn cho bạn như sau:

Về quy định xóa án tích theo hai Bộ luật:

Điều 64 Bộ luật Hình sự 1999:

Điều 64. Đương nhiên được xoá án tích
Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích:
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 70. Đương nhiên được xóa án tích

1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:

b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;

Mặc dù pháp luật Việt Nam có tính nhân đạo, ở trong cả hai Bộ luật Hình sự 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015 đều có quy định rằng:
Điều 7. Hiệu lực của Bộ luật hình sự về thời gian
3. Điều luật xoá bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng, quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện xoá án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội, thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, tại thời điểm hoàn thành án phạt của anh Bình, Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực (có hiệu lực từ ngày 01/07/2016) nên khi này vẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự 1999 về xóa án tích. Vì vậy nên anh Bình sẽ được xóa án tích sau 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính đã tuyên.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

Xác định căn cứ xử lý theo luật tố tụng hình sự ?

Khoảng 15 giờ ngày 26/2 Tiến và Hậu cầm dao lên xe khách rạch hành lý của khách khi đang đi trên xe. Khi chúng đã lấy được khoảng 2 triệu thì bị anh Tình phát hiện, anh Tình hô mọi người bắt đối tượng đó. Tiến và Hậu dọa là sẽ đâm chết nếu ai xông vào, và cả 2 nhảy xuống xe tẩu thoát. Giả sử Tiến và Hậu bị bắt khi đang chia tiền thì việc bắt này được tiến hành theo thủ tục tố tụng hình sự nào ?

-Trần Thanh Qui

Trả lời:

Chào bạn! Đối với tình huống của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, biện pháp ngăn chặn bắt người được quy định tại các Điều 80, 81 và 82 bao gồm:

– Bắt bị can, bị cáo để tạm giam;

– Bắt người trong trường hợp khẩn cấp;

– Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã.

Vì T và H chưa bị khởi tố về hình sự nên khi này chỉ có thể áp dụng bắt người trong trường hợp khẩn cấp hoặc bắt người phạm tội quả tang.

Điều 81. Bắt người trong trường hợp khẩn cấp

1. Trong những trường hợp sau đây thì được bắt khẩn cấp:

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

2. Những người sau đây có quyền ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;

b) Người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới;

c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.

Điều 82. Bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã

1. Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.

Giả sử, T và H chia tiền ngay sau khi tẩu thoát, nhưng do có người trên xe khách cũng đi xuống và bám theo, phát hiện và bắt giữ thì khi đó việc bắt người này có thể thực hiện theo thủ tục bắt người phạm tội quả tang, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Việc đuổi bắt trong trường hợp này phải liền ngay sau khi người phạm tội chạy trốn, không có gián đoạn về thời gian thì mới có thể bắt người phạm tội quả tang. Nếu như có thời gian gián đoạn giữa việc chạy trốn và đuổi bắt thì không được bắt quả tang mà có thể bắt người theo thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp (điểm b khoản 1 Điều 81 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003).

Tương tự, nếu T và H tẩu thoát thành công, không ai đuổi theo. Nhưng sau 1 khoảng thời gian thì bị người đã từng trên xe phát hiện. Thì khi đó việc bắt người sẽ được thực hiện theo thủ tục bắt người trong trường hợp khẩn cấp (điểm b khoản 1 Điều 81). Khi này, người phát hiện sẽ không được trực tiếp bắt người mà phải trình báo với cơ quan Công an, cơ quan điều tra. Từ đó, các cơ quan đó sẽ có trách nhiệm xác minh và tiến hành bắt người.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group