Theo quy định của BLDS 2015 bao gồm: không đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự của người tham gia giao dịch; mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội; chủ thể tham gia giao dịch không tự nguyện, hình thức giao dịch không đúng…
1. Khái quát
Tại Điều 53, Hiến pháp 2013 có quy định:
Điều 53.Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
QSDĐ là công cụ pháp lý do Nhà nước sáng tạo ra, là quyền phái sinh. Quyền này hiện thực hóa quyền sở hữu toàn dân về đất đai. Nhà nước trao lại cho nhân dân quyền được khai thác và sử dụng đất đai, môt loại tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Quyền sử dụng đất đai là quyền sử dụng một thứ tài sản không thuộc quyền sở hữu của một trong các bên tham gia quan hệ mà thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện. Do đó, QSDĐ được xem xét như một loại tài sản đặc thù, đươc chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, cho tặng, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn QSDĐ theo quy định tại Điều 167 của LĐĐ 2013. Như vậy, QSDĐ chỉ được chuyển nhượng là nhằm không xâm phạm vào sở hữu toàn dân về đất đai.
Trong BLDS 2015, Khoản 1 Điều 105 quy định “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền về tài sản”. Tại Chương 7 Điều 115 của BLDS 2015, quyền tài sản được nêu như sau:
Điều 115. Quyền tài sảnQuyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Như vậy, theo BLDS 2015, QSDĐ chính là quyền về tài sản và quyền này theo BLDS 2015 là một dạng tài sản. Cũng theo Điều 430, Chương 16 BLDS 2015, “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”. Trong BLDS 2015, không quy định rõ và cụ thể Hợp đồng CNQSDĐ. Xét từ các quy định của BLDS 2015 về hợp đồng và hợp đồng mua bán quyền tài sản, Hợp đồng CNQSDĐ tương đồng với Hợp đồng mua bán tài sản, cụ thể hơn là Hợp đồng mua bán quyền tài sản.
Tại Khoản 1 Điều 450, 500 của BLDS 2015 thì:
Điều 450. Mua bán quyền tài sản1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.…
Điều 500. Hợp đồng về quyền sử dụng đấtHợp đồng về quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên kia; bên kia thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất.
Như vậy, Hợp đồng CNQSDĐ cũng là một trong các loại hợp đồng về QSDĐ. Đồng thời, hợp đồng này cũng là hợp đồng mua bán về quyền tài sản trong đó bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu (ở đây là quyền sở hữu về quyền sử dụng đất) cho bên mua, bên mua phải trả một số tiền cho bên bán theo như thỏa thuận. Hợp đồng CNQSDĐ được xem là vô hiệu khi các bên trong hợp đồng chuyển nhượng tham gia giao kết và thực hiện không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật dân sự bao gồm: người tham gia giao dịch CNQSDĐ không có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật; QSDĐ là đối tượng giao kết trong hợp đồng nhưng không được phép giao dịch theo quy định của pháp luật và trái với đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch bị ép buộc và bị lừa dối; hợp đồng CNQSDĐ không tuân thủ các yêu cầu của pháp luật về hình thức như công chứng, chứng thực…Từ phân tích trên có thể hiểu, Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu khi bên chuyển nhượng QSDĐ và bên nhận chuyển nhượng QSDĐ không tuân thủ theo điều kiện về hình thức và nội dụng mà pháp luật quy định đối với giao dịch CNQSDĐ.
2. Đặc điểm của Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu
2.1 Không đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
Theo quy định của BLDS 2015 bao gồm: không đủ điều kiện về năng lực hành vi dân sự của người tham gia giao dịch; mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội; chủ thể tham gia giao dịch không tự nguyện, hình thức giao dịch không đúng với quy định của pháp luật… Khi Hợp đồng CNQSDĐ bị vô hiệu, các bên tham gia giao dịch đều phải gánh chịu hậu quả pháp lý nhất định, có thể gây bất lợi về cả vật chất và tinh thần cũng như không đạt được mục đích đã xác định. Trong trường hợp nếu các bên trong hợp đồng chưa thực hiện giao dịch thì sẽ không thực hiện được giao dịch nữa. Ngược lại, nếu các bên trong hợp đồng đang thực hiện hợp đồng thì phải chấm dứt việc thực hiện hợp đồng đó để quay lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận do thực hiện theo hợp đồng.
2.2 Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu đa dạng về loại hình và mức độ vô hiệu
Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu tồn tại ở tất cả các hình thức: vi phạm điều kiện về năng lực hành vi của chủ thể; do nhầm lẫn, do đe dọa, lừa dối; do nội dung mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật; do vi phạm hình thức. Trong mỗi loại hình, Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu còn diễn ra một cách hết sức phong phú với những tính chất và mức độ khác nhau. Không những thế, Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu còn đa dạng về mức độ và phạm vi vô hiệu. Các Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu tồn tại cả trường hợp vô hiệu toàn bộ hợp đồng và vô hiệu từng phần của hợp đồng. Như vậy, Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu đa dạng về loại hình cũng như mức độ vô hiệu. Đó là do những quy định của pháp luật về điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng CNQSDĐ và sự đặc thù trong các yếu tố cấu thành quan hệ CNQSDĐ.
2.3 Vô hiệu do không đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật chuyên ngành
Đặc điểm thứ ba là sự phức tạp của pháp luật điều chỉnh về hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu. Giao dịch CNQSDĐ với tính chất và vai trò đặc biệt quan trọng như đã phân tích ở trên nên hệ thống pháp luật điều chỉnh khá phức tạp thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật. Có thể thấy, những quy định về điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng CNQSDĐ được ghi nhận trực tiếp tại các văn bản luật khác nhau (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản hướng dẫn thi hành). Nội dung các Luật này quy định cụ thể về điều kiện đối với QSDĐ được đưa vào giao dịch, quy định về quyền của người sử dụng đất, điều kiện hình thức đối với các giao dịch CNQSDĐ và thủ tục thực hiện những quy định đó. Những quy định này xác định những điều kiện cụ thể để các giao dịch CNQSDĐ không bị vô hiệu. Ngoài những quy định tại văn bản pháp luật liên quan đến đất đai và BLDS, tùy từng trường hợp cụ thể mà quá trình thực hiện các giao dịch CNQSDĐ còn chịu sự điều chỉnh của các quy định ở những luật khác như: Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hôn nhân và gia đình… Khi không đáp ứng những quy định của pháp luật, Hợp đồng CNQSDĐ trở thành vô hiệu. Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật điều chỉnh Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu được quy định ở nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau với mức độ hiệu lực pháp lý khác nhau. Sự chặt chẽ và phức tạp về mặt quy định đối với Hợp đồng CNQSDĐ ảnh hưởng lớn đến quá trình áp dụng pháp luật đối với CNQSDĐ.
Quá trình giải quyết hậu quả pháp lý của Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu khá phức tạp do tính chất pháp lý đặc thù của QSDĐ. QSDĐ là một loại tài sản đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân khi tham gia vào đời sống kinh tế – xã hội. Việc thay đổi tình trạng pháp lý của QSDĐ tác động mạnh đến quyền lợi của các bên liên quan. Hiện nay, pháp luật về Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu còn tồn tại những hạn chế, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, pháp luật về giao dịch CNQSDĐ vô hiệu không ổn định, dễ thay đổi nếu xét theo lịch sử vấn đề. Vì thế, vấn đề phức tạp hiện nay khi giải quyết Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu là giải quyết những vấn đề đang tồn tại do lịch sử để lại. Để áp dụng pháp luật đối với những trường hợp này, các nhà tư pháp không chỉ khó khăn khi lựa chọn quy định pháp luật đồng thời còn phải giải quyết vấn đề sao cho phù hợp với thực tiễn, để từ đó, tránh trường hợp gây xáo trộn lớn trong xã hội. Thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu cho thấy có nhiều trường hợp giải quyết kéo dài thời gian và đi qua nhiều cấp xét xử. Quá trình áp dụng luật và thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là những trường hợp giao dịch diễn ra cách đây đã lâu, qua nhiều đời chủ. Kết quả giải quyết tranh chấp về Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của các bên trong tranh chấp. Do đó, các bên thường theo đuổi lợi ích của mình theo mọi cách nhằm tránh các thiệt hại do tranh chấp đem lại. Đối với những trường hợp rơi vào thời điểm pháp luật đã có sự thay đổi hoặc quy định của pháp luật không rõ ràng sẽ dẫn tới quá trình giải quyết càng khó khăn hơn. Do đó, quá trình giải quyết hậu quả pháp lý của Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu rất phức tạp, bởi vì, quá trình giải quyết không chỉ là những tranh chấp đang diễn ra mà còn phải tính tới yếu tố lịch sử để lại và những đặc thù khác của QSDĐ trong giao dịch.
3. Hậu quả pháp lý của Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu
Theo quy định tại Điều 131 BLDS 2015, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được nêu như sau:
Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Tham chiếu theo quy định trên, hậu quả pháp lý của Hợp đồng CNQSDĐ thể hiện ở mặt kinh tế, mặt chính trị và mặt xã hội.
3.1 Thứ nhất, về mặt kinh tế
Khi Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu, trước hết, nó ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế các bên tranh chấp như phí tổn án phí, thiệt hại về tiền bạc từ việc không CNQSDĐ, bồi thường vật chất do thiệt hại từ Hợp đồng vô hiệu. Tiếp đó, nó ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Các cơ quan Nhà nước phải duy trì một bộ máy không nhỏ để giải quyết (tuyên bố) hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu. Điều này gây tốn kém cho cả Nhà nước và nhân dân. Bên cạnh đó, Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu có thể làm ngưng trệ, gián đoạn các hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại đến lợi ích của các bên, lợi ích Nhà nước và lợi ích của xã hội.
3.2 Thứ hai, về mặt chính trị
Các tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng CNQSDĐ có thể gây ảnh hưởng xấu, gây mất ổn định tình hình kinh tế, xã hội, từ đó làm giảm hiệu quả các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, nếu tranh chấp xảy ra không được giải quyết kịp thời, triệt để thì việc này có thể gây mất lòng tin trong nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
3.3 Thứ ba, về mặt xã hội
Sự vô hiệu của Hợp đồng CNQSDĐ còn là nguyên nhân gây ra rạn nứt mối quan hệ tình cảm giữa cha – mẹ, vợ – chồng, anh – em và quan hệ bạn bè, đối tác. Lợi ích kinh tế còn khiến lu mờ các chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong nhiều trường hợp, Hợp đồng vô hiệu có thể dẫn đến những vi phạm hình sự của các bên đồng thời kéo theo hàng loạt các tranh chấp phức tạp khác.
Như vậy, khi đánh giá tác động của tranh chấp Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu đối với các mặt của đời sống kinh tế – xã hội, chúng ta càng thấy được mức độ quan trọng của hiệu lực Hợp đồng CNQSDĐ và thấy được tính cấp bách trong việc giải quyết có hiệu quả vấn đề Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu nhằm ổn định xã hội, tạo đà phát triển kinh tế của đất nước
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật đất đai – Công ty Luật LVN Group