1. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Theo Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
Như vậy, khi một giao dịch được xác lập với mục đích gây thiệt hại đến các quyền nhân thân và quyền tài sản của người khác, vi phạm trật tự công cộng, bóc lột người khác, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của cá nhân, chia rẽ khối đoàn kết toàn dân, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng… thì giao dịch này không thế có hiệu lực và bị vô hiệu. Những giao dịch xác lập với mục đích mua bán những tài sản mà pháp luật cấm lưu thông dân sự, như vũ khí quốc phòng, thuốc phiện và các chat heroin, bộ phận cơ thể người… là những giao dịch vi phạm điều cấm của Luật.
Đạo đức là một trong những hình thái sớm nhất của ý thức xã hội gồm những chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi của con người trong quan hệ với người khác với cộng đồng gia đình, dòng họ, làng xóm, dân tộc và toàn xã hội. Căn cứ vào những chuẩn mực đạo đức, việc đánh giá hành vi của mỗi cá nhân theo các quan niệm về tính thiện, ác về những việc không được làm (nếu làm bị coi là vô đạo đức) và về những việc phải làm (nghĩa vụ tự nhiên và nghĩa vụ pháp lý, nghĩa vụ pháp lý buộc phải làm). Khác với pháp luật, các chuẩn mực đạo đức không ghi thành văn bản pháp quy mang tính cưỡng chế, mệnh lệnh, song được mọi người thực hiện theo ý thức xã hội và lương tâm và dư luận xã hội. Với những phân tích về đạo đức xã hội như vậy, nếu viêc xác lập một giao dịch vi phạm những chuẩn mực đạo đức, thì giao dịch đó vô hiệu. Ví dụ, hợp đồng đâm thuê, chém mướn vừa vi phạm pháp luật và đồng thời vi phạm đạo đức xã hội.
Giao dịch có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội bị vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từ thời điểm xác lập giao dịch.
2. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
Hành vi giả tạo là hành vi cố ý, muốn đạt được mục đích nào đó nhưng mục đích đó bị che giấu có chủ đích, khiển người ngoài cuộc không thể nhận biết ngay được. Hành vi xác lập giao dịch giả tạo nhằm để trốn tránh một nghĩa vụ nào đó với người khác hoặc cố ý nhằm chiếm đoạt những lợi ích mà người xác lập giao dịch giả tạo không có quyền hưởng hoặc có quyền hưởng nhưng quyền hưởng ít hơn mục đích người đó sẽ đạt được từ việc xác lập giao dịch giả tạo. Giao dịch giả tạo được xác lập theo ý chí của các bên. Do vậy, hành vi xác lập giao dịch giả tạo là hành vi cố ý của các bên chủ thể tham gia giao dịch.
Điều 124 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:
Điều 124. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo
1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu.
Do đó, giao dịch được xác lập giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác, thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu. Giao dịch giả tạo bị vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từ thời điểm xác lập. Giao dịch bị che giấu là giao dịch có thật nếu thỏa mãn các điều kiện của giao dịch theo quy đinh tại Điều 117 Bộ luật dân sự thì giao dịch bị che giấu có hiêu lực. Nếu giao dịch bị che giấu không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì cũng bị vô hiệu.
Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự vô hiệu. Giao dịch giả tạo với mục đích trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thường phát sinh trong trường hợp một người đang có nghĩa vụ thi hành một bản án dân sự về tài sản có hiệu lực, nhưng người này muốn tránh việc thi hành án nên đã bán tài sản là đối tượng là tài sản duy nhất để thi hành án nhằm trốn tránh trách nhiệm về tài sản với người được thi hành án.
3. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
Nhầm lẫn trong quan hệ giao dịch dân sự là hiện tượng chủ thể không kiểm soát được đầy đủ các yếu tố liên quan đến giao dịch.
Sự nhầm lẫn liên quan đến nhiều yếu tố, những nhầm lẫn chủ yếu và phổ biến trong đời sống xã hội, chi phối đến quan hệ giao dịch dân sự:
– Nhầm lẫn về chủ thể xác lập giao dịch và thực hiện giao dịch;
– Nhầm lẫn về đối tượng của giao dịch;
– Nhầm lẫn về giá cả của giao dịch;
– Nhầm lẫn về thời hạn, địa đểm, phương thức thực hiện giao dịch.
– Nhầm lẫn còn là sự nhầm lẫn bản chất của giao dịch.
Điều 126 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Điều 126. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn
1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 126 trên, giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu. Bởi vì, chủ thể tham gia giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của mình hoặc vì lợi ích của người thứ ba, nhưng mục đích tham gia giao dịch không đạt được, thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn đều bi tuyên vô hiệu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Bộ luật dân sự thì trong trường hợp giao dịch dân sự được xác lập tuy có sự nhầm lẫn, nhưng mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được, thì giao dịch không bị tuyên vô hiệu.
4. Giao dịch vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ hành vi của mình
Quan hệ pháp luật dân sự nói chung và quan hệ giao dịch dân sự nói riêng là quan hệ tự nguyện, tự do định đoạt ý chí của chủ thể tham gia vào giao dịch. Vì vậy, vào thời điểm xác lập giao dịch, chủ thể của những giao dịch dân sự mà pháp luật quy định cá nhân tham gia giao dịch này phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (hợp đồng mua bán nhà ở, hợp đồng mà bán các bất động sản khác) thì giao dịch mới có hiệu lực. Trường hợp cá nhân đã thành niên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nhưng vào thời điểm xác lập giao dịch không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án xác định giao dịch đó là vô hiệu.
Theo Điều 128 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Có quy định trên là do cá nhân không nhân thức và làm chủ được hành vi của mình thì không thể nhận thức được hành vi của mình vào thời điểm xác lập giao dịch, sự thể hiện ý chí của cá nhân đó không khách quan, có thể nhầm lẫn nhiều yếu tố của giao dịch về đối tượng, giá cả, mục đích, nội dung của giao dịch và các thỏa thuận khác trong giao dịch.
5. Giao dịch vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Hành vi lừa dối trong giao dịch dân sự không phải là hành vi phổ biến, nhưng trong đời sống xã hội và quan hệ xã hội vẫn có những giao dịch dân sự được xác lập do bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép.
Khi giao dịch dân sự được xác lập do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép thì giao dịch này được coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối là giao dịch vô hiệu tương đối, khi có yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu.
Lừa dối là hành vi cố ý của một bên trong giao dịch hoặc hành vi của người thứ ba nhằm làm cho một bên trong giao dịch hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch nên đã xác lập giao dịch. Lừa dối về chủ thể tham gia giao dịch là lừa về khả năng thực hiện giao dịch, điều kiện về tài sản, về chuyên môn, về kinh nghiệm của chủ thể, hiểu sai lệch về tính chất của đối tượng. Đối tượng của giao dịch không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, hình thức, giá trị, số lượng, phạm vi công việc… nhưng một bên của giao dịch hoặc người thứ ba cố ý lừa dối để một bên của giao dịch hình dung sai về đối tượng cho nên xác lập giao dịch. Nội dung của giao dịch có nhiều điều khoản về đối tượng, giá cả, thời hạn, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch hoặc quyền và lợi ích của ngườ thứ ba bị một bên chủ thể xác lập giao dịch có ý lừa dối nhằm chiếm đoạt tài sản của bên kia trái với ý chí của bên có tài sản bị chiếm đoạt.
Ngoài hành vi lừa dối, một bên của giao dịch hoặc người thứ ba có hành vi đe dọa, cưỡng ép bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiêt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người bị đe dọa, cưỡng ép tham gia giao dịch hoặc của những người thân thích của người bị đe dọa, cưỡng ép phải tham gia giao dịch.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.