Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn

Điều 60, khoản 2, Luật Doanh nghiệp quy định: “trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc tiếp nhận thêm thành viên phải được sự nhất trí của các thành viên”. Ở đây có sự nhầm lẫn bởi vì việc tăng vốn điều lệ thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng thành viên, mà theo điều 52 quy định việc thông qua quyết định của hội đồng thành viên không có trường hợp nào cần phải có sự nhất trí của các thành viên.

Điều 66, khoản 1 quy định: “chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút vốn một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty”.

Quy định này thiếu chính xác khiến điều luật không có nghĩa. Thực vậy, vấn đề đặt ra là: việc rút vốn dưới “hình thức khác” được thực hiện trên thực tế như thế nào? Và “liên đới” chịu trách nhiệm với ai? Ngoài việc chuyển nhượng một phần hay toàn bộ vốn cho người khác, chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên còn có thể giảm vốn điều lệ, và trong trường hợp này một mình họ phải chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty.

>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Đối với công ty cổ phần

Các quy định về công ty cổ phần cho thấy nhiều sự lúng túng của nhà làm luật. Trước hết xin nói về điều 80, có hai vấn đề:

– Khoản 1: cổ đông phổ thông phải “thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Ở đây có sự nhầm lẫn. Sự thật chỉ riêng các cổ đông sáng lập là phải thanh toán đủ số cổ phần phổ thông đăng ký mua trong thời hạn trên. Đối với các cổ đông khác, trên nguyên tắc họ phải thanh toán đủ một lần khi đăng ký mua, nhưng không nhất thiết phải trong thời hạn 90 ngày như nói trên, bởi vì công ty có quyền rao bán cổ phần trong thời hạn ba năm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (điều 84).

– Khoản 5: “cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh công ty… thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn trước nguy cơ tài chính có thể xảy ra đối với công ty”. Quy định này vô nghĩa bởi vì khó có thể hình dung làm thế nào một cổ đông phổ thông lại có thể nhân danh công ty thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn của công ty nếu họ không phải là người có thẩm quyền trong cơ cấu quản lý công ty.

Điều 84, khoản 5 quy định: “trong thời hạn ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông”.

Quy định này không rõ ràng, có thể dẫn đến các giải thích sai lệch. Sự thật quy định này chỉ liên quan đến số cổ phần phổ thông tối thiểu (20% tổng số cổ phần được quyền chào bán) mà các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua khi đăng ký kinh doanh; số cổ phần này không được tự do chuyển nhượng trong thời hạn ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài số cổ phần tối thiểu này, cổ phần phổ thông khác của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng như đối với các cổ đông khác.

Điều 86, khoản 4 quy định: “cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày được tỷ lệ sở hữu đó”.

Vấn đề đặt ra là: mục đích của việc đăng ký này là gì? Phải chăng để Nhà nước kiểm soát công ty? Nhưng như thế là vi phạm quyền tự chủ của doanh nghiệp được xác nhận tại điều 8. Hoặc Nhà nước muốn kiểm soát việc đầu tư của tư bản tư nhân? Nhưng điều này đã lỗi thời trong thời đại mới. Dầu sao thì thủ tục này cũng có thể khiến các nhà đầu tư e ngại.

Điều 89 quy định: “cổ phần, trái phiếu của công ty cổ phần… phải được thanh toán đủ một lần”.

Khó khăn đặt ra trong trường hợp các cổ đông sáng lập không góp đủ vốn điều lệ và phải rao bán cổ phần sau khi đăng ký kinh doanh (đây là trường hợp thông thường). Đại hội đồng thành lập chỉ có thể được triệu tập để thiết lập cơ cấu quản lý đầu tiên của công ty khi toàn bộ cổ phần của công ty đã được đăng ký mua. Đối với công ty có vốn điều lệ lớn nếu buộc người mua cổ phần phải thanh toán đủ một lần khi đăng ký mua thì thời gian rao bán có thể kéo dài và việc triệu tập đại hội đồng thành lập sẽ bị đình trệ, gây thiệt hại cho cổ đông và công ty.

Tham chiếu luật của các quốc gia khác, người mua cổ phần không bắt buộc phải thanh toán giá tiền ngay một lần mà có thể trả trước 50%, số tiền còn lại sẽ thanh toán trong thời hạn quy định tại phiếu đăng ký mua; mọi việc thanh toán chậm trễ sẽ chịu lãi và người nào thanh toán không đúng hạn sẽ phải bồi thường thiệt hại cho công ty nếu có. Như vậy, đại hội đồng sáng lập có thể được triệu tập ngay sau khi toàn bộ cổ phần của công ty đã được đăng ký mua mặc dù chưa thanh toán đủ.

Đối với doanh nghiệp tư nhân

Điều 144 quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình… Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp”.

Vấn đề đặt ra là phạm vi trách nhiệm của chủ doanh nghiệp trong trường hợp này. Nếu hiểu theo văn từ thì mặc dù đã cho thuê, chủ doanh nghiệp vẫn phải chịu trách nhiệm như không hề có sự thuê mướn này. Đây là một điều trái với nguyên tắc pháp lý thông thường trong việc cho thuê tài sản nên khó có thể chấp nhận được. Sự thực chủ doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về tài sản cho thuê và không chịu trách nhiệm về công việc khai thác tài sản này. Chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo đảm cho người thuê sử dụng ổn định cơ sở kinh doanh. Nghĩa vụ này bao gồm: bảo đảm cho người thuê không bị quấy nhiễu trong thời gian thuê, bảo đảm các hư hỏng của cơ sở kinh doanh.

Do tính ổn định cố hữu của luật pháp, luật sai thì khó sửa. Có thể nghĩ đến một giải pháp “chữa cháy” là Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Doanh nghiệp, nhưng có những vấn đề vượt quá quyền hạn của Chính phủ thì Quốc hội phải ra luật sửa đổi, và như thế thì thật là “một lần không chín, chín lần không nên”.

Có thể nghĩ đến một giải pháp “chữa cháy” là Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thi hành Luật Doanh nghiệp, nhưng có những vấn đề vượt quá quyền hạn của Chính phủ thì Quốc hội phải ra luật sửa đổi, và như thế thì thật là “một lần không chín, chín lần không nên”.

SOURCE: Thời báo Kinh tế Sài Gòn tháng 05/2006

Bất cập trong sáp nhập doanh nghiệp

LS. Lê Thành Kính

Doanh nhân & Pháp luật

Trong quá trình thực hiện thủ tục sáp nhập các doanh nghiệp thường gặp phải một số quan điểm không rõ ràng và thiếu nhất quán giữa các Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh phía Nam trong vấn đề giải quyết sáp nhập doanh nghiệp, thể hiện sự bất cập của Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư 2005. Cụ thể như sau: Sáp nhập Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH nhiều thành viên, Việc sáp nhập của Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Công ty thì hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư, và Thủ tục sáp nhập.

Sáp nhập Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH nhiều thành viên

Hiện nay một số địa phương trong đó có TP. Hồ Chí Minh cho rằng Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH nhiều thành viên là hai loại hình doanh nghiệp khác nhau nên không đồng ý cho sáp nhập. Tuy nhiên, có một số địa phương khác thì cho rằng đây chỉ là hai hình thức tồn tại của cùng một loại hình doanh nghiệp đó là Công ty TNHH nên được phép sáp nhập.

Chúng tôi cho rằng, nếu không cho phép hai loại hình Công ty này sáp nhập thì sẽ gây sự bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trên chính “sân nhà” của mình, nhất là trong bối cảnh Việt Nam chúng ta đã trở thành thành viên của tổ chức Thương mại guốc tế (WTO) vi hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự sáp nhập của các loại hình Công ty sẽ tạo nên sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước với các Công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vốn có lợi thế về tiềm lực tài chinh, công nghệ và kinh nghiệm quản lý.

Sáp nhập Công ty theo đăng ký KD và Công ty theo đầu tư

Việc sáp nhập của Công ty hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Công ty thì hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư.

Vẽ bản chất đều là Công ty TNHH một thành viên, nhưng một Công ty thì hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và một Công ty thi hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư. Trong trường hợp này chúng có được phép sáp nhập hay không? Theo chúng tôi, tiêu chí để cho phép các doanh nghiệp sáp nhập là loại hình, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp (Công ty TNHH, Công ty Cổ phần) chứ không phải là hình thức đăng ký hoạt động. Mặt khác, theo Luật Đầu tư năm 2005 thì Giấy chứng nhận đầu tư thì cũng đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế các doanh nghiệp đã bị các cơ quan có thẩm quyền từ chối cho sáp nhập vì có sự khác biệt về hình thức đăng ký hoạt động.

Thủ tục sáp nhập

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, thì Doanh nghiệp nhận sáp nhập và doanh nghiệp bị sáp nhập phải ký Hợp đồng sáp nhập, dự thảo điều lệ của Công ty nhận sáp nhập. Trên thực tế nếu doanh nghiệp nhận sáp nhập là chủ sở hữu của doanh nghiệp bị sáp nhập thi có nên chăng đặt ra vấn đề phải lập Hợp đồng sáp nhập hay không, hay chỉ cần Quyết định sáp nhập của chủ sở hữu doanh nghiệp? Và có nhất thiết phải sửa đổi lại Điều lệ của doanh nghiệp nhận sáp nhập?

Theo chúng tôi, trong trường hợp này thì không cần phải có Hợp đông sáp nhập mà chỉ cần có quyết định sáp nhập trong đó nêu rõ phương án sử dụng lao động của Công ty bị sáp nhập, chuyển giao quyền và nghĩa vụ… cho chủ sở hữu là đủ vĩ trong quan hệ này hai bên không thể binh đẳng với nhau về mặt tổ chức. Mặt khác chủ sở hữu doanh nghiệp thi có toàn quyền quyết’ định sự tồn của “đứa con” do mình sinh ra.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, các doanh nghiệp rất mong những nhà hoạch định chính sách pháp luật cân đánh giá lại quá trình thực thi các quy định pháp luật trong việc sáp nhập các loại hình doanh nghiệp để hướng dẫn các cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết các nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp.

Các bất cập trong văn bản thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005

 Luật DN ra đời đã tạo điều kiện cho nhiều DN mới được “khai sinh”

Để thi hành Luật Doanh nghiệp 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/CP ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh và Nghị định 139/CP ngày 05/09/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Bộ Kế họach và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư số 03/TT-BKHĐT ngày 19/10/2006 quy định trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 88/CP. Các Bộ, ngành có liên quan khác cũng đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp.

1. Các văn bản thi hành Luật Doanh nghiệp

Để thi hành Luật Doanh nghiệp 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/CP ngày 29/08/2006 về đăng ký kinh doanh và Nghị định 139/CP ngày 05/09/2007 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp. Bộ Kế họach và Đầu tư cũng đã ban hành Thông tư số 03/TT-BKHĐT ngày 19/10/2006 quy định trình tự, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại Nghị định 88/CP. Các Bộ, ngành có liên quan khác cũng đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp.

Nghị định 139/CP ra đời đã hóa giải được nhiều vấn đề hóc búa được quy định trong Luật Doanh nghiệp như vấn đề chứng chỉ hành nghề để thành lập doanh nghiệp vốn gây tranh luận suốt một thời gian dài, vấn đề xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và các đạo luật chuyên ngành khác cũng đã được giải quyết phần nào thông qua quy định tại Điều 3 Nghị định 139/CP; khái niệm cổ đông sáng lập cũng đã được làm sáng tỏ, theo đó, sẽ có một số trường hợp công ty cổ phần không có cổ đông sáng lập như công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn thuộc sở hữu nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH); vấn đề bầu dồn phiếu cho thành viên Hội đồng quản trị cũng đã được quy định rõ hơn. Hàng loạt những vấn đề quan trọng khác đã được giải quyết, giúp khai thông những bế tắc trong thời gian qua.

Nghị định 88/CP của Chính phủ về đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cùng với Thông tư 03/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định trình tự, thủ tục và hồ sơ ĐKKD cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã giúp cho cơ quan ĐKKD thực hiện đúng và đầy đủ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế, đồng thời giúp nhà đầu tư thực hiện được quyền tự do thành lập doanh nghiệp theo đúng các quy định của Luật Doanh nghiệp.

2. Một số vấn đề đặt ra từ các văn bản thi hành Luật Doanh nghiệp

Tính đến ngày 01/01/2008 đã có hơn 40.000 doanh nghiệp thành lập mới trên cả nước, riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 20.000 doanh nghiệp mới thành lập với vốn đầu tư lên tới hơn 100.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã góp phần to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế chung của cả nước, đạt 8,48% và bội thu kỷ lục trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2007 lên đến 20, 3 tỷ đôla. Nhưng cũng chính qua quá trình thực hiện Luật Doanh nghiệp và các văn bản thi hành luật này đã phát sinh một số vấn đề bất cập cần được khắc phục.

Trước hết, công tác ban hành các văn bản thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2005 quá chậm so với yêu cầu đề ra, đã làm giảm sự hưng phấn từ phía các nhà đầu tư. Nghị định 88/CP về đăng ký kinh doanh mãi đến ngày 29/08/2006 mới được ban hành (mất 09 tháng kể từ khi có Luật Doanh nghiệp). Còn Nghị định 139/CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp phải đến ngày 05/09/2007 mới được ban hành (gần 22 tháng kể tứ lúc có Luật Doanh nghiệp). Chính sự chậm trễ đó đã khiến cho công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp gặp nhiều lúng túng, vướng mắc và gặp phải sự phản ứng tiêu cực không đáng có từ phía các nhà đầu tư. Chẳng hạn, trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 lần đầu tiên cho phép nhà đầu tư là cá nhân có thể thành lập công ty TNHH một thành viên (trước ngày 01/07/2006 chỉ có pháp nhân mới thành lập được loại hình công ty này). Tuy nhiên, khi nhà đầu tư là cá nhân thực hiện quyền thành lập công ty này trong giai đoạn đầu áp dụng Luật Doanh nghiệp thì gặp khó khăn, vì cơ quan đăng ký kinh doanh ở hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, kể cả ở Thành phố Hồ Chí Minh đều từ chối cho cá nhân đăng ký kinh doanh với lý do là chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.

Quá trình áp dụng Nghị định 139/CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã xuất hiện một số nội dung cần phải nhìn nhận lại. Cụ thể:

Về việc giải quyết xung đột giữa Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành:

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/CP, trường hợp có sự xung đột giữa các quy định tại Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành – mà cụ thể là 11 luật chuyên ngành bao gồm Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Giáo dục, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Xuất bản, Luật Dầu khí, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Luật sư, Luật Công chứng, Luật Báo chí, Luật Dầu khí – về vấn đề hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, thì sẽ ưu tiên áp dụng các quy định pháp luật tại các luật chuyên ngành nêu trên. Quy định này phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc chỉ liệt kê 11 đạo luật chuyên ngành trên là chưa đầy đủ sẽ khiến cho quá trình thi hành Luật Doanh nghiệp (2005) gặp khó khăn hơn. Chẳng hạn, nếu có sự khác biệt giữa Luật Doanh nghiệp với Luật Kế toán hoặc Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Dạy nghề, Luật Nhà ở, hoặc Luật Dược… thì giải quyết như thế nào? Nếu hiểu theo quy định tại Điều 3 Nghị định 139/CP thì đương nhiên phải áp dụng Luật Doanh nghiệp. Điều này khiến cho những quy định về thành lập doanh nghiệp, tổ chức quản lý trong các đạo luật chuyên ngành trên sẽ không còn tác dụng nữa. Quy định tại Điều 3 Nghị định 139/CP sẽ làm rắc rối hơn cho nhà đầu tư và cho công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Để giải quyết, theo chúng tôi, chỉ cần quy định như Điều 2 Luật Doanh nghiệp năm 1999, là “trường hợp có sự khác biệt giữa quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999 với các quy định của luật chuyên ngành sẽ áp dụng theo các quy định pháp luật chuyên ngành đó”.

Quy định về ngành nghề kinh doanh:

Điều 8 Nghị định 139/CP quy định: Doanh nghiệp có quyền chủ động đăng ký kinh doanh và hoạt động kinh doanh, không cần phải xin phép, xin chấp thuận, hỏi ý kiến của bất kỳ cơ quan nhà nước nào, nếu ngành nghề kinh doanh không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Quy định này là một bước tiến rất quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, hướng đến một môi trường đầu tư thông thoáng. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 139/CP lại giải thích thuật ngữ điều kiện kinh doanh được thể hiện dưới 6 hình thức, trong đó có hình thức chấp thuận khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều đó có nghĩa là, điều kiện kinh doanh của một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện của nhà đầu tư, bên cạnh các loại giấy tờ như giấy phép kinh doanh, giấy xác nhận vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề… còn được bổ sung thêm một điều kiện mới nữa, đó là sự chấp thuận khác của cơ quan có thẩm quyền. Quy định thiếu rõ ràng này đã đi ngược lại tiến trình cải cách thủ tục hành chính và dễ tạo ra tình trạng sách nhiễu nhà đầu tư, gây khó khăn cho công dân khi thực hiện quyền tự do kinh doanh của mình. Thiết nghĩ, quy định đó sẽ làm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể tùy tiện đặt ra các điều kiện kinh doanh mới và cho mình cái quyền chấp thuận đối với nhà đầu tư. Do vậy, theo chúng tôi, nên loại bỏ cụm từ chấp thuận khác của cơ quan có thẩm quyền ra khỏi các điều kiện kinh doanh như quy định tại Điều 8 Nghị định 139/CP là phù hợp

Về danh mục ngành nghề cấm kinh doanh:

Điều 4 Nghị định 139/CP đã liệt kê Danh mục của 15 ngành nghề cấm kinh doanh là chưa thực sự đầy đủ, hơn thế nữa, đã có sự chồng chéo, trùng lắp với danh mục lĩnh vực cấm đầu tư tại một Nghị định khác của Chính phủ là Nghị định 108/CP ngày 22/09/2006. Trong Danh mục 15 ngành nghề cấm kinh doanh, có hơn phân nữa là trùng lắp với Danh mục 5 lĩnh vực cấm đầu tư tại Nghị định 108/CP quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư năm 2005, thậm chí có những ngành nghề cấm kinh doanh tại Nghị định 139/CP mâu thuẫn nghiêm trọng với Nghị định 108/CP. Chẳng hạn, Nghị định 139/CP quy định cấm kinh doanh dịch vụ đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức. Trong khi đó, Nghị định 108/CP lại cho phép kinh doanh casino nhưng với tư cách là lĩnh vực đầu tư có điều kiện và nhà đầu tư chỉ làm thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư là được. Theo chúng tôi, để giải quyết vấn đề này thì Chính phủ chỉ cần quy định rõ một danh mục lĩnh vực cấm đầu tư, kinh doanh, không cần duy trì hai Nghị định tồn tại song song cùng điều chỉnh một vấn đề nhưng lại quy định mâu thuẫn nhau, trùng lắp với nhau.

Quy định cho phép chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH một thành viên hoặc công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên:

Quy định tại Điều 24 Nghị định 139/CP được xem là một bước đột phá giúp cho các doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi dễ dàng sang mô hình công ty TNHH có nhiều ưu điểm hơn, thuận lợi hơn trong hoạt động mà không cần phải trải qua thủ tục giải thể doanh nghiệp, thành lập mới công ty nhiều nhiêu khê, phức tạp trước đây. Như vậy, bên cạnh chuyển đổi qua lại công ty TNHH và công ty cổ phần theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, thì nay nhà đầu tư còn được phép chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty TNHH (một thành viên hoặc hai thành viên trở lên). Quy định này, theo chúng tôi, cần phải được xem xét trên các góc độ sau:

Một là, việc quy định như vậy là đã có sự mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp, vì Điều 154 Luật Doanh nghiệp chỉ cho phép chuyển đổi qua lại giữa công ty TNHH và công ty cổ phần mà thôi, không có trường hợp chuyển đổi giữa doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH. Điều này đã gây bất ngờ cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cho nhà đầu tư. Quy định này buộc cơ quan đăng ký kinh doanh phải tập trung giải quyết việc chuyển đổi cho hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân sang mô hình công ty TNHH với cơ cấu về vốn, tổ chức quản lý khác biệt nhiều so với mô hình doanh nghiệp tư nhân trước đây. Theo chúng tôi, việc cho phép chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân sang mô hình công ty TNHH là cần thiết, nhưng nên để Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì phù hợp hơn.

Hai là, việc cho phép doanh nghiệp tư nhân được chuyển đổi sang công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên nhưng lại không cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty cổ phần lại chưa thực sự hợp lý. Nếu đã cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty TNHH có từ hai thành viên trở lên, thì cũng nên cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi sang thành công ty cổ phần nếu họ đáp ứng được các yêu cầu về số lượng cổ đông, tổ chức quản lý… theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, điều đó sẽ tiết kiệm được cho nhà đầu tư được thời gian, công sức vì nhà đầu tư không cần phải giải thể doanh nghiệp tư nhân để thành lập mới công ty cổ phần

Về tiêu chuẩn chức danh giám đốc (tổng giám đốc) trong doanh nghiệp:

Theo quy định tại Tiều 13 của Nghị định 139/CP, muốn trở thành giám đốc (tổng giám đốc) của công ty cổ phần thì cổ đông phải là cá nhân sở hữu ít nhất 5% số cổ phần phổ thông, hoặc người khác thì phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Hơn nữa, Nghị định 139/CP lại cho phép trường hợp Điều lệ công ty quy định tiêu chuẩn và điều kiện khác với tiêu chuẩn và điều kiện trên thì áp dụng tiêu chuẩn và điều kiện do Điều lệ công ty quy định. Theo chúng tôi, quy định này cần phải được xem lại lại ở các vấn đề sau.

Thứ nhất, việc quy định chức danh giám đốc (tổng giám đốc) trong mô hình công ty cổ phần là cá nhân sở hữu ít nhất 5% số cổ phần phổ thông là mâu thuẫn với quy định tại Điều 57 Luật Doanh nghiệp, quy định giám đốc (tổng giám đốc) của công ty cổ phần và công ty TNHH phải sở hữu từ 10% vốn điều lệ của công ty trở lên.

Thứ hai, nếu không đủ điều kiện vốn tối thiểu để làm giám đốc (tổng giám đốc) thì Nghị định 139/CP – cũng như Luật Doanh nghiệp (2005) – quy định người đó phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc trong ngành nghề kinh doanh chính của công ty. Quy định này là không rõ ràng, vì hiểu như thế nào về kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh? Người làm giám đốc phải có thâm niên quản lý bao lâu là được? Mặt khác, quy định cho phép Điều lệ công ty có quyền quy định tiêu chuẩn và đều kiện làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty cổ phần và công ty TNHH khác so với quy định tại Nghị định 139/CP đã vô hiệu hóa toàn bộ các tiêu chuẩn và điều kiện để làm giám đốc (tổng giám đốc) công ty cổ phần, công ty TNHH. Do đó, đưa ra quy định như Điều 13 của Nghị định 139/CP là không cần thiết. Theo chúng tôi, với những quy định chưa rõ ràng như vậy, tốt hơn hết là nên để cho doanh nghiệp tự quyết định tiêu chuẩn chức danh điều hành đó của mình.

Trần Huỳnh Thanh Nghị
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử

Tên doanh nghiệp: Những bất cập không mới.
 

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 về đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp 2005 (sau đây gọi là NĐ 88). Trong bài viết này, chúng tôi xin tập trung giới thiệu về một vấn đề tưởng chừng “nhỏ mà không nhỏ”, đó là Tên của DN mà Nghị định hướng dẫn.

Mặc dù đã cố gắng phân nhóm và quy định cụ thể nhưng dường như NĐ 88 chưa bao trùm hết những trường hợp “cấm”ä, đồng thời lại có nguy cơ “đóng” những trường hợp không đáng hạn chế.

Bất cập của quy định

Cụ thể, DN được phép đặt tên DN nếu không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Chúng tôi xin ví dụ hai trường hợp có thể xảy ra là:

Trường hợp thứ nhất: Một DN khá tên tuổi là Hoà Phát có trụ sở tại Hà Nội (Hoà Phát – Hà Nội). Một Cty khác có thể lấy tên này để thành lập tại Đà Nẵng, hoặc Đồng Nai, hoặc bất kỳ tỉnh thành nào khác, miễn là không phải Hà Nội (nơi đăng ký gốc của Hoà Phát – Hà Nội). Sau đó, Cty Hoà Phát tại Đà Nẵng (Hoà Phát – Đà Nẵng) mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Hà Nội. Tên cơ sở này sẽ có thể là: Chi nhánh Cty TNHH Hoà Phát tại Hà Nội. Giả sử Cty TNHH Hoà Phát tại Hà Nội (gốc) cũng mở một chi nhánh nữa ngoài trụ sở chính, tên Chi nhánh này sẽ giống hệt tên chi nhánh Hoà Phát – Đà Nẵng.

Trường hợp thứ 2: Cty Hoà Phát nổi tiếng với những sản phẩm nội thất và thép. Tuy nhiên, một DN khác kinh doanh lụa và may thêu ren muốn thành lập Cty TNHH Hoà Phát may thêu ren tại Hà Nội. Rất có thể cơ quan ĐKKD sẽ không cấp ĐKKD cho Cty TNHH Hoà Phát may thêu ren này.

Hệ quả là, NĐ 88 quy định rằng “cơ quan ĐKKD có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của DN và quyết định của cơ quan ĐKKD là quyết định cuối cùng”. Như vậy, sau khi nhận được quyết định này, DN không còn quyền khiếu nại, hay khởi kiện ra toà án hành chính – một điều hoàn toàn bình thường?

Ngoài ra, đối với trường hợp thứ nhất, quy định về ĐKKD có hiệu lực toàn quốc. DN cũng có tầm hoạt động – về lý thuyết – là toàn quốc sau khi được cấp ĐKKD. Trong khi đó, nếu có hai DN cùng một ngành nghề, chỉ khác trụ sở, sẽ có trường hợp mạo danh để kinh doanh sản phẩm tương tự gây nhầm lẫn cho khách hàng. Nhất là trong trường hợp kinh doanh đang toàn cầu hoá như hiện nay.

Trường hợp thứ hai, mặc dù các DN đóng cùng trên một địa bàn, nhưng họ kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau. Nếu theo NĐ 88, nếu lỡ có một Cty cùng tỉnh, thành đăng ký mất tên DN thì Cty “chậm chân” thành ra bị mất cơ hội đăng ký cái tên đắc ý của mình.

Giải pháp là gì?

Hiện tại, quy định đặt tên DN với các quy định về nhãn hiệu hàng hoá (NHHH) theo pháp luật về sở hữu công nghiệp (SHCN). Theo đó, các sản phẩm dịch vụ đã được quy chuẩn theo thông lệ quốc tế với 42 nhóm sản phẩm khác nhau.

Phương pháp phân nhóm của lĩnh vực SHCN vừa lỏng, lại vừa chặt. Lỏng ở chỗ, chủ DN cứ việc đăng ký trùng tên, nếu sản phẩm của họ khác nhóm với một sản phẩm đã đăng ký. Nhưng chặt ở chỗ, cùng một nhóm thì không thể có hai sản phẩm trùng nhau. Thực ra, dường như NĐ 88 đã học hỏi được ý tưởng này khi quy định tại Điều 23, theo đó, “lệ phí đăng ký kinh doanh được xác định theo số lượng ngành, nghề đăng ký kinh doanh”. Thiết nghĩ, đây là một quy định rất “văn minh” và giảm được nhiều hệ luỵ không đáng có.

Chúng tôi lấy tên DN để nói đến một vấn đề lâu nay còn tồn tại. Đó là sự thiếu thống nhất giữa các văn bản pháp luật được soạn thảo bởi các cơ quan khác nhau. Từ thiếu thống nhất khái niệm, dẫn đến thiếu thống nhất về giải pháp và sự bất hợp lý trong quy định sẽ nảy sinh. đã đến lúc, các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề tương đồng nên ngồi lại bàn bạc với nhau, để tránh vẽ lại những gì đã có và bỏ sót những điều cuộc sống kinh doanh hối hả đang từng phút từng giây sáng tạo ra.

NĐ 88 Chương III quy định về Tên DN

Theo Điều 10, tên DN phải viết được bằng tiếng Việt, có thể kèm theo chữ số và ký hiệu và có hai thành tố: Loại hình DN (bao gồm: Cty TNHH; Cty cổ phần; Cty hợp danh; DN tư nhân) và tên riêng của DN.

Theo phương pháp loại trừ tại Điều 11 của NĐ 88, DN có thể đặt tên DN nếu không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của DN khác đã đăng ký trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. tên DN cũng không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của DN… Trường hợp tên DN vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì DN có tên vi phạm phải đăng ký đổi tên.

NĐ 88 cũng đã phân định: “Tên trùng là trường hợp tên của DN yêu cầu đăng ký được viết và đọc bằng tiếng Việt hoàn toàn giống với tên của DN đã đăng ký”.

Tại Điều 12, NĐ 88 chỉ ra những dấu hiệu gây nhầm lẫn, bao gồm TDN này bị “đọc giống” tên DN khác; khác nhau bởi những ký hiệu đơn giản như “&”; ký hiệu “-” ; chữ “và”; Tên viết tắt hoặc Tên bằng tiếng nước ngoài giống nhau; tên DN chỉ khác nhau bởi một số từ bổ nghĩa…

Bài chính Điểm yếu qua hai năm thực thi
Cập nhật: 12-11-2008    Bảo DuyTìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh sau 2 năm thực thi Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư. Trước thời điểm diễn ra Hội thảo báo cáo sơ kết 2 năm thi hành Luật DN và Luật Đầu tư do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư tổ chức ngày 13/11/2008 tại Hải Phòng, cuối tháng 10 vừa qua

, Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (Kotra) đã đề nghị Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ thiết lập các bộ phận tiếp nhận và trả lời thắc mắc của nhà đầu tư về hệ thống quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các bộ, ngành và địa phương.

Yêu cầu từ phía Kotra không đơn giản chỉ là thành lập một đơn vị hành chính, mà quan trọng hơn, các nhà đầu tư cần câu trả lời từ phía những cán bộ có đủ thẩm quyền, đủ năng lực để đảm bảo những thông tin đưa ra là chính xác, thống nhất và có giá trị pháp lý để thực hiện.

Ông Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Tổ phó Tổ Công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư bình luận rằng, kiến nghị này cho thấy điểm yếu trong thực thi luật ngay từ nội bộ các cơ quan thi hành pháp luật. Nếu không giải toả được vấn đề này, thì những văn bản kiểu như chất lượng phân bón không được kiểm soát… sẽ tiếp tục xảy ra. Điều đáng nói là khi nghiên cứu hai năm thực thi Luật DN, Luật Đầu tư, các chuyên gia Tổ công tác đã phát hiện những chồng chéo, trùng lặp, thiếu nhất quán giữa các quy định có liên quan. Đây là một phần tạo thêm tác động bất lợi tới hiệu lực và hiệu quả của Luật DN và Đầu tư thời gian qua.

Tất nhiên, vẫn phải khẳng định rằng, sự bùng phát của nguồn vốn đầu tư, kể cả trong nước và nước ngoài, những cuộc “đổi ngôi” đáng kể giữa các địa phương trong bảng xếp hạng thu hút đầu tư… có thể là những kết quả đánh giá được bằng con số sau hai năm thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế đã ghi nhận sự xuất hiện đúng lúc của hai bộ luật này, bởi nó đã tạo nên bước chuyển mới của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam sau đà bật được Luật Doanh nghiệp năm 2000 tạo dựng. Trong khảo sát mới đây của Công ty truyền thông Việt Gates, các ưu điểm được giới đầu tư đánh giá cao từ hai luật này gồm mở rộng quyền tự do đầu tư, tạo sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, minh bạch hoá hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước… Đặc biệt, cơ chế phân cấp mạnh trong quản lý nhà nước về đầu tư đã được coi là bước đột phá quan trọng.

Tuy nhiên, chính điểm “đột phá” này lại đang bộc lộ khá nhiều khiếm khuyết, đặc biệt, đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Dự thảo báo cáo cáo đánh giá hai năm thực thi Luật Đầu tư của Tổ Công tác thi hành Luật DN, Luật Đầu tư (Dự thảo) đã nhắc tới sự phân tán, tách biệt theo ngành, địa phương của chính sách huy động vốn đầu tư và quản lý đầu tư cũng như thiếu sự phối hợp, giám sát trong thu hút đầu tư, sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên… một cách thống nhất từ trung ương.

Cách thức quản lý này đã khiến chất lượng các dự án đầu tư nước ngoài, hiệu quả xã hội, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là đất đai… đang được cảnh báo là có xu hướng giảm. Hơn thế, khi xây dựng Dự thảo này, các chuyên gia đã phát hiện thủ tục đầu tư trên thực tế ở các địa phương rất khác nhau. Nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành những hướng dẫn “tổng hợp” thực hiện các quy định liên quan đến đầu tư gồm cả xây dựng, đất đai, môi trường…

Hệ quả là nhiều nhà đầu tư phải trải qua tới vài trăm thủ tục, mất khoảng vài trăm ngày để hoàn tất thủ tục một dự án đầu tư xây dựng cần giao hoặc thuê đất thay vì quy định của pháp luật là vài ngày. Đã có DN chi hơn 100 tỷ đồng mua đất để xây dựng trường học, nhưng kể từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này chưa vượt qua được thủ tục thứ nhất là chấp thuận chủ trương.

Trong khi nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về bản chất và ý nghĩa pháp lý của những thủ tục như “chấp thuận chủ trương đầu tư” hay “chấp thuận cho phép nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư”, thì cứ mỗi tháng trôi qua, tính theo lãi suất ngân hàng, DN này đã mất đi 1,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) phân tích rằng, nguyên nhân của tình trạng này là tính thiếu thực tiễn, chưa đầy đủ, không rõ ràng của các quy định liên quan đến thủ tục đầu tư, kinh doanh. Cho tới thời điểm này, vẫn còn tới 20 nội dung của Luật DN, nhiều điểm của Luật Đầu tư đang trong tình trạng chờ hướng dẫn cụ thể, như tên doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, các giấy tờ chứng thực cá nhân trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, thanh lý dự án… và các mẫu hồ sơ.

“Thực tế cho thấy đã đến thời điểm phải đặt kế hoạch sửa đổi, bổ sung một số nội dung của các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật DN để đảm bảo tính hiệu lực và thống nhất của các quy định pháp luật”, ông Cung nói.

Ý kiến của Phòng ĐKKD Hải Phòng về nghị định 88

Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực từ 01/07/2006 và Nghị định 88/2006/ND-CP này 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, đã được triển khai gần một năm. Tuy nhiên một số nội dung quy định trong Luật Doanh nghiệp nhưng chưa có quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh. Mặt khác, còn một số nội dung đã có trong Luật Doanh nghiệp liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh song cũng chưa có quy định cụ thể trong Nghị định 88/2006 nêu trên và cả những vấn đề vướng mắc nảy sinh trong việc thực thi các văn bản pháp luật này có liên quan đến công tác đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh.

MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ NHƯ SAU:

1. Trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành, có nói đến vấn đề mua bán doanh nghiệp (điều 145 Luật Doanh nghiệp) Trong nền kinh tế thị trường thì đây cũng là một việc bình thường. Tuy nhiên nội dung này chưa có quy định cụ thể và hướng dẫn về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với các trường hợp mua bán doanh nghiệp.

2. Một số nội dung quy định tại Chương VIII Luật Doanh nghiệp:

2.1 Điều 154 Luật Doanh nghiệp quy định về công ty TNHH có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần và ngược lại được quy định như sau: “Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông thông qua quyết định chuyển đổi…”Tuy nhiên trong Nghị định 88/2006/ND-CP về đăng ký kinh doanh chưa thấy có quy định về hồ sơ đăng ký kinh doanh chuyển đổi Công ty TNHH một thành viên thành công ty cổ phần và ngược lại?

2.2 Quy định tại Khoản 2 Điều 155 Luật Doanh nghiệp: “Chuyển đổi công ty TNHH một thành viên”. Quy định: “Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ cho một cá nhân…người nhận chuyển nhượng phải đăng ký thay đổi chủ sở hữu công ty…”Nhưng trong Nghị định 88/2006 nêu trên chưa có quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định tại điều khoản này.

2.3 Tại Khoản 5 Điều 158 “thủ tục giải thể doanh nghiệp” nêu: “Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sở giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh” và “kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ…”.Tuy nhiên chưa có quy định về Hồ sơ giải thể doanh nghiệp gồm những tài liệu gì? Do ai lập là hợp lệ và đúng với quy định của Luật Doanh nghiệp.

2.4. Quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 163 (Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đăng ký kinh doanh), tuy nhiên đến nay chưa có quy định và hướng dẫn về hồ sơ xử lý vi phạm gồm những tài liệu gì? Do cơ quan nào lập được coi là hồ sơ hợp lệ, đúng với quy định của pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan đăng ký kinh doanh thực hiện xử lý không vi phạm vào quy định tại Khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp.

Thực tế trong các năm qua, việc vi phạm của doanh nghiệp, tuy chưa có tài liệu kiểm tra, đánh giá song qua công tác đăng ký kinh doanh thấy là cũng không phải là ít, song vì không có quy định chi tiết và hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xử lý theo các nội dung quy định tại điều này, nên hầu như trong thực tiễn quy định này thực hiện như thế nào để không vi phạm vào khoản 1 điều 165 Luật Doanh nghiệp, kể cả các cơ quan đăng ký kinh doanh, là một việc rất khó xác định vì thiếu quy định cụ thể của pháp luật.

Mặt khác, theo quy định của các văn bản pháp luật, việc xử lý vi phạm pháp luật hầu như phải có hồ sơ để khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng nào đó, mà nếu không có thì không thể xử lý được bất cứ nội dung gì, nhất là Luật doanh nghiệp đã nêu về trách nhiệm của cơ quan xử lý trong trường hợp xử lý không đúng với quy định của pháp luật, tại Khoản 1 Điều 165 Luật doanh nghiệp.

2.5 Hồ sơ, thủ tục để thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 165 Luật Doanh nghiệp về Tạm ngừng kinh doanh: “cơ quan đăng ký kinh doanh…có thẩm quyền yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh…khi phát hiện doanh nghiệp không có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật”. việc phát hiện như quy định trên đây của cơ quan đăng ký kinh doanh cụ thể là gì? Có cần hồ sơ, giấy tờ pháp lý gì không? Và nếu có thì loại giấy tờ, tài liệu gì? Tài liệu ấy như thế nào là hợp lệ và do cơ quan nào lập là đúng với quy định của pháp luật.

3. Một số nội dung quy định tại Chương X Luật Doanh nghiệp:

3.1 Tại khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp quy định về Chuyển đổi công ty nhà nước đã nêu: “Chính phủ quy định về trình tự và thủ tục chuyển đổi”. Đến nay, trong Nghị định của Chính phủ về đăng ký kinh doanh chưa có nêu các quy định về trình tự, thủ tục, hồ sở đăng ký kinh doanh theo Điều 166 này.

3.2 Tại Khoản 2 Điều 166 Luật Doanh nghiệp: “Trong thời hạn chuyển đổi…nếu Luật này không có quy định”. Đối chiếu với quy định tại điều này, thấy Luật Doanh nghiệp đã có các quy định về đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên lại chưa có một điều nào của Nghị định 88/2006 của Chính phủ quy định về đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước thời hạn chuyển đổi, cả về hồ sơ, trình tự, thủ tục, mẫu các loại giấy tờ dùng trong đăng ký kinh doanh. Vì vậy việc áp dụng trong đăng ký kinh doanh theo Khoản 2 Điều 166 là thiếu căn cứ pháp lý, tạo ra sự khác nhau giữa các cơ quan đăng ký kinh doanh trong cả nước, gây thắc mắc cho doanh nghiệp và khó giải thích.

3.3 Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải phòng và Phòng đăng ký kinh doanh Hải phòng đã có một số văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa về một số nội dung vướng mắc trong việc thực hiện Luật Doanh nghiệp liên quan đến đăng ký kinh doanh. Tuy Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có văn bản trả lời vể một số vấn đề mang tính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện, song đối chiếu với các nội dung quy định trong Nghị định 88/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đâng ký kinh doanh thì chưa có quy định nào như vậy, do đó vẫn chưa phải là căn cứ pháp lý để thực hiện. Chính vì vậy, các vướng mắc đó vẫn đang tồn tại và là một áp lực đối với việc thực hiện Luật Doanh nghiệp của cả doanh nghiệp và cơ quan nhà nước liên quan, trong đó có cả việc thực hiện công tác đăng ký kinh doanh, gây nhiều phức tạp, làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả thực thi Luật Doanh nghiệp.

Chúng tôi xin phản ánh với Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để có hướng giải quyết, xử lý kịp thời các vướng mắc trên theo quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết việc đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp đúng với quy định của pháp luật.

BKH Tổng hợp các ý kiến từ VIBonline

1- Đề nghị bỏ các điều kiện kinh doanh cần đáp ứng trước khi thành lập doanh nghiệp: chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định. Nghiên cứu sửa đổi Điều 16, 17, 18, 19 theo tư duy ‘‘hậu kiểm’’

2- Đề nghị tách riêng thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục đăng ký đầu tư. Việc quy định GCNĐT đồng thời là Giấy chứng nhận ĐKKD gây nhiều bất cập trong quá trình thành lập và hoạt động của DN.

3- Bổ sung quy định về việc giảm vốn của công ty cổ phần, hiện chưa có quy định

4- Điều 18,19 quy định phải nộp Chứng chỉ hành nghề khi thành lập doanh nghiệp là chưa phù hợp

5- Thu hồi giấy CNĐKKD: cần sửa Điều 157,158,165.

6- Điều 46: sửa yêu cầu người đại diện theo pháp luật phải thường trú ở Việt Nam.

7- Điều 70: cần sửa tiêu chuẩn giám đốc công ty TNHH 1 thành viên.

8 – Khoản 4 điều 16, khoản 5 điều 17,18,19 : quy định trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp phải có chứng chỉ hành nghề của Tổng giám đốc, Giám đốc và cá nhân khác đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề theo quy định của pháp luật phải có chứng chỉ hành nghề là không hợp lý. Chỉ những người làm nghề mới yêu cầu có chứng chỉ hành nghề.

9- Điểm b, khoản 1, điều 30 : Theo quy định này, với những Tcty lớn hoặc Tập đoàn kinh tế có số vốn điều lệ và tổng tài sản lớn sẽ không rõ thực hiện theo quy định nào. Ví dụ: Với EVN, căn cứ theo Luật Doanh nghiệp, sẽ được quyết định các dự án có tổng đầu tư trên, dưới 50.000 tỷ đồng. Như vậy, sẽ trái với Nghị quyết của QH.

10- Điều 77: Điều luật quy định về số cổ đông tối thiểu nhưng không quy định rõ đây là loại cổ đông sáng lập hay cổ đông phổ thông. Cần hướng dẫn cách hiểu thống nhất.

11 – Điều 84: Chỉ nên hạn chế chuyển nhượng cổ phần phổ thông trong phạm vi 20% vì điều 84 chỉ đòi hỏi cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua 20% tổng số cổ phần phổ thông.

12 – Điều 80: Quy định cổ đông phổ thông có nghĩa vụ thanh toán đủ số cổ phần cam kết trong 90 ngày kể từ ngày cty được cấp Giấy CNĐKKD là không đúng, chỉ có các cổ đông sáng lập là phải thanh toán trong thời hạn trên. Cần quy định lại.

13- Khoản 1, Điều 166 : cần gia hạn lộ trình chuyển đổi các công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

14- Điều 4 khoản 10 đề nghị sửa thành “Thành viên sáng lập là người góp vôn, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tư của công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc được Hội đồng thành viên, các thành viên hợp danh chấp thuận cho gia nhập thành viên sáng lập”.

15- Điều 4 khoản 22: đề nghị đổi cụm từ  “Doanh nghiệp nhà nước” thành “Công ty nhà nước”.

16- Điều 32: những điều cấm trong đặt tên doanh nhiệp: cần quy định rõ hơn.

17- Điều 35 khoản 2: đề nghị sửa thành: “Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh và UBND xã, phường, thị trấn trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được cấp GCN ĐKKD. UBND xã, phường, thị trấn phải có trách nhiệm kiểm tra hoặc theo dõi việc thông báo mở cửa tại trụ sở chính và treo biển hiệu của doanh nghiệp. Nếu phát hiện Doanh nghiệp không thông báo mở cửa tại trụ sở chính và treo biển hiệu thì báo ngay với cơ quan ĐKKD để có biện pháp quản lý, hoặc giao cho UBND xã, phường, thị trấn xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp doanh nghiệp không thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính và treo biển hiệu tại doanh nghiệp”

18- Điều 37 khoản 3: đề nghị sửa “Địa điểm kinh doanh là nơi hoạt động kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp được tổ chức thực hiện. Địa điểm kinh doanh chỉ được đặt trong cùng một tỉnh, thành phố và có thể ở ngoài địa chỉ đăng ký trụ sở chính.

LS. NGUYỄN MẠNH BÁCH (st)

——————————————————

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.