Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi:  1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Khi ký hợp đồng dân sự cần lưu ý những vấn đề sau:

1. Vấn đề hợp đồng mẫu do một bên đưa ra

Hợp đồng theo mẫu là loại hợp đồng được dùng phổ biến hiện nay. Theo đó, Hợp đồng theo mẫu vẫn sẽ thể hiện ý chí chung và mong muốn của các bên nếu các bên đồng ý ký kết vào Hợp đồng theo mẫu này. Về bản chất, Hợp đồng theo mẫu sẽ được bên đề nghị soạn sẵn và tiêu chuẩn hóa nhằm mục đích là sử dụng nhiều lần và giao kết liên tục với nhiều người mà không phải thỏa thuận lại cho từng trường hợp cụ thể.

Căn cứ quy định tại Điều 405 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng mẫu cụ thể như sau:

“Điều 405. Hợp đồng theo mẫu

1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.

Hợp đồng theo mẫu phải được công khai để bên được đề nghị biết hoặc phải biết về những nội dung của hợp đồng.

Trình tự, thể thức công khai hợp đồng theo mẫu thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.

3. Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

 Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định cụ thể rõ ràng về hợp đồng theo mẫu, hợp đồng này phải được công khai để bên đề nghị được biết hoặc phải biết, trình tự, thể thức công khai hợp đồng thực hiện theo quy định của pháp luật. Do đó, khi ký kết hợp đồng mẫu do một bên cung cấp thì cần lưu ý những vấn đề sau:

1.1 Về hình thức hợp đồng

Hình thức của hợp đồng dân sự được quy định rõ tại Điều 119, Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể:

“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:

1. Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó.

2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.”

Theo đó, trong một số trường hợp nhất định do pháp luật quy định, hình thức là một trong những điều kiện có hiệu lực của Hợp đồng ví dụ như: hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, bất động sản, mua bán các phương tiện như ôtô, tàu thủy, … đều phải được lập thành văn bản và phải có công chứng. Nếu không đáp ứng các điều kiện này, giao dịch sẽ vô hiệu và không được pháp luật bảo vệ. Do đó, khi ký kết hợp đồng, cần kiểm tra loại hợp đồng mình ký kết đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan xem có phải tuân thủ về hình thức của hợp đồng không như có phải bằng văn bản không, có cần công chứng, chứng thực không…..

1.2 Chủ thể ký kết hợp đồng

Cần xem xét về chủ thể khi tham gia giao dịch theo quy định của Bộ luật Dân sự (phải có năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự) xem đã đáp ứng điều kiện về chủ thể chưa. Hợp đồng phải do người có thẩm quyền hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền ký kết. Chủ thể ký có thể là tổ chức, pháp nhân, cá nhân, thông thường đối với doanh nghiệp thì người có thẩm quyền ký kết Hợp đồng là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, được xác định rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoặc người được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền (người đại diện theo ủy quyền chỉ được thực hiện trong phạm vi được uỷ quyền khi ký kết hợp đồng). Việc không đảm bảo điều kiện về mặt chủ thể khi ký kết Hợp đồng có thể dẫn đến Hợp đồng vô hiệu.

1.3 Nội dung Hợp đồng

– Đối tượng Hợp đồng: Đây là điều đầu tiên cần chú ý đến khi ký kết Hợp đồng, cần xác định rõ đối tượng chủ thể là gì? Có đặc điểm như thế nào? Đã đáp ứng được điều kiện theo quy định của pháp luật (nếu có) hay chưa?… Việc quy định chi tiết đối tượng hợp đồng đôi khi có thể là căn cứ để xem xét có sự vi phạm hợp đồng hay không, từ đó xác định trách nhiệm giữa các bên.

– Hiệu lực Hợp đồng: Thông thường, Hợp đồng sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm các bên cùng ký vào Hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Trừ một số loại hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng chuyển giao công nghệ…), các bên cần hết sức lưu ý điều này bởi vì hợp đồng có hiệu lực mới phát sinh trách nhiệm pháp lý, ràng buộc các bên phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.

– Phạt vi phạm và Bồi thường thiệt hại: Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Theo đó, việc phạt vi phạm chỉ áp dụng khi các bên có thỏa thuận trong Hợp đồng.

– Luật áp dụng và Giải quyết tranh chấp: Đối với các loại Hợp đồng dân sự điều khoản chọn luật và nơi giải quyết tranh chấp là một trong những điều khoản quan trọng. Điều này giúp cho các bên không bị lúng túng khi giải quyết tranh chấp, giúp quá trình giải quyết tranh chấp diễn ra nhanh hơn. Giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự hiện nay thông qua 4 hướng sau:

  • Thương lượng: Giải quyết tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại thường được giải quyết bằng phương thức này để có thể giảm thiểu chi phí và giải quyết tranh chấp nhanh chóng nhất
  • Hòa giải: Phương thức hòa giải được tiến hành thông qua một bên trung gian, thường là hòa giải viên hoặc trung tâm hào giải. Khi hai bên không tự thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, việc nhờ đến một đơn vị thứ ba có am hiểu kiến thức pháp luật, có cách nhìn tổng quan và khách quan về vụ việc sẽ giúp tranh chấp được giải quyết một cách chính xác hơn.
  • Thông qua trọng tài: Giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài ngày nay càng được sử dụng nhiều hơn, nhất là trong các hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
  • Thông qua tòa án: khi tranh chấp hợp đồng không được giải quyết theo ba phương thức ở trên, các bên trong quan hệ dân sự nộp đơn khởi kiện đến cơ quan Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết một cách công bằng, khách quan và đúng với quy định của pháp luật nhất.

Bên cạnh tính tiện lợi và thông dụng của Hợp đồng theo mẫu thì việc ký kết hợp đồng theo mẫu sẽ không tránh được các rủi ro pháp lý phát sinh do các điều khoản mà bên đề nghị dự tính trước và quy định sẵn trong hợp đồng. Vì thế, khi ký kết hợp đồng theo mẫu, người được đề nghị giao kết hợp đồng cần phải đọc và hiểu kỹ càng nội dung hợp đồng để tránh những tranh chấp không đáng có sau này.

2. Vấn đề phụ lục hợp đồng

Căn cứ quy định tại Điều 403 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phụ lục hợp đồng cụ thể:

– Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

– Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

Như vậy, có thể hiểu, phụ lục hợp đồng là văn bản được ban hành kèm theo và là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng. Bộ luật Dân sự 2015 không quy định về số phụ lục hợp đồng tối đa có thể ký kết, vì thế số lượng sẽ tùy thuộc vào mức độ cụ thể của hợp đồng và tuỳ thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao kết.

3. Giải thích hợp đồng

Trong nhiều trường hợp, vì sơ xuất chưa trao đổi, tìm hiểu, cân nhắc kỹ các nội dung của hợp đồng nếu sau khi ký kết xảy ra việc các bên không thống nhất về nội dung đã ký, mỗi bên hiểu theo một cách khác nhau, trong trường hợp này cần thiết phải có sự giải thích hợp đồng thoe quy định tại Điều 404 Bộ luật Dân sự 2015 cụ thể như sau:

Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.

– Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.

– Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

– Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

– Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

– Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia.

4. Hiệu lực của hợp đồng

Căn cứ quy định Điều 401 “Hiệu lực của hợp đồng” của Bộ luật Dân sự 2015 thì:

– Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.

– Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra Điều 22 “Hiệu lực của hợp đồng bảo đảm” Nghị định 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể:

– Hợp đồng bảo đảm được công chứng, chứng thực theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan hoặc theo yêu cầu thì có hiệu lực từ thời điểm được công chứng, chứng thực.

– Hợp đồng bảo đảm không thuộc khoản 1 Điều này có hiệu lực từ thời điểm do các bên thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận thì có hiệu lực từ thời điểm hợp đồng được giao kết.

– Trường hợp tài sản bảo đảm được rút bớt theo thỏa thuận thì phần nội dung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản được rút bớt không còn hiệu lực; tài sản bảo đảm được bổ sung hoặc thay thế thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng bảo đảm liên quan đến tài sản này thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

– Biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không làm thay đổi hoặc không làm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng bảo đảm.

Như vậy, nhìn chung sau khi ký kết hợp đồng thì hợp đồng sẽ phát sinh hiệu lực vào thời điểm mà hai bên giao kết trừ trường họp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Khi hợp đồng có hiệu lực thì phát sinh trách nhiệm pháp lý giữa các bên, nếu đó là hợp đồng được giao kết hợp pháp, đồng thời nó có tính bắt buộc đối với các bên trong việc tuân thủ và thực hiện hợp đồng. Nếu một bên không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì bị coi là vi phạm hợp đồng và phải gánh chịu những hậu quả pháp lý kèm theo.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group