Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2015;

Luật sư tư vấn:

Thừa kế di sản thừa kế là quyền lợi hợp pháp của người thừa kế (thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc phân chia di sản nảy sinh mâu thuẫn giữa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản dẫn đến tranh chấp. Theo quy định của pháp luật, tranh chấp về thừa kế bao gồm tranh chấp về hàng thừa kế và tranh chấp về di sản thừa kế:

– Tranh chấp buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại;

– Yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật

– Xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

Khi giải quyết tranh chấp về thừa kế, quý khách hàng cần lưu ý các vấn đề sau:

1. Di sản thừa kế là gì ?

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Theo quy định tại Điều 612 Bộ Luật dân sự năm 2015, di sản – di sản để thừa kế được hiểu là:

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Di sản thừa kế có thể là hiện vật, tiền, giấy tờ trị giá được thành tiền, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản.

Việc xác định di sản thừa kế mà người chết để lại căn cứ vào giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp đối với khối tài sản đó. Đối với trường hợp di sản thừa kế là tài sản thuộc sở hữu chung thì việc xác định tài sản chung của người để lại di sản có thể dựa trên những thỏa thuận đã có từ trước hoặc căn cứ vào văn bản do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Tranh chấp về di sản thừa kế

Theo quy định của pháp luật, tranh chấp di sản thừa kế bao gồm tranh chấp buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản hoặc yêu cầu chia di sản thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật).

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

– Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

– Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

– Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

– Tiền công lao động;

– Tiền bồi thường thiệt hại;

– Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

– Tiền phạt;

– Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

– Chi phí cho việc bảo quản di sản;

– Các chi phí khác.

3. Tranh chấp về hàng thừa kế

Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về hàng thừa kế theo pháp luật tại Điều 651 như sau:

Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Theo quy định trên có thể thấy tranh chấp về hàng thừa kế là những tranh chấp về yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác, chủ yếu phát sinh giữa những người thừa kế trong cùng một hàng thừa kế, đặc biệt là những trường hợp con nuôi, con ngoài giá thú. Ngoài ra, tranh chấp về hàng thừa kế có thể phát sinh do tại thời điểm mở thừa kế không có ai ở hàng thừa kế trước và sau khi đã chia thừa kế cho những người ở hàng thừa kế sau thì xuất hiện người thừa kế ở hàng thừa kế trước…

4. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Ðiều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau:

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười (10) năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba (03) năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác; và sau thời hạn là 03 năm, cá nhân, tổ chức không còn quyền khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.

Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc;

Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ;

Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản. Đối chiếu với quy định nêu trên thì có hai trường hợp như sau:

Thứ nhất: Nếu các đồng thừa kế gửi đơn khởi kiện đến tòa án mà nội dung khởi kiện là khởi kiện về thừa kế (như chia di sản thừa kế, xác định quyền thừa kế …) thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện do đã hết thời hiệu khởi kiện;

Thứ hai: Nếu các đồng thừa kế gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhưng nội dung khởi kiện là yêu cầu giải quyết việc chia tài sản chung của các đồng thừa kế thì tòa án sẽ thụ lý đơn; trong trường hợp này, tòa án sẽ áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.

Lưu ý:

– Trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/09/1990 thì thời hiệu khởi kiện thực hiện theo Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và thời hiệu khởi kiện tính từ ngày 10/09/1990;

5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế được xác định theo vụ việc, theo cấp và theo lãnh thổ. Trong một số trường hợp, việc xác định thẩm quyền của toà án lại theo thoả thuận của đương sự. Cụ thể:

Thẩm quyền theo vụ việc của Toà án được quy định tại Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau:

Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

5. Tranh chấp về thừa kế tài sản

Thẩm quyền theo cấp của Toà án, quy định tại Điều 35 đến Điều 38 Bộ luật Tố tụng Dân sự:

Toà án nhân dân cấp huyện (hoặc Toà dân sự của Toà án nhân dân cấp huyện – đối với toà án nhân dân cấp huyện đã có Toà chuyên trách) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp về tranh chấp thừa kế quy định tại Điều 26 (trừ những tranh chấp mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài).

Toà án nhân dân cấp tỉnh (hoặc Toà dân sự của Toà án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp về thừa kế không thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp huyện. Và có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm các vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện vị kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật.

Thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án được quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau:

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, về cơ bản để xác định được thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế thì trước tiên phải xác định được yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế của nguyên đơn có phải là tranh chấp về bất động sản không. Nếu yêu cầu của nguyên đơn là tranh chấp về bất động sản thì Tòa án nhân dân cấp huyện chỉ có thẩm quyền giải quyết khi tại địa bàn huyện có nhà đất của người để lại thừa kế; nếu di sản là bất động sản không nằm trên địa bàn huyện thì tòa án nhân dân huyện không có thẩm quyền giải quyết. Nếu yêu cầu của nguyên đơn không phải là tranh chấp về bất động sản thì thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết được xác định theo Điều 35, Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự (là Tòa án nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn hoặc theo sự lựa chọn của nguyên đơn).

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group