Đại diện của Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) Viện khoa học xét xử (Tòa án nhân dân tối cao) và chuyên gia Nhật Bản đã tập trung thảo luận về bốn nội dung: (1)yêu cầu, phạm vi và tiến độ sửa đổi cơ bản Bộ luật Dân sự năm 2005; (2) một vài vấn đề cần được nghiên cứu để xây dựng Bộ luật dân sự; (3) một số định hướng trong sửa đổi phần quy định chung của Bộ luật dân sự; (4) một số bất cập trong thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

.

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Về cơ bản, các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí về định hướng sửa đổi cơ bản bộ luật dân sự năm 2005 và những nguyên tắc mà nhóm biên tập[2] đưa ra bao gồm:

Thứ nhất, Bộ luật dân sự phải thể chế hóa được đầy đủ các quan điểm mới của Đảng về xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần và thể chế kinh tế thị trường trong các văn kiện đã được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng: (1) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); (2) Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; (3)  Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng;

Thứ hai, tiếp nhận các quan điểm khoa học, khái niệm, phạm trù khoa học pháp lý liên quan đến Bộ luật dân sự mà trước đây chưa được áp dụng, ví dụ: trái quyền, vật quyền… Bên cạnh đó, kế thừa các thành tựu xây dựng pháp luật về dân sự ở Việt Nam và trên thế giới;

– Thứ ba, đặt Bộ luật dân sự ở vai trò là luật gốc, luật cơ bản của hệ thống luật tư, có tính trừu tượng hóa cao, khái quát hóa cao, điều chỉnh các quan hệ xã hội ổn định, không quy định các vấn đề phụ thuộc nhiều vào các quyết định chính trị để đảm bảo tính ổn định của Bộ luật dân sự;

– Thứ tư, xác định Bộ luật dân sự là bộ luật của lưu thông dân sự, bình đẳng, tôn trọng quyền tự quyết, tự định đoạt của các chủ thể;

– Thứ năm, tăng cường các biện pháp tôn trọng và bảo đảm quyền dân sự.

Tuy nhiên, tại Tọa đàm có nhiều vấn đề còn có những ý kiến khác nhau, cần có nghiên cứu cơ bản, sự trao đổi khoa học từ phía các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài Nhật Bản trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi.

1. Về nguồn của Luật dân sự

Trên cơ sở đề xuất của nhóm biên tập, bên cạnh quy phạm pháp luật và tập quán (Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2005), cần thừa nhận học thuyết pháp lý và án lệ là nguồn của luật dân sự, các đại biểu tham dự tọa đàm đã đưa ra ba quan điểm:

– Quan điểm thứ nhất: không nên đưa học thuyết pháp lý làm nguồn của pháp luật dân sự. Bởi lẽ theo nguyên tắc, khi xét xử thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật không thể căn cứ vào một luận cứ khoa học nào đó để phán quyết. Về áp dụng án lệ có hai mâu thuẫn dẫn tới việc áp dụng án lệ không hợp lý ở Việt Nam đó là: (1) Việt Nam theo hệ thống pháp luật thành văn, (2) việc áp dụng án lệ cũng đòi hỏi trình độ của thẩm phán phải thực sự cao (hiện tại Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này?!).

– Quan điểm thứ hai: cũng không thừa nhận học thuyết pháp lý là nguồn của luật dân sự. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật dân sự cũng cần phải dựa phải dựa trên các giá trị nhân đạo, nhân văn của xã hội (được tổng kết dựa trên các luận cứ khoa học trong các học thuyết pháp lý). Việc thừa nhận án lệ là nguồn của luật dân sự là cần thiết. Thực tiễn giải quyết các vụ việc dân sự hiện nay, thẩm phán thường áp dụng “án lệ”. Việc tham khảo các vụ án trước đó để so sánh và xét xử là chuyện thường xuyên. Muốn đưa ra một điều luật thì phải giải thích được về mặt thực tiễn của nó.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, tập quán đã được thừa nhận chính thức là một nguồn của luật dân sự Nhật Bản (ví dụ, căn cứ vào tập quán về việc nam nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn hình thành trong xã hội Nhật Bản, việc thẩm phán thừa nhận hôn nhân thực tế đối với các trường hợp chung sống này là phổ biến, các bên chung sống có các quyền và nghĩa vụ như vợ chồng có đăng ký kết hôn). Pháp luật dân sự Nhật Bản không thừa nhận chính thức án lệ là nguồn của Luật dân sự. Tuy nhiên, trong pháp luật tố tụng dân sự, án lệ lại được thừa nhận trong trường hợp đương sự căn cứ vào bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án về một vụ việc tương tự để kháng án. Thực tiễn đã chứng minh việc áp dụng án lệ có thể bảo vệ tốt hơn quyền dân sự của chủ thể, hiệu quả giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án. Án lệ chỉ có thể thực hiện được nếu có cơ chế công khai các quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án. Đối với học thuyết pháp lý, cũng đã từng có tranh luận tại Nhật Bản có thừa nhận học thuyết pháp lý là nguồn của luật dân sự hay không? Hiện nay, nó không được coi là nguồn của luật, thẩm phán chỉ có thể tham khảo các luận cứ khoa học thuộc các học thuyết pháp lý trong việc cân nhắc nội dung phán quyết của mình.

Căn cứ vào kết quả thảo luận trên, theo chúng tôi, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nguồn của luật dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự là cần thiết. Trong đó, cần tập trung những vấn đề sau: (1) Việt Nam có nên thừa nhận án lệ là nguồn của luật dân sự hay không? Cơ sở lý luận, thực tiễn của cả việc thừa nhận hay không thừa nhận án lệ là nguồn của luật dân sự? Nếu thừa nhận thì nên quy định trong pháp luật về nội dung hay pháp luật về tố tụng? thừa nhận ở phạm vi nào? Dựa trên nguyên tắc nào?; (2) trong áp dụng tập quán có nên thừa nhận tập quán của một hiệp hội, tập quán quốc tế là nguồn của luật dân sự? Cơ sở lý luận, thực tiễn của cả việc thừa nhận hay không thừa nhận? Nếu thừa nhận thì nên thừa nhận ở phạm vi nào? Dựa trên nguyên tắc nào?; (3) thực tế ở Việt Nam đã xuất hiện một số quan hệ hợp đồng trong đó các chủ thể lại thỏa thuận áp dụng luật về hợp đồng của nước khác (ví dụ áp dụng pháp luật về hợp đồng của Nhật Bản) để áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình, thỏa thuận này có nên được công nhận hay không? Cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề?.

2. Về thời hiệu khởi kiện

Đề xuất của nhóm biên tập là không quy định về thời hiệu khởi kiện với ý nghĩa là thời hiệu thụ lý của Tòa án mà nên thay thế nó bằng thời hiệu hưởng quyền và thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự[3]. Qua thảo luận, cũng có hai quan điểm khác nhau về vấn đề này:

– Quan điểm thứ nhất, nên tiếp tục quy định thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật dân sự với ý nghĩa là thời hiệu thụ lý của Tòa án trong Bộ luật dân sự để tránh khởi kiện tràn lan, gây khó khăn cho công tác giải quyết tranh chấp của Tòa án và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể luật tư;

– Quan điểm thứ hai, Tòa án không có quyền từ chối thụ lý giải quyết các yêu cầu của chủ thể luật tư, việc quy định thời hiệu khởi kiện vi phạm nguyên tắc này. Theo thông lệ quốc tế, Tòa án phải thụ lý vụ việc dân sự khi có yêu cầu, nhưng căn cứ vào thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ để bác yêu cầu của chủ thể khởi kiện, công nhận quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ cho chủ thể trong quan hệ có tranh chấp.

Hiện nay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, trong đó thời hiệu khởi kiện với ý nghĩa là thời hiệu thụ lý của Tòa án vẫn tiếp tục được thừa nhận. Tuy nhiên, có sự thay đổi so với Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 là đã loại bỏ quy định cho phép tòa án trả lại đơn khởi kiện vì lý do hết thời hiệu, tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ việc nếu phát hiện thấy thời hiệu khởi kiện đã hết tòa án có quyền đình chỉ giải quyết vụ việc (căn cứ được giải trình là Tòa án chưa có đủ căn cứ để xác định còn hay không còn thời hiệu yêu cầu, do vậy Tòa án không được trả là đơn ngay tại thời điểm thụ lý, sau khi thụ lý thấy có đủ căn cứ là đã hết thời hiệu thì Tòa án có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc).

Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc thụ lý và giải quyết yêu cầu của đương sự là trách nhiệm của thẩm phán không vì lý do nào đó từ chối thực hiện trách nhiệm này. Bộ luật dân sự Nhật Bản vì thế không quy định thời hiệu khởi kiện với tư cách là thời hiệu để tòa án thụ lý giải quyết vụ việc dân sự, mà chỉ quy định thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự để bác yêu cầu của chủ thể khởi kiện, công nhận quyền hoặc miễn trừ nghĩa vụ cho chủ thể trong quan hệ có tranh chấp.

Chúng tôi cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung chế định về thời hiệu trong Bộ luật dân sự là một vấn đề lớn, cần được nghiên cứu cơ bản trên những nội dung sau: (1) bản chất của việc quy định thời hiệu? (2) mối quan hệ giữa thời hiệu hưởng quyền, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự và thời hiệu khởi kiện (từ Điều 155 đến Điều 162 Bộ luật dân sự năm 2005); (3) cần ghi nhận những loại thời hiệu nào trong Bộ luật dân sự?.

3. Về chủ thể của quan hệ dân sự là tổ chức

Đề xuất của nhóm biên tập, chủ thể của quan hệ dân sự bao gồm thể nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, cần nghiên cứu về tư cách chủ thể của các tổ chức không đảm bảo các điều kiện là pháp nhân tại Điều 84 Bộ luật dân sự năm 2005. Theo quy định hiện hành, ngoài hộ gia đình, tổ hợp tác, còn nhiều tổ chức khác chưa được pháp luật Việt Nam quy định cụ thể hoặc có quy định nhưng còn nhiều quan điểm khác nhau (tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, các hội được thành lập theo thỏa thuận của các thành viên theo nguyên tắc chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của thành viên). Qua thảo luận tại Tọa đàm đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, Bộ luật dân sự chỉ nên quy định nguyên tắc chung về pháp nhân, đối với các pháp nhân chuyên biệt cần được quy định trong pháp luật chuyên ngành (luật doanh nghiệp, luật Hợp tác xã, Luật tổ chức tín dụng…). Quy định về của Bộ luật dân sự Việt Nam về pháp nhân còn một số điểm chưa hợp lý (điều kiện tổ chức là pháp nhân, thời điểm thành lập pháp nhân, đại diện của pháp nhân…). Đối với các tổ chức không đảm bảo là điều kiện là pháp nhân, pháp luật Nhật Bản cũng đã có giải pháp bằng quy định về hội hợp danh điều chỉnh theo nguyên tắc hợp đồng (Điều 667 – 688 Bộ luật dân sự Nhật Bản).

Theo chúng tôi, có hai vấn đề cần được nghiên cứu nhằm hoàn thiện chế định chủ thể trong Bộ luật dân sự sửa đổi: (1) có nên thay đổi điều kiện một tổ chức là pháp nhân tại Điều 84 Bộ luật dân sự năm 2005 hay không?mối liên hệ giữa Điều 84 và Điều 85 Bộ luật dân sự về thời điểm thành lập pháp nhân; (2) Đối với tổ chức được thành lập theo nguyên tắc nghĩa vụ của tổ chức được bảo đảm vô hạn bằng tài sản của các thành viên thì nên được quy định như thế nào trong Bộ luật dân sự?.

4. Về hộ gia đình

Đề xuất của nhóm biên tập nên có cách quy định khác về hộ gia đình và quan hệ giữa các thành viên trong hộ gia đình so với Bộ luật dân sự hiện hành theo hướng không tiếp tục ghi nhận hộ gia đình là chủ thể luật dân sự (chủ thể luật dân sự chỉ nên thừa nhận ở thể nhân và pháp nhân) mà thay bằng các chế định khác của Bộ luật dân sự (chế định sở hữu chung, hợp đồng?!). Trong khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự ở ba địa phương Hải Phòng, Khánh Hòa và Cần Thơ do Bộ Tư pháp tổ chức (tháng 11- 12 năm 2010) đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, tại Tọa đàm 02/03/2011 và ngày 27/04/2011 cũng vẫn còn hai ý kiến khác nhau:

+ Thứ nhất, tiếp tục ghi nhận hộ gia đình là chủ thể của luật dân sự như Bộ luật dân sự hiện hành, tuy nhiên cần đưa ra nguyên tắc cụ thể về xác định chủ hộ và thành viên hộ gia đình;

+ Thứ hai, căn cứ vào sự biến động mang tính chất tự nhiên – xã hội của các quan hệ gia đình, nhà làm luật không thể đưa ra một nguyên tắc cụ thể để xác định thành viên của hộ gia đình vì tính ổn định của các quan hệ gia đình không cao. Hơn nữa khi giải quyết các vụ việc tại tòa hầu như không có chủ thể là hộ gia đình tham gia tố tụng. Vì vậy không nên quy định hộ gia đình là chủ thể của luật dân sự.

Thực tế, việc ghi nhận kinh tế hộ gia đình và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt ở khu vực sản xuất nông nghiệp đã và đang là chính sách của Nhà nước Việt Nam (pháp luật về đất đai, pháp luật về tín dụng cũng đã có nhiều quy định về chủ thể được giao đất, chủ thể được vay vốn là hộ gia đình).

Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc không quy định hộ gia đình là chủ thể luật dân sự là hợp lý. Tuy nhiên, nếu hộ gia đình đã và đang là chủ thể của một số quan hệ trong giao lưu dân sự ở Việt Nam, thì việc không quy định lại hộ gia đình là chủ thể luật dân sự sẽ gặp nhiều khó khăn. Việt Nam cần nghiên cứu kỹ giải pháp thay thế cho chế định hộ gia đình hiện hành để tránh gây bất ổn trong xã hội. Pháp luật Nhật Bản không quy định hộ gia đình là chủ thể luật dân sự, nhưng Nhật Bản có một khái niệm gần với khái niệm về hộ gia đình đó là quy định về khế ước của một tập hợp nhóm người giống trong trường hợp một nghiệp đoàn hoặc một tổ chức. Tổ chức hay nghiệp đoàn này không phải là một pháp nhân, các thành viên tham gia đều đóng góp tài sản chung, gần giống hợp tác xã của Việt Nam mặc dù nó không có tư cách pháp nhân. Quan niệm này gần giống quan niệm về “partnership”, hợp tác xã. Nó dựa trên cơ sở hợp đồng, khế ước được ký giữa các bên, trong khế ước này sẽ quy định ai sẽ là người đại diện (Điều 667 – 688 Bộ luật dân sự Nhật Bản). Quan hệ giữa các bên được xác định trên cơ sở hợp đồng, nếu trong trường hợp được Nhà nước chỉ định thực hiện một công việc nào đó thì theo luật chuyên ngành có thể phải đăng ký.

Như vậy, việc quy định hay không quy định hộ gia đình là chủ thể của luật dân sự là một vấn đề lớn, trong đó có hai nội dung cần được tiếp cận: (1)nếu tiếp tục ghi nhận hộ gia đình là chủ thể luật dân sự thì quy định nguyên tắc pháp lý nào về xác định người đại diện của hộ gia đình, xác định thành viên của hộ gia đình; (2) nếu không tiếp tục ghi nhận hộ gia đình là chủ thể của luật dân sự thì cần có giải pháp pháp lý nào để thay thế chế định về hộ gia đình hiện hành.

5. Về quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế

Tại Tọa đàm ngày 02/03/2011, đại diện của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã đưa ra vướng mắc trong áp dụng quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế (Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005). Theo quan điểm của đại diện của Tòa án nhân dân tối cao, Bộ luật dân sự cần quy định theo hướng không hạn chế thời hạn từ chối nhận di sản và đảm bảo việc từ chối nhận di sản thể hiện đúng ý chí của người được nhận thừa kế.

Trong khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự tháng 11 – 12/2010 tại Hải Phòng, Khánh Hòa và Cần Thơ các địa phương đều đề cập vướng mắc trong quy định về quyền từ chối nhận di sản. Các đối tượng khảo sát cho rằng, việc quy định người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản nhằm mục đích tôn trọng quyền tự định đoạt của người thừa kế trong việc nhận di sản. Tuy nhiên, Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định người thừa kế phải thực hiện quyền từ chối nhận di sản trong thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế là không phù hợp với thực tiễn xã hội và đặc thù tập quán, văn hóa Việt Nam. Thông thường, việc từ chối nhận di sản của người thừa kế thường được đặt ra di sản được chia và di sản được chia khi có yêu cầu của người thừa kế (trong trường hợp cha chết, mẹ còn thì người Việt Nam thường không có yêu cầu khởi kiện). Do vậy, thời hạn 6 tháng là quá ngắn để người thừa kế thực hiện quyền của mình. Có ba quan điểm về vấn đề này:

– Thứ nhất, pháp luật cần mở rộng thời hạn cho phép người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản từ 1 năm hoặc 3 năm. Mục đích để phù hợp với phong tục, tập quán người Việt Nam thường giải quyết việc phân chia di sản sau thời gian chịu tang (từ 1 đến 3 năm);

– Thứ hai, pháp luật nên quy định trước thời điểm di sản được chia, người thừa kế phải thể hiện ý chí về việc từ chối nhận di sản;

– Thứ ba, pháp luật không nên quy định về thời hạn từ chối nhận di sản, người thừa kế có thể thực hiện quyền từ chối nhận di sản tại bất cứ thời điểm nào.

Quan điểm của nhóm biên tập cho rằng, để đảm bảo quyền của người thừa kế, phù hợp tập quán về yêu cầu di sản và chia thừa kế trong xã hội Việt Nam, việc quy định thời hạn từ chối nhận di sản theo quan điểm thứ hai được nêu ở trên là hợp lý. Theo đó, cần mở rộng thời hạn từ chối so với pháp luật hiện hành (6 tháng kể từ thời điểm mở thừa kế) theo hướng phát sinh từ thời điểm mở thừa kế và chấm dứt tại thời điểm di sản được chia cho những người thừa kế.

Như vậy, quy định về từ chối nhận di sản tại Điều 642 Bộ luật dân sự năm 2005 đang là vướng mắc về lý luận và thực tiễn trong công nhận và thực thi quyền của người thừa kế, với ba nội dung sau: (1) có nên tiếp tục thừa nhận quyền từ chối nhận di sản của người thừa kế?; (2) nếu thừa nhận người thừa kế có quyền nhận di sản thì pháp luật có cần thiết quy định về thời hạn từ chối nhận di sản hay không quy định về thời hạn từ chối nhận di sản?; (3) hậu quả pháp lý của việc quy định thời hạn hay không quy định về thời hạn từ chối nhận di sản.

6. Về thời hiệu thừa kế

Điều 645 Bộ luật dân sự quy định thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm nhưng lại không quy định trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện thừa kế di sản sẽ thuộc quyền sở hữu của ai và căn cứ xác lập quyền đối với di sản thế nào? Theo quy định của pháp luật tố tụng, Tòa án sẽ từ chối giải quyết yêu cầu khởi kiện về thừa kế nếu hết thời hiệu khởi kiện, trong khi pháp luật lại không có quy định về tình trạng pháp luật đối với di sản sau khi Tòa án từ chối giải quyết vụ việc thừa kế. Nếu những người thừa kế có yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sở hữu tài sản đối với di sản, thì các cơ quan này thường từ chối cấp giấy chứng nhận sở hữu nếu không có sự đồng ý của tất cả người thừa kế hoặc bản án, quyết định của Tòa án giao quyền sở hữu, sử dụng cho họ. Như vậy, người dân sẽ “kẹt” ở giữa hai quy định mà không đăng ký được quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Tại Tọa đàm ngày 02/03/2011, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cũng cho rằng, quy định thời hiệu khởi kiện về thừa kế trong Bộ luật dân sự gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng luật và đề xuất cần sửa đổi, bổ sung quy định này để khắc phục tránh tình trạng thời hiệu khởi kiện về thừa kế đã hết mà các bên cùng muốn chia thừa kế nhưng không cấp nào giải quyết. Trong khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự do Bộ Tư pháp thực hiện tại Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ cũng đã có nhiều ý kiến về vấn đề này.

Theo chúng tôi việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định thời hiệu về thừa kế là cần thiết theo những hướng sau: (1) có nên quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế hay không? Cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề; (2) giải pháp lý nào về hậu quả pháp lý của việc hết thời hiệu thừa kế được quy định trong Bộ luật dân sự mà không có yêu cầu về thừa kế?; (3) giải pháp pháp lý cho việc không quy định về thời hiệu thừa kế.

7. Về di chúc chung của vợ chồng

Di chúc chung của vợ chồng được quy định tại các điều 663, 664, 668 Bộ luật dân sự năm 2005. Tại Tọa đàm ngày 2/3/2011, đại diện của Tòa án nhân dân tối cao cũng đã cho rằng quy định về di chúc chung của vợ chồng còn nhiều vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và họ có đề nghị: cho phép một bên vợ, chồng có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc trong phạm vi phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của vợ, chồng. Ngoài ra nếu một người chết trước thì phần di sản có thể được chia cho những người được thừa kế khi có yêu cầu và được sự chấp thuận của người vợ, chồng còn sống.

Trong khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự do Bộ Tư pháp thực hiện tại Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ, cũng có rất nhiều ý kiến nêu lên sự bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết. Trên thực tế, khoảng cách giữa hai thời điểm chết của hai vợ chồng có thể là một thời gian dài, trong trường hợp đó việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung có được thực hiện hay không? người còn sống có những quyền nào đối với tài sản chung? Họ có nhu cầu hoặc pháp luật quy định họ phải thực hiện nghĩa vụ tài sản riêng, việc sử dụng tài sản chung đã được định đoạt trong di chúc để thực hiện nghĩa vụ riêng hoặc thực hiện việc chia tài sản chung trong trường hợp này có được công nhận không? Mặt khác, pháp luật quy định di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm người sau cùng chết, nhưng pháp luật lại cho phép vợ, chồng còn sống có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc trong phần di sản của mình, việc sửa đổi, bổ sung trong trường hợp này có dẫn tới di chúc chung còn hiệu lực hay không có hiệu lực một phần hay toàn bộ di chúc? pháp luật chưa quy định cụ thể vấn đề này. Ở các địa phương khảo sát, có ba quan điểm về di chúc chung của vợ chồng:

– Thứ nhất, việc quy định di chúc chung của vợ chồng theo Bộ luật dân sự hiện hành là phù hợp;

– Thứ hai, không nên thừa nhận di chúc chung của vợ chồng, di chúc là giao dịch đơn phương chỉ do một cá nhân lập không thể là kết quả thỏa thuận của nhiều chủ thể. Mặt khác, việc quy định di chúc chung gây ra rất nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng;

– Thứ ba, pháp luật nên quy định di chúc chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 671 Bộ luật dân sự năm 1995, theo đó, trong trường hợp vợ, chồng lập di chúc chung mà có một người chết trước, thì chỉ phần di chúc liên quan đến phần di sản của người chết trong tài sản chung có hiệu lực pháp luật; nếu vợ, chồng có thoả thuận trong di chúc về thời điểm có hiệu lực của di chúc là thời điểm người sau cùng chết, thì di sản của vợ, chồng theo di chúc chung chỉ được phân chia từ thời điểm đó;

– Thứ tư, để tránh mâu thuẫn trong quy định thời điểm có hiệu lực của di chúc chung tính từ thời điểm người sau cùng chết với quy định cho phép vợ, chồng có quyền sửa đổi, bổ sung di chúc trong phạm vi di sản của mình, đề nghị bỏ quy định nếu một người đã chết thì người kia chỉ có quyền sửa đổi, bổ sung liên quan đến phần tài sản của mình tại Điều 664 Bộ luật dân sự năm 2005.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, Bộ luật dân sự Nhật Bản (Điều 975) không thừa nhận di chúc chung của vợ chồng. Vì xét về mặt pháp lý, di chúc chỉ có hiệu lực khi người để lại di chúc chết đi. Hơn nữa, nếu hai người làm di chúc thì việc thể hiện ý chí rất phức tạp. Nhật Bản coi trọng mặt hình thức, di chúc phải dễ hiểu và phải có công chứng. Thực tế, đa số di chúc bị hủy đều do không thỏa mãn quy định về mặt hình thức.

Xuất phát từ những vấn đề về lý luận và thực tiễn nêu trên, quy định về di chúc chung của vợ chồng cũng cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo những nội dung sau: (1) có nên tiếp tục thừa nhận hay không thừa nhận di chúc chung của vợ chồng trong Bộ luật dân sự?; (2) nếu tiếp tục thừa nhận di chúc chung của vợ chồng thì cần quy định giải pháp pháp lý nào trong Bộ luật dân sự để khắc phục những vướng mắc hiện nay?. (3) nếu không thừa nhận di chúc chung của vợ chồng thì cần quy định giải pháp pháp lý nào trong Bộ luật dân sự về hậu quả đối với các trường hợp vợ chồng cùng lập di chúc chung?.

[1] Một số nội dung trong bài viết này được trích dẫn từ Báo cáo kết quả Tọa đàm về một sô định hướng trong sửa đổi cơ bản Bộ luật dân sự năm 2005 do Bộ Tư pháp và Jica tổ chức vào các ngày 02/03/2011 và 27/04/2011 tại Hà Nội và Báo cáo kết quả khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự tại Hải Phòng, Khánh Hòa, Cần Thơ do Bộ Tư pháp thực hiện trong tháng 11 – 12 năm 2010.

[2] Nhóm biên tập chuyên trách thuộc Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp).

[3] Đọc thêm, Nguyễn Hồng Hải, “Một số vấn đề cần trao đổi về thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự”, chuyên đề Hội thảo về “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự”, Ủy ban Tư pháp Quốc hội. TP.HCM, ngày 27 – 28/12/2010.

SOURCE: CHUYÊN ĐỀ TỌA ĐÀM “một số định hướng sửa đổi cơ bản Bộ luật dân sự năm 2005”, BỘ TƯ PHÁP VÀ JICA TỔ CHỨC, HÀ NỘI, NGÀY 27/4/2011 (Có bổ sung sau kết quả tọa đàm ngày 27/4/2011)

SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ – NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ Pháp luật dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

—————————————————

THAM KHẢO MỘT SỐ DỊCH VỤ TƯ VẤN LUẬT:

1. Tư vấn tách thửa đất đai;

2. Tư vấn pháp luật đất đai;

3. Tư vấn cấp lại sổ đỏ bị mất;

4. Tư vấn mua bán, chuyển nhượng đất đai;

5. Tư vấn đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

6. Tư vấn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do trúng đấu giá;