>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Vì vậy lịch sử của các hành vi hạn chế cạnh tranh có một bề dày gần tương đương với lịch sử của kinh tế thị trường. Thông thường người ta chia ra 3 loại hành vi hạn chế cạnh tranh khác nhau là: hành vi thoả thuận, hành vi cản trở và hành vi tập trung.

Như vậy, hành vi thoả thuận là một trong 3 loại hành vi có thể dẫn đến nguy cơ hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh là sự thoả thuận phối hợp hành động với nhau (bằng văn bản và không bằng văn bản) giữa các doanh nghiệp độc lập để nâng cao vị thế của mình, cản trở cạnh tranh mà không cần phải có sự nỗ lực trên thị trường. Trên cơ sở mối quan hệ giữa các doanh nghiệp tham gia thoả thuận, người ta chia các hành vi thoả thuận ra 2 nhóm: thoả thuận theo chiều ngang và thoả thuận theo chiều dọc:

Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp - 1900.0191

Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Ảnh minh họa

Thoả thuận theo chiều ngang: là hình thức cartel để khống chế giá, phân chia thị trường,… hoặc sự thoả thuận phối hợp hành động nào đó trong một thời gian nhất định để cản trở cạnh tranh từ doanh nghiệp khác.

Thoả thuận theo chiều dọc: thoả thuận có thể được thực hiện ở 3 hình thức như định giá, thương lượng giá và các thoả thuận license. Tuỳ theo từng mục tiêu, mức độ, các thoả thuận này có tác động khác nhau, thậm chí một số thoả thuận hoàn toàn có ý nghĩa tích cực cho nền kinh tế và cho xã hội.

Theo Luật Cạnh tranh của Việt nam (ban hành 2004), thoả thuận cạnh tranh được xác định như sau:

Điều 8. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm:

1. Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp;

2. Thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ;

3. Thoả thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hoá, dịch vụ;

4. Thoả thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư;

5. Thoả thuận áp đặt cho doanh nghiệp khác điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng;

6. Thoả thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh;

7. Thoả thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên của thoả thuận;

8. Thông đồng để một hoặc các bên của thoả thuận thắng thầu trong việc cung cấp hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

Theo định nghĩa này, khái niệm về hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh ở Luật Cạnh tranh Việt nam không chỉ bao gồm những thoả thuận mang tính cartel thông thường mà cả những thoả thuận để ngăn cản cạnh tranh của các doanh nghiệp không tham gia thoả thuận.

Cũng theo Luật Việt nam, mức độ ngăn cấm các hành vi thoả thuận cũng khác nhau:

.Điều 9. Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm

1. Cấm các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 6, 7 và 8 Điều 8 của Luật này.

2. Cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 8 của Luật này khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.

Điều 9 là một điểm tương đối đặc biệt, phù hợp với những quốc gia mà thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, mức độ tự do kinh doanh (đặc biệt là tự do gia nhập thị trường) còn bị hạn chế. Tại quốc gia mà thể chế kinh tế thị trường đã ở mức độ tương đối hoàn chỉnh thì các hành vi thoả thuận cạnh tranh theo các khoản 6 và 8 của điều 8 khó có thể thực hiện được, hoặc nếu có thực hiện thì tác động làm cản trở cạnh tranh cũng chỉ ở mức độ rất hạn chế.

Trên cơ sở Luật Cạnh tranh (ban hành 2004), ngày 15/9/2005 Chính phủ Việt nam đã ban hành Nghị định số 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh. Toàn bộ mục 3 (từ Điều 14 đến Điều 21) của Nghị định liên quan đến hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, theo đó, những khái niệm về hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh ở Điều 8 của Luật Cạnh tranh đã được cụ thể hoá và chi tiết hơn.

Hạn chế theo chiều ngang thông qua cartel và các hành vi thông đồng của các doanh nghiệp

Cartel là gì?

Thoả thuận dạng Cartel được xác định qua 3 đặc điểm sau:

– Hạn chế sự tự do cạnh tranh của các doanh nghiệp khác trên thị trường liên quan theo một hoặc nhiều thông số khác nhau.

– Có sự thoả thuận bằng văn bản hoặc không bằng văn bản (phối hợp hành động) giữa các doanh nghiệp đang cạnh tranh (hoặc sẽ cạnh tranh) trên thị trường.

– Các doanh nghiệp tham gia cartel hoạt động độc lập với nhau.

Các hình thức cartel

Theo từng loại hình thông số, mức độ hạn chế cạnh tranh và mục tiêu trong thoả thuận, người ta thường phân loại cartel theo các nhóm khác nhau

* Theo những thông số trong thoả thuận, có các loại cartel sau:

– Cartel giá: là thoả thuận thông nhất giá giữa các doanh nghiệp, có thể đó là giá cố định của cartel, giá tối thiểu, giá tối thiểu, cách tính giá hoa hồng, cách xác định giảm giá. Một số cartel giá được pháp luật chấp thuận và được thực hiện trên thị trường.

– Cartel điều kiện: là loại thoả thuận, thống nhất những điều kiện về giao hàng, thanh toán nói chung.

– Cartel về khối lượng sản phẩm: là loại thoả thuận phục vụ cho các nguyên tắc về xác định khối lượng sản phẩm (sản xuất hoặc tiêu thụ), cartel phân chia khu vực.

– Cartel sản xuất: là loại thoả thuận phục vụ nguyên tắc xác định các loại sản phẩm và phương pháp sản xuất, ví dụ thoả thuận về những tiêu chuẩn trong sản xuất (cartel định chuẩn).

* Theo mức độ hạn chế cạnh tranh từ tác động của thoả thuận, người ta thường chia cartel theo 2 nhóm: ảnh hưởng thấp và ảnh hưởng cao.

– Nhóm ảnh hưỏng thấp (ví dụ cartel định chuẩn) sẽ được thực hiện sau khi hoàn thành một số bước để hợp pháp như đăng ký và chờ giấy phép trong một thời gian ngắn.

– Nhóm ảnh hưởng cao (ví dụ: cartel giá, cartel phân chia khu vực) thông thường bị ngăn cấm vô thời hạn.

* Theo mục tiêu của thoả thuận, ví dụ để hợp tác tốt hơn hoặc để xử lý các vấn đề trong quá trình khủng hoảng cơ cấu (cartel hợp tác, cartel khủng hoảng cơ cấu)

Điều kiện để hình thành cartel

Khả năng và mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp trong việc hợp tác dạng cartel thường lệ thuộc vào một số nhân tố cơ bản sau:

Những nhân tố liên quan đến cấu trúc thị trường: số lượng các doanh nghiệp ít, mức độ minh bạch (transparent) của thị trường và mức độ thuần nhất của sản phẩm tương đối cao, mức độ “chín muồi” của sản phẩm và phương pháp sản xuất đã tương đối phát triển. Như vậy, mức độ lệ thuộc giữa các doanh nghiệp thông qua quá trình học hỏi giữa các doanh nghiệp dễ dàng được nâng cao, sự liên kết sẽ được dễ dàng hơn đồng thời cũng dễ dàng dựng lên những rào cản (gia nhập thị trường) về pháp lý và thực tế đối với những doanh nghiệp mới hình thành.

Điều kiện đối xứng: là sự tương đồng giữa các doanh nghiệp về các điều kiện sản xuất trên giác độ chi phí trung bình và mối tương quan giữa chi phí cố định với chi phí biến đổi cũng như tiềm lực nguồn tài chính.

Độ co giãn về cung tương đối lớn: do hệ số huy động năng lực còn ở mức độ thấp nên từng doanh nghiệp thường có xu hướng nâng cao thị phần của mình, gây thiệt hại cho doanh nghiệp cạnh tranh khác. Trong trường hợp xem xét tổng thể một ngành thì hiện tượng hệ số huy động năng lực sản xuất không cao sẽ là một nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp hình thành cartel.

Độ co giãn giá so với tổng cầu thấp: Trường hợp này (việc nâng giảm giá ít ảnh hưởng đến tổng cầu) cũng dễ dẫn đến xu thế thoả thuận hình thành cartel giá để nâng cao lợi nhuận vì phương thức này sẽ dễ dàng hơn phương thức áp dụng giá cạnh tranh.

Đánh giá tác động của cartel từ góc độ chính sách cạnh tranh

Một số tác động tiêu cực:

Mục tiêu phân bổ nguồn lực các nhân tố sản xuất một cách tối ưu sẽ bị ảnh hưởng khi thoả thuận cartel dẫn đến thoả thuận nâng cao chi phí và giá bán. Do thiếu hiệu quả (chi phí bị đẩy cao) hoặc quan hệ giá theo dạng thức “độc quyền tập thể”, cartel sẽ tác động đến mối quan hệ giữa giá các nhân tố sản xuất, làm cho mối quan hệ này không thể hiện được sự khan hiếm của chúng. Từ đó sẽ dẫn đến hiện tượng phân bổ các nguồn lực theo tối ưu cục bộ và dẫn đến hiện tượng ra những quyết định sai về phân bổ nguồn lực trong xã hội.

Nguyên tắc phân phối thu nhập theo thành tích bị ảnh hưởng tiêu cực khi xuất hiện sự phân bổ nguồn lực theo dạng tối ưu cục bộ. Việc hình thành cartel sẽ nâng cao mức độ độc quyền và nhiều khi còn được sự ủng hộ của tổ chức công đoàn ngành (thông qua việc hình thành 2 cực độc quyền ở thị trường lao động và xu hướng độc quyền ở ngành này sẽ đưa lại lợi ích cho cả 2 phía).

Cartel có thể tác động đến phát triển khoa học công nghệ theo 2 chiều: thông qua việc nâng cao lợi nhuận, cartel có thể có điều kiện để đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), song có điều kiện có ý muốn lại là 2 việc khác nhau. Thông thường thì cartel được hình thành tại những lĩnh vực mà độ “chín muồi” tương đối lớn hoặc đang ở tình trạng suy thoái, chính vì vậy cartel ít có ý định dùng lợi nhuận để đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.

Sự linh hoạt để tạo ra sản phẩm thích nghi với điều kiện mới sẽ bị giảm dưới những tác động của cartel.

Tuy vậy, cartel có thể có những ảnh hưởng hoặc tích cực lên cạnh tranh, ví dụ:

Cartel định chuẩn hoặc cartel hợp lý hoá có thể có vai trò tích cực đến năng lực sản xuất cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Do vậy, loại hình cartel này không bị ngăn cấm ở các quốc gia.

Cartel hình thành thông qua sự hợp tác của các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ làm nâng cao năng lực cạnh tranh của những doanh nghiệp này và cải thiện điều kiện cạnh tranh trên thị trường. Với lý do đó, cartel của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không bị pháp luật cấm đoán.

Hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc thông qua áp đặt giá hoặc đề xuất giá

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc thường được thể hiện qua 3 đặc điểm sau:

– Hạn chế tự do các hành động liên quan đến cạnh tranh theo một hoặc nhiều thông số,

– Thông qua cái gọi là hợp đồng trao đổi để hạn chế ít nhất là một bên ký kết hợp đồng trong việc ký kết với người thứ ba,

– Thoả thuận giữa những doanh nghiệp độc lập về mặt pháp lý, những doanh nghiệp này có mối quan hệ là người bán – người mua trên thị trường.

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc

Thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc chủ yếu thể hiện qua những thoả thuận về giá, nổi bật nhất là hình thức áp đặt giá. Trường hợp này xảy ra khi có sự ép buộc giá bán giữa các giai đoạn khác nhau trong kinh doanh, thông qua đó việc bán lại (các nhà bán buôn với bán lẻ) phải theo một giá cam kết với nhà sản xuất.

Nếu như các nhà kinh tế, các trường phái kinh tế đều thống nhất với nhau ở quan điểm ngăn cấm hầu hết thoả thuận theo chiều ngang vì tác động hạn chế cạnh tranh của chúng thì đối với các thoả thuận theo chiều dọc lại có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ngay cả trong một quốc gia, những điều ngăn cấm thoả thuận theo chiều dọc cũng phải thường xuyên điều chỉnh do quan điểm nhìn nhận tác động tích cực và tiêu cực của hình thức thoả thuận của giới cầm quyền.

Một số trường hợp miễn trừ

Một trong những vấn đề gây tranh chấp và bàn cãi nhiều trong lý thuyết là sự “xung đột” giữa nguyên tắc hiệu quả theo quy mô và sự đảm bảo duy trì cơ chế cạnh tranh vận hành trên thị trường, giữa vấn đề đảm bảo sự vận hành của cơ chế cạnh tranh trên thị trường trong nước với việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của một ngành kinh tế trong nước. Dựa trên phân tích tác dụng và tác hại của từng hình thức thoả thuận, tuỳ theo từng quan điểm của Chính phủ mỗi quốc gia, người ta đưa ra những trường hợp miễn trừ cho một số hình thức thoả thuận (cartel) trong luật cạnh tranh.

Thông thường, cartel sẽ được miễn trừ trong một số trường hợp sau:

Cartel định chuẩn: mục tiêu của cartel này là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp các loại sản phẩm, vật liệu có thể “lắp lẫn” được với nhau thông qua việc thống nhất tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật. Với cartel ở hình thức này, việc cung ứng hàng hoá sẽ được cải thiện và hợp lý hoá hơn.

Cartel hợp lý hoá (rationalization): là cartel giữa một số doanh nghiệp nhằm thực hiện những dự án hợp lý hoá trong công nghệ, thông qua đó có thể nâng cao hiệu quả và năng suất lao động.

Cartel chuyên môn hoá: là cartel giữa một số doanh nghiệp trên cơ sở phân công lao động giữa các doanh nghiệp này. Sự hình thành cartel này chỉ được phép khi mà nó không bóp méo cấu trúc thị trường theo hướng tạo ra vị trí khống chế thị trường cho một (hoặc một vài) doanh nghiệp tham gia cartel.

Cartel hợp tác hoá: là cartel tạo điều kiện cho việc hợp tác giữa các doanh nghiệp tham gia. Thông thường cartel này được chấp thuận đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cartel xuất khẩu: là cartel liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu có cùng một mặt hàng hoặc một thị trường xuất khẩu. Thông qua cartel này, các doanh nghiệp sẽ tránh được phần nào sự chèn ép của các doanh nghiệp lớn khác trên thị trường thế giới. (cần đặc biệt lưu ý: các hoạt động cho phép đối với cartel này chỉ là những hoạt động ở thị trường ngoài nước chứ không được áp dụng đối với các hoạt động ở thị trường trong nước (ví dụ thu mua hàng xuất khẩu) để tránh hiện tượng độc quyền trong thu mua).

Cartel nhập khẩu: mục tiêu và ý nghĩa tương tự như cartel xuất khẩu.

Cartel khủng hoảng cơ cấu: thông thường cartel này được cho phép khi xuất hiện khủng hoảng ở một ngành nào đó do sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế (ví dụ các ngành đóng tàu, khai thác than ở Tây Âu) với mục tiêu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực (đặc biệt là về mặt xã hội) của khủng hoảng gây ra.

Bên cạnh những trường hợp trên, một số quốc gia còn cho phép thêm một vài trường hợp ngoại lệ. Những trường hợp này, về mặt lý thuyết còn có nhiều vấn đề tranh cãi. Ví dụ:

Cartel về các điều kiện kinh doanh: là cartel có những thoả thuận về điều kiện kinh doanh, cung ứng, thanh toán, Bên cạnh mặt tích cực của cartel này là tăng tính tường minh của thị trường còn có điểm cần cân nhắc là nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh trên thị trường. Đó là sự liên kết của các doanh nghiệp trên cơ sở xác định các điều kiện có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp mới (hoặc sẽ) xuất hiện và cũng gây trở ngại cho tính năng động, đổi mới của mỗi doanh nghiệp tham gia cartel.

Cartel giảm giá: là cartel có thoả thuận liên quan đến việc giảm giá (mức độ, thời điểm). Cartel này cũng giúp nâng cao tính minh bạch của thị trường song cũng có thể tạo ra nguy cơ dùng sức mạnh của cartel để gây sức ép về giá đối với các doanh nghiệp không tham gia cartel.

Cartel đặc biệt: là cartel không nằm trong những trường hợp trên song lại được Thủ tướng hoặc Bộ trưởng (có trách nhiệm) cho phép trên cơ sở cân nhắc lợi ích tổng thể của toàn xã hội trong việc “cứu vớt” một ngành nào đó, khi mà những công cụ khác hoàn toàn không có tác dụng . Do cartel được quyết định riêng lẻ cho từng trường hợp, vì thế hình thức này khó có thể tránh khỏi tính chủ quan trong quá trình ra quyết định.

Bảng 1: Những trường hợp miễn trừ của cartel

Hình thức cartel

Đối tượng

Nguyên nhân

Cartel định chuẩn

Cartel hợp lý hoá

Cartel chuyên môn hoá

Cartel hợp tác hoá

Cartel xuất khẩu

Cartel nhập khẩu

Cartel khủng hoảng cơ cấu

Cartel các điều kiện

Cartel giảm giá

Cartel đặc biệt

Thống nhất tiêu chuẩn, định mức

Thoả thuận về những dự án hợp lý hoá

Hợp lý hoá thông qua thoả thuận phân công lao động

Hợp tác giữa các xí nghiệp nhằm thực hiện hợp lý hoá

Thoả thuận về những thị trường xuất khẩu

Thoả thuận về việc cung ứng từ nước ngoài

Thích nghi năng lực sản xuất với việc giảm tiêu thụ

Thoả thuận về các điều kiện kinh doanh, cung ứng và thanh toán

Cho phép giảm giá

Thủ tướng, Bộ trưởng có thể cho phép lập cartel với mục tiêu bảo vệ lợi ích tổng thể nền kinh tế

Hợp lý hoá, cải thiện việc cung ứng

Như trên

Như trên

Như trên; hướng vào DNV&N

Tạo cân bằng trên những thị trường ngoài nước

Tạo đối trọng thị trường khi không có cạnh tranh trên thị trường ngoài nước

Thích nghi cơ cấu nhanh chóng ở các thị trường bị thu hẹp, giảm sự căng thẳng xã hội

Cải thiện tính tường minh của thị trường

Như trên; ngăn chặn việc hạ giá quá đáng

Là công cụ cuối cùng khi một ngành bị đe doạ và những công cụ khác không có tác dụng

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỤC QUẢN LÝ CẠNH TRANH – BỘ CÔNG THƯƠNG – VÕ DUY THÁI

Trích dẫn từ: http://www.vcad.gov.vn

(MLAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)