1. Sự ra đời của chính phủ

Chính phủ được ra đời tại Vương Quốc Anh vào khoảng thế kỷ 17,18. Vào khoảng thế kỉ 15,16 để giúp nhà vua trị nước, an dân các quan lại gọi là những bậc quần thần thượng thư phụ tá. Nhà vua thường triệu tập các bậc quần thần này để lấy ý kiến của họ về những việc quan trọng. Đến thế kỉ 17 dựa trên cơ sở các bậc quần thần này, 1 cơ quan được thiết lập với tên gọi cơ mật viện. Đó là cơ quan tối cao giúp nhà vua thảo luận, quyết định những vấn đề trọng đại cà bí mật. Đến đầu thế kỉ 18 năm 1714, khi Geogre lên ngôi, vị vua Anh này mang dòng máu Đức, không biết rành rọt tiếng Anh, rất chểnh mảng việc dự các phiên họp của viện Cơ mật nói trên. Dần dần công việc cai trị đất nước của nhà vua ủy thác hoàn toàn cho viện cơ mật. Không có nhà vua chủ trì, viện cơ mật buộc phải bầu ra trong số quần thần một vị thượng thư thứ nhất đứng ra chủ trì phiên họp.

Sau này các thượng thư được chuyển đổi tên thành các bộ trưởng, hội nghị trên thành nội các. Thượng thư thứ nhất chủ trì cuộc họp sau này gọi là thủ tướng. Các bộ trưởng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cai trị quốc gia, thường họp thành nội các nhưng không có mặt của nhà vua. Nội các dần chở thành một tập thể thống nhất hành động dưới quyền chủ tọa của thủ tướng, liên đới chịu trách nhiệm trước quốc hội.

Vua vắng mặt các vị thượng thư càng thấy dễ dàng hơn và yên ổn hơn khi chống đối các ý kiến của vua đồng thời họ củng cố lẫn nhau bằng cách chịu trách nhiệm chung về các quyết định. Vua George Đệ Tam, vốn sinh trưởng ở Anh, mặc dù thành thạo tiếng anh, tìm cách phục hồi quyền lực. Nhưng ông đã bị thất bại năm 1776. Vào những năm trị vì cuối cùng, vua bị điên nên uy thế của nội các đối với việc cai trị nhà nước càng vững vàng thêm.

Căn cứ vào sự kiện trên mà nhiều người cho rằng chính phủ xuất hiện trong xã hội loài người vào thế kỉ thứ XVII và XVIII.

2. Vị trí pháp lý của chính phủ 

Để thấy rõ vị trí pháp lý của Chính phủ trong bộ máy nhà nước thì cần phải phân tích mối quan hệ của Chính phủ với các thiết chế chính trị:

– Mối quan hệ của chính phủ với đảng phái chính trị: Đảng cầm quyền là đảng chi phối hoạt động của chính phủ. Ở Cộng hòa Nghị viện, Đảng có đa số ghế cầm quyền. Ở Cộng hòa Hòa Tổng thống chính phủ không phụ thuộc vào đảng đa số ghế trong Nghị viện.

– Mối quan hệ giữa Chính phủ với Nghị Viện:

+ Ở Cộng hòa Nghị viện: Chính phủ được thành lập từ nghị viện, chịu trách nhiệm trước Nghị viện nhưng Chính phủ luôn khống chế và ép Nghị viện thông qua các quyết định của mình.

+ Ở Cộng hòa Tổng thống: Chính phủ nằm trong tay tổng thống, không phụ thuộc hay chịu trách nhiệm trước Nghị viện, thậm chí là ngang hàng hoặc đứng trước Nghị viện.

– Mối quan hệ giữa Chính phủ với nguyên thủ quốc gia:

+ Ở Cộng hòa Nghị viện: Nguyên thủ quốc gia thể hiện mối qua hệ với chính phủ thông qua Thủ tướng. Nguyên thủ quốc gia chỉ phê chuẩn các hoạt động đã rồi của Chính phủ, nguyên thủ quốc gia tham gia thành lập Chính phủ theo hình thức “Nhà Vua trị vì mà không cai trị”

+ Ở Cộng hòa Tổng thống:Tổng thống tự mình thực hiện quyền lãnh đạo với chính phủ. Các bộ trưởng là người giúp việc Tổng thống

Vị trí của Chính phủ được quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, có quyền tổ chức thực hiện các văn bản luật do Nghị viện ban hành và có quyền ban hành các văn bản quy phạm dưới luật để quản lý đất nước.

3. Cách thức thành lập và cơ cấu của chính phủ

3.1. Cách thức thành lập chính phủ

– Phương pháp thành lập chính phủ dựa trên cơ sở nghị viện

+ Đảng nào chiếm đa số ghế trong nghị viện có quyền đứng ra thành lập chính phủ. Đây là nguyên tắc của các nước theo chính thể đại nghị kể cả quân chủ lẫn cộng hòa.

+ Ở Anh, về hình thức, nữ hoàng Anh bổ nhiệm thủ tướng, nhưng trên thực tế nữ hoàng Anh không thể bổ nhiệm một người nào đó khác hơn là thủ lĩnh đảng cầm quyền, đảng chiếm được đa số ghế trong hạ nghị viện. Sau khi đã được nữ hoàng bổ nhiệm, thủ tướng đứng ra thành lập chính phủ, bao gồm các bộ trưởng.

+ Trong trường hợp trong nghị viện không xác định được đa số để trở thành đảng duy nhất cầm quyền, thì chính phủ phải được thành lập bằng liên minh các đảng phái mạnh. Ví dụ như ở Đức, theo quy định của hiến pháp, tổng thống, với tư cách là nguyên thủ quốc gia, đứng đầu nhà nước có quyền giới thiệu ứng cử viên cho hạ nghị viện bầu thủ tướng. Nếu người đó được ít nhất 50% +1 phiếu thuận thì đương nhiên trở thành thủ tướng, nếu không đủ phiếu thuận theo quy định trên thì tổng thống có quyền bổ nhiệm ứng cử viên có nhiều phiếu thuận hơn làm thủ tướng.

+ Việc thành lập chính phủ dựa trên cơ sở nghị viện và chính phủ phải chịu trách nhiệm trước nghị viện là đặc điểm của chính thể nghị viện. Việc pháp luật quy định vai trò của nguyên thủ quốc gia trong việc thành lập chính phủ chỉ là hình thức, không có hiệu lực thực sự trê thực tế.

– Phương pháp thành lập chính phủ không dựa trên cơ sở nghị viện: Đây là phương pháp của các nước theo chính thể cộng hòa tổng thống. Nguồn gốc của phương pháp này là do việc tổ chức bộ máy nhà nước dựa trên nguyên tắc phân quyền cứng rắn, chính phủ không chịu trách nhiệm trước nghị viện, không bị nghị viện lật đổ và nghị viện cũng không bị giải tán trước khi hết nhiệm kì, tổng thống với tư ccahs là người đứng đầu hành pháp và đứng đầu nhà nước không do nghị viện bầu ra hoặc bầu ra không trên cơ sở nghị viện, mà do dân trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra, có quyền quyết định thành phần chính phủ.

3.2. Cơ cấu chính phủ

Cơ cấu thành lập chính phủ rất đa dạng, nhưng nói chung có thể quy về 2 hệ thống: hệ thống cấu tạo theo kiểu Châu Âu lục địa và hệ thống cấu tạo theo kiểu Ăng lô-Sắc xông

+ Hệ thống cấu tạo theo kiểu Châu Âu lục địa

+ Trong thành phần chính phủ, bao gồm tất cả các bộ trưởng và tương đương bộ trưởng. Các bộ trưởng và những người mang hàm tương đương bộ trưởng như: quốc vụ khanh, thư kí nhà nước, dưới sự lãnh đạo của thủ tướng hợp thành một cơ quan hoạt động tập thể có một thẩm quyền rất rộng lớn là thực hiện tất cả những nhiệm vụ của giai cấp thống trị tư sản

+ Ở cộng hòa liên bang Đức, chính phủ là cơ quan lãnh đạo tập thể, gồm có thủ tướng và các bộ trưởng liên bang. Thủ tướng lựa chonnj trong số các bộ trưởng 1 phó thủ tướng, có quyền thay mặt thủ tướng khi thủ tướng ốm hoặc vắng mặt. tham gia các công việc thường xuyên của chính phủ là các chánh văn phòng phủ tổng thống, giám đốc cơ quan in ấn và thông tin và cố vấn của thủ tướng. Các thủ tướng các bang có thể được tham dự các phiên họp của chính phủ, khi chính phủ bàn những vấn đề có liên quan.

+ Hệ thống cấu trúc chính phủ theo kiểu Ăng lô- Sắc xông

Hệ thống này có hai đặc điểm:

Thứ nhất, cơ quan thực sự thực hiện quyền hành pháp tối cao không được quy định bằng hiến pháp, hoạt động của các cơ quan này đều dựa trên các quy định của hiến pháp không thành văn. Không có một văn bản nào, một quy định thành văn nào xác định thành phần, cấu trúc cũng như quyền hạn của chính phủ

Thứ hai, trong thành phần của chính phủ có nội các chỉ gồm một số các bộ trưởng quan trọng. Bộ trưởng nằm trong thành phần nội các có tầm quan trọng hơn bộ trưởng chỉ là thành viên của chính phủ. Chính phủ là cơ quan hành pháp bao gồm tát cả các quan chức cao cấp thuộc các cơ quan chấp hành, được phân thành các hàm cấp khác nhau không phải bất cứ hàm cấp nào cũng đảm nhiệm lãnh đạo một bộ tương ứng.

4. Thẩm quyền của chính phủ

Khi phân tích thẩm quyền của Chính phủ ngoài việc tìm hiểu các quy định quyền hạn và trách nhiệm của Chính phủ trong hiến pháp, chúng ta phải đi sâu vào nghiên cứu quyền hạn thực sự của Chính phủ được thi hành trên thực tế bởi đa số hiến pháp của đa số các quốc gia chỉ quy định thẩm quyền chung của chính phủ. Có thể nói hiện nay dù ít hay nhiều không có một lĩnh vực nào của đời sống xã hội lại không có sự quản lí của Chính phủ. Nhưng trên thực tế quyền hạn của Chính phủ tập trung vào những lĩnh vực sau đây:

4.1. Trong lĩnh vực kinh tế tài chính.

– Chính phủ soạn thảo ngân sách nhà nước và trình để nghị viện quyết định, đông thời tổ chức và bảo đảm việc thực hiện ngân sách đã thông qua

– Soạn thảo và trình dự thảo về chính sách tài chính, thuế,…

– Vạch định và xây dựng các chương trình dự thảo về phát triển kinh tế xã hội đồng thời bảo đảm việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế – xã hội đã được nghị viện hoặc người đứng đầu nhà nước thông qua.

4. 2. Thẩm quyền của Chính phủ trong lĩnh vực lập quy

– Lập quy là một trong những chức năng quan trọng của Chính phủ. Chính phủ ban hành các văn bản có tính quy phạm pháp luật khác nhau để triển khai thực hiện các văn bản luật đã được nghị viện thông qua. Các văn bản này có tính chất dưới luật.

– Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền trực tiếp, gián tiếp của nghị viện. Việc Chính phủ ban hành các văn bản này có thể được nghị viện trực tiếp hoặc gián tiếp cho phép. Trường hợp này gọi là lập pháp ủy quyền

4. 3. Trong lĩnh vực đối ngoại.

– Chính phủ tham gia ký kết các hiệp định quốc tế với các quốc gia khác hoặc với các tổ chức quốc tế, đông thời tổ chức việc thực hiện các hiệp định đã được ký kết hoặc đã được phê chuẩn.

– Chính phủ tham gia vao việc bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền và các đại diện khác của đất nước trong các tổ chức quốc tế.

4.4. Trong lĩnh vực lập pháp và thi hành luật.

– Chính phủ tham gia tích cực vào hoạt động lập pháp trên cơ sở quyền sáng kiến pháp luật mà hiến pháp trao cho

– Tại những quốc gia có chính thể cộng hòa đại nghị và một số quốc gia có chính thể hỗn hợp, chính phủ dựa vào sự ủng hộ của đa số thành viên nghị viên không những tự xác định chương trình hoạt động của mình mà còn tích cực tham gia vào hoạt động lập pháp.

– Tại những quốc gia có chính thể cộng hòa tổng thống, chính phủ tác động đến quá trình lập pháp của nghị viện không những bằng quyền sáng kiến pháp luật mà còn bằng quyền phủ quyết của tổng thống. 

4.5. Đối với tình trạng khẩn cấp.

– Chính phủ đa số các quốc gia có quyền hạn đặc biệt trong việc quyết định tình trạng khẩn cấp.

– Ở một số nước theo chính thể cộng hòa đại nghị, chính phủ có quyền quyết định tình trạng khẩn cấp, khi đất nước lâm vào tình trạng bị đe dọa nạn ngoại xâm hoặc tình trạng bất ổn định trong nước. Về hình thức quyền này hiến pháp quy định cho nguyên thủ quốc gia. Nhưng trên thực tế lại nằm trong tay Chính phủ.

– Ở một số nước khác, việc quyết định tình trạng khẩn cấp thuộc thẩm quyền của nghị viện và chính phủ. Nhưng trên thực tế, giống như ở trên nó vẫn thuộc chính phủ.

4.6. Các thẩm quyền khác.

Ngoài những thẩm quyền nói trên, chính phủ còn có những thẩm quyền khác. Ví dụ, Hiến pháp Tây ban Nha trao cho Chính phủ quyền hạn quan trọng trong lĩnh vực bảo đảm pháp chế. Chính phủ một số quốc gia còn công bố các đạo luật được nghị viện thông qua, quyết định ân xá, giảm án tù,…

5. Cơ chế chịu trách nhiệm của chính phủ

Về nguyên tắc Chính phủ chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Bởi chính phủ được thành lập dựa trên cơ sở Nghị viện, Chính phủ chỉ được hoạt động khi vẫn còn sự tín nhiệm của Quốc hội( Nghị viện ). Khi không còn tín nhiệm, không còn được đa số nghị sĩ ủng hộ thì Chính phủ phải từ chức và thay bằng chính phủ mới. Đó là trách nhiệm pháp lí mà chính phủ phải chịu.

Trách nhiệm chính trị của chính phủ trước nghị viện được áp dụng ở những quốc gia có chính thể đại nghị, cộng hòa hỗn hợp. trách nhiệm chính trị của chính phủ trước người đứng đầu nhà nước được áp dụng ở những quốc gia có chính thể cộng hòa tổng thống, cộng hòa hỗn hợp và quân chủ. Nội dung pháp lí của trách nhiệm chính trị của chính phủ là sự từ chức của chính phủ.

Trong việc kiểm tra các hoạt động của chính phủ, ngoài những biện pháp chất vấn, hay điều tra, Quốc hội còn có thể áp dụng một biện pháp quyết liệt hơn, đó là khuyến cáo nguyên thủ quốc gia giải nhiệm một phần hay toàn thể nội các.

Lật đổ chính phủ thường được biểu hiện dưới hai hình thức:

+ Chính phủ đặt vấn đề tín nhiệm trước nghị viện: chính phủ cảm thấy không còn vững tin vào sự tín nhiệm của Quốc hội, tự nêu vấn đề tín nhiệm để Quốc hội xem xét Chính phủ còn hay không còn tín nhiệm nữa.

Quốc hội đặt vấn đề với chính phủ: Chính phủ không tự biết mình, quốc hội buộc nêu vấn đề bất tín nhiệm bằng một nghị quyết khiển trách Chính phủ. Khi nghị quyết khiển trách được đa số tuyệt đối nghị sĩ thông qua, Chính phủ đương nhiên phải từ chức.

Lí do của việc Chính phủ bất tín nhiệm có rất nhiều. Trước hết là kết quả hoạt động của chính phủ không được Quốc hội chấp thuận, sau đó là những dự án mà Chính phủ trình Quốc hội nhưng không được quốc hội thông qua, nhất là về dự án ngân sách. Có khi quốc hội bác bỏ dự án ngân sách do chính phủ đệ trình được coi như là sự bất tín nhiệm. bởi vì tất cả mọi chương trình hành động, mọi kế hoạch , mọi chính sách quốc gia đều được phác họa trong dự án ngân sách. Ở đa số các quốc gia, trách nhiệm của chính phủ mang tính chất liên đới. Trong trường hợp đường lối chính sách của chính phủ không được nghị viện hoặc người đứng đầu nhà nước tán thành thì toàn bộ chính phủ phải từ chức. Thứ hai về trách nhiệm pháp lí: từng thành viên của chính phủ phải chịu trách nhiệm pháp lí về những hành vi vi phạm pháp luật của mình.

 

Trân trọng./.

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).