1. Thế nào là đề nghị giao kết hợp đồng?

Theo Điều 386 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về đề nghị giao kết hợp đồng như sau:

“Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).”

Để có được sự thống nhất ý chí của các bên trong quan hệ hợp đồng thì các bên cần phải bày tỏ ý chí với nhau thông qua quá trình giao kết hợp đồng. Quá trình giao kết hợp đồng bao gồm hai giai đoạn là đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

2. Khi nào thì một lời đề nghị được coi là đề nghị giao kết hợp đồng?

Để được coi là một lời đề nghị giao kết hợp đồng thì sự bày tỏ ý chí của một bên phải thỏa mãn các điều kiện sau:

– Thứ nhất: Phải thể hiện rõ ý định muốn giao kết một hợp đồng

Đề nghị được hiểu là đưa ra một yêu cầu và mong muốn được bên kia chấp nhận. Được công nhận là một lời đề nghị giao kết hợp đồng thì một điều kiện tất yếu đó là mong muốn xác lập một hợp đồng với một chủ thể khác của bên đưa ra lời đề nghị. Chính vì vậy nếu việc bày tỏ ý chí của một bên lại không chứa đựng sự mong muốn đó thì không thể coi đó là một lời đề nghị giao kết hợp đồng mà có thể là một lời đề nghị khác.

Vậy, làm thế nào để xác định được “ý định muốn được giao kết một hợp đồng”? Thực ra, không nhất thiết bên đề nghị phải tuyên bố rõ ràng rằng tôi có mong muốn được xác lập hợp đồng mà tuỳ thuộc vào nội dung, ngôn từ của lời đề nghị trong từng trường hợp cụ thể mà có thể xác định được ý muốn đó hay không. Có những trường hợp một lời đề nghị mặc dù nêu rất chi tiết nội dung của hợp đồng dự định giao kết nhưng nếu người đề nghị có đưa ra một số bảo lưu thì đề nghị này chỉ được xem là lời mời đàm phán. Ví dụ: Những bản giới thiệu, thậm chí dự thảo hợp đồng gửi cho đối tác có kèm theo câu “bản chào hàng này không có giá trị như một đề nghị giao kết hợp đồng” cho dù đã hàm chứa đầy đủ các nội dung của hợp đồng, vẫn chỉ là lời mời đàm phán.

– Thứ hai: Phải chứa đựng các nội dung cơ bản của hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng phải chứa đựng các nội dung cơ bản của hợp đồng tức là bao gồm những điều khoản chủ yếu của hợp đồng để nếu bên được đề nghị đồng ý với lời đề nghị thì có thể chấp nhận ngay và hợp đồng sẽ được hình thành. Còn nếu một bên bày tỏ ý định một cách chung chung như một lời chào hàng hoặc quảng cáo thì đó không được coi là một lời đề nghị giao kết hợp đồng và không phải chịu rÀng buộc đối với những thông tin đó. Pháp luật không liệt kê những nội dung được coi là nội dung chủ yếu của đề nghị, vì vậy tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể và căn cứ vào tính chất và bản chất của từng loại hợp đồng để quyết định. Ví dụ: Đối với một đề nghị giao kết một hợp đồng mua bán hàng hóa, thì điều khoản cơ bản bắt buộc cần phải có là đối tượng và giá cả.

– Thứ ba: Phải được gửi tới một bên xác định cụ thể hoặc tới công chúng

Rõ ràng, đề nghị giao kết hợp đồng là thể hiện ý chí muốn được hướng tới giao kết một hợp đồng nên nó phải được gửi tới chủ thể phía bên kia là bên được đề nghị để bên đó tiếp nhận, xem xét và thể hiện ý chí của mình về việc chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng của bên đề nghị đưa ra.

Nếu Bộ luật dân sự cũ chỉ xác định một lời đề nghị được gửi tới một bên xác định thì Bộ luật dân sự năm 2015 công nhận cả trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng được gửi tới công chúng. Quy định này cũng là phù hợp bởi lẽ một bên có thể mong muốn giao kết hợp đồng với nhiều chủ thể cùng lúc với cùng một nội dung. Để tiết kiệm thời gian và tạo thuận lợi cho các bên giao kết hợp đồng, điểm mới này của Bộ luật dân sự năm 2015 là hoàn toàn hợp lý và nó cũng thường được áp dụng đối với các loại hợp đồng theo mẫu như mua bán điện, nước, xăng dầu, dịch vụ viễn thông….

3. Bên đề nghị giao kết hợp đồng phải bồi thường trong trường hợp nào?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 386 Bộ luật dân sự 2015:

“Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.”

Là một lời đề nghị giao kết hợp đồng và mong muốn được bên kia chấp nhận nên bên đề nghị thường đưa ra thời hạn trả lời. Tuy nhiên, thời hạn trả lời không phải là một nội dung bắt buộc trong mọi lời đề nghị. Có ấn định thời hạn hay không tùy thuộc vào ý chí của bên đưa ra đề nghị. Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời là để bên đưa ra đề nghị bị ràng buộc bởi lời đề nghị đó, điều luật quy định nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.

Như vậy, kể cả trong trường hợp bên đề nghị có đưa ra thời hạn trả lời hay không thì pháp luật cũng không cấm bên đó giao kết hợp đồng với người khác.

4. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực

Xác định thời điểm có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng có ý nghĩa quan trọng bởi chỉ kể từ thời điểm đó bên đưa ra lời đề nghị mới phải chịu ràng buộc về mặt pháp lý đối với lời đề nghị của mình. Chính vì vậy, Điều 388 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

“Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

a) Do bên đề nghị ấn định;

b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

– Do bên đề nghị ấn định: Vì đề nghị giao kết hợp đồng là sự thể hiện ý chí của một bên – bên đề nghị, nên trong trường hợp này pháp luật cho phép họ được quyền tự định đoạt đưa ra thời điểm đề nghị có hiệu lực. Trường hợp này pháp luật tôn trọng ý chí của họ và thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực là thời điểm mà bên đề nghị ấn định.

– Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác, cần lưu ý rằng, điều luật quy định về thời điểm bên được đề nghị nhận được đề nghị chứ không phải thời điểm biết được nội dung của đề nghị. Bởi lẽ, thời điểm này là thời điểm các bên có thể dễ dàng chứng minh thông qua các phương thức chuyển giao đề nghị. Và thời điểm bên nhận được đề nghị cũng là thời điểm bắt đầu bên được đề nghị có thể biết được thông tin về đề nghị giao kết hợp đồng. Do đó, coi thời điểm nhận được đề nghị là thời điểm có hiệu lực của đề nghị là hợp lý.

5. Khi nào thì bên kia được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng?

Theo Khoản 2 Điều 388 Bộ luật dân sự 2015:

“Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

a) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.”

Như vậy, thời điểm được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng là các thời điểm sau đây:

– Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân:

Đối với trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có hình thức bằng văn bản các bên thường gửi đến địa chỉ liên lạc của bên được đề nghị thông qua đường bưu điện hoặc chuyển phát. Địa chỉ liên lạc của bên được đề nghị thường là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân.

– Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị:

Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, giao dịch điện tử được sử dụng rất phổ biến và có phần lấn át các hình thức giao dịch văn bản truyền thống, đặc biệt là trong việc truyền tải lời đề nghị giao kết hợp đồng. Do đó, đối với trường họp đề nghị giao kết hợp đồng được thể hiện dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử như email, facebook hoặc mạng xã hội khác… thì thời điểm nhận được đề nghị được hiểu là thời điểm đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị.

– Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Ngoài hình thức bằng văn bản, phương tiện điện tử thì các bên có thể đề nghị giao kết hợp đồng dưới nhiều phương thức khác nhau như trao đổi trực tiếp bằng lời nói, qua điện thoại, qua fax… trong những trường hợp này, thời điểm nhận được đề nghị giao kết hợp đồng được hiểu là thời điểm bên được đề nghị biết được về đề nghị giao kết hợp đồng đó.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.