1. Cho thuê lại lao động là gì ?

Cho thuê lại lao động, hoạt động này không còn là điều gì xã lạ đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Khái niệm này ở nhiều nước trên thế giới đã có từ lâu. Còn tại Việt Nam, thuật ngữ cho thuê lại lao động có lẽ xuất phát từ đầu những năm 2000, khi mà nhà nước ta mở của chào đón sự đầu tư mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật lao động của năm 2012 – Bộ luật đầu tiên điều chỉnh lĩnh vực cho thuê lại lao động vì trước đó là Bộ luật lao động (năm 1994) thì chưa xuất hiện khái niệm này – cho thuê lại lao động là:

“1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động đã được tuyển dụng bởi doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động khác, chịu sự điều hành của người sử dụng lao động sau và vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động.”

Còn Bộ luật Lao động năm 2019 hiện hành, quy định chi tiết hơn tại khoản 1 Điều 52 như sau:

“1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động”

Sự khác biệt ở hai quy định này thể hiện ở chỗ, Bộ luật lao động năm 2019 đã giới hạn quan hệ của đơn vị cho thuê lại lao động với người lao động là “quan hệ hợp đồng lao động” – Đơn vị cho thuê lại lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động mà không được sử dụng bất kỳ một hình thức hợp đồng nào khác (trước đây do không quy định rõ nên các công ty thường ký nhiều loại hợp đồng với người lao động như khoản việc, công tác viên, …).

Nói tóm lại, cho thuê lại lao động được hiểu là người sử dụng lao động, tuyển dụng lao động nhưng không phải để làm việc cho mình mà để làm việc cho bên thứ ba – gọi chung là đơn vị thuê lại lao động. Đơn vị thuê lại lao động này sẽ giao việc trực tiếp và giám sát người lao động làm việc đồng thời sẽ trả khoản chi phí theo thoả thuận với bên cho thuê lao động về việc cho thuê này.

 

2. Đặc trưng của hoạt động cho thuê lại lao động 

Hoạt động cho thuê lại lao động làm phát sinh các mối quan hệ sau: Quan hệ giữa bên cho thuê (lại lao động) và bên thuê (lại lao động); Quan hệ giữa bên cho thuê với lao động họ tuyển dụng và Quan hệ giữa bên thuê với lao động của bên cho thuê. Như vậy, có thể thấy, hoạt động này mang một số đặc trưng sau:

– Cho thuê lại lao động vừa thể hiện tính chất của quan hệ lao động lại vừa mang đặc điểm của quan hệ kinh doanh thương mại.

Đặc trưng này thể hiện ở hai mối quan hệ: Doanh nghiệp cho thuê – Người lao động họ tuyển và Doanh nghiệp thuê lại lao động – người lao động mà bên cho thuê đưa sang. Trong quan hệ thứ nhất, hình thành việc giao kết hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động là đặc điểm chủ yếu của quan hệ lao động. Trong mối quan hệ thứ hai xuất hiện việc giao công việc và giám sát việc thực hiện công việc – đây cũng là một trong các nội dung của lao động. Còn tính thương mại thể hiện trong mối quan hệ giữa bên cho thuê và bên thuê thông qua thoả thuận về chi phí thuê lại lao động.

– Cho thuê lại lao động vừa mang lại ý nghĩa xã hội, vừa mang lại lợi ích kinh tế

Lợi ích kinh tế trong việc cho thuê lại lao động cũng giống như với đặc điểm thương mại trong quan hệ lao động nêu trên. Hoạt động nào tạo ra của cải vật chất cho con người đều mang lợi ích kinh tế. Còn ý nghĩa đối với xã hội? Hoạt động cho thuê lại lao động thực sự góp phần không nhỏ trong việc giảm tải gánh nặng cho xã hội về vấn đề việc làm. Cho thuê lại lao động có thể coi là giải pháp lao động quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, giúp phân loại và khai thác đúng các điểm mạnh, yếu của người lao động, phù hợp với yêu cầu của các đơn vị cần nguồn lao động. Vừa đảm bảo đời sống cho người lao động, vừa góp phần giải quyết việc làm và vừa thúc đẩy sự phát triển của kinh tế – xã hội.

– Không phải ngành nghề nào cũng có thể cho thuê lại lao động

Mặc dù cho thuê lại lao động có nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, không phải công việc nào cũng có thể cho thuê lại lao động. Khoản 2 Điều 52 Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định như sau:

“2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.”

 

3. Hình thức giao kết hợp đồng với người lao động của doanh nghiệp cho thuê lại lao động

Trước đây, tại thời điểm Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành, các chủ doanh nghiệp thường đưa ra ký kết với người lao động các loại hợp đồng như hợp đồng thời vụ, hợp đồng mùa vụ, hợp đồng ngắn hạn dưới 3 tháng, hợp đồng khoán việc, hợp đồng cộng tác viên, hợp đồng dân sự,… mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng lại đều mang nội dung tương tự như nội dung của hợp đồng lao động. Mục đích cơ bản đều để giảm tối đa các chi phí phải chi như tiền phúc lợi, tiền bảo hiểm, tiền thưởng,… cho người lao động. Cho nên, khi ký kết hợp đồng với người lao động, các công ty cho thuê lại lao động cũng lắt léo lựa chọn những đối tượng người lao động để ký theo một trong các hình thức hợp đồng nêu trên.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, doanh nghiệp cho thuê lại lao động hiện chỉ được ký hợp đồng với người lao động theo một trong hai hình thức sau:

– Hợp đồng lao động không xác định;

– Hợp đồng lao động xác định (thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng)

Việc lựa chọn hình thức hợp đồng nào, người sử dụng lao động đều phải tuân thủ các quy định về lao động và bảo hiểm xã hội cho người lao động của đơn vị mình.

 

4. Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động

Thời gian cho thuê lại lao động: Tối đa 12 tháng theo quy định tại Điều 53 Bộ luật lao động năm 2019;

Các trường hợp bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại:

– Khi cần đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;

– Khi phải thay thế người lao động trong một khoảng thời gian (như thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân,..);

– Khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Các trường hợp bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại:

– Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công hợp pháp hoặc đang giải quyết tranh chấp lao động hoặc thay thế người lao động bị thôi việc do thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế, chia tách, hợp nhất, sáp nhập.

-Khi không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

Ngoài ra, bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.

 

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ cho thuê lại lao động

Ngoài các quyền và nghĩa vụ cơ bản tại các Điều 5 và Điều 6, theo quy định tại Điều 56, Điều 57, Điều 58 Bộ luật Lao động năm 2019, các bên trong quan hệ cho thuê lại lao động có những quyền và nghĩa vụ đặc trưng sau:

Bên cho thuê lại lao động

– Bảo đảm đưa người lao động có trình độ phù hợp với những yêu cầu của bên thuê lại lao động và nội dung của hợp đồng lao động đã ký với người lao động;

– Thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động;

– Thông báo cho bên thuê lại lao động biết sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động;

-Trả lương cho người lao động cho thuê không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;

– Lập hồ sơ lao động cho thuê, ghi rõ số lao động đã cho thuê, bên thuê lại lao động và định kỳ báo cáo cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

– Được xử lý kỷ luật lao động theo quy định pháp luật và nội quy công ty đối với người lao động vi phạm kỷ luật lao động khi bên thuê lại lao động trả lại người lao động do vi phạm kỷ luật lao động.

Người lao động

– Thực hiện hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

– Tuân thủ kỷ luật, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát hợp pháp của bên thuê lại lao động;

– Được trả lương không thấp hơn tiền lương của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau;

– Khiếu nại với doanh nghiệp cho thuê lao động trong trường hợp bị bên thuê lại lao động vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã ký kết;

– Được thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để giao kết hợp đồng lao động chính thức với bên thuê lại lao động.

Bên thuê lại lao động

– Có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.

– Không được phân biệt đối xử giữa người lao động thuê lại với người lao động của doanh nghiệp mình về điều kiện lao động.

– Có thể thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và trả lương theo quy định pháp luật hoặc theo thoả thuận các bên trên cơ sở pháp luật.

– Có thể thỏa thuận với doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt mà người lao động muốn làm việc cho công ty thuê lại lao động.

– Có quyền trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.

– Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Lao động – Công ty luật LVN Group