Tài sản cố định là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất trong quá trình sản xuất kinh doanh của các tổ chức và cá nhân. Tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh với vai trò là yếu tố cấu thành không thể thiếu trong giá trị sản phẩm, dịch vụ tạo ra, tài sản cố định phải được hạch toán, theo dõi phù hợp cả về mặt định lượng, cả về thông tin phục vụ cho việc quản lý và bảo toàn.
Trong phạm vi bài viết này xin đề cập ý kiến về vấn đề khi phân loại và khấu hao tài sản cố định hữu hình.
Tư vấn luật doanh nghiệp trực tuyến – Ảnh minh họa
Thứ nhất: Khấu hao tài sản cố định hữu hình
Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 03 quy định:
Tài sản cố định hữu hình (TSCĐHH) là tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp năm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐHH. Tài sản được ghi nhận là TSCĐHH phải thoả mãn đồng thời tất cả bốn tiêu chuẩn: Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách đáng tin cậy; Thời gian sử dụng ước tính trên một năm; Có đủ tiêu chuẩn giá trị theo quy định hiện hành.
Trong quá trình sử dụng TSCĐHH được xác định theo nguyên giá, khấu hao lũy kế và giá trị còn lại:
Nguyên giá là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để có được TSCĐHH tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
Khấu hao là sự phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải khấu hao của TSCĐHH trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó.
Giá trị phải khấu hao là nguyên giá của TSCĐHH ghi trên báo cáo tài chính, trừ (-) giá trị thanh lý ước tính của tài sản đó.
Giá trị thanh lý là giá trị ước tính thu được khi hết thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, sau khi trừ (-) chi phí thanh lý ước tính.
Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐHH do doanh nghiệp xác định chủ yếu dựa trên mức độ sử dụng ước tính của tài sản, tuy nhiên do chính sách quản lý của tài sản của doanh nghiệp mà thời gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản có thể ngắn hơn thời gian sử dụng thực tế của nó. Vì vậy việc ước tính thời gian sử dụng hữu ích của một TSCĐ hữu hình còn phải dựa trên kinh nghiệm của doanh nghiệp đối với các loại tài sản cùng loại.
VAS 03 cũng quy định 3 phương phương pháp khấu hao của TSCĐHH gồm:
– Phương pháp khấu hao đường thẳng
– Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần
– Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm
Theo phương pháp khấu hao đường thẳng khấu hao hàng năm không thay đổi trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Theo phương pháp khấu hao giảm dần số khấu hao hàng năm giảm dần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Còn theo phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm số khấu hao hàng năm dựa trên tổng số đơn vị sản đơn vị thực tế tạo ra trong năm. Phương pháp khấu hao do DN xác định để áp dụng cho từng TSCĐHH phải được thực hiện nhất quán, trừ khi có sử thay đổi trong cách thức sử dụng tài sản đó.
Theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC: phương pháp trích khấu hao TSCĐHH theo phương pháp đường thẳng được xác định như sau:
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của TSCĐHH = (Nguyên giá của TSCĐHH)/ Thời gian sử dụng (1)
Trong đó:
Nguyên giá của TSCĐHH là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có TSCĐHH tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
Thời gian sử dụng: Là thời gian sử dụng của TSCĐ xác định theo quy định tại phụ lục 1 ban hành theo Quyết định số 166/199/QĐ-BTC.
Nếu căn cứ theo chuẩn mực số 03 (VAS 03) thì công thức trên là không phù hợp vì:
“Nguyên giá của tài sản cố định” là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra để có được TSCĐHH còn theo VAS 03 thì doanh nghiệp chỉ trích khấu hao phần nguyên giá của tài sản cố định sau khi đã trừ đi giá trị thanh lý ước tính.
“Thời gian sử dụng” là thời gian sử dụng của TSCĐ xác định theo quy định tại phụ lục 1 ban hành theo quyết định số 166/199/QĐ-BTC. Còn theo VAS 03 thì doanh nghiệp sẽ phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải khấu hao của TSCĐHH trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản đó (Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐHH do doanh nghiệp xác định chủ yếu dựa trên mức độ sử dụng ước tính của tài sản).
Như vậy công thức (1) phải là “giá trị phải khấu hao” chứ không thể là “nguyên giá TSCĐHH”. “Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ” chứ không phải là “Thời gian sử dụng” của TSCĐ.
Để QĐ số 206/2003/QĐ-BTC phù hợp, nhất quán với chuẩn mực kế toán việt nam (VAS) 03 thì công thức trích khấu hao TSCĐHH theo phương pháp đường thẳng sẽ là:
Mức trích khấu hao trung bình hàng năm của TSCĐHH = Giá trị phải khấu hao/Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ
Trong đó:
Giá trị phải khấu hao nguyên giá của TSCĐHH ghi trên báo cáo tài chính, trừ (-) giá trị thanh lý ước tính của tài sản đó.
Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐHH do doanh nghiệp xác định chủ yếu dựa trên mức độ sử dụng ước tính của tài sản.
Thứ hai: Phân loại tài sản cố định hữu hình
Như chúng ta đã biết TSCĐ trong các doanh nghiệp là một bộ phận tài sản chủ yếu, phong phú về chủng loại và nguồn hình thành… việc quản lý tới từng tài sản cố định là cần thiết, đồng thời phải quản lý TSCĐ theo các nhóm TSCĐ, các loại TSCĐ có cùng đặc điểm, tính chất. Do vậy cần tiến hành phân loại TSCĐ.
Theo Quyết định số 206/2003/QĐ-BTC, căn cứ vào tính chất của TSCĐ trong doanh nghiệp, thì TSCĐHH dùng cho mục đích kinh doanh của doanh nghiệp được phân loại như sau:
Loại 1: Nhà cửa, vật kiến trúc: Là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng như trụ sở làm việc, nhà kho, hàng rào, tháp nước, sân bãi, các công trình trang trí cho nhà cửa, đường xá, cầu cống, đường sắt, cầu tầu, cầu cảng…
Loại 2: Máy móc, thiết bị: là toàn bộ các loại máy móc, thiết bị dùng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy móc chuyên dùng, thiết bị công tác, dây chuyền công nghệ, những máy móc đơn lẻ
Loại 3: Phương tiện vận tải, truyền dẫn: là các loại phương tiện vận tải gồm phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường không, đường ống và các thiết bị truyền dẫn như hệ thống thông tin, hệ thống điện, đường ống nước, băng tải…
Loại 4: Thiết bị, dụng cụ quản lý: là những thiết bị, dụng cụ dùng trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như máy vi tính phục vụ quản lý, thiết bị điện tử, thiết bị, dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng, máy hút ẩm, hút bụi, chống mối mọt…
Loại 5: Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm: là các vườn cây lâu năm như vườn cà phê, vườn chè, vườn cao su, vườn cây ăn quả, thảm cỏ, thảm cây xanh…; súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm như đàn voi, đàn ngựa, đàn trâu, đàn bò…
Loại 6: Các loại tài sản cố định khác: là toàn bộ các tài sản cố định khác chưa liệt kê vào 5 loại trên như tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật…
Căn cứ vào chính sách tài chính và chuẩn mực kế toán (VAS) sô 03, doanh nghiệp căn cứ vào yêu cầu quản lý để lựa chọn 1 trong 3 phương pháp trích khấu hao phù hợp với từng tài sản cố định hữu hình và phải được thực hiện nhất quán, trừ khi có sự thay đổi trong cách thức sử dụng tài sản đó. Phương pháp khấu hao tài sản cố định hữu hình phải được xem xét lại theo định kỳ, thường là cuối năm tài chính, nếu có sự thay đổi đáng kể trong cách thức sử dụng tài sản để đem lại lợi ích cho doanh nghiệp thì được thay đổi phương pháp trích khấu hao và mức khấu hao tính cho năm hiện hành và các năm tiếp theo.
Như vậy nếu doanh nghiệp lựa chọn phương pháp trích khấu phù hợp với với từng tài sản cố định hữu hình thì việc theo dõi khấu hao tài sản là rất khó và phức tạp. Vì việc xác định phương pháp khấu hao là vấn đề hoàn toàn mang tính ước tính (VAS 03), với tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp nên lựa chọn phương pháp khấu hao theo từng loại tài sản sẽ phù hợp và hợp lý hơn.
Những phân tích trên cho thấy sự bất cập và sự khác nhau giữa chuẩn mực và các qui định về khấu hao và phân loại tài sản cố định hữu hình. Chính những điểm bất cập và khác nhau trên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về phân loại và khấu hao tài sản cố định hữu hình, điều này dễ nảy sinh so sánh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp./.
SOURCE: TẠP CHÍ KINH TẾ VÀ DỰ BÁO SỐ 8 (424) THÁNG 4 NĂM 2008 – THS. ĐỖ THỊ HỒNG HẠNH