Năm 2005, số lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tăng 8615 người (68,4%) so với năm 2004; năm 2006, tăng 12.900 người (61%) so với năm 2005. Tính đến năm 2007, số lượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là trên 43.000 người, và đến năm 2008 là 52.633 người, tăng 20,26% so với năm 2007. Trong đó, tỷ lệ người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động là rất thấp; năm 2008 chỉ đạt 43,87% (18.066 người), tăng 8,3% so với năm 2007.
Trên đây là số lao động nước ngoài được các địa phương báo cáo là những lao động có đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam và đã đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất để xin giấy phép lao động. Còn những đối tượng lao động nước ngoài phổ thông không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam, vào Việt Nam làm việc bằng nhiều con đường và hình thức khác nhau, thì chưa được các địa phương tổng hợp và báo cáo. Vấn đề tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã và đang được Chính phủ, các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm, nhất là trong thời gian gần đây.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
Luật sư tư vấn pháp luật đầu tư nước ngoài – Ảnh minh họa
Trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có một số vấn đề nảy sinh như sau:
Đối với các địa phương
1. Thực hiện các quy định của pháp luật về lao động nước ngoài chưa nghiêm: Một số địa phương xác nhận đối tượng không phải cấp giấy phép lao động sai quy định; hoặc áp dụng “linh hoạt” khi cấp giấy phép lao động, như cho nợ phiếu lý lịch tư pháp hay các giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động; hoặc khi gia hạn giấy phép lao động, không kiểm tra kỹ việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo người lao động Việt Nam để thay thế.
2. Theo dõi và quản lý lao động nước ngoài chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời và thiếu sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành, các đơn vị ở địa phương: Có những trường hợp các nhà thầu phụ của nước ngoài chưa được cấp giấy phép thầu nhưng vẫn hoạt động như bình thường. Đặc biệt, có những trường hợp chủ đầu tư khoán trắng cho nhà thầu chính; nhà thầu chính thuê nhà thầu phụ và mọi hoạt động liên quan đến tuyển dụng, sử dụng lao động nước ngoài do nhà thầu phụ tự quyết định, chính quyền địa phương không có ý kiến, dẫn đến tình trạng các nhà thầu phụ này sử dụng bao nhiêu lao động nước ngoài thì chủ đầu tư và nhà thầu chính cũng không biết. Đây là sự buông lỏng trong quản lý của địa phương và chủ đầu tư.
Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thông qua nhiều cửa khẩu và do nhiều cơ quan quản lý. Chẳng hạn, qua các cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài, Thống Nhất, Đà Nẵng… do Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an quản lý; qua các cửa khẩu biên giới do Bộ đội Biên phòng quản lý; và có không ít trường hợp qua đường biên vào Việt Nam làm việc. Khi người nước ngoài vào Việt Nam, họ có quyền đi lại, tạm trú ở bất cứ đâu mà pháp luật không cấm, do đó, nếu không có sự phối hợp giữa các cơ quan, sự theo dõi sát sao của các địa phương, cơ sở thì rất khó cho việc quản lý họ.
3. Thực hiện chế độ báo cáo không đầy đủ, không đúng quy định:Theo quy định tại Nghị định số 34/2008/NĐ-CP, ngày 25-3-2008, của Chính phủ và Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH, ngày 10-6-2008, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và gửi báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn quản lý về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, số lượng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội gửi báo cáo là không nhiều.
4. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm còn rất hạn chế: Nhiều địa phương thiếu chủ động trong thanh tra, kiểm tra về lao động nước ngoài, mà chỉ tham gia với các đoàn thanh tra cấp bộ; việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật lao động về lao động nước ngoài chưa nhiều.
5. Chưa có nhiều đề xuất với Uỷ ban nhân dân, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan để có những giải pháp quản lý lao động nước ngoài.
Đối với người sử dụng lao động
– Nhiều doanh nghiệp, tổ chức tuyển lao động nước ngoài chưa thực hiện đúng pháp luật Việt Nam: Không thông báo nhu cầu tuyển lao động trên các báo; không cung cấp đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động cho lao động nước ngoài biết và thực hiện; tuyển cả lao động nước ngoài không có các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhất là lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật; không thực hiện đúng trình tự thủ tục tuyển lao động, trong đó đặc biệt là đối với các nhà thầu nước ngoài trúng thầu tại Việt Nam.
– Không làm thủ tục đề nghị cấp, gia hạn giấy phép lao động kịp thời cho lao động nước ngoài. Khi được cơ quan chức năng yêu cầu thì đưa ra nhiều lý do để trì hoãn và thiếu tích cực thực hiện.
– Người sử dụng lao động không báo cáo đầy đủ, kịp thời việc sử dụng lao động nước ngoài theo quy định.
Đối với người lao động nước ngoài
Người lao động nước ngoài chưa nghiên cứu đầy đủ các quy định của pháp luật lao động Việt Nam do người sử dụng lao động cung cấp; chưa chuẩn bị các giấy tờ cần thiết để làm các thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động; đối với những người nước ngoài đã vào Việt Nam, nay có nhu cầu làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam thì cũng không chuẩn bị các giấy tờ cần thiết và làm thủ tục để đề nghị cấp giấy phép lao động theo quy định.
Một số giải pháp tăng cường công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Thứ nhất, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến người nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Về lâu dài, cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành luật về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó có quy định quyền, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan có liên quan; các loại công việc được sử dụng lao động nước ngoài… Trước mắt, các địa phương cần thực hiện đúng các quy định hiện hành, tăng cường các biện pháp để giải quyết đúng thời hạn các thủ tục liện quan đến lao động phổ thông đến Việt Nam làm việc, kiên quyết không cho nợ các giấy tờ khi cấp giấy phép lao động.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật: Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật lao động Việt Nam với các hình thức phong phú, phù hợp để người sử dụng lao động và lao động nước ngoài hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của họ theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra: Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Thanh tra nhà nước ở các địa phương cần chủ động thanh tra, kiểm tra đối với người sử dụng lao động có sử dụng lao động nước ngoài trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, cần lập biên bản ghi rõ các vi phạm và cam kết thực hiện có thời hạn của doanh nghiệp, tổ chức; kịp thời phát hiện những sai phạm để hướng dẫn khắc phục; đối với các trường hợp cố tình hoặc không chịu thực hiện, phải xử lý thật nghiêm.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành để quản lý lao động nước ngoài.
Thứ năm, thực hiện đúng chế độ báo cáo tình hình sử dụng lao động nước ngoài: Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc người sử dụng lao động nước ngoài báo cáo để tổng hợp báo cáo định kỳ theo quy định./.
SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN ĐIỆN TỬ SỐ 16 (184) NĂM 2009 – MINH CHÂU
Trích dẫn từ: http://www.tapchicongsan.org.vn/