Người dưới 18 tuổi là một trong các nhóm dễ bị tổn thương, do độ tuổi còn nhỏ, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lí. Khi tham gia vào tố tụng hình sự (TTHS) nói chung và giai đoạn thi hành án nói riêng, họ dễ gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền so với các đối tượng khác
1. Khái quát chung
Người dưới 18 tuổi là một trong các nhóm dễ bị tổn thương, do độ tuổi còn nhỏ, chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lí. Khi tham gia vào tố tụng hình sự (TTHS) nói chung và giai đoạn thi hành án nói riêng, họ dễ gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền so với các đối tượng khác, đồng thời dễ bị tác động, ảnh hưởng tiêu cực từ các hoạt động tố tụng, hành vi tố tụng. Dưới góc nhìn của luật nhân quyền quốc tế, để hướng tới sự công bằng xã hội theo chiều dọc, đảm bảo sự bình đẳng thực chất trong việc tiếp cận các quyền mà pháp luật dành cho nhóm dễ bị tổn thương này, người dưới 18 tuổi cần phải được thụ hưởng các chế độ, chính sách pháp luật phù hợp, dành riêng cho họ để họ ngang bằng, bình đẳng với các đối tượng khác Vì vậy, pháp luật thi hành án của các quốc gia đều có những quy định mang tính chất riêng biệt đối với phạm nhân dưới 18 tuổi để bảo đảm một cách tốt nhất các quyền và lợi ích của họ. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung đó.Trên cơ sở kế thừa các quy định và cụ thể hoá yêu cầu bảo đảm quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, Luật THAHS năm 2019 đã có những sửa đổi, bổ sung về quy định đối với phạm nhân dưới 18 tuổi.
2. Quy định về thi hành án đối với phạm nhân dưới 18 tuổi trong Luật Thi hành án hình sự năm 2019
Về kĩ thuật lập pháp, Luật THAHS năm 2019 tiếp tục kế thừa cách quy định trên, theo đó phạm nhân là người dưới 18 tuổi chấp hành án theo quy định tại mục 4 thuộc Chương III Thi hành án phạt tù và các quy định khác không trái với quy định tại mục này. Về tên gọi của mục 4: “Quy định đối với phạm nhân dưới 18 tuổi”, Luật THAHS năm 2019 đã có sự sửa đổi từ người chưa thành niên thành người dưới 18 tuổi. Điều này phù hợp và nhất quán với quy định của Bộ luật TTHS năm 2015.
Quy định về các chế độ với phạm nhân dưới 18 tuổi trong Luật THAHS năm 2019 về nội dung điều luật có một số thay đổi. Nhìn chung, thủ tục tố tụng đối với phạm nhân dưới 18 tuổi đã được sửa đổi, bổ sung, cụ thể hoá một cách chi tiết, rõ ràng hơn. Viẹ c sửa đổi, bổ sung các chế độ đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi nhằm cụ thể hoá quy định của Hiến pháp năm 2013 về đề cao và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phù hợp với các luật liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể là:
2.1 Về chế độ ăn mặc, chăm sóc y tế, khám bệnh, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí
Luật THAHS năm 2019 bổ sung chế độ chăm sóc y tế với phạm nhân dưới 18 tuổi. Với quy định trong Điều 75 Luật THAHS năm 2019, chế độ chăm sóc y tế với phạm nhân dưới 18 tuổi được khẳng định một cách rõ nét. Sự bổ sung này là cần thiết để bảo đảm quyền lợi cho phạm nhân dưới 18 tuổi. Với sự bổ sung này, chế độ đối với phạm nhân dưới 18 tuổi đầy đủ và toàn diện các mặt: ăn, mặc, chăm sóc y tế, khám bệnh, chữa bệnh, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, vui chơi, giải trí…
Điều 75. Chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí1. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn và được chăm sóc y tế như phạm nhân là người từ đủ 18 tuổi trở lên và được tăng thêm thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng.2. Ngoài tiêu chuẩn mặc và tư trang như phạm nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, mỗi năm phạm nhân là người dưới 18 tuổi được cấp thêm quần áo theo mẫu thống nhất và đồ dùng cá nhân khác theo quy định.3. Thời gian và hình thức tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nghe đài, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hình thức vui chơi giải trí khác phù hợp với đặc điểm của người dưới 18 tuổi.4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Về nội dung, chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân dưới 18 tuổi được quy định giống như chế độ đối với phạm nhân đã thành niên. Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân được quy định tại Điều 55 Luật THAHS năm 2019 với các nội dung cơ bản: Phạm nhân được hưởng chế độ phòng, chống dịch bệnh; Phạm nhân bị ốm, bị thương tích thì được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại cơ sở y tế của trại giam, trại tạm giam hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất. Trường hợp phạm nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị; trại giam, cơ quan THAHS công an cấp tỉnh, cơ quan THAHS cấp quân khu phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, tuyến tỉnh, bệnh viện quân đội xây dựng hoặc bố trí một số buồng riêng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để điều trị cho phạm nhân. Việc quản lí, giám sát phạm nhân trong thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp huyện chịu trách nhiệm; 3) Đối với phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình được trưng cầu giám định pháp y tâm thần và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh khi có kết luận giám định mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi; 4) Phạm nhân nghiện ma tuý được trại giam tổ chức cai nghiện.
Luật THAHS năm 2019 đã bổ sung trách nhiệm của trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp huyện trong việc quản lí, giám sát phạm nhân trong thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc tiếp nhận, quản lí phạm nhân thuộc đối tượng bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2.2 Về chế độ gặp, liên lạc, điện thoại với thân nhân
Chế độ thăm gặp phạm nhân dưới 18 tuổi về cơ bản vẫn giữ nguyên số lần gặp trong một tháng và thời gian gặp nhưng được bổ sung thêm nội dung: “Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam quyết định kéo dài thời gian gặp nhưng không quá 24 giờ. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
Điều này được quy định chi tiết hơn trong Thông tư số 14/2020/TT-BCA ngày 10/02/2020 của Bộ Công an quy định chi tiết chế độ gặp, nhận quà và liên lạc của phạm nhân. Khoản 2 Điều 3 Thông tư này giải thích rõ hơn về điều kiện được kéo dài thời gian gặp: “Phạm nhân là người dưới 18 tuổi có ít nhất hai quý liền kề với thời điểm gặp thân nhân được xếp loại tốt và thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tốt và được khen thưởng do có thành tích lao động, học tập theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật THAHS năm 2019 thì giám thị trại giam có thể xem xét, giải quyết việc kéo dài thời gian gặp ông, bà nội; ông, bà ngoại; bố, mẹ đẻ ở phòng riêng nhưng không quá 24 giờ”. Bên cạnh đó, Thông tư số 14/2020/TT-BCA cũng quy định các hình thức gặp gỡ của phạm nhân và thân nhân. Phạm nhân có thể gặp thân nhân ở phòng riêng hoặc ăn cơm cùng thân nhân tại căng tin nhà gặp phạm nhân, thời gian ăn cơm không quá 01 giờ.
Sự bổ sung này xuất phát từ đặc điểm và nhu cầu của người dưới 18 tuổi. Đối với phạm nhân dưới 18 tuổi, lứa tuổi đang phát triển và tiến tới hoàn thiện về tâm sinh lí, nhu cầu được gặp thân nhân chia sẻ, động viên, tâm sự là nhu cầu chính đáng và cần thiết. Những người thân trong gia đình hoặc bạn bè của phạm nhân dưới 18 tuổi qua gặp gỡ, tiếp xúc có thể phát hiện nhanh chóng những biểu hiện tiêu cực của họ để có tác động kịp thời, định hướng tốt cho sự phát triển của phạm nhân dưới 18 tuổi. Do đó, khi phạm nhân dưới 18 tuổi cải tạo tốt, có thành tích trong lao động, học tập, việc được kéo dài thời gian gặp thân nhân và được tăng thêm số lần gặp là nguồn động viên, khuyến khích mạnh mẽ cho những nỗ lực của họ. Sự bổ sung này thể hiện chính sách nhân đạo đối với người dưới 18 tuổi, góp phần thúc đẩy họ tham gia học tập, cải tạo tốt. Đây là điểm tiến bộ của Luật THAHS năm 2019.
Một trong những điểm mới nổi bật của Luật THAHS năm 2019 đối với phạm nhân nói chung và phạm nhân là người dưới 18 tuổi nói riêng là phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu chính. Hiện nay, theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật THAHS năm 2019, phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 02 lần trong 01 tháng.
Điều 52. Chế độ gặp, nhận quà của phạm nhân…4. Phạm nhân được nhận quà là tiền, đồ vật do thân nhân gửi qua đường bưu chính không quá 02 lần trong 01 tháng. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lý đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật.
Trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận tiền, đồ vật mà thân nhân của phạm nhân gửi cho phạm nhân và bóc, mở, kiểm tra để phát hiện và xử lí đồ vật thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 52 cũng quy định đối với tiền, phạm nhân phải gửi trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS công an cấp huyện quản lí. Việc quản lí, sử dụng đồ vật, tiền của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 3 Điều 28 Luật này. Quy định này là phù hợp với thực tiễn. Nhiều thân nhân của phạm nhân có điều kiện để gửi tiền cho phạm nhân nhưng không có thời gian hoặc điều kiện thuận lợi để thăm phạm nhân. Trong trại giam, nhu cầu sử dụng tiền lưu kí để mua thêm lương thực, thực phẩm, đồ uống hoặc đồ vật phục vụ sinh hoạt hằng ngày là nhu cầu chính đáng của phạm nhân. Nếu quy định phạm nhân chỉ được nhận tiền khi gặp trực tiếp nhân thân sẽ hạn chế nhu cầu, lợi ích chính đáng của họ. Do vậy, việc bổ sung quy định về việc phạm nhân được nhận tiền qua đường bưu điện là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
2.3 Về việc thể hiện tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của con người được ghi nhận tại Điều 18 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 và được tái khẳng định và cụ thể hoá tại Điều 18 và 20 Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị 1966. Ở Việt Nam, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được ghi nhận tại các khoản 1, 2 Điều 24 Hiến pháp năm 2013. Trên cơ sở tiếp thu những quy định mới và tiến bộ trong Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, lần đầu tiên Luật THAHS năm 2019 đã đề cập vấn đề này. Khoản 3 Điều 50 Luật THAHS năm 2019 bổ sung quy định phạm nhân theo tôn giáo được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp và được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Theo nguyên tắc chung, người dưới 18 tuổi cũng được hưởng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng này. Việc quy định quyền này thể hiện sự ghi nhận, bảo đảm quyền cơ bản của con người. Đồng thời điều này phản ánh chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân có thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group