Hơn nữa thời điểm trở thành thành viên của WTO không phải là điểm bắt đầu và kết thúc của quá trình hội nhập của Việt Nam. Đồng thời với việc gia nhập WTO, nước ta cũng đã và đang tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại khu vực với mức độ mở cửa thậm chí còn cao hơn cam kết trong WTO (như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA); các khu vực mậu dịch tự do ASEAN + 1).

Những khác biệt trong cam kết giữa các hiệp định thương mại có thể tạo ra hiệu ứng thương mại và đầu tư khác nhau. Ngoài ra, từ đầu năm 2007 đến nay, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam còn chịu nhiều tương tác giữa quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác. Biến động phức tạp của nền kinh tế toàn cầu (giá dầu, giá lương thực leo thang và đặc biệt là khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ) cũng làm cho việc đánh giá tác động này đối với nền kinh tế trở nên khó khăn hơn.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến của các chỉ số kinh tế – xã hội năm 2007 – 2008 có thể bước đầu giúp nhìn nhận tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của việc gia nhập WTO. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5-2-2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO” cũng đã chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế khi nước ta gia nhập WTO. Những nhận định đó cùng với các kết quả nghiên cứu về tác động của quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập chính là “điểm xuất phát” cho việc đánh giá tác động gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam (1).

Điều rõ ràng là thời gian 2 năm qua đã để lại những dấu ấn đáng ghi nhớ, không chỉ với nhiều chỉ số thống kê khác biệt đáng kể so với những năm trước, mà còn với cả những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh hay chưa lường hết. Dưới đây là những kết quả chủ yếu sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO trên các khía cạnh: thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế; ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế, thu ngân sách, sự ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính), xã hội và thể chế kinh tế. Qua đó, chúng ta không chỉ đánh giá đúng mình hơn, mà còn có thể rút ra được nhiều bài học có ý nghĩa cho công tác hoạch định chính sách.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191

1 – Những kết quả chủ yếu

Về thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế:

– Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 và 2008 tương ứng đạt 48,6 tỉ và 62,9 tỉ USD, tăng tương ứng 21,9% và 29,5%; riêng năm 2008, nếu loại trừ trị giá tái xuất sắt thép, vàng và yếu tố tăng giá thì xuất khẩu hàng hóa chỉ tăng 13,5%. Như vậy có thể nói, xuất khẩu vẫn chưa thể hiện mức độ bứt phá so với các năm trước.

– Tổng đầu tư xã hội năm 2007 đạt tới 44% GDP và năm 2008 đạt khoảng 43,1% GDP. FDI bùng phát kể từ năm 2007 với mức vốn đăng ký tới 21,3 tỉ USD – mức cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (năm 1987) và thực hiện đạt trên 8 tỉ USD, riêng phần vốn nước ngoài là 6,7 tỉ USD. Các con số về vốn cam kết và thực hiện giải ngân tương ứng năm 2008 là 60,3 tỉ USD, 11,5 tỉ USD. Vốn đầu tư nhà nước năm 2007 vẫn chiếm tỷ trọng tới 47,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; đặc biệt, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước năm 2007 tăng rất mạnh. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội đã giảm đáng kể, từ 37%-38% giai đoạn 2004 – 2006 xuống còn 31,6% năm 2007.

– Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2007 tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước đó và đạt 8,5%. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chậm cải thiện. Tăng trưởng GDP năm 2008 chỉ đạt 6,23%.

Về ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính:

– Lạm phát (tốc độ thay đổi chỉ số giá tiêu dùng CPI so với tháng 12 năm trước) năm 2007 là 12,6% và năm 2008 – 19,98%. Đây là 2 năm có lạm phát cao kỷ lục, có sự leo thang kể từ năm 1995. Có nhiều nguyên nhân, song sự lúng túng, bất cập trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là trong năm 2007 và quí I/2008 đã làm xấu thêm tình hình.(2)

– Do nhập khẩu tăng quá nhanh, nên thâm hụt thương mại hàng hóa năm 2007 và 2008 tương ứng lên tới 14,1 tỉ USD và 17,5 tỉ USD (dù đã có xu hướng giảm theo tháng). Năm 2007, nhờ các khoản tiền kiều hối và lao động từ nước ngoài chuyển về, FDI, ODA, đầu tư gián tiếp,… tăng mạnh nên cán cân thanh toán quốc tế tổng thể có thặng dư hơn 10 tỉ USD. Trong nửa năm đầu năm 2008, khả năng tài trợ cho thâm hụt thương mại trở nên thiếu bền vững hơn; cán cân thanh toán tổng thể vẫn có thặng dư, song thấp chỉ khoảng 0,5 tỉ USD.

– Năm 2006 – 2007 chứng kiến sự bùng nổ thị trường chứng khoán, các hoạt động tài chính, ngân hàng. Các chỉ số đo độ sâu tài chính (như tín dụng/GDP, M2/GDP) và quy mô thị trường chứng khoán (như mức độ vốn hóa, số doanh nghiệp niêm yết, số công ty chứng khoán,…) đều tăng cao. Hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Việt Nam đã có bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, rủi ro tài chính, đặc biệt là rủi ro bất ổn hệ thống ngân hàng tăng lên. Một số ngân hàng đã và đang phải đối mặt với các vấn đề kém thanh khoản và tỷ lệ nợ xấu tăng.

– Thu ngân sách nhà nước năm 2007 và 2008 tăng đáng kể; riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2007 tăng 15,4% so với năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2008 tăng 53,7% (do nhập khẩu hàng hóa bùng nổ). Tuy nhiên, tính bất định của thu ngân sách nhà nước trong thời gian qua còn cao, trong khi sức ép tăng chi thường xuyên và chi đầu tư, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng vẫn rất lớn.

Về xã hội:

– Việc gia nhập WTO năm 2007 chưa để lại dấu ấn đáng kể đối với tạo việc làm. Số lao động có việc làm năm 2007 và 2008 tăng tương ứng 2,3% và 2%, trong khi con số này của năm 2006 là 2,7%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm, song tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên lại tăng.

– Trong khi tiền lương bình quân của người làm công ăn lương năm 2007 tăng gần 10% so với năm 2006, thì lạm phát tăng gấp đôi con số đó làm cho thu nhập thực của số đông người lao động bị giảm sút đáng kể. Tăng trưởng kinh tế năm 2008 chậm lại, một bộ phận doanh nghiệp đình trệ dẫn đến tình trạng mất việc làm và thu nhập giảm. Đình công của công nhân trong nửa đầu năm 2008 diễn ra nhiều hơn so với những năm trước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 15,5% năm 2006 xuống còn 14,8% năm 2007 và 13,5% năm 2008. Tuy nhiên, chuẩn nghèo được tính toán từ năm 2005 nay đã không còn thích hợp, nhất là sang năm 2008, do lạm phát tăng cao. Tình trạng thiếu đói vẫn xảy ra ở một số vùng, nhất là những vùng bị thiên tai.

– Phân hóa xã hội về thu nhập tăng. Một ví dụ là thu nhập của lao động trong các khu vực dịch vụ đòi hỏi kỹ năng cao (tài chính, ngân hàng,…) thường cao hơn nhiều lần thu nhập của lao động kỹ năng thấp trong các ngành sử dụng nhiều lao động (vốn đã không cao lại rất khó tăng do áp lực cạnh tranh hàng hóa trên thị trường diễn ra rất quyết liệt).

Về thể chế kinh tế:

– Quan hệ tương tác giữa đổi mới, cải cách trong nước, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, với tiến trình hội nhập, gia nhập WTO trở nên chặt chẽ hơn (biểu hiện qua công tác xây dựng mới và bổ sung các văn bản pháp luật, hoàn thiện bộ máy nhà nước, cải cách thủ tục hành chính).

– Chức năng của nhiều bộ chậm được quyết định. Hơn nữa, đến tháng 2-2008 mới có Nghị định số 13/2008/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Những chậm trễ này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc chấn chỉnh tổ chức và hiệu quả hoạt động của nhiều bộ, tỉnh, thành.

– Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ngày 27-02-2007 về việc ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW. Tại không ít bộ, địa phương, việc triển khai thực hiện các cam kết gia nhập WTO đã diễn ra tương đối tích cực và đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Tuy nhiên, một số khảo sát và đánh giá cho thấy, nhìn chung việc thực hiện Chương trình hành động lần này vẫn có nguy cơ đi theo “lối mòn” cũ, mang tính hình thức, thiếu hiệu lực, kết quả trong thực thi, giám sát.

2 – Bài học chính sách

Đến nay có thể nói, chúng ta đã cảm nhận đầy đủ hơn về thời cơ và những hiệu ứng mà hội nhập và WTO trực tiếp hoặc gián tiếp mang lại. Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn về tổng thể của những nhận định, kết luận trong Nghị quyết số 08-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO” và tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP của Chính Phủ.

Về cơ bản, quá trình hội nhập và việc gia nhập WTO đã đem lại những kết quả như kỳ vọng (về sự gia tăng niềm tin vào triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam, về xuất khẩu, FDI, hiệu quả phân bổ nguồn lực và tăng trưởng kinh tế, thu nhập và bất bình đẳng xã hội,…). Dĩ nhiên, mức tăng thực tế của các đại lượng đó có thể khác so với dự báo do chúng chịu tác động phức hợp của cả các biến động bên ngoài và trong nền kinh tế. Thậm chí, diễn biến một số chỉ số kinh tế vĩ mô đã vượt xa dự báo hoặc còn chưa được lường hết (như tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu và nhập siêu; quy mô các luồng vốn trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam; những biến động mạnh mẽ (bùng phát/tụt dốc) của các hoạt động tài chính, ngân hàng,…). Cảnh báo về nguy cơ bất ổn định kinh tế vĩ mô do những thiếu sót, yếu kém tích tụ trong đầu tư công, giám sát tài chính và xử lý lạm phát trong những năm trước đã không được tính đến một cách nghiêm túc. Những dấu hiệu rủi ro còn được che lấp bởi thời kỳ tăng trưởng nhanh cho đến năm 2007.

Dẫu vậy quá trình hội nhập đã để lại cho Việt Nam những dấu ấn rất đáng ghi nhớ và qua đó có thể rút ra nhiều bài học chính sách quan trọng:

Một là, sự kết hợp thực thi cam kết hội nhập và tận dụng hội nhập, việc gia nhập WTO để thúc đẩy xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin vào tiềm năng phát triển và tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam và qua đó thúc đẩy đầu tư, kinh doanh phát triển.

Trên thực tế, chính đổi mới thể chế kinh tế cũng góp phần to lớn trong việc hội nhập sâu rộng, có hiệu quả hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Quan hệ tương tác giữa đổi mới, đặc biệt là đổi mới thể chế kinh tế, với tiến trình gia nhập và thực thi cam kết trong WTO trở nên chặt chẽ hơn. Nhờ đó, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được nâng cao đáng kể. Đây chính là bằng chứng sinh động cho thấy quan điểm tích cực, chủ động hội nhập được khẳng định bằng hành động thực tế.

Hai là, lợi thế so sánh tĩnh vốn có của đất nước đã được thể hiện tốt hơn khi hội nhập càng sâu rộng. Cùng với đó, lợi thế so sánh động cũng bước đầu xuất hiện nhờ cạnh tranh, tận dụng quy mô kinh tế và FDI.

Nước ta vẫn có nhiều mặt hàng có khả năng cạnh tranh dựa trên lợi thế so sánh tĩnh. Tuy chưa có đột biến, song xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản và công nghiệp chế biến có hàm lượng lao động cao (như may mặc) tăng mạnh. Một số mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn đã có vị trí tốt hơn trong xuất khẩu của Việt Nam.

Chiến lược của Việt Nam chính là cần kết hợp việc tiếp tục tận dụng tốt nhất “cái hiện có”, thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng truyền thống với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh không qua giá (non-price competitiveness) dựa trên cạnh tranh và việc thu hút hiệu quả hơn FDI.

Ba là, việc gia nhập WTO càng làm lộ rõ hơn những yếu kém, bất cập cố hữu của nền kinh tế Việt Nam, nhất là đối với việc bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững.

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 8,5% cao nhất kể từ năm 1997, song chưa thể nói đây là một con số ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2005 và 2006 tương ứng đã là 8,4% và 8,2%. Công nghiệp chủ yếu vẫn là sơ chế, gia công với giá trị tăng thêm chưa cao và còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Chủng loại hàng hóa còn đơn điệu, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh của sản phẩm còn yếu. Tuy thị trường tài chính, hoạt động ngân hàng và thị trường bất động sản khá sôi động, nhưng lại ít chuyển hóa sang nền kinh tế thực. Các dịch vụ này rất quan trọng đối với sản xuất kinh doanh và có khả năng tạo nhiều giá trị tăng thêm. Nhưng cho đến năm 2007, khu vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm vẫn còn nhỏ bé, chiếm chưa tới 2% GDP. Năng suất lao động trong nông nghiệp rất thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là lao động chưa chuyển sang công nghiệp và dịch vụ, mặc dù đã bắt đầu có hiện tượng thiếu lao động tay nghề trung bình tại các ngành này; nông nghiệp còn dựa vào quảng canh và các cây trồng vật nuôi với giá trị không cao.

Tỷ lệ tổng đầu tư xã hội so với GDP năm 2007 và 2008 là quá cao, tương ứng lên tới 44% và 43%, so với con số đã cao của năm 2005 và 2006 (gần 39% và trên 40%). Nhưng điều đáng lưu tâm là nền kinh tế trong vài năm lại đây có xu hướng tiêu dùng tăng nhanh hơn tốc độ tăng GDP và do đó tỷ lệ tiết kiệm trong nước so với GDP chững lại. Nền kinh tế phải dựa nhiều hơn vào vốn từ bên ngoài và không phải lúc nào cũng được lựa chọn một cách hợp lý (tỷ lệ vốn đầu tư vào bất động sản có thể quá cao). Vốn đầu tư nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi hiệu quả đầu tư chưa được cải thiện đáng kể. Rủi ro đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng.

Chính chất lượng tăng trưởng thấp và việc thiếu chuẩn bị về mặt quản lý kinh tế vĩ mô đã làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương khi tăng cường hội nhập. Bất ổn định kinh tế vĩ mô gia tăng và tăng trưởng kinh tế chậm lại trong năm 2008 là một bài học đắt giá, song cũng là cần thiết đối với công cuộc cải cách và phát triển kinh tế.

Về năng lực thể chế: Tuy đã có những chuyển biến tích cực về thể chế, song chính đây cũng là điểm còn nhiều bất cập nhất. Còn rất nhiều việc phải làm để tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết hội nhập và các chuẩn mực kinh tế thị trường. Vai trò, ý nghĩa của luật thấp do còn phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn; hậu quả là luật thiếu hiệu lực, công tác triển khai thực hiện chậm và dễ mâu thuẫn. Cũng còn khoảng cách khá xa giữa thực tế và yêu cầu về tính chuyên nghiệp, minh bạch và khả năng giải trình của bộ máy nhà nước, trong khi hệ thống động lực (tuyển chọn, đánh giá, bổ nhiệm, lương thưởng) cho công chức còn nhiều méo mó. Phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa chặt chẽ, nhất quán và kịp thời. Thể chế cho sự phát triển các thị trường các yếu tố sản xuất (thị trường tài chính, thị trường đất đai và thị trường lao động) vẫn trong giai đoạn cần những chỉnh sửa căn bản. Quá trình này lại diễn biến phức tạp vì biến động trên các thị trường yếu tố sản xuất rất nhạy cảm về mặt xã hội và có nhiều khía cạnh liên quan đến một chủ thể quan trọng trong nền kinh tế là khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, khung khổ pháp lý và thể chế giám sát tài chính còn thiếu và yếu, và điều này có thể làm tăng rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô.

Về chất lượng nguồn nhân lực: sự hụt hẫng về chất lượng nguồn nhân lực cũng đang ngáng trở cả quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế lẫn tăng trưởng nhanh, có chất lượng và phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có liên quan đến tất cả các nhóm xã hội: từ các nhà hoạch định chính sách, đội ngũ công chức, cho đến doanh nhân và người lao động nói chung. Trong khi đó, toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo lại chưa đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và thời đại.

Về năng lực kết cấu hạ tầng: kết cấu hạ tầng yếu kém đã và đang gây nhiều tổn phí cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội cũng như việc nắm bắt những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế có thể đem lại. Nguồn lực cần thiết cho phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn. Để có những lựa chọn tốt nhất với chi phí cơ hội nhỏ nhất, phải có tầm nhìn xa trông rộng, những bản quy hoạch có hàm lượng chất xám cao và các hình thức đối tác công – tư (PPP) hiệu quả trong huy động các nguồn lực khác nhau.

Chính những yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực đã hạn chế việc thực hiện vốn FDI và cả vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước. Khả năng hấp thụ các nguồn vốn đó có thể sẽ giảm trong thời gian tới nếu không có các giải pháp để khắc phục những yếu kém này.

Bốn là, bên cạnh ba “nút thắt cổ chai” cơ bản (những bất cập về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực), Việt Nam hiện còn phải đối mặt với hai rủi ro: kinh tế vĩ mô bất ổn và gắn kết xã hội yếu đi.

Hệ lụy xấu có thể do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của hội nhập và việc gia nhập WTO (như được nêu trong Nghị quyết số 08-NQ/TW) đã không được tính đến một cách nghiêm túc để có sự chuẩn bị kỹ càng. Kết quả là những lúng túng, bất cập trong định hướng mục tiêu chính sách, lựa chọn chính sách, và phối hợp thực thi chính sách đã góp phần làm tăng bất ổn kinh tế vĩ mô và rủi ro tài chính.

Nhìn tổng thể, kinh tế Việt Nam hiện đang dễ bị tổn thương, dù xét theo nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản hay xét theo chu chuyển và phân bổ vốn, tính nhất quán của các chính sách kinh tế vĩ mô, rủi ro tài chính. Mặc dù cho đến thời điểm này, lạm phát đã có xu hướng giảm, song vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn cần được lưu tâm: nguy cơ lạm phát cao, nhập siêu lớn, và rủi ro hệ thống tài chính – ngân hàng là bài toán đa diện phức tạp mà nước ta đang phải đối phó.

Các nhóm lợi ích xã hội cũng trở nên đa dạng hơn cùng sự tương phản giàu – nghèo và bất bình đẳng cả về thu nhập và tài sản tăng. Hội nhập sâu rộng hơn cũng đồng nghĩa với việc quản trị rủi ro và ổn định kinh tế vĩ mô phức tạp hơn và áp lực các nhóm xã hội khác biệt hơn. Nó đòi hỏi phải có những suy tính, giải trình và cả sự rà soát thận trọng và được minh chứng có cơ sở khoa học.

Nước ta đã bước vào giai đoạn phát triển mới, phức tạp hơn, đòi hỏi không chỉ bản lĩnh chính trị, quyết tâm lớn mà cả trí tuệ cũng phải vươn lên tầm cao mới. Những vấn đề đang phải xử lý rất phức tạp, nhạy cảm. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã chỉ rõ: Hội nhập kinh tế quốc tế và việc gia nhập WTO đem lại cả cơ hội và thách thức, cơ hội và thách thức có thể chuyển hóa lẫn nhau. Điều quan trọng là phải tiếp tục công cuộc đổi mới để cùng với tiến trình chủ động hội nhập – một điều kiện cần cho sự phát triển – thực sự tạo ra sự phát triển nhanh, bền vững.

Tóm lại, trong bối cảnh mới, bên cạnh việc xây dựng và tăng cường thể chế thực thi, giám sát có hiệu lực, rất cần thiết lập thể chế rà soát chính sách(phân tích dự báo, xem xét/ nghiên cứu và lựa chọn chính sách; tiếp thu thông tin phản hồi; phân tích chi phí – lợi ích các dự án, chương trình cải cách lớn; đánh giá tác động chính sách,…). Cho đến nay, thể chế rà soát chính sách ở nước ta còn chưa được quan tâm đầy đủ. Vì vậy phải chú ý tới nguyên tắc của tổ chức/cơ chế rà soát chính sách là: (i) phải có tính phản biện độc lập; (ii) có quan điểm, tầm nhìn tổng thể nền kinh tế; (iii) bảo đảm quá trình rà soát và tham vấn minh bạch.

——

(1) Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đã trình Đề án “Nghiên cứu tác động của hội nhập, cam kết gia nhập WTO và các cam kết khu vực, song phương – Chính sách, biện pháp thực hiện, thích ứng” vào tháng 12-2007 và chuẩn bị Báo cáo “Tác động hội nhập đối với nền kinh tế sau 1,5 năm Việt Nam gia nhập WTO” để Chính phủ gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư vào tháng 7-2008

(2) Mặc dù chống lạm phát sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong ngắn hạn, song việc bảo đảm nền kinh tế có thể “dần hạ cánh nhẹ” phụ thuộc vào sự đồng bộ trong thực hiện 8 nhóm giải pháp của Chính phủ, đặc biệt là chính sách thắt chặt tiền tệ và giảm chi tiêu và đầu tư công

SOURCE: TẠP CHÍ CỘNG SẢN SỐ 9 (177) NĂM 2009 – TS. ĐINH VĂN ÂN – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Trích dẫn từ: http://www.tapchicongsan.org.vn/

(LUATMINHKHUE.VN: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)