Rõ ràng, một mặt, quyền tài sản là tài sản; mặt khác, một quyền tài sản phải có đủ hai yếu tố: trị giá được bằng tiền và chuyển giao được trong giao lưu dân sự. Song, nếu chỉ có chừng đó quy tắc, thì ta có kết luận: các quyền không thể được chuyển nhượng trong giao lưu dân sự, do gắn liền với nhân thân của người có quyền, dù trị giá được bằng tiền (như quyền được cấp dưỡng, quyền hưởng trợ cấp hưu trí,…), không phải là tài sản. Kết luận đó đúng không?
Thực ra, cái gọi là tính chất tài sản của quyền dân sự có các cấp độ khác nhau: đầy đủ, không đầy đủ và không có. Quyền tài sản nói tại Ðiều 188 là quyền có đầy đủ tính chất tài sản. Quyền bầu cử, quyền đi lại, quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm không trị giá được bằng tiền và cũng không thể chuyển nhượng, do đó, không có tính chất tài sản, goi là quyền nhận thân. Còn các quyền được thực hiện dưới hình thức thu nhận các lợi ích vật chất, nhưng lại không chuyển nhượng được, thì chỉ có tính chất tài sản không đầy đủ (đúng ra là không hoàn hảo).
Tóm lại, quyền trị giá được bằng tiền là tài sản. Ðiều 188 BLDS chỉ nói về các quyền tài sản được coi như tài sản tự do lưu thông. Ðịnh nghĩa của luật do đó không đầy đủ và phải được bổ sung. Nhưng bổ sung như thế nào?
.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
I. Xác định lại quan niệm về quyền tài sản trong khoa học luật
Tài sản, vật và quyền. Theo nghĩa thông dụng và hầu như không có tính pháp lý, thuật ngữ tài sản dùng để chỉ một vật được con người sử dụng, một vật hữu hình, như cái bàn, cái ghế, chiếc xe máy,… nghĩa là vật mà ta có thể nhận biết bằng giác quan tiếp xúc. Tuy nhiên, không phải vật hữu hình nào cũng là tài sản. Tất cả mọi người đều sử dụng không khí, nhưng cho đến nay, không khí chưa bao giờ được coi là tài sản theo nghĩa của luật dân sự. Suy cho cùng, chỉ có thể được coi là tài sản những vật mà trên vật đó chủ thể của quan hệ pháp luật xác lập được các quyền cho phép khai thác lợi ích vật chất từ vật và lợi ích đó có giá trị tiền tệ. Bởi vậy, ta nói rằng một vật hữu hình là tài sản trong điều kiện nó là đối tượng của các quyền định giá được bằng tiền. Nói cách khác, vật hữu hình trở thành tài sản một khi nó được pháp lý hoá thành các quyền định giá được bằng tiền.
Khái niệm quyền có giá trị tiền tệ gắn với vật hữu hình, một khi được định hình trong pháp luật về tài sản, có tính độc lập tương đối với vật hữu hình và tính độc lập tương đối đó cho phép đi xa hơn trong việc xác định phạm vi bao quát của khái niệm tài sản bằng cách xây dựng khái niệm tài sản không phải là vật hữu hình. Một mặt, có những quyền định giá được bằng tiền, nhưng lại không được thực hiện trên một vật mà lại gắn liền với một hoạt động: phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm văn chương, khoa học, nghệ thuật, mạng lưới tiêu thụ hàng hoá hoặc cung ứng dịch vụ của thương nhân, thương hiệu,… Mặt khác, quyền đòi nợ rõ ràng cũng là một quyền có giá trị tiền tệ nhưng không có đối tượng là một vật hữu hình nào: người có quyền đòi nợ thực hiện quyền của mình bằng cách yêu cầu người mắc nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ và tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó dưới hình thức nhận một số tiền. Xuất phát từ suy nghĩ ban đầu, theo đó, tài sản là một vật, ta nói rằng các vật là đối tượng của quyền được ghi nhận trong hai trường hợp vừa nêu không thể được nhận biết bằng giác quan tiếp xúc. Ta gọi các vật như thế là vật vô hình. Quyền định giá được bằng tiền, trong chừng mực đó, là tài sản trong điều kiện nó được vật chất hoá thành một vật (dù là vật vô hình) phân biệt với một vật khác.
Tóm lại, vật và quyền là hai mặt không tách rời của tài sản. Có thể nói rằng nếu khái niệm vật được dùng để chỉ tài sản về phương diện vật chất, thì khái niệm quyền được dùng để chỉ tài sản về phương diện pháp lý.
Vấn đề đặt ra trong khoa học luật Việt Nam. Việc người làm luật bỏ quên các quyền tài sản không chuyển giao được trong giao lưu dân sự không phải là thiếu sót nghiêm trọng lắm. Thực vậy, khi xây dựng chế định hợp đồng mua bán, người soạn thảo luật dành riêng một điều luật để nói về mua bán quyền tài sản (Ðiều 442) sau khi đã nói xong về việc mua bán tài sản (Ðiều 421 đến 441). Các quy định liên quan đến mua bán tài sản chỉ chi phối các quan hệ mua bán có đối tượng là vật hữu hình; các quy định về mua bán quyền tài sản, về phần mình, có vẻ như chỉ liên quan đến các hợp đồng mua bán có đối tượng là tài sản vô hình. Ngoài ra, khi nói về việc cầm cố quyền tài sản (Ðiều 338), luật quy định rằng người cầm cố (quyền tài sản) phải báo cho người có nghĩa vụ biết về việc cầm cố. Quyền tài sản được đề cập trong điều luật đó hoàn toàn được đồng hoá với quyền đòi nợ (Droit créance) (comment: điểm chứng minh quyền tài sản theo luật việt nam không mang nghĩa Droit réel như luật của Pháp). Mặt khác, tại Ðiều 328, người làm luật nói rằng quyền sử dụng đất cũng là một quyền tài sản và có thể được dùng để thế chấp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ…
Từ kết quả phân tích ấy, có thể thừa nhận rằng trong suy nghĩ của những người soạn thảo Ðiều 188 Bộ luật dân sự năm 2005, quyền tài sản là một khái niệm đối lập với tài sản hữu hình và là một yếu tố có tác dụng đặt cơ sở cho việc xây dựng một hệ thống phân loại tài sản đặc thù, bên cạnh các hệ thống phân loại kinh điển – độüüng sản và bất động sản, vật chính và vật phụ,… Với hệ thống phân loại đó, ta có một bên là các tài sản hữu hình (động sản và bất động sản hữu hình), bên kia là các quyền tài sản, tức là các động sản vô hình (quyền đòi nợ, quyền sở hữu trí tuệ,…). Quyền tài sản trở thành một khái niệm rất hẹp và không đủ tầm vóc để đảm đương vai trò đối trọng với quyền nhân thân, là những quyền không có giá trị tài sản, trong luật dân sự.
Bởi vậy, vấn đề, suy cho cùng, không phải là làm thế nào để bổ sung, hoàn thiện Ðiều 188 BLDS, mà là làm thế nào để xây dựng chế định quyền tài sản với tư cách là sự biểu hiện pháp lý của một vật có giá trị tiền tệ, chứ không chỉ đơn giản là quyền đòi nợ hay quyền sở hữu trí tuệ như trong suy nghĩ của người soạn thảo điều luật đã dẫn.
II. Các loại quyền tài sản
Quyền đối vật và quyền đối nhân. Trong quan niệm la tinh, khối tài sản có của một người được tạo thành từ hai loại quyền: quyền đối vật, tức là các quyền được thực hiện trên các vật cụ thể và xác định, và quyền đối nhân, bao gồm các quyền tương ứng với các nghĩa vụ tài sản mà người khác phải thực hiện vì lợi ích của người có quyền.
Vào đầu thế kỷ XX, một vài nhà luật học Pháp đã cố gắng xoá bỏ ranh giới giữa quyền đối vật và quyền đối nhân bằng cách xây dựng các học thuyết trái ngược.
Theo Saleilles, thì quyền đối nhân chỉ là một hình thức tồn tại của quyền đối vật. Quyền đối nhân có giá trị tài sản và có thể được chuyển nhượng, cầm cố, chuyển giao cho người thừa kế, như tài sản hữu hình. Trong chừng mực đó, quyền đối nhân tách rời nhân thân của người có quyền, cũng như của người có nghĩa vụ, và gắn liền với đối tượng của nó, tức là với giá trị tài sản của quyền đó.
Theo Planiol, thì chính quyền đối vật lại chỉ là một hình thức tồn tại của quyền đối nhân. Quyền không thể được coi là một quan hệ giữa người và vật, mà phải là một quan hệ xã hội, một quan hệ giữa người và người trong một cộng đồng có tổ chức. Quyền đối vật, suy cho cùng, tương ứng với một nghĩa vụ tổng quát nhất và, như một nghĩa vụ đúng nghĩa, được cấu thành từ ba yếu tố: một chủ thể có (người có quyền), một chủ thể nợ (người có nghĩa vụ) và một đối tượng (nghĩa vụ phải thực hiện); chủ thể có của quyền đối vật là người có quyền đó; chủ thể nợ là tất cả mọi người: những người thuộc phần còn lại của thế giới có trách nhiệm thực hiện một nghĩa vụ hoàn toàn thụ động – nghĩa vụ tôn trọng quyền của người có quyền đối với tài sản.
Nhận xét: mọi nỗ lực nhằm thiết lập sự đồng nhất giữa quyền đối vật và quyền đối nhân đều tỏ ra cực đoan. Rõ ràng, có những quyền thực hiện một cách trực tiếp trên vật mà không cần đến vai trò của người thứ ba và có những quyền khác mà tính hiệu quả lệ thuộc chủ yếu vào khả năng thanh toán và lòng trung thực của một hoặc nhiều người được chỉ định rõ (gọi là người có nghĩa vụ). Nói cách khác, sự phân biệt giữa quyền đối vật và quyền đối nhân vẫn cần thiết trong luật la tinh như là điểm xuất phát của quá trình xây dựng và hoàn thiện một hệ thống quy tắc đa dạng và hợp lý áp dụng cho những quyền có giá trị tài sản có đặc điểm cơ bản không giống nhau.
Luật Việt Nam có vận dụng quan niệm la tinh khi xây dựng các quan niệm của mình. Khi đọc điều luật liên quan đến việc cầm cố quyền tài sản ta có thể ghi nhận rằng quyền tài sản trong điều luật có những đặc điểm cơ bản của quyền đối nhân (còn gọi là quyền chủ nợ) trong luật la tinh, bởi khi một người có quyền tài sản, thì một người khác có nghĩa vụ tài sản tương ứng. Nhận xét có thể hơi vội, vì trong luật thực định, kể cả quyền sở hữu trí tuệ cũng được xếp vào nhóm quyền tài sản; quyền sở hữu trí tuệ, sẽî được phân tích ở một tham luận khác, không phải là quyền chủ nợ. Song, có thể nghĩ rằng trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, quyền sở hữu trí tuệ và nói chung quyền sở hữu đối với các tài sản vô hình là những trường hợp đặc biệt, ngoại lệ của quyền đối nhân. Nói chung, nhận xét mà ta muốn rút ra là: tư duy pháp lý của người Việt Nam đã tiếp nhận khái niệm quyền đối nhân của luật la tinh. Do đó, trong các nỗ lực hoàn thiện chế định quyền tài sản trong luật Việt Nam, ta nên tiếp tục tiếp nhận có chọn lọc các khái niệm tương ứng của luật la tinh. Cụ thể, nếu đã thừa nhận sự tồn tại của quyền đối nhân, thì cũng nên thừa nhận có những quyền gọi là đối vật.
A. Quyền đối vật
1. Quyền đối vật trong hệ thống la tinh
Quyền đối với vật hoặc quyền được bảo đảm bằng giá trị của vật. Các quyền đối vật có thể được xếp vào hai nhóm:
– Nhóm thứ nhất, gồm các quyền mà việc thực hiện tác động một cách trực tiếp lên tính trạng vật chất của đối tượng. Luật la tinh gọi các quyền đối vật này là các quyền đối vật chính (droits réels principaux). Quan trọng nhất trong các quyền đối vật chính là quyền sở hữu. Các quyền đối vật chính còn lại là kết quả của sự phân rã (démembrement) quyền sở hữu thành những yếu tố rời: quyền hưởng hoa lợi (usufruit), quyền dùng và ở (droit dusage et dhabitation), quyền bề mặt (droit de superficie), quyền được phục vụ (servitudes),…
– Nhóm thứ hai, gồm các quyền có đối tượng là giá trị tiền tệ của một hoặc nhiều tài sản cụ thể. Các quyền này được gắn với một quyền chủ nợ nhằm tăng cường hiệu lực của quyền chủ nợ đó. Luật la tinh gọi đó là các quyền đối vật phụ (droits réels accessoires). Người có quyền đối vật loại này không có các quyền trực tiếp đối với đối tượng mà chỉ có quyền đối với giá trị của đối tượng đó và trong phạm vi giá trị của quyền chủ nợ có bảo đảm. Ví dụ: trong trường hợp người cầm cố không thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng biện pháp cầm cố, thì người nhận cầm cố có quyền yêu cầu xử lý tài sản theo thoả thuận hoặc yêu cầu bán đấu giá tài sản và được ưu tiên thanh toán bằng tiền bán tài sản; nếu sau khi đã thanh toán cho người thụ hưởng biện pháp bảo đảm mà tiền bán tài sản vẫn còn lại một phần, thì phần còn lại đó thuộc về người cầm cố.
a. Ðặc điểm của quyền đối vật
Quyền trực tiếp trên đối tượng Quyền sở hữu đối với tài sản được xây dựng dựa trên mối quan hệ giữa một người và một vật. Ông X có một chiếc xe máy, quyền sở hữu của ông X đối với xe máy, một khi được xác lập, sẽ hoà nhập vào xe máy: chiếc xe máy đó là của ông X. Ðể quyền sở hữu được thực hiện, chỉ cần có chủ sở hữu và vật, không cần có người thứ ba. Thực ra, cần có sự tham gia của người thứ ba vào sự hình thành giá trị vật chất của quyền sở hữu: là một quan hệ xã hội, quyền sở hữu có giá trị tiền tệ được người thứ ba thừa nhận. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng cần có người thứ ba trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản liên quan: sự tham gia của người thứ ba chỉ có tác dụng quyết định giá trị của tài sản; có hay không có người thứ ba, tài sản vẫn tồn tại với tư cách là một vật và chủ sở hữu vẫn thực hiện các quyền của mình, một cách trực tiếp, trên vật đó.
Các quyền đối vật khác, ta đã biết, là quyền được xác lập trên tài sản của người khác. Quyền đối nhân cũng được xác lập trên tài sản của người khác. Nhưng, quyền đối vật mà không phải là quyền sở hữu cho phép người có quyền tự mình thực hiện các quyền đối với tài sản của người khác đó, mà không cần có sự tham gia bằng hành động của người sau này; trong khi quyền đối nhân đòi hỏi người có quyền phải yêu cầu người có tài sản thực hiện nghĩa vụ giao tài sản hoặc lợi ích vật chất gắn liền với tài sản cho mình.
Sự tôn trọng của người thứ ba. Quyền đối nhân có hiệu lực trong mối quan hệ giữa người có quyền yêu cầu và người có nghĩa vụ, nhưng, trên nguyên tắc, không làm bận tâm người thứ ba; quyền đối vật có hiệu lực đối với tất cả mọi người và phải được mọi người tôn trọng. A có nghĩa vụ trả cho X một số tiền và đã thế chấp căn nhà của mình cho Y để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ tài sản khác. Y có thể không cần biết đến mối quan hệ nghĩa vụ giữa A và X; trong khi X phải tôn trọng quyền của chủ nợ nhận thế chấp mà Y có được đối với căn nhà của A: nếu A không thực hiện nghĩa vụ đối với Y và căn nhà được kê biên rồi đem bán đấu giá, thì Y có quyền ưu tiên được thanh toán, như ta sẽ thấy sau đây.
b. Hệ quả
Quyền đeo đuổi. Trên nguyên tắc, người có quyền đối vật có thể thực hiện quyền của mình đối với tài sản, bất kể tài sản đang nằm trong tay người nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chủ sở hữu có quyền kiện đòi lại tài sản của mình do người khác chiếm hữu. Người có quyền về lối đi qua bất động sản liền kề có thể sử dụng lối đi qua, dù bất động sản liền kề có được chuyển nhượng lần lượt cho nhiều người. Chủ nợ nhận thế chấp luôn có tài sản thế chấp để bảo đảm cho việc thu hồi nợ. Người mắc nợ có thể chuyển nhượng tài sản thế chấp mà chủ nợ không thể phản đối; nhưng, khi nợ đến hạn, chủ nợ có quyền yêu cầu kê biên tài sản thế chấp để bán và nhận tiền thanh toán, dù lúc đó tài sản không còn thuộc về người mắc nợ.
Quyền ưu tiên. Người có quyền đối vật có thể loại tất cả những người có quyền đối nhân (và cả những người có quyền đối vật xếp sau mình trong thứ tự đăng ký) ra khỏi cuộc chạy đua nhằm thực hiện các quyền đối với tài sản liên quan. Người mua tài sản, sau khi quyền sở hữu tài sản mua đã được chuyển mà tài sản chưa được giao, có quyền ưu tiên đối với tài sản so với các chủ nợ của người bán trong trường hợp người bán lâm vào tình trạng phá sản: nếu người mua tuyên bố nhận tài sản, thì các chủ nợ của người bán không có quyền yêu cầu kê biên tài sản đó. Quyền ưu tiên của người có quyền đối vật phát huy tác dụng rõ nét nhất trong trường hợp quyền đối vật mang tính chất của một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: ngườìi nhận thế chấp hoặc cầm cố có quyền ưu tiên được thanh toán bằng số tiền bán tài sản thế chấp hoặc cầm cố so với các chủ nợ không có bảo đảm của người thế chấp hoặc cầm cố.
2. Quyền đối vật trong luật Việt Nam
Quyền sở hữu và gì nữa ?. Luật thực định Việt Nam ghi nhận một số quyền tương tự như các quyền đối vật chính trong luật la tinh. Quyền sở hữu có thể được kể ra đầìu tiên. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề (Ðiều 278) có nhiều nét tương đồng với quyền được phục vụ. Quyền sử dụng đất là một loại quyền đối vật rất đặc biệt có thể làm liên tưởng đến tenure trong luật của Anh hoặc quyền của người được nhượng quyền bất động sản trong luật của Pháp (concession immobilière),… Ðặc biệt, luật nói rằng khi hộ gia đình, cá nhân thế chấp quyền sử dụng đất, thì nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng trồng, vườn cây và các tài sản khác của người thế chấp chỉ thuộc tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận. Giả sử không có thoả thuận và nghĩa vụ được bảo đảm không được thực hiện, thì chỉ có quyền sử dụng đất được kê biên và bán cho người khác để trả nợ (nếu tiền bán quyền sử dụng đất đủ để thanh toán nợ), còn người thế chấp giữ lại cho mình quyền sở hữu đối với các tài sản gắn liền với đất mà không có quyền sử dụng đất. Quyền sở hữu đó (tạm gọi là sở hữu bề mặt) rất giống quyền bề mặt trong luật la tinh.
Tuy nhiên, trong khung cảnh của luật thực định, chỉ có quyền sở hữu được người làm luật dành cho khá nhiều sự quan tâm. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề còn dừng lại ở trình độ sơ khai. Quyền sử dụng đất được nhắc đến khá nhiều ở góc độ giao dịch nhưng hầu như bị bỏ quên ở góc độ pháp luật tài sản, thậm chí còn không được liệt kê trong danh sách bất động sản. Riêng quyền sở hữu các tài sản gắn liền với đất của người không có quyền sử dụng đất có vẻ như là một chế định hình thành ngoài dự đoán của người soạn thảo BLDS năm 1995… Các đề tài trên đây đều rất rộng, nên được xem xét trong các tham luận riêng biệt.
Có hay không quyền đối vật phụ ?. Luật Việt Nam thừa nhận rằng chủ sở hữu tài sản có quyền cầm cố hoặc thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật, để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình hay của người khác. Tuy nhiên, dường như luật Việt Nam không thực sự coi các quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp là quyền đối vật. Ðối với các tác giả của BLDS năm 1995, cầm cố, thế chấp chỉ đơn giản là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản đặc định, được xác lập bằng hợp đồng và hợp đồng là căn cứ tạo ra các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, như bất kỳ quyền và nghĩa vụ thông thường nào khác được thiết lập trong khuôn khổ quan hệ kết ước. Chính điều đó giải thích tại sao có khá nhiều quy tắc liên quan đến việc cầm cố, thế chấp tài sản đã được xây dựng không trên cơ sở tu duy pháp lý truyền thống.
Thực vậy, một khi xây dựng được quan niệm về quyền đối vật, ta sẽ dễ dàng thừa nhận rằng người cầm cố hoặc thế chấp tài sản vẫn là chủ sở hữu đối với tài sản liên quan cả trong thời gian có hiệu lực của biện pháp bảo đảm. Người cầm cố, thế chấp, trên nguyên tắc, có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản, đặc biệt là quyền định đoạt tài sản. Ðơn giản, trong điều kiện tài sản cầm cố, thế chấp cũng là đối tượng của các quyền đối vật của chủ nợ có bảo đảm, luật chỉ đòi hỏi rằng chủ sở hữu chỉ có thể định đoạt tài sản trong chừng mực việc định đoạt đó không có tác dụng cản trở việc thực hiện quyền của chủ nợ có bảo đảm đối với tài sản liên quan, nhất là quyền ưu tiên được thanh toán nợ có bảo đảm bằng giá trị của tài sản đó, cũng như không gây thiệt hại cho người thứ ba. Nói rõ hơn, việc định đoạt tài sản cầm cố, thế chấp ngay trong thời kỳ có hiệu lực của biện pháp bảo đảm được luật chấp nhận với hai điều kiện: 1. Chủ nợ luôn được bảo đảm rằng tài sản không bị lẫn lộn vào các tài sản khác trong quá trình lưu thông và luôn được đặt dưới sự giám sát, kiểm soát của mình; 2. Người thứ ba được chuyển nhượng tài sản biết rõ tình trạng pháp lý của tài sản cũng như các hệ quả pháp lý liên quan đến số phận của tài sản trong trường hợp người có nghĩa vụ được bảo đảm không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ đó. Cứ hình dung:
– Trong trường hợp tài sản được cầm cố và được giao cho người nhận cầm cố hoặc người thứ ba giữ, người cầm cố không thể giấu được người khác về mối quan hệ cầm cố đang tồn tại; còn người khác phải biết tài sản đang được cầm cố; nếu vẫn chấp nhận mua tài sản, người khác coi như đã chấp nhận rủi ro. Chủ nợ nhận cầm cố, về phần mình, không phải bận tâm về việc có ai đó đã quyết định mua tài sản: nếu nghĩa vụ có bảo đảm không được thực hiện, thì chủ nợ xử lý tài sản để nhận tiền thanh toán, bất kể tài sản đang thuộc quyền sở hữu của ai.
– Trong trường hợp tài sản được thế chấp hoặc được cầm cố nhưng vẫn được để lại cho người cầm cố, thế chấp giữ, thì việc đăng ký cầm cố, thế chấp sẽ có tác dụng công bố tình trạng pháp lý của tài sản cho người thứ ba. Khi xác lập giao dịch chuyển nhượng liên quan đến tài sản, người thứ ba chắc chắn phải tiếp xúc với hệ thống đăng ký; và, một khi đã có được các thông tin về việc thế chấp tài sản mà vẫn chấp nhận xác lập giao dịch, người này coi như đương nhiên cam kết tôn trọng các quyền của chủ nợ có bảo đảm đối với tài sản, đặc biệt là trong trường hợp người có nghĩa vụ được bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ của mình.. Việc đăng ký, vả lại, khiến cho tài sản không thể bị lẫn lộn vào các tài sản khác trong quá trình lưu thông. Trong hoàn cảnh đó, quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm vẫn được bảo vệ đầy đủ, dù tài sản được chuyển nhượng cho người khác.
Người làm luật năm 1995 nói rằng: 1. Tài sản thế chấp có thể được chuyển nhượng với điều kiện người được chuyển nhượng chấp nhận trở thành người bảo lãnh đối vật (Ðiều 358); 2. Tài sản cầm cố mà được để lại cho người cầm cố giữ không thể được chuyển nhượng, dù tài sản này, theo luật, thuộc loại phải đăng ký quyền sở hữu và chính biện pháp cầm cố cũng phải được đăng ký (Ðiều 329 khoản 1). Riêng trong trường hợp tài sản cầm cố được giao cho người nhận cầm cố giữ, người làm luật chỉ cấm người nhận cầm cố chuyển nhượng tài sản (Ðiều 334 khoản 2) mà không cấm người cầm cố. Có lẽ người làm luật nghĩ rằng một khi tài sản đang nằm trong tay của người nhận cầm cố, thì người cầm cố, có muốn, cũng không thể định đoaüt tài sản do không có tài sản để chuyển giao. Suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm: nếu muốn, chủ sở hữu vẫn có thể thoả thuận với ngườìi thứ ba về việc chuyển nhượng tài sản, dù tài sản có thể đang nằm trong tay người khác; còn chuyển giao tài sản không chỉ đơn giản là chuyển giao vật chất mà còn bao hàm việc chuyển giao pháp lý.
Ta thấy: không xây dựng quan niệm về tính chất đối vật của quyền của chủ nợ nhận cầm cố, nhận thế chấp, người soạn thảo BLDS năm 1995 ghi nhận theo cảm tính các giải pháp khác nhau đối với các tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu tuỳ theo tài sản được cầm cố hay được thế chấp. Sự khác biệt ấy khiến cho luật Việt Nam vừa trở nên rắc rối một cách không cần thiết vừa không có tác dụng gìì tích cực trong việc hoàn thiện luật viết.
B. Quyền đối nhân
2. Quyền đối nhân trong luật la tinh
Khái niệm. Gọi là đối nhân, bởi vì quyền đối nhân là quyền được thiết lập trong mối quan hệ giữa hai người, hai chủ thể của quan hệ pháp luật. Có thể hiểu quyền đối nhân như là quyền cho phép một người yêu cầu một người khác đáp ứng đòi hỏi của mình nhằm thoả mãn một nhu cầu gắn liền với một lợi ích vật chất của mình. Mối quan hệ giữa hai người gọi là quan hệ nghĩa vụ. Người có quyền yêu cầu gọi là chủ thể có của quan hệ nghĩa vụ; người được yêu cầu (người có nghĩa vụ) gọi là chủ thể nợ của quan hệ đó.
Ðối tượng của quan hệ nghĩa vụ. Tuỳ theo tính chất của quan hệ, đối tượng của nghĩa vụ có thể thuộc một trong ba nhóm: làm một việc (giao một món hàng, sửa chữa một chiếc xe máy, xây dựng một căn nhà,…), không làm một việc (không quấy nhiễu người thuê trong việc sử dụng tài sản thuê, giữ bí mật đối với những gì mình biết về khách hàng,…) hoặc chuyển quyền sở hữu đối với một vật (đặc định, cùng loại hoặc một số tiền).
Thực hiện nghĩa vụ. Giả sử người có nghĩa vụ không tự giác thực hiện nghĩa vụ.
– Nếu đó là nghĩa vụ chuyển giao quyền sở hữu, thì trong luật của Pháp, quyền sở hữu được chuyển giao ngay khi giữa các bên đã trao đổi sự ưng thuận, người nhận chuyển nhượng có thể thiết lập tình trạng chiếm hữu đối với tài sản thông qua các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu;
– Nếu đó là nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc, thì cần phân biệt:
+ Trong trường hợp việc thực hiện đúng nghĩa vụ có thể đạt được mà không cần sự tham gia của người có nghĩa vụ, thì người có quyền có thể nhờ người khác làm và buộc người có nghĩa vụ trước đó phải thanh toán chi phí.
+ Trong trường hợp việc thực hiện đúng nghĩa vụ đòi hỏi sự tham gia của người có nghĩa vụ, thì người có quyền có thể lựa chọn giữa yêu cầu phạt chậm thực hiện nghĩa vụ (astreinte) và bồi thường thiệt hại.
2. Quyền đối nhân trong luật Việt Nam
Khái niệm. Theo Ðiều 285, nghĩa vụ là việc mà theo quy định của pháp luật, người có nghĩa vụ phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc vì lợi ích của người có quyền. Với định nghĩa đó, thì đối tượng của nghĩa vụ là làm một việc hoặc không làm một việc.
Vấn đề bật ra từ khái niệm. Có vẻ như đối với người soạn thảo Ðiều 285, nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cũng là nghĩa vụ làm một việc. Trong khung cảnh của luật viết, các quy định liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu nằm ẩn trong các quy định liên quan đến việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu. Về phần mình, các quy định liên quan đến việc xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu được xây dựng tuỳ theo tài sản có hay không có đăng ký quyền sở hữu: nếu tài sản không có đăng ký quyền sở hữu, thì quyền sở hữu được chuyển cho người nhận chuyển nhượng kể từ thời điểm nhận tài sản (Ðiều 432 khoản 1, Ðiều 462, 463); nếu tài sản có đăng ký quyền sở hữu, thì quyền sở hữu được chuyển từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu cho người nhận chuyển nhượng đối với tài sản đó (Ðiều 432 khoản 2, Ðiều 462 và 463). Có thể rút ra nhận xét: nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu trong luật Việt Nam được đồng hoá với nghĩa vụ giao tài sản (nếu tài sản không thuộc loại đăng ký quyền sở hữu) hoặc với nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký sang tên (nếu tài sản thuộc loại đăng ký quyền sở hữu). Vấn đề đặt ra: nếu người có nghĩa vụ không tự giác thực hiện nghĩa vụ, thì liệu quyền sở hữu có thể được chuyển bằng biện pháp cưỡng chế ? Luật Việt Nam hiện hành chưa có giải pháp chắc chắn cho vấn đề này:
1. Ðối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu. Theo BLDS Ðiều 311, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định, thì người có quyền được quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó; trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ giao vật cùng loại, thì phải thanh toán giá trị của vật và phải bồi thường thiệt hại.
– Nếu người có nghĩa vụ giao vật đặc định không chịu giao, thì chẳng lẽ, để quyền sở hữu được chuyển cho mình, người có quyền cứ phải đứng suốt ngày trước nhà của người có nghĩa vụ hoặc phải liên tục gọi điện thoại đốc thúc để người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ ? Ðáng lý ra, nếu người có nghĩa vụ không chuyển quyền sở hữu đối với tài sản đặc định bằng cách giao tài sản, thì quyền sở hữu vẫn được chuyển cho người có quyền yêu cầu một khi người sau này tuyên bố nhận tài sản. Một khi người có quyền yêu cầu đã nhận và quyền sở hữu đã chuyển mà người có nghĩa vụ vẫn không giao, thì người có quyền yêu cầu chỉ cần lấy tư cách chủ sở hữu mà tiến hành thủ tục đòi lại vật.
– Trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật cùng loại mà không chịu giao, thì hẳn nên nói cho rõ: người có quyền yêu cầu được quyền giao kết với người khác về việc giao vật cùng loại đó và người có nghĩa vụ trước đây phải thanh toán chi phí. Tất nhiên, khi giao kết với người khác về việc giao vật cùng loại, người có quyền yêu cầu trước đây phải tự mình chịu trách nhiệm trước người khác đó về những nghĩa vụ của mình, phát sinh từ hợp đồng mới, đối với người khác đó, đặc biệt là nghĩa vụ trả tiền để nhận vật. Suy cho cùng, về phần bắt buộc thực hiện nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu đối với vật cùng loại, người có quyền yêu cầu trước đây chỉ có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ trước đây thanh toán giá trị của vật một khi người có quyền yêu cầu trước đây đã có được quyền sở hữu đối với vật cùng loại bằng con đường khác và do có quyền sở hữu đó mà phải có nghĩa vụ trả tiền đối với người khác.
.
2. Ðối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Theo BLDS Ðiều 312 khoản 1, trong trường hợp người có nghĩa vụ làm một việc không thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền có thể tự mình làm việc đó hoặc giao cho người khác làm và yêu cầu người có nghĩa vụ thanh toán mọi chi phí và bồi thường thiệt hại. Vậy, nếu người có nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu đối với một tài sản phải đăng ký không chịu tiến hành thủ tục đăng ký, thì người có quyền có thể tự mình đăng ký chuyển quyền sở hữu tài sản cho mình. Ðây là giải pháp hoàn toàn hợp lý và hợp tình; tuy nhiên, không chắc đó là giải pháp mà người soạn thảo Ðiều 312 đã nghĩ đến khi soạn thảo điều luật. Tự mình làm hoặc giao cho người khác làm, câu chữ của luật khiến người đọc có cảm giác rằng người viết chỉ liên tưởng đến hợp đồng dịch vụ, gia công, vận chuyển,… khi viết điều luật đó, nghĩa là đến các nghĩa vụ làm một việc theo nghĩa hẹp nhất. Cảm giác càng trở nên sâu sắc khi người đọc trở lại với các định nghĩa về nghĩa vụ làm một việc và nghĩa vụ không làm một việc, được người làm luật thừa nhận tại Ðiều 296: nghĩa vụ làm một việc là nghĩa vụ mà theo đó người có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó; nghĩa vụ không được làm một việc là nghĩa vụ mà theo đó người có nghĩa vụ không được thực hiện công việc đó. Theo nghĩa đó mà nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc phân biệt với nghĩa vụ giao vật và nghĩa vụ trả tiền, được nói tại các Ðiều 294 và 295…
Hướng hoàn thiện. Luật Việt Nam không nhất thiết sao chép khái niệm liên quan đến quyền đối nhân của luật la tinh. Coi nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu như là nghĩa vụ làm một việc vẫn có thể là giải pháp chấp nhận được. Vấn đề, như đã biết, là: một mặt, goi là quyền đối nhân, nhưng quyền được thực hiện trên tài sản của người có nghĩa vụ chứ không phải trên thân thể vật lý của người đó; mặt khác, quyền phải được bảo đảm thực hiện đúng miễn là sự bảo đảm đó thoả mãn được yêu cầu dung hoà giữa nguyên tắc bảo vệ lợi ích vật chất hợp pháp của người có quyền và nguyên tắc tôn trọng thân thể của người có nghĩa vụ.
Bởi vậy, việc hoàn thiện chế định bắt buộc thực hiện nghĩa vụ phải dựa trên các tư tưởng chủ đạo sau dây:
1. Ðối với các nghĩa vụ làm một việc mà việc thực hiện đúng không đòi hỏi sự tham gia của cá nhân người có nghĩa vụ, cần có các quy định cho phép thực hiện nghĩa vụ đến cùng mà không cần có sự tham gia của người có nghĩa vụ. Nếu người phải chuyển quyền sở hữu vật đặc định không chịu chuyển bằng cách giao tài sản hoặc đăng ký sang tên, thì người có quyền yêu cầu được quyền chủ động nhận hoặc chủ động tiến hành sang tên rồi sau đó thực hiện quyền sở hữu của mình bằng cách đòi lại vật. Nếu người có nghĩa vụ giao vật cùng loại không chịu giao, thì người có quyền được quyền giao kết việc cung ứng với người khác và người vi phạm nghĩa vụ trước đó phải chịu chi phí. Nếu người có nghĩa vụ trả tiền không chịu thực hiện nghĩa vụ, thì người có quyền được phép yêu cầu kê biên và bán tài sản của người có nghĩa vụ để nhận tiền…
2. Ðối với các nghĩa vụ làm hoặc không làm một việc mà việc thực hiện đúng đòi hỏi có sự tham gia của người có nghĩa vụ, cần quy định dứt khoát:
+ Hoặc, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện thì phải bồi thường thiệt hại. Ca sĩ đã ký hợp đồng biểu diễn, hoạ sĩ giao kết hợp đồng vẽ tranh; cuối cùng, ca sĩ không hát, hoạ sĩ không vẽ; nếu không thể hoàn thành buổi biểu diễn mà không có ca sĩ đó, không thể có được bức tranh như ý muốn mà không phải nhờ đến tài hoa của hoạ sĩ đó, thì người tổ chức, người thuê vẽ yêu cầu ca sĩ, hoạ sĩ bồi thường thiệt hại.
+ Hoặc, nếu người có nghĩa vụ không thực hiện nhưng người có quyền vẫn mong muốn người có nghĩa vụ thực hiện, thì người có quyền được phép gây sức ép bằng cách yêu cầu phạt tiềnû trên mỗi ngày chậm thực hiện. Cứ mỗi ngày chậm thực hiện, ngườìi có nghĩa vụ lại ghi thêm một số tiền vào tài khoản nợ của mình.
Theo hướng hoàn thiện đó, ta sẽ thấy: mọi quyền đối nhân, nếu không liên quan đến một vật đặc định, trong trường hợp xấu nhất sẽ được quy thành quyền yêu cầu trả một số tiền. Quyền này, ta đã biết, chỉ động đến tài sản chứ không động đến thân thể của người có nghĩa vụ./.
Tác giả viết bài này theo tinh thần của BLDS năm 1995 – CIVILLAWINFOR
SOURCE: THAM LUẬN – HỘI THẢO THÁNG 6 NĂM 2001 (TÊN hỘI THẢO VÀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC HỘI THẢO CHƯA ĐƯỢC CẬP NHẬT) – TS. NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)