Với nhận thức đó, ngay sau khi  thông tư liên tịch số 01 ngày 25 tháng 3 năm 2004 của Liên ngành trung ương hướng dẫn thực hiện, Viện trưởng – Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập tổ công tác giải quyết bồi thường thiệt hại cho những người bị oan theo Nghị quyết 388. Tổ công tác có 06 thành viên ( bao gồm 3 đồng chí trưởng phòng nghiệp vụ khối hình sự, 1 đồng chí trưởng phòng khiếu tố và 1 lãnh đạo văn phòng ) do 1 đồng chí phó Viện trưởng Viện kiểm sát Hà Nội làm tổ trưởng. Đồng thời Viện trưởng – Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng ban hành Quy định tạm thời về chế độ trách nhiệm và lề lối làm việc của tổ công tác.
Từ 18 tháng7 năm 2004 đến ngày 15 tháng 7 năm 2005, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận và thụ lý 07 đơn đòi bồi thường  theo NQ 388 với tổng số tiền yêu cầu bồi thường khoảng 11 tỷ 600 triệu đồng ( có 03 đơn chưa nêu số tiền cụ thể ).
Quá trình và kết quả giải quyết:

1. Đơn của ông Hoàng Hữu Hương – sinh năm 1965:
– Trú quán: 8c phố Vôi, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.
– Thụ lý đơn ngày 18 tháng 7 năm 2004
– Căn cứ bản án 706 /HSPT ngày 23 tháng 5 năm 1997 của Tòa án phúc thẩm – Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên ông Hoàng Hữu Hương không phạm tội  giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước ( Ông  Hương bị bắt tạm giam 8 tháng 15 ngày ( từ  tháng 12 năm 1994 đến tháng 8 năm 1995 ).
– Đơn yêu cầu bồi thường tổng số tiền là : 368.600.000 VNĐ và 500 USD.
– Sau khi thụ lý đơn, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã mời ông Hương đến làm việc, xác định trách nhiệm phải bồi thường thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, lập biên bản thỏa thuận với ông Hương về thời gian, địa điểm tổ chức buổi xin lỗi công khai tại nơi cư trú của ông Hương. Cung cấp các văn bản, tài liệu ( theo quy định của NQ 388 ) để đương sự tự khai về yêu cầu bồi thường, thỏa thuận các báo trung ương và địa phương cần đăng tin xin lỗi …
– Ngày 29 tháng 7 năm 2004, liên hệ với UBND thị trấn Vôi , huyện Lạng Giang, Bắc Giang để mượn điạ điểm cho buổi xin lỗi công khai, thỏa thuận thành phần đại biểu và các đối tượng cần mời, cơ sở vật chất cho khác phục vụ cho việc xin lỗi.
– Ngày 02 tháng 8 năm 2004, tổ chức buổi xin lỗi công khai ông  Hoàng Hữu Hương tại trụ sở UBND thị trấn Vôi – Lạng Giang
– Bắc Giang với đầy đủ  các thành phần quy định và hàng trăm người dân tham dự. Sau đó đăng báo xin lỗi công khai trên 03 số liên tiếp của Báo Bắc Giang và Hà Nội.
– Từ ngày 11 tháng 8 năm 2004 đến 08 tháng 9 năm 2004, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành thương lượng với ông Hương 03 buổi với tình thần cầu thị, có trách nhiệm và có tính thuyết phục cao, chính nhờ vậy đã lập được biên bản thương lượng thành  ( lần 3 ) với mức đòi bồi thường từ trên 370 triệu đồng xuống còn 28.938.570 VNĐ ( bồi thường do tổn thất tinh thần : 19.376.070 VNĐ; bồi thường do thu nhập thức tế bị mất : 9.562.500đồng )
– Ngày 15 tháng 9 năm 2004, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ra Quyết định bồi thường theo NQ 388 cho ông Hoàng Hữu Hương với số tiền đã thỏa thuận là 28.938.570đồng. Sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ, công văn báo cáo lên Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để thẩm định và đề nghị Bộ Tài chính cấp tiền.
– Ngày 23 tháng 11 năm 2004, đã lập biên bản trả tiền công khai cho ông Hoàng Hữu Hương tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.

.Một số vấn đề về thủ tục giải quyết bồi thường Nhà nước qua một số vụ việc tại Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

2. Đồng thời cùng thời gian giải quyết đơn của ông Hoàng Hữu Hương, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cũng giải quyết đơn của ông Hoàng Minh Tiến – sinh năm 1954
– Trú quán : số 10 ngõ Thống Nhất – Đại La – phường Trương Định – Hai Bà Trưng – Hà Nội.
– Thụ lý đơn ngày 20 tháng 7 năm 2004
– Căn cứ  Bản án số 815 /HSPT ngày 14 – 15 tháng 6 năm 1996 của Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân Tối cao đã tuyên bố ông Hoàng Minh Tiến không phạm tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” ( ông Tiến bị bắt, tạm giam từ 22 tháng 11 năm 1992 đến 30 tháng 12 năm 1993 =  403 ngày và có 906 ngày tại ngọai sau đó, cho đến khi có bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật )
– Tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 4.072.600.000đồng và 01 căn nhà ở số 6/295 Bạch Mai.
– Cũng như trong trường hợp của ông Hương, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã mời ông Hoàng Minh Tiến lên làm việc, cung cấp các văn bản, tài liệu, lập biên bản xác định tránh nhiệm bồi thường thuộc Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, thoản thuận về thời gian, điạ điểm, cách thức tổ chức xin lỗi công khai, những đại diện cần có mặt vv… để cho đương sự chủ động đề xuất và thống nhất quyết định theo đúng NQ 388, khẩn trương liên hệ với chính quyền địa phương nơi cư trú của đương sự để nhờ sự giúp đỡ về địa điểm, các điều kiện, phương tiện phục vụ cho buổi xin lỗi, liên hệ đăng báo vv… tất cả những việc trên, Viện kiểm sát nhân dân tp Hà Nội chỉ thực hiện trong phạm vi 08 ngày ( cách 01 ngày làm việc với đương sự 01 lần ).
– Theo đúng thỏa thuận, ngày 28 tháng 7 năm 2004, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức buổi xin lỗi công khai ông Tiến tại trụ sở UBND phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với đầy đủ các thành phần và hàng trăm người dân cùng hàng chục phóng viên báo trí, truyền hình ở trung ương và địa phương tham dự.
Từ 10 tháng 8 năm 2004 đến ngày 07 tháng 9 năm 2004, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức 04 buổi thương lượng với ông Hoàng Minh Tiến với tinh thần thực sự cầu thị, rất thiện chí nhưng phía đương sự luôn có mặt rất đông người gồm các con trai, con gái, con rể, các anh em bạn bè của đương sự  vv.. để  gây áp lực đối với cơ quan phải bồi thường, họ chửi bới thô tục, thách thức xử lý và đưa ra nhiều yêu sách thậm chí vợ chồng ông Tiến còn đòi hỏi phải  bồi thường căn nhà chính họ tự bán cho người khác ( toàn bộ quá trình giải quyết tại Tòa án ở cả cấp sơ thẩm và phúc thẩm họ đều có thái độ như vậy ). Mặc dù NQ 388 chỉ quy định thương lượng với bản thân người bị oan hoặc đại diện hợp pháp của họ nhưng trong trường hợp ông Tiến nếu không đáp ứng yêu cầu thì họ không thương lượng, không ghi biên bản mà chỉ tập trung ở cổng cơ quan để chửi bới gây áp lực. Cũng do quan điểm khác nhau quá nhiều nên phải đến ngày 07-9-2004, hai bên mới thỏa thuận được về khoản bồi thường thiệt hại do tổn thất về tinh thần cho ông Hoàng Minh Tiến là 27.877.815 đồng, còn lại các khoản thiệt hại về tài sản  khác  khai bên thống nhất ký biện bản thương lượng không thành công để ông Tiến khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Sau đó, ngày 01/10/2004, ông Hoàng Minh Tiến chính thức có đơn khởi kiện tại Tòa án quận Hai Bà Trưng nhưng tự ý rút mức đòi bồi thường từ trên 04 tỷ đồng xuống còn 02 tỷ đồng.
Từ tháng 10 năm 2004 đến tháng 6 năm 2005, Tòa án Hai Bà Trưng tiến hành giải quyết vụ kiện theo trình tự tố tụng dân sự với nhiều buổi làm việc, hòa giải giữa hai bên nhưng đều không thành.
– Trong các ngày 2, 3 và 6 tháng 6 năm 2005, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ kiện của ông Hoàng Minh Tiến, kết quả : Tòa án ra quyết định:
+ Công nhận sự thỏa thuận của ông Hoàng Minh Tiến và Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội về khoản tiền bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần là 27.877.815 đồng.
+ Bác các khoản yêu cầu bồi thường khác ( 13 khoản ) vì không đủ tài liệu chứng minh.
– Ngày 09 tháng 6 năm 2005, ông Tiến có đơn kháng cáo đề nghị xét xử phúc thẩm. Trong các ngày 28 tháng 2 và 01, 02, 03 và 06  tháng 3 năm 2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm dân sự để xét xử lại theo đơn kháng cáo của ông Tiến. Kết quả: Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp nhận thêm khoản tiền bồi thường thiệt hại về tài sản gồm: tiền thuê Luật sư của LVN Group, thuê xe đi thăm nuôi trong thời gian ông Tiến bị tạm giam ( tổng số 10.810.000 đồng ), tiền bồi thường thiệt hại tổn thất về tinh thần là 33.647.724 đồng. Tổng cộng hai khoản là : 44.457.535 đồng. Ngay sau khi có bản án phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã làm công văn đề nghị chuyển tiền và trả xong cho ông Tiến.

3. Đơn của bà Nguyễn Thị Tình – sinh năm 1939
– Trú quán: 46 phố Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
– Thụ lý đơn ngày 20 tháng 4 năm 2005.
– Căn cứ quyết định đình chỉ điều tra số 43 ngày 31 tháng 5 năm 1994 của Công an thành phố Hà Nội đã kết luận chưa đủ cơ sở kết luận bà Nguyễn Thị Tình phạm tội cố ý gây thương tích ( bà Tình bị bắt tạm giam từ ngay 06 tháng 5 năm 1993 đến 31 tháng 5 năm 1994 là 12 tháng 27 ngày)
– Tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 249.382.000 đồng.
– Từ 20-4-2005 đến 06-01-2006, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành thương lượng với bà Tình 09 buổi, kết quả bà Tình yêu cầu xin lỗi công khai và đăng báo cải chính, thỏa thuận mức chấp nhận bồi thường là 31.470.349 đồng, đã trả tiền xong.

4. Đơn của ông Lê Duy Khang – sinh năm 1932
– Trú quán : số 47 ngõ 21B, ngõ Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội.
– Thụ lý đơn ngày 12 tháng 6 năm 2005.
– Căn cứ  Quyết định Giám đốc thẩm số 19 ngày 08 – 09 tháng 05 năm 2001 của UBTP Toà án NDTC đã tuyên bố ông Khang và vợ là bà Vũ Thị Vinh không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” ( bà Vinh đã chết năm 2004 nên ông Khang đại diện đòi bồi thường ). Ông Lê Duy Khang bị bắt tạm giam từ 28 tháng 6 năm 1997 đến 19 tháng 8 năm 1998 ( 418 ngày ) , bà Vinh bị bắt tạm giam từ 11 – 7 – 1997 đến 19 – 8 – 1998 ( 408 ngày ).
– Tổng số tiền ông Khang yêu cầu  bồi thường là 7.616.246.000 đồng.
– Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã tiến hành thương lượng với ông Khang trong 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn 1: từ 17 – 6 – 2005 đến 27 –  01 – 2006 đã có 09 buổi làm việc, kết quả: ông Khang không yêu cầu công khai xin lỗi ở địa phương cũng như không yêu cầu đăng báo xin lỗi. Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội và ông Khang đã thỏa thuận được khoản tiền bồi thường do tổn thất về tinh thần  và thiệt hại thực tế bị mất cho cả ông Khang và bà Vinh là 65.886.198 đồng. Sau đó, ông Khang tự dừng không đến thương lượng tiếp.
+ Giai đoạn 2 : từ 28 – 4 – 2006 đến 08 – 01 – 2006: đã có 07 buổi làm việc riêng giữa Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội với ông Khang và Luật sư của LVN Group do ông Khang mời. Tuy nhiên ông Khang lại tiếp tục đòi bồi thường số tiền là 7,6 tỷ đồng. Mặc dù có rất nhiều thiện chí để giải quyết bồi thường nhưng do trình độ nhận thức của đương sự quá hạn chế, không chấp nhận bất kỳ một sự phân tích, thuyết phục nào của chính Luật sư của LVN Group mà ông Khang đã mời nên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phải yêu cầu ông Lê Duy Khang khởi kiện ra Tòa dân sự để giải quyết nhưng ông Khang cũng không đồng ý ra Tòa, chỉ yêu cầu Luật sư của LVN Group thương lượng. Mặc dù vậy, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vẫn kiên trì thuyết phục thì ông Khang lại tự dừng không đến Viện kiểm sát  nữa ( dù đã mời, gọi rất nhiều lần ).
– Ngày 03 – 01 – 2007, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã căn cứ mục 5 thông tư liên tịch số 04 ngày 22 –  4 – 2006 của Liên  ngành trung ương để  thông báo cho ông Lê Duy Khang biết việc ông có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để giải quyết. Cho đến nay ông Khang cũng không khởi kiện ra tòa
Tóm lại, qua 04 trường hợp nêu trên thì có 02 trường hợp thương lượng thành, 01 trường hợp thương lượng không thành và đương sự khởi kiện ra Tòa án. Sau khi xét xử phúc thẩm, đương sự cũng chấp nhận phán quyết của Tòa án. Tổng số 03 trường hợp Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã chi trả tiền bồi thường là 104.866.455 đồng còn 01 trường hợp hiện vẫn tự dừng thương lượng.
5.: Ngoài 04 trường hợp nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội còn nhận đơn yêu cầu bồi thường theo NQ 388  của 03 đương sự khác  gồm:

+ Nguyễn Thái Thanh – địa chỉ: 77 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

+ Phạm Ngọc Tuấn – địa chỉ: Đông Mỹ, Thành Trì , Hà Nội.

+ Nguyễn Kim Ngọc – địa chỉ: Ba Đình , Hà Nội

Cả 03 trường hợp trên đều không thuộc diện điều chỉnh của NQ 388 ( do miễn trách nhiệm hình sự )  hoặc chỉ gửi đơn một lần rồi không đến nữa.

Một số vướng mắc trong quá trình giải quyết bồi thường theo NQ 388:

– Thực hiên Nghị quyết 388 / UBVQH 11 chưa có tiền lệ nên bản thân nó đã là khó khăn cho cơ quan phải bồi thường, mặc dù NQ 388 cũng như thông tư số 01 ( nay là thông tư 04 ngày 22 tháng 11 năm 2006 ) đã quy định khá cụ thể nhưng cũng chưa đề cập đến trình tự xin lỗi công khai tại chính quyền địa phương như thế nào. Nội dung lời phát biểu xin lỗi của cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải đạt những gì. Hình thức thương lượng cần tiến hành như thế nào? cùng 1 lúc phải ghi mấy biên bản (các đương sự đòi bản gốc), kinh phí cho quá trình giải quyết …vv

– Trong vụ án hình sự có nhiều người cùng bị oan, mỗi người bị oan đó lại do một cơ quan tiến hành tố tụng ở giai đoạn tố tụng khác nhau làm oan, vậy cơ quan nào được coi là cơ quan làm oan sai và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho  những người này. Ví dụ: 1 người bị cơ quan điều tra bắt tạm giam nhưng Viện kiểm sát không phê chuẩn khởi tố bị can, 01 người khác do Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can nhưng Tòa án tuyên không có tội,  01 người  nữa lại bị cả 3 cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm thống nhất kết luận và tuyên có tội. Nhưng cấp phúc thẩm lại tuyên không tội. Cả 03 đối tượng này đều trong 1 vụ án và cùng bị oan thì cơ quan nào được coi là cơ quan làm oan sau cùng và phải chịu trách nhiệm bồi thường.

– Các loại giấy tờ tài liệu nào được dùng làm căn cứ chứng minh yêu cầu bồi thường của người bị oan  ( ví dụ : các loại hóa đơn, giấy tờ mua bán hàng hóa, tài sản giữa các thương nhân Việt Nam và Trung Quốc mà có bản dịch của  người Trung Quốc ( trong vụ ông Lê Duy Khang ) hoặc giấy tờ hợp đồng kinh tế trong chế biến, sản xuất da trâu, bò ( trong vụ ông Hoàng Minh Tiến ).

Một vài suy nghị , kiến nghị khi xây dựng Luật Bồi thường nhà nước:

1- Nghiên cứu xây dựng luật bồi thường nhà nước là yêu cầu cần thiết trong quá trình thực hiện của cải cách tư pháp ở nước ta nhất là trong  tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng hiện nay. Do vậy đề nghị dựa trên cơ sở nền tảng của NQ 388, thông tư liên tịch số 04 và thực tiễn các địa phương đã áp dụng thực hiện mới để hoàn thiện và phát triển thành “phần bồi thường nhà nước trong Tố tụng hình sự ” trong Luật Bồi thường nhà nước chung. Đồng thời nghiên cứu những khó khăn vướng mắc của địa phương cũng như những khó khăn vướng mắc mà chúng tôi đã nêu trên để cụ thể hóa trong Luật hoặc trong các văn bản hướng dẫn áp dụng sau này.

2 – Nghiên cứu liệt kê các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự đã có sẵn về khái niệm oan, không phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm …  để làm căn cứ quy định những trường hợp được bồi thường hoặc không được bồi thường nhằm đảm bảo nguyên tắc pháp chế XHCN trong hệ thống pháp luật nhà nước ta nói chung.

3 – Nghiên cứu chỉ nên quy định cho người bị oan chỉ được nhận khoản bồi thường trong những ngày họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án tù …. Còn nếu họ được tại ngoại từ đầu, hoặc có nhưng ngày được  tạm tha sau đó… cho đến khi có quyết định cuối cùng kết luận họ bị oan thì tính vào khoản bồi thường do tổn thất về tinh thần cho họ.

4 – Cần quy định cả quyền được chấm dứt thương lượng cho cơ quan phải bồi thường trong các trường hợp người bị oan không có thiện chí thương lượng, kéo dài thời gian thương lượng nhưng cơ quan đó không có nghĩa vụ khởi kiện ra tòa ( không để như vụ ông Lê Duy Khang ). Quy định những trường hợp đương sự già, sức khỏe yếu, hoặc nhận thức văn hóa, pháp luật quá thấp nhưng họ lại không ủy quyền cho người khác đứng ra thương lượng, thì cơ quan phải bồi thường có quyền chỉ định Luật sư của LVN Group cho họ.

5 – Nghiên cứu quy định thời hạn xét xử dân sự cho các trường hợp người bị oan khởi kiện ra tòa án dân sự để đảm bảo thời gian xét xử không quá kéo dài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị oan.

Xuất phát từ thực tiễn giải quyết bồi thường theo NQ 388 tại Viện Kiểm sát Hà Nội, xin mạnh dạn bầy tỏ một vài suy nghĩ trên với hy vọng Luật Bồi thường Nhà nước sau khi được ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần từng bước xây dựng và hoàn thiện “nhà nước pháp quyền” theo tinh thần Nghị Quyết đại hội lần thứ X của Đảng đề ra.  

SOURCE: TẠP CHÍ DÂN CHỦ VÀ PHÁP LUẬT – HOÀNG NGỌC CẨN – Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội

Trích dẫn từ: http://vibonline.com.vn

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)