* Trường hợp thứ nhất: Người phải thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án

Theo Quyết định của Bản án số 05/2007/HNGĐ-ST ngày 12/5/2007 thì Tòa án nhân dân huyện PV xử cho bà B được ly hôn ông A. Ông A phải giao cháu C (sinh năm 2002) cho bà B chăm sóc nuôi dưỡng. Ông A không phải đóng phí tổn nuôi con..

Sau khi án có hiệu lực, do phải đi làm ăn xa không có điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con (cháu C) nên ông A liên lạc với bà B để giao con theo quyết định của Bản án nhưng bà B không chịu nhận vì bà B cũng đang chuẩn đi làm ăn xa.

Vì vậy, ngày 15/7/2007 ông A đã làm Đơn yêu cầu thi hành án về việc giao cháu C cho bà B chăm sóc, nuôi dưỡng. Căn cứ vào Điều 23 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Thủ trưởng cơ quan THADS huyện PV đã ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu và giao cho Chấp hành viên tổ chức thi hành. Chấp hành viên đã nhiều lần gửi giấy báo nhưng bà B vẫn không đến cơ quan thi hành án để giao nhận con theo quyết định của bản án. Chấp hành viên cũng đã tiến hành xác minh ở địa phương nhưng vẫn không biết bà B hiện nay làm ăn, sinh sống ở đâu.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Theo quy định tại mục 10 của Công văn 404/TP-THA ngày 24/2/2005 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn một số vấn đề nghiệp vụ thi hành án thì cũng chỉ mới có hướng dẫn xử lý khoản tiền, tài sản người phải thi hành án tự nguyện nộp nhưng người được thi hành án không nhận, còn trường hợp người phải thi hành án tự nguyện giao con mà người được thi hành án không nhận thì chưa có hướng dẫn nên xử lý như thế nào? Nếu người phải thi hành án tự nguyện giao con cho Cơ quan thi hành án để Cơ quan thi hành án giao cho bà B thì Cơ quan thi hành án có nhận không? Đây đang là một dấu chấm hỏi về tính pháp lý. Trong trường hợp trên, ông A tự nguyện giao con nhưng bà B không nhận hoặc không liên lạc được với bà B thì Cơ quan thi hành án cũng đành bó tay. Trả đơn yêu cầu thi hành án theo Điều 29 của Pháp lệnh THADS năm 2004 cũng không được vì trong trường hợp này người được thi hành án có điều kiện để thi hành án. Còn đình chỉ thi hành án theo Điều 28 của Pháp lệnh THADS năm 2004 thì phải chờ hết thời hiệu yêu cầu thi hành án (03 năm). Tuy nhiên, đình chỉ thi hành án mới chỉ giải quyết được việc thi hành hành án cho cơ quan thi hành án chứ quyền lợi của ông A chưa được giải quyết. vì ông A vẫn phải nuôi con trong khi đó quyền và nghĩa vụ nuôi con được Tòa án giao cho bà B. Trong trường hợp này Cơ quan thi hành án cũng không thể vận động ông A thay đổi quyền nuôi con vì bản thân ông A không có điều kiện nuôi con hay nói đúng hơn là ông A chuẩn bị đi làm ăn xa nên không muốn nuôi con.

* Trường hợp thứ hai: Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án

Theo Quyết định của Bản án số 02/2006/HNGĐ-ST ngày 25/02/2006 của Tòa án nhân dân huyện PV thì ông A phải giao con cho bà B chăm sóc, nuôi dưỡng. Ngày 15/3/2007, bà B đã có Đơn yêu cầu thi hành án về việc buộc ông A giao cháu C cho Bà nuôi dưỡng. Căn cứ Điều 23 Pháp lệnh THADS năm 2004, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án và giao cho Chấp hành viên tổ chức thi hành.

Sau nhiều lần vận động, thuyết phục ông A mới đồng ý giao cháu C cho bà B. Để tiến hành việc giao nhận con, Chấp hành viên đã thông báo cho bà B đến cơ quan Thi hành án để giao nhận con nhưng bà B không đến. Sau đó, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh mới biết bà B đã bỏ đi khỏi địa phương, làm ăn, sinh sống ở đâu chính quyền không rõ địa chỉ. Chấp hành viên cũng đã tiến hành đầy đủ các thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật nhưng đến nay vẫn không liên lạc được với bà B. Trong trường hợp này, Cơ quan thi hành án phải xử lý như thế nào? Trả đơn yêu cầu thi hành án thì không được vì bên phải thi hành án có điều kiện để thi hành án, còn đình chỉ thì phải chờ đến khi nào cháu C tròn 18 tuổi.

Tóm lại, thi hành án đối với các loại việc giao con là rất khó khăn, phức tạp và trong nhiều trường hợp không biết xử lý như thế nào? Bởi pháp luật chủ yếu mới quy định quyền lợi của người được thi hành án mà chưa gắn trách nhiệm của họ đối với việc thi hành án dẫn đến nhiều vụ việc thi hành án kéo dài tới 03 năm thậm chí gần tới 18 năm mới có đủ căn cứ pháp luật để giải quyết. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân án có điều kiện tồn đọng nhưng chưa được giải quyết.

Do đó, theo tôi ngoài việc pháp luật quy định và bảo vệ quyền lợi của người được thi hành án thì cũng cần có những quy định về trách nhiệm của họ trong quá trình tổ chức thi hành án. Chẳng hạn, nếu người được thi hành án đã được triệu tập (thông báo) hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Cơ quan thi hành án có quyền đình chỉ việc thi hành án. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm của người được thi hành án trong qúa trình giải quyết vụ việc, tránh tình trạng người được thi hành án khoán trắng cho Cơ quan thi hành án như hiện nay.

CÁM ƠN TÁC GIẢ ĐÃ CHIA SẺ BÀI VIẾT – THS. CÙ HOÀNG HANH – Thi hành án dân sự, huyện Phú Vang, Huế

Theo Thông tin pháp luật dân sự.

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)