Nghị định 18/2002/NĐ-CP ngày 18/2/202; Nghị định 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 173); Quyết định 1766/1998/QĐ-BTC ngày 7/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thông tư số 06/2003/TT-BCA(V19) ngày 12/3/2003 của Bộ Công an ; Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (gọi tắt là Thông tư 05); Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007 của Bộ Tư pháp (gọi tắt là Thông tư 06)…Mặc dù vậy, hiện nay trong quá trình thực hiện các cơ quan THADS vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc sau:

1. Về căn cứ tiếp nhận và thời điểm tiếp nhận vật chứng, tài sản.

Trước đây (trước khi Bộ luật TTHS 2003 có hiệu lực) việc giao nhận vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự được thực hiện căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Theo đó, thời điểm tiếp nhận vật chứng, tài sản (về nguyên tắc) cùng lúc với việc giao nhận bản án, quyết định của Tòa án hoặc có thể sau thời điểm nhận bản án, quyết định của Tòa án.

Còn kể từ khi Bộ luật TTHS 2003 có hiệu lực đến nay, việc giao nhận căn cứ vào quyết định của Viện kiểm sát nhân dân đang thụ lý vụ án về việc chuyển vật chứng từ kho cơ quan Công an sang kho cơ quan THADS. Theo đó, thời điểm giao nhận vật chứng, tài sản là trước hoặc cùng thời điểm giao nhận bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp vật chứng, tài sản được chuyển giao trước thời điểm chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án đó là: “Trong trường hợp vật chứng được bảo quản tại kho của cơ quan Công an hoặc tại kho của cơ quan điều tra trong quân đội, thì khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vật chứng từ kho của cơ quan Công an hoặc từ kho của cơ quan điều tra sang kho vật chứng của cơ quan thi hành án, đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án cùng cấp” (Điểm b, tiểu mục 21.2, mục 21 của Thông tư 05). Trường hợp vật chứng được chuyển giao cùng thời điểm chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án là những loại vật chứng kèm theo hồ sơ như: séc giả, bằng giả, chứng minh nhân dân, tranh ảnh…. Đối với những loại vật chứng này, trách nhiệm chuyển giao thuộc về Tòa án đã ra bản án, quyết định đó (Khoản 1 Điều 9 Nghị định 173).

.Một số vướng mắc về tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Theo quy định trên, hầu hết các vật chứng, tài sản được chuyển giao sang cho cơ quan THADS trước khi có bản án, quyết định của Tòa án. Cũng chính vì vậy mà trong một số trường hợp cơ quan THADS có nhận vật chứng do cơ quan Công an chuyển giao nhưng trong bản án, quyết định của Tòa án lại không đề cập đến việc xử lý những vật chứng, tài sản đó; bên cạnh đó lại có một số trường hợp trong bản án, quyết định của Tòa án có quyết định xử lý vật chứng nhưng trong biên bản giao nhận giữa cơ quan Công an và cơ quan THADS lại không có những vật chứng đó. Cho nên cơ quan THADS không biết nên xử lý những loại vật chứng, tài sản này như thế nào? Yêu cầu Tòa án giải thích hay yêu cầu cơ quan Công an chuyển những vật chứng còn thiếu hoặc trả lại vật chứng do Công an chuyển mà trong bản án, quyết định của Tòa án không quyết định xử lý …,những trường hợp này hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn.

2. Trách nhiệm tiếp nhận và bảo quản vật chứng, tài sản

Tại điểm đ, Khoản 2, Điều 75 của Bộ luật TTHS 2003 quy định: “Đối với vật chứng đưa về cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án“. Theo đó, tại tiểu mục 1, mục II của Thông tư 06 quy định: “cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra chuyển giao kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003“.

Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện theo quy định này đã phát sinh vướng mắc, đó là:

Như trên đã trình bày, căn cứ để cơ quan thi hành án tiếp nhận vật chứng là quyết định của VKSND đang thụ lý vụ án. Còn khi ra quyết định chuyển vật chứng thì VKSND lại căn cứ vào Thông tư liên tịch số 05, theo đó thời điểm ra quyết định chuyển vật chứng là khi ra quyết định truy tố. Do đó, ở đây có sự mâu thuẫn về thời điểm chuyển giao và thời điểm tiếp nhận giữa Thông tư liên tịch 05 và Thông tư 06. Cơ quan ra quyết định chuyển vật chứng thì khi có quyết định truy tố, còn cơ quan tiếp nhận vật chứng thì sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án. Về nguyên tắc, trong thời hạn 2 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chuyển vật chứng của VKSND cơ quan Công an phải có trách nhiệm chuyển vật chứng cho cơ quan thi hành án. Cơ quan thi hành án có quyền từ chối nhận vật chứng khi chưa có quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án hay không? Và cơ sở nào để cơ quan thi hành biết được vật chứng đó đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, vật chứng nào thì chưa có. Vì trong Bộ luật TTHS 2003 không có quy định trách nhiệm gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án cho cơ quan thi hành án.

Vì vậy, theo tôi nên quy định trách nhiệm của VKSND cùng cấp phải ra quyết định chuyển vật chứng (nếu có vật chứng) khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Đây là căn cứ về thời điểm để VKSND ra quyết định chyển vật chứng chứ không phải là thời điểm phát sinh trách nhiệm tiếp nhận vật chứng của cơ quan thi hành án. Cơ quan THA chỉ cần căn cứ vào quyết định chuyển vật chứng của VKSND và biên bản giao vật chứng của cơ quan Công an để tiếp nhận vật chứng. Ngoài ra, cần phải quy định thủ tục bắt buộc khi xét xử các vụ án có vật chứng đòi hỏi phải có biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan Công an và cơ quan THADS, để tránh tình trạng nhiều bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không biết có vật chứng hay không? và đang nằm ở cơ quan nào? Có nhiều trường hợp cơ quan THADS nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực do Tòa án chuyển giao nhưng chưa thể ra quyết định thi hành án vì không có vật chứng. Trả lại bản án, quyết định của Tòa án cho Tòa án thì pháp luật không cho phép (thực tế đã có một số cơ quan THA trả lại bản án, quyết định cho Tòa án trong những trường hợp này), không trả thì lại vi phạm về thời hạn ra quyết định thi hành án được quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Pháp lệnh THADS 2004.

3. Về thủ tục tiếp nhận vật chứng

– Tại điểm b, tiểu mục 1.4, mục 1 phần II của Thông tư 06 quy định: “Trong trường hợp vật chứng, tài sản được bàn giao dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan thi hành án chỉ nhận khi có kết luận giám định rõ số lượng, chủng loại, chất lượng của từng loại vật chứng, tài sản trong gói niêm phong đó của cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án chỉ nhận vật chứng, tài sản là ma túy dưới hình thức gói niêm phong khi có kết luận của Viện khoa học hình sự“.

Căn cứ vào quy định trên, khi nhận vật chứng, tài sản dưới dạng gói niêm phong Thủ kho của cơ quan thi hành án yêu cầu bên giao (cơ quan Công an) kèm theo kết luận của cơ quan có thẩm quyền và biên bản thu giữ ban đầu của cơ quan Điều tra, nhưng bên giao cho rằng không có quy định nào yêu cầu như vậy, hơn nữa các kết luận giám định và biên bản thu giữ ban đầu đều được cơ quan Điều tra chuyển theo hồ sơ của vụ án cho cơ quan có thẩm quyền, chứ bên giao không có. Thủ kho cơ quan thi hành án viện dẫn Thông tư 06 nhưng không được bên giao chấp nhận vì đó chỉ là Thông tư của Bộ Tư pháp chứ không phải Thông tư liên ngành.

Vì vậy, đối với những loại vật chứng này hiện nay cũng đang còn vướng mắc trong thủ tục tiếp nhận.

4. Về xử lý vật chứng, tài sản

Hiện nay, các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến vật chứng, tài sản ngày càng nhiều và rất phức tạp. Do đó, trong quá trình tổ chức thi hành án đối với những loại bản án, quyết định nói trên cơ quan thi hành án cũng gặp không ít khó khăn.

a) Khó khăn thứ nhất là, không có sự thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiêu hủy vật chứng.

Dưới đây, tác giả xin nêu ra 2 trường hợp cụ thể như sau:

+ Trường hợp thứ nhất, tiêu hủy 19kg lõi đồng dây điện theo quyết định của Bản án số 07/2007/HSST ngày 06/4/2007 của Tòa án nhân dân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

+ Trường hợp thứ hai, tiêu hủy 27 gói cần sa đựng trong 02 gói niêm phong theo quyết định của Bản án số 04/2007/HSST ngày 29/3/2007 của Tòa án nhân dân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa thiên Huế.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Trưởng THADS huyện Phú Vang đã ra quyết định thi hành án và giao cho Chấp hành viên tổ chức thi hành. Theo đề nghị của Chấp hành viên, ngày 07/9/2007, Trưởng THADS huyện Phú Vang đã ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy để tiêu hủy các vật chứng nói trên. Ngày 10/9/2007, Hội đồng tiêu hủy tiến hành tiêu hủy vật chứng dưới sự giám sát của Kiểm sát viên VKSND huyện Phú Vang. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành tiêu hủy, đại diện VKSND đã không nhất trí cho tiêu hủy các vật chứng nói trên. Với lý do: 19kg lõi đồng dây điện, mặc dù được Tòa án quyết định tiêu hủy do không còn giá trị sử dụng, nhưng xét về giá trị phế liệu vẫn còn giá trị (khoảng 1.500.000đ). Vì vậy, đề nghị sung công quỹ Nhà nước chứ không tổ chức tiêu hủy.

Còn đối với 27 gói cần sa do đang được niêm phong nên trước khi tiêu hủy cần phải lập Hội đồng mở niêm phong để xác định trong gói niêm phong có phải là cần sa hay không rồi mới được tiêu hủy.

Xung quanh ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nói trên, hiện nay đang có các quan điểm khác nhau:

* Đối với vụ 19kg lõi đồng dây điện:

Quan điểm thứ nhất, đồng ý với quan điểm của Viện kiểm sát là đề nghị sung công quỹ Nhà nước. Vì xét về giá trị phế liệu 19kg lõi đồng dây điện vẫn có giá trị. Do đó, cần tận thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thủ tục sung công như thế nào? Do cơ quan nào tổ chức bán để sung công thì chưa có văn bản nào quy định cụ thể trong những trường hợp này.

Quan điểm thứ hai thì cho rằng, không thể sung công 19kg lõi đồng dây điện nói trên. Vì như thế sẽ trái với quyết định của Bản án. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Pháp lệnh THADS 2004 thì Chấp hành viên có nhiệm vụ thi hành đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Đồng thời tại điểm a Khoản 1 Điều 36 của Pháp lệnh THADS 2004 cũng quy định: “vật chứng, tài sản phải tiêu hủy theo bản án, quyết định của Tòa án”.

Hơn nữa, việc quyết định có tiêu hủy hay không là thuộc thẩm quyền của Hội đồng tiêu hủy, còn đại diện VKSND chỉ tham gia để giám sát hoạt động tiêu hủy vật chứng có tuân thủ đúng quy định của pháp luật hay không, nếu hoạt động tiêu hủy vật chứng không tuân thủ các quy định của pháp luật thì VKSND có quyền kháng nghị, chứ không có quyền tham gia với tư cách như một thành viên của Hội đồng tiêu hủy.

Do đó, quan điểm này cho rằng cần tiến hành tiêu hủy vật chứng theo quyết định của Bản án. Vấn đề mấu chốt ở đây là Hội đồng tiêu hủy cần xác định hình thức tiêu hủy như thế nào cho phù hợp và đúng quy định pháp luật.

Mỗi quan điểm trên đều có những có những cơ sở và cách luận giải khá hợp lý, nhưng theo tôi quan điểm thứ hai có cơ sở hơn. Tuy nhiên trên thực tế để thực hiện theo quan điểm thứ hai cũng đang là một vấn đề tương đối khó khăn cho các cơ quan THADS. Bởi các công cụ, phương tiện hỗ trợ cho việc tiêu hủy còn thiếu và chưa đảm bảo nên nhiều vật chứng chưa được tiêu hủy triệt để.

* Đối với vụ 27 gói cần sa:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, trước khi tiêu hủy Hội đồng tiêu hủy chỉ cần đối chiếu với biên bản giao nhận và kiểm tra các chữ ký trên gói niêm phong, nếu gói niêm phong còn nguyên, không bị rách nát hoặc có dấu hiệu khả nghi thì cho tiến hành tiêu hủy mà không cần thành lập Hội đồng mở niêm phong.

Quan điểm thứ hai cho rằng, khi tiêu hủy các loại vật chứng đang được niêm phong cần phải thành lập Hội đồng mở gói niêm phong trước khi cho tiêu hủy.

Quan điểm này có vẽ chặt chẽ và có lý hơn. Nhưng trên thực tế để thực hiện theo quan điểm này là không đơn giản và có nhiều trường hợp không thực hiện được.

Trở lại trường hợp 27 gói cần sa nói trên, nếu thành lập Hội đồng mở gói niêm phong để xác định trong gói niêm phong đó có đúng là cần sa hay không thì trước hết cần phải mời những người đã ký trên niêm phong đó. Tuy nhiên, những người ký trên gói niêm phong đó cũng chỉ có thể xác nhận được đó có phải là chữ ký của họ hay không mà thôi, còn để xác định trong đó có phải là ma túy (cần sa) hay không thì lại cần phải trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự. Sau khi có trưng cầu giám định của Viện khoa học hình sự thì ma túy (cần sa) lại tiếp tục được niêm phong để chuyển về bảo quản tại kho vật chứng của cơ quan THADS theo thẩm quyền, và khi tổ chức tiêu hủy lại phải thành lập Hội đồng mở gói niêm phong và cứ thế chẳng bao giờ tiêu hủy được vật chứng là ma túy đựng trong gói niêm phong. Điều này chẳng khác gì chuyện “con gà và quả trứng”.

b) Khó khăn thứ hai, đó là loại vật chứng, tài sản mà bản án, quyết định của Tòa án tuyên tich thu sung qũy Nhà nước.

Theo quy định tại điểm 2.1 Khoản 2 Điều 8 của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính) thì: “Đối với tài sản có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước của cơ quan Tòa án đã được cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án thông báo và chuyển giao tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp để cơ quan tài chính tổ chức xử lý“.

Thực hiện quy định này, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày ra quyết định tịch thu tài sản, cơ quan thi hành án thông báo bằng văn bản cho cơ quan tài chính để cơ quan tài chính tiếp nhận tài sản. Tuy nhiên, do điều kiện cơ quan tài chính, đặc biệt là cơ quan tài chính cấp huyện hầu hết không có kho nên thường ủy quyền cho cơ quan thi hành án tiếp tục bảo quản cho đến khi tài sản đó được cơ quan tài chính xử lý.

Căn cứ vào Khoản 4 Điều 1 của Quyết định số 29/2000/QĐ-BTC ngày 29/2/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý và xử lý tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1766/1998/QĐ-BTC ngày 07/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì: “Trong thời hạn không quá 30 ngày (đối với tài sản là hàng hóa tiêu dùng thông thường), 60 ngày (đối với tài sản là ô tô, xe máy, tàu thuyền, máy móc, thiết bị chuyên dùng…) kể từ ngày tiếp nhận các tài sản này, cơ quan tài chính phải trình UBND cùng cấp ra quyết định thành lập Hội đồng định giá bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản đó“.

Pháp luật thì quy định như vậy, nhưng trên thực tế ở nhiều địa phương khi cơ quan thi hành án chuyển giao những tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước cho cơ quan tài chính xử lý thì mãi tới 1 đến 2 năm sau cơ quan tài chính mới tổ chức bán đấu giá tài sản, dẫn đến có nhiều tài sản phải tiêu hủy vì đã quá hạn sử dụng (tại thời điểm Tòa án tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước thì tài sản còn thời hạn sử dụng, nhưng đến lúc cơ quan tài chính bán đấu giá thì đã quá hạn sử dụng). Thực trạng trên đã dẫn đến một số bất cấp sau:

Thứ nhất, do cơ quan tài chính không xử lý kịp thời dẫn đến nhiều tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước giảm giá trị, thậm chí không còn giá trị nên phải tổ chức tiêu hủy làm thất thu và gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.

Do đó, ngoài việc quy định thời hạn xử lý tài sản của cơ quan tài chính, pháp luật cần quy định trách nhiệm và có chế tài đối với những trường hợp do cơ quan tài chính chậm xử lý dẫn đến thiệt hại về tài sản sung quỹ Nhà nước.

Thứ hai, hiện nay vẫn đang còn có quan điểm khác nhau về thời điểm kết thúc việc thi hành án để đưa hồ sơ vào lưu trữ đối với những loại việc nói trên:

+ Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi cơ quan THA bàn giao tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quyết định của Tòa án cho cơ quan tài chính xử lý thì Trưởng thi hành án ra quyết định kết thúc việc thi hành án (nếu các khoản khác cũng đã được thi hành xong). Còn việc khi nào cơ quan tài chính xử lý tài sản đó là trách nhiệm của cơ quan tài chính, chứ việc thi hành án đến đây coi như đã kết thúc.

+ Quan điểm thứ hai cho rằng, mặc dù cơ quan THA đã tiến hành thủ tục chuyển giao cho cơ quan tài chính, nhưng nếu cơ quan tài chính chưa xử lý tài sản đó thì việc thi hành án vẫn chưa xong, do đó chưa thể đưa hồ sơ thi hành án vào lưư trữ được. Việc thi hành án chỉ kết thúc và đưa vào lưu trữ khi nào có đủ chứng từ xử lý tài sản đó của cơ quan tài chính như: giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc biên bản tiêu hủy, quyết định tiêu hủy của Hội đồng bán đấu giá…

Theo quan điểm này, rõ ràng những việc thi hành án liên quan đến tài sản tịch thu sung quỹ Nhà nước kết thúc khi nào còn phụ thuộc quá trình xử lý tài sản của cơ quan tài chính có thẩm quyền. Vì vậy, nhiều việc thi hành án mặc dù được xác định là có điều kiện thi hành nhưng vẫn chưa thi hành được do cơ quan tài chính có thẩm quyền chưa xử lý vật chứng, tài sản. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân tồn đọng của loại việc thi hành án có điều kiện.

*Lời kết:

Trên đây là một số vướng mắc trong việc tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng, tài sản, rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp nêu trên, nhằm đảm bảo cho việc áp dụng thống nhất pháp luật trong cả nước, tránh tình trạng mỗi địa phương áp dụng một kiểu.

KHÔNG SỬ DỤNG BÀI VIẾT VÀO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI KHI CHƯA ĐƯỢC TÁC GIẢ ĐỒNG Ý – THS. CÙ HOÀNG HANH – Thi hành án dân sự huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)