1. Khái quát về cưỡng chế thi hành án dân sự

Cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp nghiêm khắc được Chấp hành viên áp dụng trong quá trình tổ chức thi hành án, thể hiện việc cơ quan Thi hành án dân sự sử dụng quyền lực nhà nước để buộc người phải thi hành án thi hành nghĩa vụ mà bản án, quyết định đã tuyên.Trên cơ sở các quy định hiện hành, có thể hiểu rằng, cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp cưỡng bức bắt buộc của cơ quan Thi hành án dân sự do Chấp hành viên quyết định theo thẩm quyền, nhằm buộc đương sự phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của tòa án, được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành trong thời hạn do Chấp hành viên ấn định, hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán, hủy hoại tài sản.
Theo Điều 71 Luật thi hành án dân sự sửa đôi 2014 thì:
Điều 71. Biện pháp cưỡng chế thi hành án
1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

2. Chủ thể, vai trò của cưỡng chế thi hành án dân sự

Nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, giữ nghiêm kỷ cương pháp luật chung của nhân dân, xã hội, nhà nước, trong đó có cả lợi ích cá nhân. Xác định rõ quyền lực của nhà nước bằng việc cho phép cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp bảo đảm, các biện pháp cưỡng chế, xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi chống đối, các hành vi vi phạm các quy định về thi hành án dân sự. Là phương tiện để nhà nước quản lý xã hội, triển khai những chủ trương, chính sách của nhà nước một cách đồng bộ và có hiệu quả nhất trên quy mô cả nước, đồng thời đó cũng là phương tiện để nhà nước kiểm soát các hoạt động của Chấp hành viên, của các tổ chức, các cơ quan và mọi công dân trong cưỡng chế thi hành án dân sự. Góp phần làm rõ thêm các chủ trương, chính sách của nhà nước, đặc biệt là chủ trương xây dựng nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đều phải chấp hành các quy định của pháp luật.Tất cả mọi người tham gia việc cưỡng chế thi hành án đều phải chấp hành một cách nghiêm chỉnh và triệt để, không phân biệt giữa người này hay người khác.Điều kiện, phương thức cưỡng chế thi hành án dân sự.
Quy định về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên Về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự: Cơ quan quản lý Thi hành án dân sự gồm có cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Cơ quan Thi hành án dân sự gồm có: Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương.
Quy định về Chấp hành viên: Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp. Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 20 Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 thì:
Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên
1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.
4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.
6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.
9. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.
10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.

3. Quy định về thẩm quyền áp dụng và tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự

Chấp hành viên có quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án; Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.
Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; quyết định thi hành án; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; yêu cầu bằng văn bản của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 130 Luật Thi hành án dân sự.
Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết, trừ trường hợp người phải thi hành án tự nguyện đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án và các chi phí liên quan. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án. Ngoài những trường hợp không tổ chức cưỡng chế thi hành án do Luật Thi hành án dân sự quy định, cơ quan thi hành án dân sự không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án; các trường hợp đặc biệt khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
Trong trường hợp cần thiết, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu báo cáo Tư lệnh quân khu và tương đương ít nhất là 05 ngày làm việc trước khi tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 172, Khoản 2 Điều 173 và Khoản 2 Điều 174 của Luật Thi hành án dân sự.
Các yếu tố tác động đến thực hiện pháp luật về cưỡng chế thi hành án dân sự. Năng lực thực thi công vụ của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên thi hành án dân sự. Chấp hành viên thi hành án dân sự là một chức danh Tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm theo quy trình, thủ tục nhất định khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước giao nhiệm vụ tổ chức thi hành hoặc trực tiếp thi hành các bản án, quyết định theo quy định của pháp luật; được sử dụng quyền lực nhà nước để tổ chức thi hành án dân sự.
Hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự được thực hiện chủ yếu thông qua hoạt động của đội ngũ Chấp hành viên, về bản chất, là hoạt động áp dụng pháp luật; do đó, các hoạt động tác nghiệp của đội ngũ Chấp hành viên phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành án dân sự. Nếu áp dụng pháp luật một cách đơn giản, cứng nhắc thì sẽ không đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn, mà có khi lại dẫn đến tình trạng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng không thể thi hành được trên thực tế hoặc có thi hành được thì hậu quả xã hội xảy ra lại rất khó khắc phục. Điều này rất dễ nhận thấy ở những vụ cưỡng chế thi hành án lớn mà gần đây các phương tiện truyền thông đưa tin.
Chấp hành viên phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ để có thể áp dụng pháp luật một cách năng động, linh hoạt, khéo léo. Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của Chấp hành viên thi hành án dân sự, về cơ bản, bao gồm các yếu tố như trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật; ý thức pháp luật nghề nghiệp; kỹ năng nghiệp vụ công tác; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống…

4. Ý thức pháp luật của các bên liên quan trong cưỡng chế thi hành án dân sự

Ý thức chấp hành pháp luật thể hiện qua thái độ tự giác, tự nguyện thi hành án, tự thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự đã được bản án, quyết định ghi nhận, thể hiện ý chí và sự mong muốn của các bên. Kết quả của tự nguyện thi hành án là tiền đề, cơ sở và là căn cứ để Chấp hành viện áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án nếu đương sự không tự nguyện thi hành án. Chủ thể của tự nguyện thi hành án không chỉ là người được thi hành án, người phải thi hành án, mà còn có thể là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trường hợp nếu các bên không có ý thức tự giác, tự nguyện thi hành án, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình, thì Chấp hành viên buộc phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế là hết sức cần thiết, bảo đảm công lý được thực thi, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tuy nhiên, nó cũng có thể làm tốn kém thời gian, chi phí, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

5. Sự phối hợp của các bên liên quan trong cưỡng chế thi hành án dân sự

Hoạt động thi hành án dân sự liên quan đến nhiều hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng khác, đòi hỏi các cơ quan này phải tham gia giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì mới có thể xử lý được các vấn đề liên quan đến thi hành án dân sự, như: hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp, Văn phòng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan Tài nguyên và môi trường trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hoạt động của cơ quan Thuế trong việc tính thuế, nghĩa vụ tài chính đối với tài sản thi hành án; hoạt động của cơ quan Công an trong bảo vệ cưỡng chế, khởi tố vụ án hình sự về tội không chấp hành án, tống đạt tài liệu, trả giấy tờ, tài sản cho phạm nhân, trích xuất phạm nhân là người phải thi hành án để Chấp hành viên làm việc trực tiếp; hoạt động của Tòa án nhân dân các cấp trong xét xử, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty Luật LVN Group