Chính vì thế, Pháp luật quy định khi bản án, quyết định của Toà án được đưa ra thi hành thì người phải thi hành án phải tự nguyện thi hành. Nếu không tự nguyện thi hành khi có đủ điều kiện thi hành và đã hết thời gian tự nguyện theo quy định tại khoản 3, điều 6 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 thì đương nhiên phải bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo điều 37 Pháp lệnh.
>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191
Trong sáu biện pháp cưỡng chế thi hành án, biện pháp kê biên, xử lý tài sản thường được áp dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, giai đoạn tiến hành kê biên tài sản thường gặp nhiều khó khăn và phức tạp, khi kê biên xong là chiếm tỉ lệ được hơn 50% công đoạn của quá trình kết thúc thi hành án. Nhưng kê biên được rồi ! xử lý tài sản lại là vấn đề phức tạp hơn, mất nhiều thời gian hơn, có khi không xử lý được tài sản. Nhất là, trong thời cuộc mà cả thế giới đang gánh chịu sự khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì vấn đề xử lý, bán tài sản, (nhà ở, đất đai, tàu thuyền…) rất chậm và không có người mua. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến không xử lý được tài sản sau khi đã hoàn tất giai đoạn kê biên. Xoáy quanh vấn đề này, tác giả bài viết muốn nêu lên một số trường hợp mà trong thực tế thi hành án dân sự gặp phải và rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Có những trường hợp sau khi kê biên nhà ở (tài sản thế chấp Ngân hàng), và tiến hành định giá theo quy định pháp luật và được ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá để bán, thông bán nhiều lần nhưng không có người nào đến hỏi thăm. Tiếp tục định giá theo hướng giảm giá (Điều 48 pháp lệnh THADS năm 2004) lần 1, lần 2 và tiếp tục uỷ quyền Trung tâm bán đấu giá để bán, vẫn không một lời nào hỏi thăm những ngôi nhà đăng ký bán. Nếu chúng ta, tính toán trị giá tài sản nhà và đất sau khi giảm giá lần 2 so sánh với giá cả thị trường việc mua đất và vật liệu để xây dựng nên một căn nhà như thế thì không đủ chi phí hoàn thiện ngôi nhà như cũ. Vậy mà không có người mua tài sản đấu giá. Phải chăng? do thời cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến việc mua bán nhà, đất đai và tài sản? hay do thị trường bất động sản đang khựng lại và kéo theo những người có nhu cầu mua không đủ tiền để mua, tuy họ rất muốn được sở hữu một căn nhà đấy… Vì thế, kê biên được tài sản chỉ là một giai đoạn ban đầu, xử lý tài sản mới là quan trọng, bởi nó chấm dứt được giai đoạn cuối của quá trình thi hành án dân sự và đi đến kết thúc một vụ việc thi hành án.
Có những trường hợp, kê biên Tàu – Thuyền của người phải thi hành án vùng ven biển, đó là những động sản đặc biệt luôn lênh đênh trên biển. Khi tiến hành kê biên được một chiếc tàu- thuyền là vô cùng khó khăn, còn việc giao bảo quản cũng khó, ít có cá nhân, tổ chức nào muốn nhận bảo quản. Họ ngại rằng, những tài sản đó luôn ở trên mặt nước, nếu chưa kịp xử lý mà gặp mùa mưa bão tài sản hư hỏng, trách nhiệm sẽ ra sao?. Cho nên, từ việc kê biên, bảo quản, xử lý tài sản khó khăn, phức tạp hơn những tài sản khác. Song những người dân ở vùng biển cuộc sống kinh tế khó khăn, nguồn thu nhập của họ phụ thuộc vào nghề “Chim trời cá nước”. Do đó, khó xác định được thu nhập ổn định để thi hành án mà chỉ việc tiến hành kê biên tài sản-Tàu thuyền đánh cá vừa là tài sản chính vừa phương tiện phục vụ thiết yếu của cả gia đình họ. Chính vì thế, khi cơ quan thi hành án tiến hành kê biên Tàu thuyền phải đối mặt với sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án. Kê biên được rồi, xử lý bán tài sản càng khó khăn hơn. Một phần, người có nhu cầu muốn mua quan niệm rằng: “Tài sản bị cưỡng chế kê biên thì làm ăn không được may mắn, có đi đánh bắt cá cũng không hiệu quả…” Thế là, tin gần đồn xa không có người muốn mua. Mặt khác, thời gian qua nghề đánh bắt cá ít hiệu quả, thường xuyên thua lỗ, xăng dầu lên giá bất thường, việc bán đấu giá tàu thuyền cũng rất chậm, rất ít người mua cho dù qua nhiều lần giảm giá.
Cuối cùng giao cho bên được thi hành án nhận khấu trừ theo điều 48 pháp lệnh THADS, có khi họ cũng không muốn nhận. Có trường hợp bên được thi hành án nhận thì gặp rắc rối bên phải thi hành án không chịu giao, buộc phải cưỡng chế lần nữa… Nhìn chung, trong thực tiễn thi hành án gặp phải vô vàng khó khăn và không chỉ phức tạp trong quá trình cưỡng chế kê biên tài sản mà còn vướng mắc hơn ở giai đoạn xử lý tài sản và tài sản không bán được.
Hy vọng, với chính sách đổi mới của Chính Phủ và sự ra đời của luật thi hành án dân sự sẽ tác động tích cực và góp phấn nâng cao hiệu quả hơn trong công tác thi hành án dân sự, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà nước, công dân và tổ chức, bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án đã ban hành. Đồng thời, góp phần thực hiện nghiêm kỷ cương, phép nước và nâng cao hơn vai trò nhiệm vụ của người thực hiện công tác thi hành án dân sự./.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP
Trích dẫn từ: http://tha.moj.gov.vn
(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)