Bạo lực liên tục gia tăng…

Những vụ đánh đấm, chém giết trong giới học sinh liên tục xảy ra với mức độ vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước đã khiến tình hình an ninh trật tự ngoài cổng trường ở TP HCM luôn trong tình trạng báo động. Vì tức nhau câu nói, ánh nhìn hay chỉ đơn giản vì yêu đương mù quáng mà nhiều dân teen hiền lành trong phút chốc lột xác thành kẻ côn đồ, thậm chí là hung thủ giết người.

Vụ trọng án học sinh sát hại “tình địch” vì nghĩ rằng mình bị cướp người yêu xảy ra trên đường Tú Xương (quận 3) vào trung tuần tháng 11/2010 là minh chứng điển hình của vấn nạn này. Hồ sơ vụ án cho biết, chiều 18/11, trên đường đi học về, em Đặng Hoàng Tiến (học sinh lớp 10A14) bị 2 đối tượng đi xe gắn máy tiếp cận dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát vào bụng gây tử vong khi em vừa rời cổng trường khoảng 100m. Sau khi gây án, bị quần chúng truy đuổi nên 2 hung thủ bỏ lại xe máy và được gia đình đưa ra Công an phường 7, quận 3 đầu thú ngay trong đêm. Đối tượng gây án là Nguyễn Văn Dư (15 tuổi, ngụ đường Mả Lạng, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, học sinh Trường Cao đẳng Nam Sài Gòn).

Tại cơ quan điều tra, Dư khai yêu Phạm Ngọc Uyên, 15 tuổi, học cùng trường với Tiến. Do Tiến hay trò chuyện thân mật với Uyên nên giữa Tiến và Dư xảy ra xích mích. Để bảo vệ tình yêu, Dư rủ anh họ là Lê Nguyễn Trọng Quý (cùng 15 tuổi và cùng ngụ tại địa chỉ trên) lận mã tấu gặp Tiến đặng nói chuyện phải quấy và kết thúc cuộc gặp gỡ bằng án mạng nghiêm trọng.

Giữa lúc còn chưa hết bàng hoàng trước vụ án mạng học sinh đánh ghen gây chết người thì dư luận tại TP HCM nhận thêm cú sốc khác. Đó là đoạn video clip được phát tán trên mạng Internet với cảnh 4 nữ sinh dồn ép một bạn gái vào chân tường ở lớp học, bạo tàn làm nhục bạn bằng việc ép phải cởi áo đồng phục để lộ ngực trần rồi lao vào văng tục thóa mạ, nắm tóc đánh đập, hắt nước vào người…

Sau khi đoạn clip dài hơn 5 phút được tung lên mạng, cơ quan Công an vào cuộc và nhanh chóng xác định hung thủ và nạn nhân là học sinh lớp 8A5 Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (đường Nguyễn Trãi, quận 5). Nguyên nhân của màn tra tấn hội đồng theo lời khai ban đầu của các “hung thủ” rất đơn giản. Trước đây “nạn nhân” chơi chung nhóm nhưng do mâu thuẫn với một thành viên trong nhóm nên hay có cái nhìn thiếu thiện cảm và đã bị trừng phạt.

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến - 1900.0191

Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoạigọi:  1900.0191

Chống bạo hành học đường bằng kiến thức pháp luật

Sáng 29/11, trao đổi với PV Báo CAND tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Thị Hồng Gấm (quận 3) khi các chiến sỹ trong Đội Tuyên truyền thuộc Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) tổ chức buổi giao lưu, phổ biến kiến thức về pháp luật cho hơn 400 học sinh tại trường, Đại úy Nguyễn Đoàn Minh Huy, Bí thư Đoàn PC45 cho biết, có rất nhiều lý do giải thích hành vi bạo lực, thói hành xử côn đồ trong giới học sinh nhưng lý do mà ai cũng thấy là do các em kém hiểu biết về luật pháp, các em không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật: “Kiến thức về luật pháp của học sinh tại nhiều trường THPT trên địa bàn TP HCM, trong đó có Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lê Thị Hồng Gấm rất hạn chế”.

Đại úy Huy, lưu ý: “Phần lớn các em không biết ở độ tuổi nào là chịu trách nhiệm hình sự với hành vi phạm tội do mình gây ra. Trong nhiều vụ án học trò, khi bị bắt các hung thủ tuổi teen không ý thức được việc cho mượn hung khí gây án, chở bạn đến điểm đánh nhau là những hành vi vi phạm Luật Hình sự… Nhiều trường hợp các em chỉ nghĩ đơn giản nếu phạm tội không lo bị Công an bắt xử tù vì đang là học sinh, chỉ chịu trách nhiệm với nhà trường, gia đình, cùng lắm bị xử lý kỷ luật đuổi học. Các em không bị khởi tố trách nhiệm hình sự. Và cũng vì kém hiểu biết nên nhiều em gây án không đắn đo…”.

Theo Đại úy Võ Duy Thắng, thành viên Đội Tuyên truyền PC45, không dừng lại ở phạm vi người lớn, trong giới học trò đã và đang tồn tại suy nghĩ, quan điểm giải quyết các mâu thuẫn bằng sức mạnh. Khi xảy ra mâu thuẫn, các em học sinh không nghĩ đến biện pháp giải quyết ôn hòa, nhờ thầy cô, đoàn trường hoặc gia đình giúp đỡ, can thiệp mà kéo băng nhóm, người thân, bạn bè sử dụng vũ lực, hung khí tấn công đối phương, xem đó là biện pháp hữu hiệu để giải quyết bức xúc… Chính điều này đã dẫn đến nhiều tai nạn học đường thương tâm, điển hình là vụ trọng án liên quan đến học sinh ở TTGDTX Lê Thị Hồng Gấm xảy ra vào chiều 18/11.

Trước thực trạng văn hóa ứng xử trong học đường có dấu hiệu xuống cấp, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về luật pháp cho học sinh sinh viên hơn lúc nào hết rất cần thiết và cấp bách. Anh Nguyễn Minh Phương, Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của việc phố biến kiến thức cho sinh viên nên từ 3 năm qua, năm học nào trường cũng phối hợp với Đội Tuyên truyền PC 45 giao lưu, phổ biến kiến thức luật pháp nhằm phòng ngừa tội phạm trong sinh viên cũng như ngăn ngặn nguy cơ các em bị bọn tội phạm dụ dỗ, ép buộc vào hoạt động vi phạm pháp luật. Nhờ vậy mà tỷ lệ phạm tội trong sinh viên nhà trường đạt được nhiều bước tiến khả quan.

“Sau các buổi tuyên truyền, sinh viên ở trường đã thay đổi quan điểm, lối sống, cách hành xử, các em biết tôn trọng luật pháp và biết giữ mình trước những nguy cơ phạm tội” – anh Phương chia sẻ

Nguồn: Báo Công an nhân dân điện tử

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

THAM KHẢO DỊCH VỤ PHÁP LUẬT LIÊN QUAN:

1. Dịch vụ Luật sư của LVN Group, tư vấn pháp luật;
2. Luật sư tư vấn pháp luật hình sự;
3. Dịch vụ Luật sư của LVN Group bào chữa tại tòa án;
4. Luật sư tranh tụng các vụ án hình sự;
5. Luật sư tư vấn thu hồi nợ cho doanh nghiệp;
6. Luật sư tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực hình sự;