Tư vấn thủ tục rút tiền sổ bảo hiểm xã hội ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi : Rút bảo hiểm xã hội có cần sổ hộ khẩu hay giấy tạm trú không ạ? Cảm ơn
-Tuan Anh

Trả lời:

Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm:

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

3. Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

4. Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 và điểm c khoản 1 Điều 77 của Luật này.

5. Đối với người lao động quy định tại Điều 65 và khoản 5 Điều 77 của Luật này thì hồ sơ hưởng trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì sổ hộ khẩu hay giấy tạm trú không phải là giấy tờ cần phải có khi rút BHXH 1 lần.

Doanh nghiệp ép người lao động mang thai nghỉ việc ?

Chào Luật sư của LVN Group! Em đang mang thai được 9 tuần, do thai nghén nặng và dọa sảy, ở tuần thứ 5 e phải nhập viện 11 ngày ( từ ngày 12/5/2017 đến ngày 22/5/2017) ra viện bác sĩ viết giấy nghỉ ốm hưởng bhxh 7 ngày (từ ngày 23/5 đến ngày 29/5). Hết thời gian nghỉ em đi làm nhưng vẫn nghén nặng nên em xin nghỉ và được công ty cho nghỉ không lương một ngày 30/5. Sau đó em lại tiếp tục đi làm nhưng đến ngày 5/6 em không đi làm được do bị sốt . Em xin nghỉ không lương một tuần nhưng công ty không ký cho nghỉ và 6/6 e đi làm, hết giờ làm việc thì phía công ty gọi em vào nói chuyện để ép em thôi việc với lý do sức khỏe em yếu không làm việc. Em đã làm việc tại công ty từ ngày 27/6/2016 hết 2 tháng thử việc em tham gia bhxh đầy đủ. Vậy 7/6 em đến bệnh viện xin giấy nghỉ ốm hưởng bhxh 1 tuần, mà phía công ty vẫn không giải quyết cho em nghỉ mà ép thôi việc. Điều đó là đúng hay sai luật lao động? Em xin cảm ơn!
-Bùi Thị Thu

Trả lời:

Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 quy định về việc bảo vệ thai sản đối với lao động nữ như sau:

1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:

a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;

b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.

4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.

5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Như vậy theo quy định của pháp luật thì trong thời gian bạn mang thai và sinh con thì phía công ty không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay sa thải bạn. 

Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy đinh: Thời gian hưởng chế độ ốm đau

1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:

a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;

b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

3. Thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này căn cứ vào thời gian điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Như vậy, trường hợp của bạn đã đóng BHXH nhưng chưa đủ 15 năm nên thời gian nghỉ chế độ ốm đau tối đa trong 1 năm đối với bạn là 30 ngày. Do bạn mới chỉ hưởng chế độ ốm đau 7 ngày nên bạn vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. 

Chế độ thai sản khi thôi việc ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Em tham gia BHXH tháng 11/2015 đến tháng 4/2017, em viết đơn thôi việc. E có thai dự kiến sinh cuối năm 2017. Vậy em có được hưởng chế độ thai sản không?
-My Tien Lam Thi

Trả lời:

Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Điều kiện hưởng chế độ thai sản

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

4. Người lao động đủ điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại các Điều 34, 36, 38 và khoản 1 Điều 39 của Luật này.

Như vậy, nếu bạn dự kiến sinh cuối năm 2017 thì trong vòng 12 tháng trước khi sinh tức là từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017 bạn phải đóng đủ 06 tháng BHXH, tuy nhiên đến tháng 04/2017 bạn không đóng BHXH nữa do đó bạn không đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.

Tư vấn về bảo hiểm xã hội (BHXH) một (1) lần?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi làm việc tại cty thứ nhất 3 năm đã lãnh bhtn 6 tháng và lãnh bhxh 1 lần. Tháng cuối cùng đóng bhxh là t2/2014 Trong thời gian lãnh bhtn tôi đi làm cty mới đóng bhxh cho tôi vào t5/2014. Tôi nghỉ việc t9/2016. Do biết sai về việc lãnh bhtn lần đầu nên tôi ko lãnh bhtn lần 2 này. Tới t10 /2017 này là hạn lãnh bhxh 1 lần. Không biết là tôi có được lãnh ko hay phải trả lại số tiền bhtn đã lãnh trước đó.

-Loaken 

Trả lời:

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau:

1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội;

c) Ra nước ngoài để định cư;

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

 Việc lãnh bảo hiểm thất nghiệp và việc rút BHXH là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Do đó nếu bạn đã đủ điều kiện để rút BHXH 1 lần, bạn hoàn toàn có thể làm hồ sơ để hưởng BHXH tại cơ quan bảo hiểm nơi bạn cư trú.

Hướng dẫn về chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần?

Thưa Luật sư của LVN Group! Mình tham gia BHXH năm 2009 bà đến thánh 5/ 2013 mình nghỉ việc. Khi đó mình đóng bhxh ngoài bắc. Tháng 10/2013 mình vào nam.làm việc và tiếp tục đóng bh. Đến tháng 2/2014 mình nghỉ việc. Hiện tại mìn muốn rút tiền bhxh có được không và mình rút ở đâu. Cảm ơn Luật Sư

-Đoàn Thu Thúy

Trả lời:

Trong trường hợp bạn nghỉ việc từ tháng 02/2014 và trong khoảng thời gian này bạn vẫn không tiếp tục đóng BHXH thì bạn mới đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Khi đủ điều kiện, bạn có thể trực tiếp nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH nơi bạn cư trú: 

Hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần được quy định tại Điều 109 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 bao gồm:

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

3. Đối với người ra nước ngoài để định cư phải nộp thêm bản sao giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bản dịch tiếng Việt được chứng thực hoặc công chứng một trong các giấy tờ sau đây:

a) Hộ chiếu do nước ngoài cấp;

b) Thị thực của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp có xác nhận việc cho phép nhập cảnh với lý do định cư ở nước ngoài;

c) Giấy tờ xác nhận về việc đang làm thủ tục nhập quốc tịch nước ngoài; giấy tờ xác nhận hoặc thẻ thường trú, cư trú có thời hạn từ 05 năm trở lên của cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp.

4. Trích sao hồ sơ bệnh án trong trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 và điểm c khoản 1 Điều 77 của Luật này.

5. Đối với người lao động quy định tại Điều 65 và khoản 5 Điều 77 của Luật này thì hồ sơ hưởng trợ cấp một lần được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Thời gian giải quyết chế độ BHXH một lần được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:

Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động đủ điều kiện và có yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần nộp hồ sơ quy định tại Điều 109 của Luật này cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Mọi vướng mắc pháp luật về bảo hiểm xã hội vui lòng gọi: 1900.0191 đội ngũ Luật sư của LVN Group, luật gia, chuyên gia pháp lý của Công ty luật LVN Group luôn lắng nghe và sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật bảo hiểm xã hội – Công ty luật Minh KHuê